Còn tiêu cực ở nhiều lễ hội xuân

Thứ ba - 15/03/2016 11:19 - 1411 lượt xem
Tình trạng cờ bạc trá hình, bói toán, đổi tiền lẻ, chèo kéo khách... vẫn còn diễn ra tại nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh...
Mặc dù tháng 12-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành thông tư nhằm tăng cường chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội nhưng thực tế vẫn còn không ít tiêu cực.

Mê tín, cờ bạc trá hình…

Đền Sượt là di tích lịch sử tâm linh quan trọng trên địa bàn TP Hải Dương. Mỗi dịp đầu xuân, đền Sượt thu hút rất đông người đến vãn cảnh, đi lễ. Có mặt tại thượng điện đền, chúng tôi thấy trên chiếc chiếu có một ống tre bên trong đựng các que thẻ đánh số. Rất nhiều du khách sau khi làm lễ đã đến đây xin thẻ. Sau khi bỏ tờ 20.000 đồng vào hòm, các chị Nguyễn Thị Vân và Phạm Thị Hiên cùng ở TP Hải Dương quỳ trước thượng điện, miệng lầm rầm khấn, tay cầm ống tre xóc xóc nhiều lần xin thẻ. Sau khi rút được thẻ số 25 và thẻ số 61, hai chị đi vào phía sau đền nhờ thầy giải thẻ. Tại đây có hai ông già, một người viết sớ, một người đang tán thẻ cho khách. Xung quanh nhiều người đang ngồi chờ đến lượt. Xem cho ai, thầy mở sách tìm số thẻ rồi đọc nội dung, thi thoảng lại giảng giải cho khách. Sau khi xem xong, khách tùy tâm bỏ tiền vào khay nhựa trước mặt. Được thầy bảo năm nay quẻ đẹp, mưu sự làm ăn đều thành công, tài lộc dồi dào, chị Vân vui ra mặt. Chị Vân cho biết: “Năm nào đi lễ tôi cũng rút quẻ thẻ xem lành dữ ra sao. Năm nay bốc được quẻ đẹp thấy nhẹ cả người”. 

Cũng như đền Sượt, tình trạng rút thẻ đoán vận mệnh cũng diễn ra tại đền Bia, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng), chùa Bạch Hào, xã Thanh Xá (Thanh Hà) và một số di tích khác. Ngoài ra, nhiều di tích, lễ hội dịp đầu xuân cũng bày bán sách mê tín dị đoan như xem tướng, xem chỉ tay, xem tuổi. Một số di tích, lễ hội vẫn còn tình trạng khấn thuê.

Mặc dù việc đốt đồ mã đã bị cấm từ nhiều năm nay nhưng ở nhiều lễ hội vẫn diễn ra. Tại đền Tranh ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang), một số du khách mang những ông ngựa to như thật đến cúng tế rồi hóa. Tương tự, sáng 12 tháng giêng, tại sân đền Gốm thờ Trần Khánh Dư ở xã Cổ Thành (Chí Linh) diễn ra nghi lễ cúng tế với la liệt hình nhân, thuyền rồng, ngựa, đồ mã… Chỉ tính nhẩm số tiền sắm đồ mã trên cũng đến hàng triệu đồng.

Nạn đánh bạc trá hình dưới hình thức các trò chơi như bắn súng, phi tiêu bóng bay trúng quà… cũng diễn ra khá phổ biến. Tại lễ hội đền Cao, xã An Lạc (Chí Linh), có gần chục điểm tổ chức các trò chơi bắn súng, phi tiêu trúng quà được núp dưới tên trò chơi dân gian. Nhìn bề ngoài, các trò chơi có vẻ vô hại nhưng thực ra đây là trò đỏ đen, may rủi. Với trò phi tiêu nổ bóng bay, người chơi bỏ 20.000 - 30.000 đồng để nhận 7 chiếc tiêu. Nhiều thanh niên tham gia trò chơi đã mất cả trăm nghìn đồng để chiến thắng chiếc móc chìa khóa giá trị ít hơn nhiều lần số tiền đã bỏ ra. Một số lễ hội thì tổ chức trò chơi chọi gà. Nhưng việc này lại biến tướng thành trò cá cược ăn tiền. Ngoài ra, tình trạng ăn xin vẫn diễn ra. 

Người dự hội thiếu ý thức

Sự thiếu ý thức của người dự cũng là nguyên nhân khiến các lễ hội xuân bị vẩn đục. Tại lễ hội đền Cao, xã An Lạc (Chí Linh) dù Ban Quản lý di tích có gắn biển cấm thắp hương trong thượng điện ở trước cửa nhưng rất nhiều du khách đến đây vẫn mang hương vào thắp. Ông Phan Văn Đức, Tổ trưởng quản lý khu di tích đền Cao cho biết: Vì sợ xảy ra hỏa hoạn, Ban Quản lý quy định du khách đến hành lễ chỉ thắp hương ở ngoài cửa nhưng vẫn còn nhiều người không tuân thủ.

Việc ăn mặc khiếm nhã của du khách khi đến đền chùa, lễ hội cũng khá phổ biến. Đến chùa Côn Sơn (Chí Linh), nhiều cô gái thản nhiên mặc váy ngắn. Để ngăn chặn, bảo vệ trực ở tam quan chùa Côn Sơn đã nhắc nhở, yêu cầu những cô gái trên không vào trong chùa. Tương tự, để hạn chế tình trạng du khách đi lễ ăn mặc khiếm nhã, trước cổng đền Sượt (TP Hải Dương) đã đặt tấm biển quy định về cách ăn mặc khi đến di tích.

Tình trạng du khách bỏ tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng nơi quy định cũng rất nhức nhối. Tại đền Sượt, sau khi đi lễ nhiều người thản nhiên thả tiền lẻ xuống giếng thiêng trước sân. Để tiền không bị rơi xuống giếng gây lãng phí, mất mỹ quan, ban quản lý phải cho chăng lưới dưới lòng giếng. Tại di tích Kiếp Bạc, rất nhiều người thả tiền lẻ xuống giếng Mắt Rồng, cài tiền lên tay tượng. Tại hệ thống tượng La Hán chùa Côn Sơn dù đã có các khay, đĩa đặt sẵn để du khách thành tâm bỏ tiền lễ, tiền giọt dầu vào nhưng vẫn có người cố tình cài tiền lên tay tượng… 

Một nét khiếm nhã khác trong các lễ hội xuân là hiện tượng hát quan họ xin tiền. Hình ảnh các liền anh liền chị áo tứ thân, khăn xếp bơi thuyền ở ao đình hát quan họ làm cho các lễ hội xuân thêm vui tươi, đằm thắm. Thế  nhưng các chị cả, anh hai được các ban tổ chức lễ hội chi trả kinh phí phục vụ nhân dân lại chìa nón ba tầm để xin tiền của du khách trên bờ làm lễ hội mất đi nét đẹp. 

Tỉnh ta có trên 700 lễ hội diễn ra trong năm, trong đó đa phần vào mùa xuân. Hoạt động của các lễ hội đã đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, những mặt trái còn xảy ra tại các di tích, lễ hội dịp đầu năm đang làm mất đi bản sắc văn hóa tốt đẹp và gây bức xúc trong dư luận.
watermarked XEM BOI
Xem quẻ thẻ
 
an xin tai dinh chua
Người ăn xin vẫn xuất hiện ở nhiều lễ hội
 

Tác giả bài viết: PV

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây