Nét đẹp khai bút đầu Xuân của người Việt

Chủ nhật - 10/02/2019 19:30 - 2248 lượt xem
Lễ dâng hương khai bút ở đền thờ Nhà giáo Chu Văn An (thị xã Chí Linh, Hải Dương)
Lễ dâng hương khai bút ở đền thờ Nhà giáo Chu Văn An (thị xã Chí Linh, Hải Dương)
Khai bút đầu Xuân từ lâu đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc trong năm mới; đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa và đề cao sự học.

Gìn giữ nét văn hóa xưa

Theo sử sách, tục khai bút và đi xin chữ đầu Xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An - một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học.

Tương truyền, khi học trò đến thăm thầy Chu Văn An, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.

Lễ khai bút của người xưa được thực hiện sau Giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Mọi người thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại… Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.  

Ngày nay, tục khai bút đầu Xuân đã có nhiều thay đổi. Với nhiều gia đình, đặc biệt là học sinh, giới văn sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Bởi người Việt quan niệm cây bút là công cụ gắn bó giữa đời sống trí tuệ và tâm hồn. Khai bút tượng trưng cho may mắn, thành công trong học tập và sự nghiệp.

Chú thích ảnh
Xin chữ đầu năm tại Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Ảnh: Hiền Anh/TTXVN

Trong những năm gần đây, để duy trì và phát triển phong tục đẹp này, nhiều địa phương, dòng họ, gia đình tổ chức Lễ khai bút đầu năm tại văn miếu, đền, đình... Nghi lễ này không chỉ khơi dậy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo, học sinh, tôn vinh truyền thống hiếu học mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa địa phương.

Tiêu biểu như: Lễ dâng hương khai bút ở đền thờ Nhà giáo Chu Văn An (thị xã Chí Linh, Hải Dương), Lễ hội khai bút (xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), Lễ khai bút của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại đình thờ Nhà giáo Chu Văn An (xã thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Lễ hội khai bút tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng)… Các cụ đồ nho, các nhà giáo, học sinh tiêu biểu của địa phương sẽ được lựa chọn tham gia vào nghi thức khai bút.

Những lễ hội này thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân và khách thập phương. Bởi khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề…và bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng trong năm mới, tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu.

Các trường học rộn ràng khai bút

Với học sinh, tục khai bút cũng không chỉ diễn ra trong ngày đầu tiên của năm mới. Hiện nay, nhiều trường học lựa chọn ngày đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán để tổ chức lễ khai bút. Đây thực sự trở thành ngày hội văn hóa của các thầy cô giáo và học sinh. Gửi gắm trong những nét chữ đầu Xuân là ước nguyện của người cầm bút về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới.

Chú thích ảnh
Các bạn trẻ vui mừng, hào hứng khoe chữ vừa xin được tại Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên). Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN

Đã thành thông lệ, năm nào, thầy và trò Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) cũng chọn ngày đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ Tết để tổ chức Hội Khai bút, thi viết chữ đẹp của giáo viên và học sinh. Với những bài thơ hay, giàu ý nghĩa về chủ đề mùa Xuân, đất nước, các giáo viên và học sinh có cơ hội thể hiện những nét chữ chỉn chu, nắn nót. Hoạt động này nhằm mục đích đẩy mạnh phong trào “Vở sạch 0 chữ đẹp”, thông qua “rèn nét chữ” để “rèn nết người”, rèn tính kiên nhẫn, cẩn thận cho học sinh tiểu học.

Trường Quốc tế Liên cấp Việt - Úc (Hà Nội) cũng chọn cách khởi động năm mới bằng Lễ khai bút đầu Xuân. Khoác lên mình những bộ áo dài đầy màu sắc, hàng nghìn học sinh Trường Việt - Úc vào vai các “ông đồ nhí”, sử dụng giấy điều, bút lông để viết những câu thơ, nét chữ… theo ý muốn. Nhiều bạn nhỏ tuy còn lóng ngóng khi cầm bút lông, những nét chữ còn vụng về nhưng các em đều hiểu được “khai bút đầu Xuân” là đề cao sự học. Năm nay, trường sẽ tổ chức lễ khai bút vào ngày mùng 8 tháng Giêng, nhằm mang đến cho học sinh một hoạt động văn hóa bổ ích và có ý nghĩa, chào đón một năm mới nhiều niềm vui và sáng tạo.

Tại Trường Archimedes Academy, chương trình khai bút đầu năm cũng được tổ chức với mong muốn hướng về cội nguồn, giúp học sinh hiểu hơn về những phong tục truyền thống, nét đẹp văn hóa của người Việt. Bạn nào cũng tập trung, nghiêm túc và nắn nót từng nét chữ trong bài viết khai bút. Thông qua hoạt động này, nhà trường hy vọng học sinh sẽ trân trọng hơn nữa việc học tập và nỗ lực để đạt kết quả cao trong năm mới.

Với học sinh Trường Phổ thông quốc tế Newton, nhà trường thường đề nghị mỗi lớp nghĩ ra một vế đối. Sau đó, các lớp sẽ tiến hành bốc thăm câu đối để hoàn thiện vế đối còn lại. Ngày đầu tiên trở lại trường sau Tết, giờ học đầu tiên của các lớp dành để học sinh thảo luận nội dung vế đối còn lại và tiến hành khai bút. Câu đối của các em có thể chưa thật tinh tế về ý, về chữ nhưng nội dung đều xuất phát từ những suy nghĩ giản dị, trong sáng nhất. Đây không chỉ là hoạt động duy trì nét văn hóa truyền thống mà còn là một giờ trải nghiệm thực tế, một cách học tập độc đáo.

 
Nhiều năm qua, với việc duy trì tổ chức lễ khai bút đầu xuân, Ban Tổ chức lễ hội thị xã Chí Linh đã tạo nên một lễ hội văn hóa đặc sắc ở đền Chu Văn An thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và du khách thập phương tham dự. Những ngày này, tại đền thờ Chu Văn An cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh đang tích cực chuẩn bị các phần nội dung công việc trang trí, khánh tiết tạo không gian cảnh quan đẹp để đón xuân và đặc biệt để chuẩn bị cho lễ khai bút đầu xuân được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng (âm lịch).​

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây