Trầm lắng thị trường gạch xây dựng

Thứ năm - 25/02/2016 09:28 - 3094 lượt xem
Nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động, giá bán thấp khiến thị trường gạch xây dựng vẫn còn trầm lắng. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất gạch thủ công Tuấn Cường ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) vẫn hoạt động bình thường sau lệnh cấm
Nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động, giá bán thấp khiến thị trường gạch xây dựng vẫn còn trầm lắng. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất gạch thủ công Tuấn Cường ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) vẫn hoạt động bình thường sau lệnh cấm
Sau Tết Bính Thân, do cung vượt cầu nên giá gạch xây dựng giảm, có lợi cho người dân đầu tư xây dựng công trình nhà ở...
Sau khi thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc dừng hoạt động sản xuất đối với các loại lò gạch thủ công, giá gạch xây trên thị trường đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, sau Tết do nhu cầu sử dụng gạch giảm nên giá gạch cũng giảm.

Tiêu thụ chậm

Thông thường hằng năm, sau Tết Nguyên đán do việc xây dựng các công trình của các doanh nghiệp, Nhà nước và xây dựng dân dụng chưa bắt nhịp trở lại nên lượng gạch tiêu thụ giảm. Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Nhà máy gạch tuynel Hải Dương (Công ty CP Viglacera Từ Sơn) ở khu 5, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cho biết sau Tết đã nửa tháng nhưng gạch của nhà máy vẫn bán rất chậm. Mỗi ngày nhà máy tiêu thụ được khoảng 1 vạn viên, chỉ bằng 20% so với thời điểm cuối tháng 12-2015 và tháng đầu năm 2016. Dịp cuối năm 2015 do nhu cầu xây dựng lớn cùng với tác động của việc tỉnh cấm sản xuất gạch thủ công nên gạch bán khá chạy, giá gạch của nhà máy đã tăng 100 đồng/viên (khoảng 15%) so với những tháng trước đó. Nay do nhu cầu chưa tăng trở lại nên nhà máy đã dừng sản xuất, tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất cho thời gian tới.

Theo ông Vũ Văn Hạt, Giám đốc Công ty TNHH Gạch Đồng Tâm (Tứ Kỳ), cách đây 2 tháng, gạch tuynel của công ty bán rất chạy, giá gạch cũng nhỉnh lên đôi chút. Giá gạch rỗng 40% là 750 đồng/viên, gạch rỗng 30% là 900 đồng/viên, gạch đặc 1.170 đồng/viên, tăng từ 15 - 18%. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, gạch bán chậm, giảm 100 đồng/viên, mỗi ngày doanh nghiệp chỉ tiêu thụ được từ 2 - 3 vạn viên, bằng 25% so với trước Tết. Theo ông Hạt, nguyên nhân do các công trình dân dụng ít khởi công trong tháng 1 âm lịch. Mặt khác, do thông tin cấm lò gạch thủ công hoạt động, lo sợ gạch sẽ lên giá nên nhiều gia đình dự kiến xây dựng nhà đầu năm nay đã mua gạch từ trước Tết.

Sau khi UBND tỉnh quyết định dừng sản xuất đối với các lò gạch thủ công, không ít người dự báo giá gạch xây dựng sẽ chịu tác động theo chiều hướng tăng, thậm chí tăng giá mạnh. Ông Nguyễn Văn Cường, một chủ thầu xây dựng ở Gia Lộc và ông Hoàng Văn Thanh, chủ thầu xây dựng ở TP Hải Dương cho biết dù đã thực hiện lệnh dừng sản xuất gạch thủ công song giá gạch xây ngoài Tết lại giảm. Nguyên nhân của các lò còn tồn do gạch nhiều nên giá bán khoảng 1.000 đồng/viên, tương đương với thời điểm trước khi cấm lò. Giá gạch và vật liệu xây dựng ổn định như hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở. 

Ông Nguyễn Văn Sơn đang xây nhà hàng tại đường Bà Triệu (TP Hải Dương) cho biết: "Công trình của chúng tôi tiêu thụ gần 10 vạn viên gạch thủ công. Giá gạch biến động không lớn, từ 50 - 100 đồng/viên. Công trình của tôi xây dựng gần 5 tỷ đồng song tiền gạch chỉ khoảng 100 triệu đồng. Phần biến động giá chỉ mất thêm khoảng 5 triệu đồng, không ảnh hưởng lớn. Giá gạch hiện nay xuống thấp sẽ có lợi cho người dân đầu tư xây dựng công trình". 

Cung vượt cầu

Qua khảo sát của phóng viên, các cơ sở sản xuất gạch lò đứng ở TP Hải Dương và các huyện Tứ Kỳ, Cẩm Giàng hầu hết bán gạch với giá 1.000 đồng/viên. Còn các cơ sở sản xuất ở huyện Kinh Môn, Kim Thành, thị xã Chí Linh bán từ 900 - 950 đồng/viên, tương đương với trước khi có lệnh cấm.

Trong và sau Tết, bất chấp lệnh cấm của UBND tỉnh không ít lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh đã nổi lửa trở lại. Đến ngày 18-2, toàn tỉnh vẫn còn trên 70 lò liên tục kiểu đứng và lò xử lý khói thải bằng nước vôi đang hoạt động. Trong số này có tới 31 cơ sở vẫn sản xuất gạch mộc. Cụ thể, TP Hải Dương còn 24 lò, Cẩm Giàng còn 15 lò; các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Tứ Kỳ mỗi nơi còn từ 7 - 8 lò hoạt động. Các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành, thị xã Chí Linh, mỗi địa phương còn từ 1 - 5 lò hoạt động. 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất gạch xây dựng, do địa bàn hoạt động của các loại hình lò thủ công cải tiến trải rộng khắp tỉnh, trong khi việc thực hiện lệnh cấm chưa nghiêm nên không ít lò vẫn còn nhả khói, vì vậy giá gạch thủ công không có nhiều biến động. Đến thời điểm này, toàn tỉnh còn 167 lò gạch thủ công cải tiến, trong đó có 39 lò xử lý khói thải bằng nước vôi, 127 lò liên tục kiểu đứng và 1 lò hoffman. Theo tính toán, nếu mỗi lò xử lý khói thải bằng nước vôi nổi lửa 2 lần/tháng, lò liên tục kiểu đứng sản xuất 300 ngày/năm thì lượng gạch thủ công toàn tỉnh xấp xỉ 1 tỷ viên/năm. Theo Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 40 dự án sản xuất gạch tuynel được cấp phép với công suất thiết kế gần 1,2 tỷ viên/năm. Hiện đã có 32 dự án đi vào sản xuất cung cấp cho thị trường hơn 800 triệu viên/năm. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất gạch không nung trên địa bàn có công suất 300 triệu viên/năm. Nếu các dự án sản xuất gạch tuynel và gạch không nung cùng hoạt động thì chưa cần chạy hết công suất đã đáp ứng đủ nhu cầu gạch xây trong tỉnh. 

Như vậy, khi thực hiện chủ trương cấm sản xuất gạch thủ công của UBND tỉnh, với năng lực hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch không nung và tuynel hiện nay, người dân không lo nguồn cung gạch không đủ nhu cầu khiến giá gạch tăng.
THU TRANG

Nguồn tin: baohaiduong.vn

 Từ khóa: xây dựng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây