Nhiều xác chết trên "Cầu Ma"

Thứ bảy - 24/10/2015 15:02 - 2930 lượt xem
Bây giờ, người già trong làng vẫn rỉ tai nhau, vẫn kể cho con cháu những câu chuyện nhuốm màu sắc mê tín, huyễn hoặc ở cây cầu thuở trước. Như chuyện có người một mình qua cầu, nghe rõ tiếng nhảy “ùm”, nhưng quay lại thì không thấy ai, dù cho nước bắn tung tóe (?). Hay có những đêm trời đổ mưa, đứng trong làng nhìn ra, người ta thấy những đốm sáng lập lòe ở quanh cây cầu.

Nhiều xác chết đuối


Trên tuyến Quốc lộ 18 Hà  Nội – Quảng Ninh, đoạn qua địa phận phường Cộng Hòa (thị xã Chí Linh, Hải Dương), đập vào mắt người đi đường là một tấm biển đề tên “Cầu Ma”. Nhiều người đi qua đây không khỏi rùng mình.

Cầu Ma có tên gọi từ bao giờ, nhiều người già trong làng không rõ. Chỉ  biết rằng, “ngày còn nhỏ, mỗi lần đi chăn trâu, bố mẹ đã dặn là “không được tắm ở cầu Ma”, ông Hoàng Văn Dẫn, 83 tuổi cho hay.

Cũng theo lời ông Dẫn, trước kia, vùng này còn là rừng rậm âm u. Quanh làng có một con suối quanh năm nước chảy trong vắt, ngăn cách địa lý giữa xã Cộng Hòa với thị trấn Sao Đỏ. Người dân trong làng đã kết những thân tre bắc thành cầu để thuận tiện cho việc đi lại.
Từ khi có cây cầu thì thỉnh thoảng người ta lại phát hiện xác trẻ con chết đuối ở đầu nguồn trôi về. “Trẻ con thì tuyệt nhiên không dám bén mảng quanh khu cầu từ lúc chiều tối. Người lớn nếu có đi đêm cũng phải đi hai, ba người, đốt đuốc sáng trưng mới dám qua cầu. Có lẽ, tên cầu Ma xuất phát từ đó”, ông Nguyễn Quang Chung, 80 tuổi xác nhận.

Bây giờ, người già trong làng vẫn rỉ tai nhau, vẫn kể cho con cháu những câu chuyện nhuốm màu sắc mê tín, huyễn hoặc ở cây cầu thuở trước. Như chuyện có người một mình qua cầu, nghe rõ tiếng nhảy “ùm”, nhưng quay lại thì không thấy ai, dù cho nước bắn tung tóe (?). Hay có những đêm trời đổ mưa, đứng trong làng nhìn ra, người ta thấy những đốm sáng lập lòe ở quanh cây cầu.

Vụ tai nạn lạ

Thấy tôi hỏi về Cầu Ma, bà Đặng Thị Nghĩa, 62 tuổi, mở quán bán nước gần cầu rỉ tai tôi ra vẻ bí mật: “Cây cầu đấy có “dớp” cô ạ. Năm nào cũng có người tai nạn chết ở đó. Hãi lắm!”. Nhấp ngụm chè xanh, bà tiếp: “Tôi bán hàng ở đây nên tai nạn tôi đều rõ. Chết một cũng có, mà chết đôi (vợ chồng, đôi yêu nhau) cũng không hiếm. Nguyên nhân tai nạn nhiều lắm nhưng cũng có trường hợp đường thông thoáng, chẳng va chạm vào đâu mà cứ lao cả người và xe vào thành cầu mà chết”.
 
Tấm biển này khiến nhiều người không khỏi “sởn da gà”

Anh Nguyễn Văn Hải, trưởng thôn Chi Ngãi 1 nói: “Chả nhớ được chính xác mỗi năm có bao nhiêu vụ tai nạn, nhưng chắc cũng không dưới mười đầu ngón tay”. Rồi anh liệt kê những vụ là người trong làng đã từng bị tai nạn ở khu vực cầu cũng có ngót chục trường hợp. Theo chỉ dẫn của anh Hải, tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Loan, người cùng thôn, nạn nhân trong vụ tai nạn mới đây nhất.

Ngồi tiếp chuyện tôi khi những vết khâu trên trán, trên đầu đang dần ăn da non, nét mặt chị Loan vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị kể, cách đây ba tháng, chị cùng hai người hàng xóm đi bốc gạch thuê cách nhà chừng 10km. Khi về qua cầu Ma đã gần 11 giờ đêm. “Lúc ấy hầu như không có xe nào đi ngang qua nên đường rất tối. Bất chợt, chị Mận (người đi cùng) bảo: “Khiếp, hôm nay ngày gì mà nhà ai đốt ngựa lắm thế, lại toàn ngựa to”. Thế nhưng, tôi cùng chị bạn đi cùng không hề thấy gì (khu dân cư ở cách cầu chừng 1km. Chỗ đó chỉ toàn là cây cỏ mọc hai bên đường). Thế rồi, đùng một cái, tôi tỉnh dậy khi đang nằm trong bệnh viện”.

Nguyên nhân là cả ba chị bị một chiếc xe ô tô 7 chỗ húc phải. Chị Loan bị nặng nhất, phải khâu hơn 40 mũi. Đến nay, chị vẫn chưa bình phục hẳn. Thế nhưng, điều mà chị vẫn còn băn khoăn khi chị không hề nhìn thấy việc đốt ngựa ở bên đường!

Câu chuyện của người bị  tai nạn được kể đi, kể lại theo kiểu tam sao thất bản cùng với cái tên “Cầu Ma” dễ gây liên tưởng khiến cho những người “yếu bóng vía” dễ tự huyễn hoặc mình và hiểu theo chiều hướng mê tín. Thực ra, những vụ tai nạn trên cầu này không loại trừ do địa hình không thuận lợi cho phương tiện giao thông hoạt động, đặc biệt là vào đêm tối.
Đúng là khu vực này có nhiều vụ tai nạn xảy ra, nhất là cách đây hai năm đổ về trước, khi tuyến đường được mở rộng nhưng cây cầu vẫn không được cải tạo, tạo thành “nút thắt cổ chai”, cộng thêm với việc là đường quốc lộ, phương tiện qua lại nhiều nên chuyện tai nạn là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, sau này cây cầu được nới rộng ra ngang với mặt đường thì tai nạn có giảm đi đáng kể. Do đó, quan niệm cho rằng “cây cầu ma ám” chỉ là lời đồn thổi của những người mê tín mà thôi.

Theo Thanh Thủy
Khoa học Đời sống online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây