Đoàn đại biểu cán bộ, người có công TP Chí Linh: Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Truông Bồn, Ngã Ba Đồng Lộc
Thứ bảy - 06/07/2019 22:22 - 2196 lượt xem
Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019), Ngày 6/7, Đoàn Đại biểu cán bộ, người có công TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) hành trình thăm, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Nhà Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Truông Bồn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) và Nghĩa trang Ngã Ba Đồng Lộc, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã Ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh làm trưởng đoàn; đồng chí Tô Văn Sang, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đồng chí Nguyễn Minh Thắng, Thành ủy viên, Trưởng ban Dân vận cùng các đồng chí Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, các ban xây dựng đảng, Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể, phòng, ban, đơn vị, đại biểu HĐND thành phố, lãnh đạo các xã, phường, đại biểu là người có công với cách mạng TP Chí Linh đã tiến hành lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn và Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc.
Truông Bồn nằm trên tuyến đường 30 thuộc đường chiến lược 15A, địa phận xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là huyết mạch giao thông chi viện nhân tài vật lực cho chiến trường miền Nam. Đây là “yết hầu” của tuyến vận tải chiến lược nên từ 1964-1972 giặc Mỹ liên tục đánh phá ác liệt. Ngày 31-10-1968, 13 TNXP (11 nữ, 2 nam) thuộc tiểu đội 2 của Đại đội 317, Đội 6, Tổng đội TNXP Nghệ An đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn trước khi trời sáng, bỗng nhiên máy bay Mỹ lao tới đánh bom xuống nơi đơn vị TNXP đang làm nhiệm vụ. Sau trận bom ác liệt đó 13 người hi sinh, còn 1 người sống sót, trong đó có 7 người không tìm thấy thi hài. Hiện tại Truông Bồn có một ngôi mộ chung cho họ. Ngày 12-1-1996, Bộ Văn hóa - Thông tin có quyết định công nhận Truông Bồn là di tích lịch sử quốc gia. Ngày 23-9-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tiểu đội 2 gồm 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn (13 người đã hy sinh, 1 người còn sống).
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn luôn là “tọa độ lửa” đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có 1240 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu và hi sinh để bảo vệ con đường chiến lược huyết mạch Truông Bồn.
Còn đối với Ngã Ba Đồng Lộc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cũng được coi là vị trí chiến lược, yết hầu, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Vì vậy từ năm 1964 đến năm 1972 Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là năm ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom, mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom, Ngã ba Đồng Lộc nổ tung lên, không một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi.
Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc có thời điểm đông nhất lên tới 16000 người gồm nhiều lực lượng như: Bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích… làm nhiệm vụ chiến đấu tránh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam. Trong cuộc chiến đấu đó, đã có hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, một ngày như mọi ngày, 10 chị ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ tuổi nhất là 17 tuổi, ba người chị lớn tuổi nhất cùng 24 tuổi
Ngày nay, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn và Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc đã và đang được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, nhiều công trình kiến trúc văn hóa tâm linh khác để đưa những nơi này trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân./.
Một số hình ảnh đoàn Đại biểu cán bộ, người có công TP Chí Linh dâng hương tại các Khu di tích.