Chốn tâm linh - miếng mồi của đạo tặc

Chủ nhật - 14/10/2018 11:57 - 3221 lượt xem
Các đối tượng trộm tiền công đức ở di tích Côn Sơn bị camera an ninh ghi lại
Các đối tượng trộm tiền công đức ở di tích Côn Sơn bị camera an ninh ghi lại
Mặc dù là chốn tâm linh nhưng thời gian qua, các nơi thờ tự như chùa chiền, đền miếu lại trở thành miếng mồi để kẻ gian nhắm đến.
Chùa chiền, đền miếu thường có không gian rộng, khách thập phương qua lại đông nên trong thời gian qua, bọn tội phạm luôn coi đây là một trong những nơi lý tưởng để chúng ra tay trộm cắp. Chúng thường lợi dụng các ngày lễ hội, đóng vai du khách đến các nơi tâm linh rồi vờ vào lễ, sau đó trộm cắp tiền trên các ban thờ. Trong dịp Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc diễn ra tháng 8 âm lịch vừa qua, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ đã phát hiện bắt giữ một số đối tượng trộm cắp với thủ đoạn trên. Điển hình ngày 25.9, tại di tích Côn Sơn, nghi lễ rước văn từ chùa Côn Sơn lên đền Nguyễn Trãi đang diễn ra thì có hai du khách một nam, một nữ vào tòa cửu phẩm liên hoa làm lễ. Sau đó lợi dụng lúc vắng người, nữ du khách đã trộm tiền công đức tại đây. Sau khi trộm tiền tại chùa Côn Sơn, đối tượng cất giấu trong cốp xe máy rồi tiếp tục lên đền Nguyễn Trãi trộm tiền công đức trong các ban thờ. Thông qua hệ thống camera, lực lượng bảo vệ di tích và công an đã bắt giữ được kẻ gian cùng toàn bộ số tiền. Qua đấu tranh, đối tượng nữ khai nhận là Nguyễn Thị Vân (Hưng Yên) đã từng có nhiều tiền án về tội trộm cắp tài sản. Thời gian qua, thị thường xuyên đến các di tích vào dịp lễ hội để trộm cắp tiền công đức.

Không chỉ lợi dụng lễ hội đông người, các đối tượng trộm cắp cũng lợi dụng các chốn tâm linh là nơi dễ ra vào, ít người trông nom để ra tay. Tháng 5.2017, một kẻ gian đã đột nhập chùa Vân Khánh ở xã Thống Kênh (Gia Lộc) bê hòm công đức vào gầm hậu cung phá khóa. Khi bị thủ nhang phát hiện, hô hoán người dân truy bắt, tên trộm đã ôm tiền bỏ chạy vứt lại dụng cụ bẻ khóa. Cũng với thủ đoạn tương tự, từ cuối tháng 12.2016 đến đầu tháng 2.2017, Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1998, ở xã Tiên Động, Tứ Kỳ) đã cùng đồng bọn gây ra nhiều vụ cắt khóa cửa đột nhập các ngôi đình, đền, chùa tại các xã Tiên Động, Cộng Lạc của huyện Tứ Kỳ để trộm cắp tiền công đức và tài sản.

Các nơi tâm linh, nhất là các di tích lịch sử thường có các cổ vật giá trị, trong khi việc trông coi chưa được quan tâm nên thường là mục tiêu để những tên tội phạm trộm cắp cổ vật nhắm đến. Chùa Phúc Diên ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ) từng xảy ra vụ mất trộm tượng Phật. Sư thầy trụ trì Thích Nữ Viên Thuần cho biết hôm đó nhà chùa có việc đi ra ngoài. Đến 15 giờ sư thầy về lên chính điện dọn dẹp chuẩn bị cho khóa lễ buổi chiều thì phát hiện hòm công đức bị kẻ gian đập vỡ lấy tiền. Chúng còn lấy cắp một pho tượng Phật cổ cao khoảng 0,5 m đặt trong chính điện. 

Theo thống kê, mỗi năm trên địa bàn tỉnh đều xảy ra một số vụ đột nhập vào các cơ sở thờ tự để trộm tiền, tài sản và cổ vật. Gần đây nhất phải kể đến đối tượng Hoàng Minh Tân ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) và đồng bọn đột nhập chùa Khánh Đô ở thôn Phụ Dực, xã Hồng Phúc (Ninh Giang) để trộm cắp vào đêm 14.3.2018. Hôm đó, nhóm của Tân đi xe máy từ Thái Bình sang Ninh Giang, khi đến cổng chùa Khánh Đô, chúng đi men theo tường ở cổng chính vào trong, dùng kìm cộng lực cắt khóa cửa. Vào trong tam bảo, nhóm trộm đã cạy phá tượng Phật nghìn tay nghìn mắt cùng nhiều pho tượng khác để lấy các tấm vàng lá yểm tượng, phá hòm công đức lấy tiền rồi tẩu thoát. Nhận được trình báo của nhân dân địa phương, lực lượng công an đã vào cuộc và tìm ra tung tích nhóm trộm. Đến nay, nhóm trộm đã phải nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.

Qua các vụ việc cho thấy công tác bảo vệ an ninh trật tự các chốn tâm linhcần được thắt chặt. Theo thượng tá Trịnh Viết Xây, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Ninh Giang, kẻ gian thường lựa chọn các chốn tâm linh để gây án vì đây là nơi có cổ vật và tiền công đức nhưng lại không có người trông nom; hoặc người trông nom đã cao tuổi, không có khả năng kháng cự khi vụ việc xảy ra; cửa cổng thì lỏng lẻo... Để đối phó hiệu quả đối với loại tội phạm này, người dân và những người trông coi nơi thờ tự cần nâng cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống. Gia cố thêm các trang thiết bị bảo vệ như khóa, cánh cửa, đối với các hiện vật có giá trị như hòm công đức, sắc phong cần có két sắt chắc chắn, cất giữ ở nơi an toàn. Lập phương án bảo vệ các di tích trọng điểm, bố trí người trông coi thường xuyên, nhất là vào ban đêm...

NGỌC HÙNG (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây