Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương: Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy - 07/10/2017 12:27 - 4438 lượt xem
Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ thị xã Chí Linh.
Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ thị xã Chí Linh.
Thị xã Chí Linh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương, tiếp giáp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh. Là thị xã trẻ xuất phát từ một huyện nông nghiệp miền núi, tổng diện tích tự nhiên 28.202,8 ha, dân số 164.567 người, có 20 đơn vị hành chính gồm 08 phường và 12 xã. Chí Linh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh nên có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Năm 2011 khi bước vào xây dựng nông thôn mới, ban đầu chỉ có xã Đồng Lạc đạt 08/19 tiêu chí, Tân Dân đạt 07/19 tiêu chí, có 08 xã đạt từ 04 đến 06 tiêu chí, đặc biệt 02 xã Hoàng Tiến và Kênh Giang mới đạt 01/19 tiêu chí, tính trung bình đạt 4,7 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đạt 21,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 8,44%; số lao động thường xuyên có việc làm đạt tỷ lệ 40%. Đây là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với Chí Linh trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương, xác định rõ tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã đã họp bàn, tìm giải pháp, vừa chỉ đạo sát sao vừa động viên các xã phát huy lợi thế của mình, tập trung cao sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội cùng với phát huy sức mạnh toàn dân nhằm huy động tốt nhất mọi nguồn lực địa phương cho chương trình.

Để tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức cho người dân, công tác tuyên truyền được thực hiện rộng khắp bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu về xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc vừa làm tốt vai trò giám sát, vừa phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thị ủy, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên đã có sức lan tỏa lớn. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; “Dân vận khéo”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Thanh niên tình nguyện”, “Nhà sạch, vườn đẹp”…, đã trở thành phong trào và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình thực hiện.

Là địa phương có Quốc lộ 18 chạy qua nối Hà Nội với Quảng Ninh, Quốc lộ 37 nối Quốc lộ 5 với thị xã Chí Linh và tỉnh Bắc Giang cùng 40 km đường sông của 03 con sông: Kinh Thầy, sông Thương và sông Đông Mai nên rất thuận lợi cho phát triển và giao lưu kinh tế với các vùng lân cận. Phát huy lợi thế đó, Chí Linh đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, đa dạng về hình thức và mô hình cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Các nghề truyền thống được duy trì, khuyến khích phát triển. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại được ra đời và phát huy hiệu quả, điển hình như mô hình gà đồi ngày càng phát triển và đã trở thành thương hiệu “Gà đồi Chí Linh”, sản phẩm này thường xuyên được cung cấp cho nhiều tỉnh thành trong khu vực; mô hình nuôi lợn thương phẩm, nuôi cá lồng, trồng na, vải, nhãn và các loại cây ăn quả khác có giá trị ngày càng được nhân rộng.

Nhằm giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công tác khuyến nông luôn được chú trọng, đã mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, tạo thuận lợi để nông dân đầu tư vào sản xuất. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực ở địa phương. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản có tốc độ tăng trưởng 8,3% năm. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 97,6 triệu đồng. Việc dồn điền, đổi thửa gắn chỉnh trang đồng ruộng đạt được kết quả tốt, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa nông nghiệp và quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng luôn được coi trọng.

Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, Chí Linh đã quyết định lấy phát triển giao thông nông thôn làm khâu đột phá, cách làm này vừa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, vừa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân; qua đó đã tranh thủ tốt nhất sự chung tay, góp sức của nhân dân.

Trong 06 năm thực hiện đã đầu tư xây dựng mới, cứng hóa đạt chuẩn ở 12 xã: 322,13 km đường giao thông; 34,10 km đường nội đồng; kiên cố hóa 26,06 km kênh mương, cải tạo và nâng cấp 55km phục cho sản xuất nông nghiệp. Cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp. 100% số xã có đường truyền internet đến các thôn và hộ dân sử dụng điện an toàn; 95/95 thôn đã có nhà văn hóa; số hộ đạt Gia đình văn hóa hàng năm trên 90%.

Thu nhập bình quân đầu người ở các xã đến thời điểm hiện tại đạt trên 37 triệu đồng/người/năm. 12/12 xã đạt chuẩn hộ nghèo dưới 2%. Lĩnh vực giáo dục có bước phát triển toàn diện, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy học tập của các nhà trường, đồng thời luôn giữ vững thành tích nằm trong TOP đầu toàn tỉnh; Đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì ở mức cao; Tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng tăng; Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên không ngừng được nâng lên, 98,3% đạt chuẩn, trong đó 62,4% trên chuẩn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc văn hóa và học nghề đạt trên 90%; Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học khuyến tài phát triển mạnh.

Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, phát triển, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện có hiệu quả; trên 85% người dân đã tham gia bảo hiểm y tế. Trên địa bàn thị xã có hàng trăm di tích, di chỉ được xếp hạng, trong đó di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được xếp hạng đặc biệt cấp Quốc gia; Công tác bảo tồn các giá trị văn hoá, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh luôn được coi trọng, các lễ hội được tổ chức đúng quy định, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường được đặc biệt coi trọng, 12/12 xã duy trì hiệu quả hoạt động tổ thu gom rác thải, 98% hộ dân sử dụng nước sạch. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đạt 100% tiêu chuẩn về môi trường.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Đức Hóa – Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn của Đảng, Nhà nước. Sau khi có chỉ đạo của Thị ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo nông thôn mới của thị xã, Cấp ủy, chính quyền các xã đã đón nhận và vào cuộc quyết liệt; vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế địa phương. Nhiều sáng kiến, cách làm hay được nhân rộng. Công tác tuyên truyền vận động được tiến hành sâu rộng trên cơ sở thực hiện quy chế dân chủ đã tạo được sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân.

Mặt khác, chúng tôi tranh thủ tốt nhất sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên, sự góp sức của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn thị xã lên tới 936,068 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 56%, xã hội hóa 44%. Đến nay chúng tôi có 12/12 xã đã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%.

Thị xã đang đề nghị tỉnh, Trung ương về kiểm tra công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017. Sau 06 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới; các chính sách xã hội được quan tâm, an sinh xã hội và an ninh trật tự được đảm bảo. Hệ thống chính trị vững mạnh, các phong trào phát triển tốt. Mục tiêu của chúng tôi là: Giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, gắn phát triển nông thôn mới với xây dựng đô thị văn minh”.

Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã tiếp tục chung sức đồng lòng xây dựng quê hương Chí Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh, là trung tâm Kinh tế – Văn hóa của khu vực và là đô thị vệ tinh của thủ đô Hà Nội; Quyết tâm đưa thị xã Chí Linh trở thành thành phố trước năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXII đã đề ra.

Kim Cương - Nhà báo và Công Luận

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây