Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa

Thứ năm - 29/10/2015 15:13 - 1928 lượt xem
Nong nghiep 2
Nong nghiep 2
Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là hướng đi đúng đắn nhằm tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, giúp nông dân chủ động hơn...
 
Sản xuất theo nhu cầu thị trường

Mùa này, cánh đồng thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc) bạt ngàn màu xanh tươi non của rau vụ đông sớm. Nếu như những năm trước, sau khi thu hoạch lúa mùa cả cánh đồng bỏ không thì nay nông dân đã biến nơi đây thành vùng chuyên canh rau vụ đông lớn. Chị Nguyễn Thị Hinh ở thôn Bùi Thượng cho biết: “Trước đây, nông dân chỉ biết trồng ngô, trồng khoai vụ đông để ăn nhưng bây giờ chúng tôi đã biết trồng cải bắp hoặc su hào sớm để bán. Mặc dù chăm sóc những loại rau này không dễ  nhưng đổi lại bán được giá. Mỗi vụ đông chúng tôi có thêm cả chục triệu đồng”.

Không chỉ riêng ở Lê Lợi, thời gian qua, nông dân ở nhiều địa phương của Gia Lộc đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn sản xuất với thị trường. 5 năm qua, Gia Lộc đã xây dựng được các vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Người dân Gia Lộc đã liên kết với tư thương để sản xuất nông sản theo nhu cầu của thị trường. Đồng chí Phạm Quang Hưởng, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho biết: “Nhiệm kỳ qua, nông nghiệp Gia Lộc chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng hàng hóa. Đó là kết quả của đề án "Mở rộng và nâng cao hiệu quả vùng chuyên canh rau quả tập trung, vùng lúa chất lượng giai đoạn 2011-2015". Đến nay giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp của huyện đạt hơn 120 triệu đồng, vượt 37,7% chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 đề ra”.

Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2011-2015" là 1 trong 2 đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV trong lĩnh vực nông nghiệp. Nội dung của đề án xác định rõ trong giai đoạn này ngành nông nghiệp của tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện, đề án, tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao tăng từ 28,9% (năm 2010) lên 55% (năm 2015). Những vùng chuyên canh rau màu quy mô lớn dần được hình thành như vùng trồng rau vụ đông ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, vùng trồng hành, tỏi ở các huyện Kinh Môn, Nam Sách. Nhiều loại nông sản của tỉnh không chỉ tiêu thụ nội địa mà đã được xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Đặc biệt, năm nay niềm vui đã nhân đôi với nông dân Thanh Hà, thị xã Chí Linh khi vải thiều Hải Dương không chỉ bán được giá mà lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc.

Đề án “Phát triển chăn nuôi, thủy sản tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2015” định hướng chăn nuôi thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, tăng tỷ lệ chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô lớn. Giống gia súc, gia cầm không chỉ được nâng cao về chất lượng mà còn phát triển những con đặc sản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong 5 năm, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 29,6% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. 

Để nông sản Hải Dương phát triển theo hướng hàng hóa, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản được đẩy mạnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, nông sản tỉnh ta đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng cũng đã tạo ra những bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Những cánh đồng lớn đã giúp nông dân đưa cơ giới vào sản xuất thuận lợi hơn, giảm áp lực thời vụ, nhân công, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất. “Đây là một trong những yếu tố giúp nông nghiệp của tỉnh ta thời gian qua chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hàng hóa. Sau dồn điền, đổi thửa, sản xuất nông nghiệp ở Hải Dương không chỉ được nâng cao về năng suất, chất lượng mà còn hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hướng đến xuất khẩu", đồng chí Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định trong một hội nghị do ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức mới đây.

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Mặc dù nông nghiệp tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nhưng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn thiếu bền vững, chưa gắn kết được giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hải Dương sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với ngành chăn nuôi, thủy sản... Vì vậy, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiện đại, chuyên nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong nhiệm kỳ tới. Theo đồng chí Nguyễn Văn Phú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để làm được điều này, thời gian tới tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp bằng việc chủ động quy hoạch phát triển các loại cây trồng chủ lực có thế mạnh. Đối với cây ăn quả, quan tâm phát triển vùng vải thiều, ổi, na. Nâng cao giá trị của các cây rau màu. Xây dựng các vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, lúa chất lượng cao theo quy mô cánh đồng mẫu lớn. Chú trọng phát triển các vùng sản xuất có hạ tầng đồng bộ, sản xuất sản phẩm sạch để cung ứng cho các đô thị lớn trong vùng. Lựa chọn và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng tốt với thời tiết, sâu bệnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết “4 nhà”, sản xuất theo chuỗi từ trang trại, ruộng vườn đến bàn ăn... Mục tiêu lớn nhất là tăng lợi nhuận, nâng cao đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhìn rõ hạn chế còn tồn tại, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách và cùng đoàn kết đưa ra những định hướng đúng đắn để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững đang là kỳ vọng của nông dân trong tỉnh trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

 
Nhiệm kỳ qua, nhờ những chỉ đạo sát đúng, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đã tăng bình quân 3,1%/năm, vượt mục tiêu đề ra. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản tăng từ 94,4 triệu đồng (năm 2010) lên 125,3 triệu đồng (năm 2015). Giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng bình quân 2,2%/năm, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa trên 60.000 ha. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 4,5%/năm. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên. Giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 5,3%/năm. Diện tích nuôi thuỷ sản tăng 179 ha so với năm 2010.
 
 
 
LAN ANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây