Đồng Châu giữ rừng

Chủ nhật - 29/11/2015 16:13 - 3627 lượt xem
Các hộ được giao khoán rừng luôn chủ động phát quang, phát dập thực bì ngăn chặn cháy rừng
Các hộ được giao khoán rừng luôn chủ động phát quang, phát dập thực bì ngăn chặn cháy rừng
Nhiều năm nay, người dân ở thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) luôn tích cực gìn giữ "tài nguyên xanh" của con người.
Dân bám rừng

Gắn bó với rừng hơn nửa đời người, anh Bùi Văn Thảo thấm thía những vất vả, khó khăn trong những chuyến đi rừng. Khi nhắc tới 30 ha rừng phòng hộ mà gia đình anh nhận khoán từ hơn 20 năm trước nay vẫn xanh ngút ngàn, chưa một lần bị phá hoại hay thiệt hại do cháy, anh không khỏi tự hào: "Khi được giao rừng tôi vừa mừng vừa lo. Lo vì kinh nghiệm đi rừng chưa có, bởi tôi là dân từ nơi khác chuyển tới, rồi còn bao thử thách trước mắt, một mình không thể quán xuyến hết diện tích rừng lớn như vậy. Hơn nữa, còn 3,3 ha rừng sản xuất của gia đình cũng cần phải trông nom. Nhưng tôi vẫn kiên quyết nhận vì nếu mình thoái thác và mọi người đều có suy nghĩ như vậy thì ai sẽ bảo vệ rừng?". 

Không giống như người dân bản địa, anh Thảo phải mất một thời gian dài mới có thể quen dần với những chuyến đi rừng đầy vất vả. Tình yêu với rừng khiến anh có thể nhớ tường tận từng gốc cây, bờ bụi, từng phiến đá nơi anh đã đi qua. Mỗi tuần, anh dành 3 ngày để lên thăm rừng, còn vào mùa khô, anh thường xuyên vào rừng kiểm tra hơn. Ở những khu rừng giáp ranh, anh phối hợp với những chủ rừng khác để bảo vệ. Bởi như anh nói: "Mình giữ mà người khác không giữ thì cũng chả ích gì". Anh luôn chủ động phát quang, phát dập thực bì để tạo đường băng cản lửa, phòng chống cháy rừng. Đối với những người đi rừng, anh vận động họ không hút thuốc để phòng chống cháy. Chính vì vậy mà diện tích rừng do anh quản lý đều bảo đảm an toàn, nguy cơ cháy rừng thấp.

Giống như anh Thảo, anh Nguyễn Đình Thành cũng luôn trăn trở để bảo vệ rừng. Anh cho biết: "Gia đình tôi nhận khoán 24 ha rừng phòng hộ. Với tiền hỗ trợ là 180.000 đồng/ha/năm thì chả thấm vào đâu so với công sức bỏ ra. Nhiều người ngại vất vả đã bỏ rừng đi làm việc khác nhưng tôi vẫn quyết bám rừng". Với kinh nghiệm đi rừng nhiều năm, theo anh Thành, muốn bảo vệ rừng thì không bao giờ được lơ là, chủ quan. Nhiều lần đã đi quanh rừng một lượt, nhưng anh vẫn không an tâm nên phải quay lại kiểm tra. Anh nắm rõ đặc tính cây cối ở mỗi vùng để đưa ra cách xử lý riêng nếu xảy ra cháy rừng. Với những nơi cây tán cao rộng, phần thực bì ở dưới đất mà ít sẽ không đáng ngại, còn những điểm cây rụng lá nhiều vào mùa khô hay cây ruột rỗng, dễ bắt lửa thì cần đặc biệt lưu tâm và đề phòng cao độ nguy cơ cháy rừng.

Không chỉ có anh Thảo và anh Thành, rất nhiều hộ dân khác ở Đồng Châu đã và đang gìn giữ những thảm xanh ở khắp các triền đồi, sườn núi. Công việc vất vả có khi còn gắn liền với cả hiểm nguy nhưng với họ rừng không chỉ là nguồn sống mà còn là một điều gì đó thiêng liêng.

Chính quyền sát sao

Thôn Đồng Châu có 942,4 ha rừng với độ che phủ đạt 95%. Trong đó có 721,2 ha rừng phòng hộ, 125,6 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng trồng. Tất cả các hộ trong thôn đều có rừng sản xuất. Diện tích rừng phòng hộ giao khoán cho hơn 100 hộ dân. 

Anh Lưu Văn Vinh, Trưởng thôn Đồng Châu cho biết: Đồng Châu là thôn có diện tích rừng lớn nhất xã và giáp ranh 2 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang nên việc quản lý rừng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của người dân và sự chỉ đạo sát sao của chính quyền, công tác bảo vệ rừng đã thuận lợi hơn nhiều. Vài năm trở lại đây, thôn không để xảy ra cháy rừng, người dân cũng không còn tự ý lên rừng phòng hộ khai thác lâm sản phụ khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng. Thực hiện chỉ đạo về bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm Chí Linh và chính quyền xã, thôn Đồng Châu thường xuyên vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân. Trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt hè cho trẻ nhỏ, các đoàn viên thanh niên trong thôn lồng ghép các hoạt động thiết thực để giáo dục cho các em ý thức tự giác về bảo vệ rừng.

Đồng chí Lương Văn Toán, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Hoa Thám cho biết: Bảo vệ rừng luôn là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nhằm phát huy hiệu quả công tác bảo vệ rừng, xã đã thành lập lực lượng phòng chống cháy rừng bao gồm lực lượng công an xã và trung đội dân quân thường trực. Đồng thời mỗi thôn có một tổ phòng chống cháy rừng, các làng đều có quy ước bảo vệ rừng. Các tổ này thường xuyên kiểm tra những vị trí trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để đề phòng cháy rừng.

Tác giả bài viết: MƠ NGUYỄN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây