Căn cứ địa tiền khởi nghĩa
Trong lịch sử Đảng bộ tỉnh, cái tên Hàm Ếch được nhắc tới với vai trò là căn cứ địa cách mạng những ngày sơ khai. Ngày đó, cả thôn có hơn chục nóc nhà toàn người tứ xứ đến khai hoang. Người đi rừng còn bị hổ trên núi đuổi. Năm 1929, đồng chí Trần Cung là hội viên Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã về Chí Linh xây dựng cơ sở ở Chi Ngãi và Trúc Thôn (Cộng Hòa). Bị bắt rồi vượt ngục, cuối năm 1936, đồng chí đã về Hàm Ếch xây dựng các tổ "ái hữu", "tương tế" để tập hợp quần chúng đấu tranh với bọn hào lý, chống sưu thuế, lấn chiếm ruộng đất công.
Sau khi đồng chí Trần Cung bị bắt lần 2, cuối năm 1939, cán bộ cách mạng của ta ở Tạ Xá (Nam Sách) đã về Hàm Ếch và Cổ Vịt (Cộng Hòa) tuyên truyền giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở làm đầu mối liên lạc của Liên tỉnh ủy B (phụ trách cách mạng các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hưng Yên) và Xứ ủy Bắc Kỳ. Sang đầu năm 1940, một loạt các đồng chí cán bộ cách mạng lão thành của Liên tỉnh ủy B như Nguyễn Tấn Phúc, Chu Thị Kim Sơn, Nguyễn Mạnh Hoan đã về Hàm Ếch hoạt động, giúp đỡ cơ sở gây dựng phong trào.
Cũng thời kỳ này, các đồng chí Hồng Quang, cán bộ Liên tỉnh ủy B và Hoàng Văn Thụ, cán bộ Trung ương đã về nghiên cứu địa điểm, kiểm tra phong trào ở Hàm Ếch và núi Phượng Hoàng. Trong thời gian ở đây, các đồng chí đã được nhân dân Hàm Ếch nuôi dưỡng, đùm bọc. Nhiều nhà phải ăn độn khoai sắn vẫn tận tình nuôi giấu cán bộ. Các đồng chí đã dựa vào các tổ "ái hữu", "tương tế" để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về tình hình, nhiệm vụ cách mạng. Từ sự giác ngộ đó, nhiều người dân ở thôn Hàm Ếch đã tham gia tuyên truyền tài liệu sách báo của Đảng, nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc cho cách mạng, làm công tác binh vận, địch vận...
Ông Nguyễn Đình Lại (80 tuổi) từng là cán bộ Ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ), người tham gia biên soạn, sưu tầm lịch sử địa phương cho biết: Từ tham gia các hội phản đế, dưới sự giúp đỡ của Liên tỉnh ủy B, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, cuối năm 1940 tại Hàm Ếch đã thành lập Liên Chi bộ Hàm Ếch - Trại Chua gồm các đồng chí Đỗ Chuẩn, Mạc Văn Tất, Mạc Thị Gai. Từ khi được thành lập, chi bộ đã củng cố phong trào cách mạng ở các xã Cộng Hòa và Văn An, biến những nơi này thành căn cứ địa vững chắc. Chi bộ còn tích cực vận động người dân góp tiền mua len, vải, thuốc, vũ khí và cử một số thanh niên hăng hái, khỏe mạnh vận chuyển lên ủng hộ du kích Bắc Sơn.
Do có địa bàn rừng núi hiểm trở, Hàm Ếch còn được Tỉnh ủy chọn để xây dựng căn cứ quân sự. Sau hội nghị khẩn cấp tại Tạ Xá (Nam Sách) tháng 10.1940, Tỉnh ủy đã lãnh đạo các địa phương xây dựng đội tự vệ. Để bảo vệ cán bộ và cơ sở Đảng, Liên tỉnh ủy B và Tỉnh ủy đã chọn Hàm Ếch là nơi mở lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ tự vệ các cơ sở. Từ lớp huấn luyện này, cán bộ tự vệ của các cơ sở đã nắm được những nét cơ bản trong xây dựng lực lượng vũ trang. Đây là lớp huấn luyện đầu tiên của Liên tỉnh ủy B, mở đầu cho quá trình chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của Đảng.
Dấu tích còn in
Ngót 77 năm đã qua, về Hàm Ếch vẫn bắt gặp những dấu tích của căn cứ địa cách mạng xưa. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng căn cứ quân sự tại Hàm Ếch, Tỉnh ủy đã thành lập một nhà in ở đây để in ấn truyền đơn tuyên truyền cách mạng. Cái tên xóm In hay trại In giờ vẫn được người dân dùng. Đưa chúng tôi đến một bức tường nằm trong vườn vải bên hồ Phượng Hoàng, ông Nguyễn Quy Đang, Tổ trưởng Tổ dân phố Hàm Ếch - Thông Cống cho biết đây chính là nơi năm 1940, Tỉnh ủy đặt nhà in. Ở đây còn lại bức tường đất đỏ là tường của nhà in năm xưa. Năm đó, nhà in này đã được nhân dân địa phương giúp đỡ dựng lên. Chủ nhân khu vườn cũng biết đây là dấu tích của nhà in năm xưa nên vẫn giữ lại. 5 - 6 năm về trước, 4 bức tường vẫn còn nguyên vẹn, có cả cửa vào. Trước kia, ở chỗ này còn có một bàn đá lớn, phẳng phiu, là nơi cán bộ cách mạng dùng in truyền đơn nhưng nay đã bị đất đồi vùi lấp.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Hàm Ếch còn được biết đến là mảnh đất kiên cường. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, rất đông người dân Hàm Ếch đã tham gia ủng hộ Mặt trận Việt Minh mít tinh ở đồn Ngái. Thời kỳ chống Pháp, Hàm Ếch lại là vùng đệm giữa ta và địch. Nhiều người dân trong thôn đã gia nhập du kích, bộ đội, nhiều gia đình tình nguyện nuôi giấu, giúp đỡ bộ đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng chục con em Hàm Ếch xung phong ra trận. Là thôn nhỏ song đã có 6 người con của mảnh đất này ngã xuống vì đất nước. Năm 1972, du kích Hoàng Thị Lan của thôn đã cùng du kích xã Cộng Hòa bắn rơi máy bay Mỹ.
Năm 1962, thôn Hàm Ếch được sáp nhập với thôn Thông Cống. Từ một xóm thôn heo hút, cuộc sống ở Hàm Ếch - Thông Cống nay đã sang trang mới. Ông Mạc Văn Đại, Bí thư Chi bộ khu dân cư Hàm Ếch - Thông Cống tự hào cho biết: Thu nhập của người dân trong khu đã đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm. Năm 2016, khu có 36 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thời gian qua, nhân dân trong khu phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây mới 5nhà "đại đoàn kết", "nhà tình nghĩa" cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Năm 2007, khu đã được công nhận danh hiệu văn hóa.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn