Vụ chị sát hại em ở Hải Dương: Vì sao người mẹ viết đơn xin giảm án?

Chủ nhật - 05/06/2016 19:17 - 5399 lượt xem
Vụ chị sát hại em ở Hải Dương: Vì sao người mẹ viết đơn xin giảm án?
Vụ chị sát hại em ở Hải Dương: Vì sao người mẹ viết đơn xin giảm án?
"Cháu chưa đủ tuổi trưởng thành, suy nghĩ bồng bột và hoảng sợ. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét tình tiết giảm tội cho cháu, giúp cháu sớm về đoàn tụ gia đình", chị Khuy cho hay.

Nỗi lòng của người thân

Mới đây, PV trở lại gia đình anh Nguyễn Văn Trường (phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sau một ngày Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương ra quyết định khởi tố vụ án người chị Nguyễn Hoài Thư (SN 2000) sát hại em trai cùng cha khác mẹ N.V.H. (SN 2006).

Nhận được tin, cả gia đình anh Trường như chết lặng. Bên bàn thờ nghi ngút khói hương của đứa cháu trai xấu số, ông Nguyễn Văn Minh (ông nội cháu H.) nói giọng xót xa: "Khi công an có quyết định khởi tố vụ án, mẹ kế của cháu đã làm đơn xin giảm án cho Thư. Khổ thân cháu tôi".

Nằm vật bên giường đau xót khi vừa mất người con trai xấu số, chị Khuy như người mất hồn khi biết con gái của chồng vừa bị khởi tố vì tội giết người. Chị Khuy chia sẻ: "Con trai của tôi dứt ruột đẻ ra thì đã chết rồi. Tôi giận cái Thư, nhưng có giận thì cũng không làm cho cháu H. sống lại được. Tôi thương Thư lắm, không biết trong trại giam nó có ăn uống được không. Sức khoẻ lại yếu không làm được việc gì nặng nhọc, khổ thân con. Bây giờ lại bị tội giết người thì sống sao được".

"Sau khi có quyết định của Cơ quan điều tra, tôi đã làm đơn xin giảm tội cho Thư. Tôi không ghét bỏ nó, không giận nó mà chỉ thương cháu, khi cháu không nói thật với vợ chồng tôi ngay từ đầu. Cháu chưa đủ tuổi trưởng thành, suy nghĩ bồng bột và hoảng sợ. Tôi mong các cơ quan chức năng xem xét tình tiết giảm tội cho cháu, giúp cháu sớm về đoàn tụ gia đình" - Chị Khuy cho hay.

Ôm đứa con trai út vào lòng, anh Nguyễn Văn Trường (bố cháu H.) cho biết: "Khi sự việc xảy ra, có nhiều người đồn thổi cho là do mâu thuẫn dì ghẻ - con chồng. Nhưng tôi khẳng định không có chuyện đó. Vợ tôi còn thương cháu Thư hơn tôi, vì mẹ cháu bỏ đi khi cháu chưa đầy 1 tuổi. Nếu vợ tôi ghét cháu, hắt hủi cháu thì sau khi lo công việc hậu sự cho cháu H. xong, không bao giờ lại làm đơn xin giảm tội cho cháu Thư làm gì. Đằng này, mẹ cháu H. chạy ngược xuôi để xin cho cháu".

"Từ nhỏ cháu Thư đã ở với gia đình tôi cùng ông bà nội. Cháu ngoan ngoãn, lễ phép, không nghịch ngợm, cháu không có mâu thuẫn với ai trong gia đình và yêu thương các em. Khi nhận được tin về sự việc, tôi đã không tin vào dư luận đồn thổi, không tin vào nguyên nhân khiến cháu Thư lại có thể sát hại em trai. Dù rất đau xót khi cháu H. qua đời, nhưng hôm qua chị ấy đã làm đơn xin giảm tội cho cháu" - anh Nguyễn Văn Mừng (chú ruột cháu H.) chia sẻ.

Ngồi ở góc sân, cụ Bình (82 tuổi, cụ nội cháu Thư) nói giọng xót xa: "Từ trước đến nay, ba chị em cháu Thư luôn đoàn kết, ngoan ngoãn không nói tục, chửi bậy và đánh mắng nhau. Cháu H. đã mất rồi, cháu Thư đang bị tạm giam. Nếu cháu có mệnh hệ gì thì gia đình thằng Trường, cái Khuy coi như tan nát. Gia đình đang xin cho cháu sớm được về nhà đoàn tụ".

Trao đổi với phóng viên vào buổi sáng cùng ngày, ông Trịnh Đình Hợi - Trưởng khu dân cư Bến Tắm (phường Hoàng Tân) cho biết: "Hôm qua biết tin khởi tố vụ án, chị Khuy - mẹ kế cháu Thư đã làm đơn xin giảm tội cho con chồng. Tôi cho rằng, đây là sự việc diễn ra ngoài ý muốn, không có chủ ý. Tôi mong các cơ quan chức năng xem xét và có hướng giảm tội cho cháu, vì cháu còn trẻ chưa đến tuổi thành niên và mẹ kế đã có đơn xin giảm tội cho cháu".

Tuổi thơ sống thiếu tình thương

Được biết, anh Nguyễn Văn Trường có hai đời vợ. Người vợ cả sinh được một người con gái là Nguyễn Thị Thư. Sau khi ly hôn, vợ cả của anh Trường vào miền Nam sinh sống, làm ăn. Đến năm 2004, anh Trường lấy thêm người vợ thứ 2 và có 2 người con trai.

Sau khi bố mẹ ly hôn, Thư về ở với ông bà nội. Ông bà nội mất, Thư vào Nam sống với mẹ đẻ. Tuy nhiên, do không hợp tính mẹ, Thư đã chuyển về sống cùng bố được khoảng 2 năm nay và đi làm cho công ty may ở Bắc Ninh.

Ông Trịnh Đình Hợi cho hay: "Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên anh Trường phải làm đủ nghề để kiếm sống, còn vợ chỉ ở nhà quanh quẩn với mấy sào ruộng. Căn nhà trong làng của hai vợ chồng anh Trường đã xây mấy năm nay nhưng vẫn còn dang dở vì không có tiền để hoàn thiện. Cả gia đình anh Trường vẫn đang phải sống ở căn nhà ngoài vệ đê. Mặc dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng người vợ thứ 2 của anh Trường rất chịu khó, hai người con trai cũng đều chăm ngoan, nghe lời bố mẹ. Còn cháu Thư, kể từ khi về ở với bố đẻ và dì cũng không có điều tiếng gì. Cả ba chị em tuy khác mẹ nhưng chơi với nhau vui vẻ, hòa thuận".

Trong vụ án trên, hung thủ vẫn còn trẻ (SN 2000). Nhiều chuyên gia tâm lý nhận xét, trẻ VTN phạm tội ngày càng gia tăng là do các em không biết tự phòng vệ cho bản thân, mê chơi, đua đòi theo những thói hư tật xấu. Các em chỉ thích hưởng thụ, vui chơi ở các nhà hàng, karaoke, internet, các trò chơi trực tuyến đầy bạo lực, các loại phim ảnh khiêu dâm, sử dụng điện thoại di động sớm…

Tuy nhiên, TS Trương Hoàng Lệ (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng: "Chúng ta đừng vội đổ lỗi, quy kết tội cho các em. Thực ra, các em cũng chỉ là nạn nhân. Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do sự buông lỏng trong công tác quản lý, giáo dục của nhà trường, gia đình... Đặc biệt, sự nghèo nàn về tình cảm, cảm xúc trong đời sống hàng ngày, cộng với sự hụt hẫng về niềm tin, về những giá trị sống cao đẹp mà một bộ phận người lớn mang lại đã tác động rất lớn, làm méo mó quá trình hình thành nhân cách một bộ phận giới trẻ".

Làm sao để giảm tỷ lệ tội phạm vị thành niên và bạo lực học đường? Làm sao để giáo dục trẻ em là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý, các chuyên gia về giáo dục. Rất nhiều chương trình, hội thảo, tọa đàm, bàn tròn xoay quanh vấn đề này. Và rất nhiều giải pháp được đưa ra như: Tăng cường giáo dục và quản lý của gia đình đối với các con; Nêu gương điển hình "Người tốt việc tốt"; Tạo việc làm, nghề nghiệp cho trẻ vị thành niên…

Theo TS Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): "Nhà nước nên bổ sung vào Luật Hôn nhân - gia đình quy định yêu cầu bất kỳ ai trước khi sinh con đều phải biết rõ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con; xử lý nghiêm những người có trách nhiệm nhưng không quan tâm, không chăm lo tốt cho con cái. Bởi lẽ, không có trẻ em nào hư cả mà những cái hư liên quan đến trẻ đều do người lớn không gương mẫu và thiếu trách nhiệm với con. Lúc còn làm công tác quản lý giáo dục, tôi vẫn kêu gọi đội ngũ nhà giáo hãy giáo dục học sinh bằng nụ cười. Nếu trẻ có chút ít tiến bộ cũng cần được khen, trao cho các em một nụ cười, từ đó trẻ sẽ lớn lên trong tình yêu thương, giảm bớt tình trạng bạo lực từ gia đình đến trường học".

Sáng 30/5, thông tin với PV,Thượng tá Mai Thế Oanh – Phó trưởng phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) - Công an tỉnh Hải Dương cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương vừa khởi tố vụ án Giết người liên quan đến nghi can Nguyễn Hoài Thư (SN 2000) ra tay sát hại em trai N.V.H..
 

Tác giả bài viết: ĐỖ CHANG - LIÊN HƯƠNG

Nguồn tin: Theo Báo Đời sống và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây