Vi phạm làm nhà trên đất rừng ở Chí Linh

Thứ hai - 24/02/2020 05:45 - 3702 lượt xem
Ngôi nhà của ông Dương Hoài Bắc ở phường Hoàng Tiến xây trái phép trên đất rừng
Ngôi nhà của ông Dương Hoài Bắc ở phường Hoàng Tiến xây trái phép trên đất rừng
Một số hộ ở TP Chí Linh đã làm nhà trên đất rừng được giao để... tiện cho sản xuất. Mặc dù vi phạm đã rõ nhưng việc xử lý các trường hợp này đang gặp không ít khó khăn.

Hơn 100 trường hợp vi phạm

Gia đình ông Dương Hoài Bắc ở khu dân cư Tân Tiến (phường Hoàng Tiến) vừa làm nhà 1 tầng rộng 120 m2 trên đất rừng của phường. Theo ông Bắc, do nhà cũ xây dựng từ năm 1990 nay xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu của gia đình nên ông xây ngôi nhà mới ở phần đất rừng được giao khoán.

Đầu năm 2019, sau khi nhà ông làm xong móng, Ban Quản lý (BQL) rừng tỉnh và UBND TP Chí Linh đã đến lập biên bản, yêu cầu ông nộp phạt. Dù cơ quan chức năng đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng nhưng gia đình ông Bắc vẫn âm thầm xây dựng.

Đến nay, ngôi nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. "Gia đình tôi làm ăn sinh sống ngay trên mảnh đất này, biết là vi phạm nhưng do hoàn cảnh nên tôi vẫn phải xây lên để ở. Nếu không xây dựng ở đây thì gia đình tôi cũng không biết làm nhà ở đâu", ông Bắc nói.

Khu đất của gia đình ông Bắc đang sử dụng rộng hơn 2.000 m2, là đất rừng sản xuất do BQL rừng tỉnh quản lý. Gia đình ông đã nhiều lần đề nghị được chuyển một phần sang đất ở, nhưng chưa được chấp thuận.

Anh Đỗ Văn Thi ở thôn An Lĩnh (xã Lê Lợi) cũng làm nhà trên rất rừng sản xuất tại khu dân cư Tiên Sơn (phường Cộng Hòa). Khu đất này được anh Thi mua lại của người dân. Năm 2019, gia đình anh Thi làm nhà và đang sinh sống tại đây.

Không chỉ làm nhà, hiện nay, tình trạng mua bán đất rừng ở TP Chí Linh vẫn diễn ra. Thậm chí họ còn rao bán công khai trên mạng xã hội. Gần đây nhất có thông tin như bán đất rừng sản xuất đã trồng keo được 8 năm, diện tích 178 ha ở các phường Bắc An, Hoàng Tiến và xã Lê Lợi. Người bán còn nêu rõ số tiền là 150 triệu đồng/ha và số điện thoại để liên hệ...

Theo BQL rừng tỉnh, TP Chí Linh hiện có 22 trường hợp vi phạm làm nhà trái phép trên đất nông, lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông, lâm trường; 31 trường hợp vi phạm trước khi bàn giao từ Lâm trường Chí Linh về BQL rừng tỉnh và 69 vụ vi phạm sau khi bàn giao từ nông, lâm trường về BQL rừng tỉnh. Hầu hết các trường hợp vi phạm đều làm nhà trên đất rừng sản xuất. Ngoài một số ngôi nhà cấp 4, còn nhiều nhà được xây dựng kiên cố, đổ mái bằng. Các phường Cộng Hòa, Hoàng Tiến có  nhiều trường hợp vi phạm.

Ông Ngô Quang Trưởng, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch của BQL rừng tỉnh cho biết từ năm 2015 đến nay, việc quản lý đất rừng đã được các ban, ngành, địa phương liên quan của thành phố thực hiện kiên quyết. Tuy nhiên, việc sử dụng đất rừng sai mục đích vẫn xảy ra. Năm 2019 còn phát sinh thêm 2 trường hợp làm nhà trên đất rừng sản xuất.  

Khó xử lý

TP Chí Linh hiện có hơn 11.500 ha rừng, trong đó có khoảng 2.389 ha rừng tự nhiên. Thành phố có khoảng 3.000 ha rừng sản xuất do địa phương quản lý, còn lại thuộc quản lý của BQL rừng tỉnh. Quản lý đất rừng ở Chí Linh gặp khó khăn một phần do những người xây dựng nhà trên đất rừng chây ỳ.

Cơ quan chức năng khi phát hiện người dân xây dựng trái phép đã lập biên bản, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng nhưng ở một số xã, phường do địa hình rộng, cán bộ chuyên môn ít nên khó giám sát vì vậy người dân vẫn lén lút xây dựng.

Nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, không thể mua đất ở khu vực khác nên cố tình làm nhà trên diện tích đất rừng được giao khoán. Diện tích đất mà nông trường bàn giao sang cho địa phương và BQL rừng tỉnh chủ yếu là diện tích cây ăn quả. Vì thế nhiều người dân làm nhà trên diện tích đất này để thuận tiện cho sản xuất, bảo vệ hoa màu.

Các trường hợp làm nhà trên đất rừng ở TP Chí Linh đều vi phạm quy định của pháp luật nhưng hiện nay để xử lý các trường hợp này rất khó khăn. BQL rừng là đơn vị sự nghiệp nên không có chức năng xử lý hành chính khi phát hiện các trường hợp làm nhà trái phép trên đất nông, lâm trường. Sự vào cuộc của chính quyền các xã, phường và các ngành chức năng chưa quyết liệt. BQL rừng tỉnh không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ trong việc thu hồi lại sổ giao khoán hay chấm dứt hợp đồng nhận khoán đối với người nhận khoán đã vi phạm...

Để giải quyết vấn đề làm nhà trên đất rừng ở TP Chí Linh, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để không phát sinh thêm vi phạm và kiên quyết xử lý nếu phát sinh. Về lâu dài, các sở, ban, ngành, địa phương cần phối hợp rà soát lại thật kỹ các loại rừng, sau đó xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể. Đối với những người có nhu cầu chuyển một phần đất rừng sang đất ở thì hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cho phép người dân chuyển đổi để vừa thuận tiện cho công tác quản lý và vừa để người dân yên tâm sản xuất.

THỦY LONG (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây