Người trồng rừng chỉ bằng một khuỷu tay

Thứ bảy - 24/10/2015 14:26 - 1568 lượt xem
Cụt hai bàn tay, mất một chân do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, nhưng anh Nguyễn Đình Tuấn ở phường Cộng Hòa (thị xã Chí Linh, Hải Dương), đã viết nên câu chuyện cổ tích của cuộc đời bằng nghị lực phi thường.

 

Chỉ còn một khủy tay nhưng anh Nguyễn Đình Tuấn vẫn phủ xanh được 4 ha đất đồi - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Tay trắng lập nghiệp, người đàn ông 36 tuổi này với ý chí phi thường đã “phủ xanh” hơn 4ha đất đồi thành rừng keo, lim có giá trị hàng tỷ đồng.

“Phải tự cứu lấy mình”

Một ngày của anh Nguyễn Đình Tuấn bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng cho đến khi đàn gà lên chuồng ngủ. Anh khởi động ngày mới của anh bằng việc vác hành chục bao cám trên chiếc nạng ngỗ cho hàng nghìn con gà ăn. Xong việc, anh chuẩn bị bữa sáng, rồi lại bận rộn với những công việc không tên trên đồi rừng rộng vài ha.

Lúc tôi đến, anh Tuấn đang đi tập tễnh từ trên đồi xuống, người ướt đẫm mồ hôi. “Tôi vừa “tập thể dục” buổi sáng bằng việc vác 2,5 tạ cám cho hơn 2.000 con gà ăn. Tôi bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ sáng cho đến tối mịt. Ngày nào cũng như vậy”, anh Tuấn mở đầu câu chuyện.

Khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Đình Tuấn cũng là một đứa trẻ lành lặn. Biến cố của cuộc đời ập đến khi anh 12 tuổi. Một ngày năm 1990, anh cùng 3 người bạn lên đồi gần nhà chơi. Lúc đó, một người thương binh bị tâm thần trong làng nhặt được một quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Anh cùng các bạn tò mò đến xem. Và rồiquả bom bi phát nổ làm 4 người chết tại chỗ, còn anh nằm bất tỉnh, hai tay và một chân nát. Đến bệnh viện, bác sĩ lắc đầu, nói anh không còn hy vọng sống, rồi bảo người nhà chuẩn bị lo hậu sự cho anh. Nhưng điều kỳ diệu đã đến, anh đã tỉnh lại trước sự ngạc nhiên của mọi người.

Lúc mở mắt ra, anh phải đối mặt với một sự thật nghiệt ngã về nỗi đau thân thể không toàn vẹn. Nhìn thấy một tay cụt hoàn toàn, tay còn lại cụt đến khuỷu, một chận bị cưa đến đầu gối, anh vô cùng hụt hẫng.

Một thời gian dài, anh Tuấn sống trong mặc cảm, day dứt khi nghĩ rằng mình trở thành gánh nặng của gia đình. Bố mẹ anh đã phải khổ sở chăm sóc người anh trai mắc bệnh tâm thần do chất độc da cam, giờ lại phải xoay sở lo đứa con khuyết tật. Có nhiều lúc, anh nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát.

Nhìn bố mẹ vất vả bón từng thìa cơm, thay từng bộ quần áo cho mình  mỗi ngày,trong anh thôi thúc một sức mạnh phải vượt lên nghịch cảnh. “Nằm trên giường, tôi tự nhủ, phải cứu lấy chính mình, không để cho bố mẹ phải khổ vì mình, không để người đầu bạc lo cho người đầu xanh”, anh Tuấn nói.

Anh bắt đầu bước vào cuộc chiến đầy gian khổ với chính những khiếm khuyết trên cơ thể mình. Mới đầu anh tập nhoài người để có thể ngồi được. Vì không có đôi tay anh phải lấy sức lật nghiêng người. Những ngày đầu toàn thân chày xước, chảy máy, đau ê ẩm.

Đến khi ngồi dậy được bình thường, anh tập đi. Cứ nhảy lò cò bằng một chân được vài bước anh lại ngã, mặt mũi tím bầm. Cứ như thế, suốt ba năm trời, anh không nhớ nổi mình đã ngã bao nhiêu lần, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt để có thể đi lại bằng nạng ngỗ trước sự khâm phục của mọi người trong gia đình và bà con hàng xóm.

Năm lên 18 tuổi, anh Tuấn nói với bố mẹ: “Bố mẹ đã già không thể lo cho con suốt cuộc đời. Con đã lớn phải tự chăm sóc mình.  Con xin chuyển vào khu rừng bật đàn tái sinh thưa thớt của gia đình ở xóm Cầu Ván để sống tự lập”.

Cũng chính nơi rừng vắng này, hạnh phúc đã đến với anh, năm 2002, một phụ nữ trong làng cảm phục trước nghị lực sống của anh đã đồng ý làm vợ anh.

 

Anh Tuấn bên khu nuôi gà - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Trồng rừng bằng một khuỷu tay

Chung sống được 5 năm, có với nhau một đứa con, không chịu được khổ, người phụ nữ ấy đã dứt áo ra đi để lại anh với đưa con thơ.

Vợ bỏ đi, gia cảnh túng quẫn, anh gửi con cho bố mẹ đã già, rồi lên tận Lạng Sơn làm ăn xin. Ba tháng trời anh lang thang khắp đầu đường, góc chợ.

“Đêm ngủ tôi luôn nghĩ về con mình. Mẹ đã bỏ đi, giờ tôi không ở bên chăm sóc, dạy bảo, không biết con mình lớn lên liệu có thành người tử tế. Tôi nhận thấy đứa con là tài sản quý giá nhất. Tôi phải về nhà ở bên con, chỉ bảo con đến nơi đến chốn”, anh Tuấn tâm sự.

Về nhà, anh lại vào rừng, quyết làm lại từ đầu. Anh làm một việc mà nhiều người trong làng nghĩ là khổng thể. Đó là trồng rừng chỉ bằng một khuỷu tay còn lại.

“Những ngày đầu học cách cuốc đất bằng khuỷu tay thật không dễ dàng. Tôi chỉ cuốc được một vài nhát thì đã ngã ngay vì chân đứng bằng nạng. Tôi lại tiếp tục đứng lên và cầm cuốc làm việc mặc cho khuỷu tay chảy máu. Mỗi lần bổ cuốc xuống đất tôi phải cố hết sức lực, toàn thân rung lên”, anh Tuấn cho biết.

Đến khi những nhát cuốc đã thành thục, anh bắt đầu phủ xanh đồi hoang. Trên chiếc nạng ngỗ tập tễnh, anh cần mẫn dùng khuỷu tay còn lại cuốc từng hố đất, trồng từng gốc cây. Hai năm sau, hơn 4ha đất đồi đã được anh phủ bằng rừng keo, lim.

Chưa dừng lại ở  đó, người đàn ông giàu nghĩ lực này đã có bước đi mạnh mẽ để mở hướng thoát nghèo. Đó là chăn nuôi gà với quy mô lớn trên đồi. Mới đầu anh nuôi thử 500 con. Sau thấy có lãi, anh tăng đàn lên hàng nghìn con. Trung bình mỗi năm anh xuất khoảng 5000 con gà đồi ra thị trường. Năn ngoái, anh thu lãi cả trăm triệu đồng.

Rừng keo, lim anh trồng cũng đến thời kỳ thu hoạch. Có vị khách đã trả giá vài tỷ đồng cho 4 ha rừng anh trồng, nhưng anh vẫn chưa bán. Anh tính 5 năm sau mới bán, rừng trồng sẽ có giá trị cao hơn nhiều lần.

“Bây giờ, cuốc sống của tôi đã khác trước nhiều. Tôi đã có thể lo cho con tôi học hành. Tôi rất mong cơ quan các cấp tạo điều kiện cho tôi vay vốn, cung cấp thông tin nông nghiệp để tôi phát triển kinh tế hơn nữa”, anh Tuấn nói.

Bà Phùng Thị Năm, một người hàng cứ tấm tắc mãi khi nói về anh: “Anh Tuấn là người có một ở làng này. Bà con hàng xóm, từ người già đến trẻ nhỏ đều cảm phục nghị lực vượt lên số phận nghiệt ngã của anh ấy”.

 
NGUYỄN THẮNG (CP)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây