Hội nghị thẩm định hồ sơ Đề án thành lập thành phố Chí Linh

Thứ tư - 28/11/2018 20:51 - 2282 lượt xem
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tham dự và chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tham dự và chủ trì Hội nghị.
Ngày 27/11 tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án “Sáp nhập 02 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị thẩm định, về phía tỉnh Hải Dương có ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương, ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ, ông Lưu Văn Bản - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Hải Dương cùng 11 thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương báo cáo tóm tắt Đề án.

Báo cáo tóm tắt Đề án Sáp nhập 02 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương, ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương cho biết: Thị xã Chí Linh nằm trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là điểm kết nối trên chuỗi đô thị hành lang kinh tế công nghiệp Bắc Ninh - Chí Linh - Đông Triều - Mạo Khê - Uông Bí - Hạ Long; Hệ thống đường giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) thuận lợi. Bên cạnh đó, thị xã Chí Linh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh với 25 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt (chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc), 8 di tích được xếp hạng quốc gia.

Thành lập TP Chí Linh xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đang diễn ra trên địa bàn thị xã: Hơn 8 năm sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP thành lập thị xã Chí Linh ngày 12/02/2010, thị xã đã có sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,96%; giá trị tổng sản phẩm đạt 11.463 tỷ đồng (tăng 8,96% so với năm 2016), thu nhập bình quân đầu người đạt 65,47 triệu đồng/người/năm, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.009,1 tỷ đồng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng cấp, đồng bộ, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc chỉnh trang, nâng cấp, thị xã đã xây mới nhiều khu đô thị, đồng thời tập trung xây dựng nhiều công trình công cộng như khu công viên hồ, quảng trường, sân vận động, không chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân mà còn giúp thay đổi diện mạo của thị xã.

Tính đến 31/12/2017, dân số thị xã Chí Linh đạt 220.421 người, diện tích tự nhiên là 282,03km2, sau khi sáp nhập xã Kênh Giang và Văn Đức thị xã có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, sau khi thành lập 6 phường mới thị xã có 14 phường.

Trước đó, thị xã Chí Linh đã được công nhận là đô thị loại III theo Quyết định số 747/QĐ-BXD ngày 25/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Văn bản số 2657/BXD-PTĐT ngày 24/10/2018 của Bộ Xây dựng về việc cho ý kiến đánh giá phân loại đô thị loại III và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: Sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và việc mở rộng không gian đô thị đã có những tác động nhiều mặt đến sự phát triển của các xã: Hoàng Tiến, An Lạc, Văn Đức và Kênh Giang, Đồng Lạc, Tân Dân, Cổ Thành, làm cho việc tổ chức, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương theo mô hình xã như hiện nay không còn phù hợp, cần thiết phải thành lập phường để đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý đô thị”.

Việc thành lập 6 phường sẽ tạo điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng vùng ngoại thành, sắp xếp hợp lý nguồn lao động, tạo ra động lực mới cho sự phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Chí Linh là đô thị trung tâm của tỉnh Hải Dương và là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc thành lập TP Chí Linh trực thuộc tỉnh là rất phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thị xã Chí Linh và các xã, phường liên quan có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, tiếp tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hải Dương nói chung và nhân dân thị xã Chí Linh nói riêng.

Đánh giá Đề án Sáp nhập 02 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương, các thành viên của Hội đồng thẩm định đều nhất trí đề nghị Hội đồng thông qua Đề án, trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị.

Bên cạnh đó, các thành viên của Hội đồng cũng đề nghị UBND thị xã Chí Linh và tỉnh Hải Dương bổ sung, sửa chữa và hoàn thiện một số tiêu chí chưa đạt của Đề án.

Bộ Xây dựng đánh giá việc thành lập TP Chí Linh là hoàn toàn phù hợp với định hướng quy hoạch và định hướng phát triển đô thị, tuy nhiên, với một số tiêu chuẩn chưa đạt như nhà ở, mật độ dân số, giao thông vận tải chung, xử lý nước thải, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Hải Dương xem xét và quan tâm hơn nữa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh và việc sáp nhập 2 xã Kênh Giang và Văn Đức là điều kiện cần thiết. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đề nghị tỉnh Hải Dương quan tâm hơn nữa về vấn đề xây dựng xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, đồng thời hoàn thiện chính xác số liệu về diện tích tự nhiên sao cho thống nhất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh Hải Dương làm rõ vấn đề cân đối thu chi ngân sách Nhà nước.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao việc phân tích rõ ràng những điểm mạnh, điểm yếu của các đơn vị hành chính đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong từng đề án liên quan.

Bộ Quốc phòng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của vị trí địa lý của tỉnh Hải Dương, đề nghị tỉnh quan tâm và tăng cường việc xây dựng hệ thống phòng thủ nhằm củng cố trật tự, quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc khu vực phía Đông Bắc của Thủ đô và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Bộ Công an đề nghị tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan bố trí quy hoạch trụ sở làm việc phù hợp với mô hình mới của thành phố, đặc biệt là các cơ sở Công an phường nhằm bảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Bộ Tư pháp đánh giá cao sự tiếp thu ý kiến của tỉnh Hải Dương và đã thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo, góp ý của Bộ về việc phân bổ nguồn lực bên trong và bên ngoài, đồng thời cần chú trọng hơn nữa về vấn đề đầu tư chỉnh trang đô thị.

Văn phòng Chính phủ đề nghị tỉnh Hải Dương rà soát lại thật kỹ lưỡng các số liệu có trong đề án như diện tích đất tự nhiên... để bảo đảm sự thống nhất cho toàn bộ đề án.

Quốc hội đề nghị tỉnh Hải Dương giữ nguyên tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức của các phường, số lượng các đại biểu HĐND; sắp xếp bố trí lại một số chức danh tại phường mới thành lập cho phù hợp với chức năng đơn vị hành chính thuộc khu vực nội thị, sắp xếp lại trụ sở làm việc, đồng thời xem xét vầ soát lại về số liệu một số phần đảm bảo tính nhất quán.

Ngoài ra, Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ cũng đề nghị tỉnh Hải Dương cần xem xét và tính toán lại các lộ trình ngắn hạn việc sáp nhập các đơn vị hành chính từ nay đến năm 2021, đồng thời thống nhất đơn vị đo diện tích đơn vị hành chính và rà soát lại toàn bộ số liệu trong các đề án.

Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định, ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Hải Dương sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn với lộ trình dài hạn, hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, nhất là những cung đường còn đang dang dở... Đồng thời sẽ tổ chức rà soát lại toàn bộ số liệu trong các đề án để bảo đảm sự nhất quán, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị.

Ông Nguyễn Anh Cương nhấn mạnh: Hải Dương là trung tâm đô thị, công nghiệp và du lịch. Do đó, việc nâng cấp thị xã Chí Linh lên thành phố trực thuộc tỉnh là hết sức cần thiết. Đây là mong muốn không chỉ của Đảng bộ nhân dân mà còn tâm huyết của lãnh đạo địa phương các thế hệ tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần làm việc nghiêm túc, chỉnh chu của Đề án.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng, đặc biệt là cần rà soát lại thật kỹ lưỡng toàn bộ số liệu có trong Đề án như diện tích tự nhiên, lưu ý ghi rõ nguồn gốc, trích dẫn.

Thứ trưởng cũng đề nghị đại diện các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thị xã Chí Linh hoàn thiện hồ sơ Đề án, căn cứ kết quả đánh giá với 11/11 ý kiến đồng ý chấp thuận thành lập TP Chí Linh trực thuộc tỉnh Hải Dương để hoàn thiện tờ trình, trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị.

Huyền Trang (Báo điện tử Xây dựng)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây