Tình cảm với người bạn Nga trong sáng, thủy chung

Thứ ba - 07/11/2017 21:44 - 2328 lượt xem
Lúc 9 giờ ngày 12.12.1985, Xéc-gây La-ki-a-nốp (thứ ba từ trái sang) đã ấn nút tổ máy số 3 công suất 110 MW hòa vào lưới điện quốc gia thành công
Lúc 9 giờ ngày 12.12.1985, Xéc-gây La-ki-a-nốp (thứ ba từ trái sang) đã ấn nút tổ máy số 3 công suất 110 MW hòa vào lưới điện quốc gia thành công
Gần đến kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, tôi càng thấy bồi hồi xúc động bởi may mắn tôi đã gặp người bạn Nga trên công trình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.
Càng gần đến kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1917 - 7.11.2017), tôi càng thấy bồi hồi xúc động bởi cách đây hơn 30 năm, may mắn tôi đã gặp người bạn Nga trên công trình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Đó là kỹ sư điện Xéc-gây La-ki-a-nốp.

Mùa đông năm 1983, tại công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, lúc đó tôi làm cán bộ thi đua tuyên truyền có nhiệm vụ phối hợp với đoàn chuyên gia Liên Xô hơn 300 người triển khai công tác tuyên truyền đến hơn 1 vạn cán bộ, công nhân Việt Nam đang ngày đêm lao động trên công trường. 

Những năm cùng làm việc với La-ki-a-nốp, giữa hai chúng tôi rất “tâm đầu ý hợp", góp phần giảm đi những phiền toái do ngôn ngữ bất đồng. Với vốn tiếng Nga ít ỏi học được thời còn ở trường phổ thông, tôi vẫn hiểu được tình cảm rất chân thành ở La-ki-a-nốp. Thật tình cờ, khi hai chúng tôi biết nhau cùng sinh năm 1944, từ đó càng thấy quý trọng, gắn bó với nhau nhiều hơn. Ngoài hệ thống loa truyền thanh, bảng tin công cộng biểu dương gương sáng trong lao động của cả chuyên gia Liên Xô và Việt Nam, chúng tôi còn phối hợp mỗi năm đều làm phòng thông tin lưu động với hàng thăm ảnh cỡ lớn cùng nhiều pa-nô nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam và Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trong quá trình làm việc, có nhiều thời điểm khẩn trương, La-ki-a-nốp quên cả nghỉ trưa. Có lần anh thức thâu đêm bám sát công việc dẫu khẩu phần ăn chỉ có bánh mỳ và nước lọc. Đầu tháng 11.1983, La-ki-a-nốp đã chuyển cho phòng thông tin công trình nhiều sách, báo, tranh ảnh rồi thân mật nói với tôi: “Cách đây 66 năm, vào ngày 7.11.1917, tại nước Nga chúng tôi, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích, công nhân và dân lao động Nga đã vùng lên làm một cuộc cách mạng chưa từng có: Đập tan chế độ Sa hoàng ruỗng nát, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, khai phá con đường đi tới hạnh phúc và phẩm giá con người”. 

Rồi đến cuối năm 1990, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau khi La-ki-a-nốp về nước. Ngày tiễn anh, La-ki-a-nốp không giấu nổi niềm xúc động. Anh ôm lấy tôi, miệng thốt lên: “khơ-ra-sô”(tốt). Liền sau đó, anh tặng tôi huy hiệu mang hình chú gấu Misa rồi nói: “Đây là biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị”. Cuối năm 1991, ngay sau khi Liên bang Xô Viết đổ vỡ, La-ki-a-nốp vẫn lạc quan viết thư cho tôi. Trong thư có đoạn: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại không chỉ tạo ra một kiểu nhà nước mới mà còn tạo ra cả một nền văn minh mới. Về ý nghĩa của kinh nghiệm Xô Viết vẫn sống mãi và đi cùng với tương lai của toàn nhân loại”.

Cho đến hôm nay, hình ảnh về La-ki-a-nốp vẫn luôn hiện hữu trong lòng tôi thiết tha và trân trọng. Đó là một kỹ sư điện người Nga say mê, trách nhiệm, nhiệt tình, trung thực, luôn có tác phong làm việc khoa học “rất công nghiệp”. Tôi có cảm nhận rõ ràng rằng một mảng văn hóa Nga trong không gian Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại ngày nay vẫn còn hấp dẫn, cảm hóa nhiều thế hệ thợ điện nơi đây. Có thể coi đây là sức sống mới của tình hữu nghị Việt - Nga - một tình cảm có chiều sâu làm cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng bền vững.

Thời gian cứ trôi! Với lịch sử trải qua nhiều biến cố nhưng những tình cảm với người bạn Nga trong sáng, thủy chung vẫn in dấu trong tâm hồn tôi, khích lệ tôi sống lạc quan, giữ vững niềm tin đối với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

NGUYỄN HUY THỰC - Báo Hải Dương điện tử

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây