Người phục dựng hồn quê

Thứ bảy - 24/10/2015 14:23 - 1422 lượt xem
Hình ảnh người đàn ông cầm trên tay bức thư, lọc cọc đạp xe khắp nơi xin tiền về xây đình làng đã trở nên quen thuộc với người dân thôn Bích Thủy, xã Văn Đức.

 



Đình làng Bích Thủy được xây dựng khang trang
 

Nguyên là một kỹ sư nông nghiệp cấp huyện, sau khi về hưu ông Lương Văn Tháp ở xã Văn Đức (Chí Linh) đạp xe đi khắp nơi xin tiền để xây dựng lại ngôi đình của làng đã bị đổ sau cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông được dân làng coi là người phục dựng hồn quê. 

Viết "thư xin tiền" để xây đình làng

Nhiều năm trước, hình ảnh người đàn ông cầm trên tay bức thư, lọc cọc đạp xe khắp nơi xin tiền về xây đình làng đã trở nên quen thuộc với người dân thôn Bích Thủy, xã Văn Đức.

Nghỉ hưu năm 1991, sau gần 30 năm làm việc trong ngành nông nghiệp của huyện Gia Lộc và Chí Linh, ông Tháp bắt tay ngay vào thực hiện tâm nguyện đau đáu của mình trong suốt những năm công tác. Đó là xây dựng lại ngôi đình của làng Bích Thủy đã bị đổ vỡ sau cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Tháp tâm sự: “Ở miền Bắc các ngôi làng thường có đình thờ Thành hoàng. Làng Bích Thủy cũng có, nhưng đến năm 1956 thì ngôi đình bị đổ, từ đó làng không còn nơi thờ tự chung. Những ngày còn bận rộn công tác tôi đã nung nấu ý định xây dựng lại ngôi đình này nhưng chưa thực hiện được. Tôi muốn xây dựng lại ngôi đình làng để thế hệ sau nhớ và tự hào về lịch sử của địa phương, bởi di tích đã gắn bó mật thiết với công cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Trong những năm chiến tranh, ban ngày đình Bích Thủy là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, hội họp, còn về đêm đây là nơi đúc mìn, lựu đạn để phục vụ kháng chiến". 

Tuy nhiên, kinh phí xây dựng không có sẵn mà phải huy động trong dân và xin trợ giúp từ các nơi nên việc xây dựng gặp nhiều khó khăn. Ông Tháp đã vận động dân làng đóng góp mỗi khẩu 10.000 đồng. Bản thân ông đạp xe đi khắp nơi vận động anh em, bạn bè từng công tác ngày trước đóng góp xây dựng đình. “Lúc bắt đầu đặt móng xây đình năm 1997, tôi chỉ có vài chục nghìn đồng để mua chè thuốc cho thợ. Người dân còn khó khăn nên số tiền huy động được lúc đó không nhiều. Trong tay không có một đồng để mua nguyên vật liêu nên nói đến việc xây lại đình ai cũng bất  ngờ. Đó là một quyết định liều lĩnh. Có nhiều người bảo tôi có vấn đề", ông Tháp nói.

Đã quyết là làm, ông Tháp đứng ra ký nợ để mua nguyên vật liệu xây dựng, giao lại việc quản lý xây dựng cho những người ở nhà, còn mình hằng ngày đạp xe rong ruổi đi khắp nơi xin tiền. "Để không phải nói đi nói lại nhiều lần, ông soạn sẵn một bức thư tay trình bày nguyên nhân và hoàn cảnh đi xin tiền. "Ban đầu, những người bạn nhìn tôi tỏ vẻ thương cảm. Họ không nghĩ một kỹ sư nông nghiệp sau khi về hưu lại đạp xe cà tàng đi xin tiền như thế. Trong mắt nhiều đồng nghiệp cũ, hành động của tôi rất bê tha, bệ rạc. Tôi không quan tâm ai nghĩ gì, chỉ cốt là được việc của mình", ông Tháp nói. Công sức của ông cuối cùng cũng được đền đáp. Sau 1 năm khởi công xây dựng, 3 gian đình thờ nhị vị Thành hoàng làng đã hoàn thiện vào năm 1998 với tổng kinh phí 14 triệu đồng. Cũng trong năm này, làng Bích Thủy được đón nhận danh hiệu làng văn hóa.

Để gìn giữ những truyền thống văn hóa của làng quê xưa, ông Tháp nghĩ cần phải có nơi để tổ chức sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân. Thay vì xây dựng nhà văn hóa như các nơi ông Tháp bàn với người dân xây dựng nhà văn hóa sân đình ngay bên cạnh ngôi đình vừa xây xong. Vẫn với cách huy động kinh phí như trước, năm 2002, 3 gian đình ngoài làm nơi sinh hoạt, hội họp của làng tiếp tục được khởi công. Đợt xây dựng thứ 2 này gặp nhiều khó khăn hơn do kinh phí lớn. Không đủ tiền nên đình ngoài cứ xây được một phần lại bỏ dở. Cứ như thế, sau 3 năm, đình ngoài mới được hoàn thiện với tổng kinh phí 70 triệu đồng. Hằng năm ròng đạp xe đi các nơi xin tiền về xây dựng đình làng, cuối cùng, ông đã được toại nguyện. 

Niềm tự hào của người dân Bích Thủy 

Từ ngày được xây dựng lại, đình làng Bích Thủy trông khang trang, sạch sẽ. Ông Lương Văn Côi, 85 tuổi cho biết: “Cây đa, bến nước, sân đình luôn là biểu tượng quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam bao đời nay. Ông Tháp là người tìm lại hồn quê cho dân làng Bích Thủy này". 
 



Làng Bích Thủy hiện còn lưu giữ được phong cảnh đậm chất thôn dã với cây đa, giếng nước, sân đình


Thôn Bích Thủy có 140 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu. Đây là thôn nhỏ nhất và là thôn đầu tiên của xã được nhận danh hiệu làng văn hóa. Ông Nguyễn Văn Triển, Trưởng thôn Bích Thủy cho biết: "Việc xây dựng lại ngôi đình đã góp phần gìn giữ và phát huy những phong tục truyền thống bao đời nay của người dân thôn Bích Thủy. Trong lịch sử, sân đình vừa là nơi cầu bình an, phúc đức, vừa là nơi hội họp".  

Gần 20  năm qua, kể từ khi đình Bích Thủy được xây dựng lại, nơi đây cũng trở thành ngôi nhà chung của dân làng. Mọi sinh hoạt văn hóa của các hội, đoàn thể đều được tổ chức tại đây. Vào các ngày lễ hội truyền thống của làng, sau khi tổ chức phần lễ tại đình trong thì các hoạt động hội họp được tổ chức tại đình ngoài. Sân đình là nơi tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống; các hoạt động khuyến học cho học sinh hằng năm... Ai cũng cảm thấy không gian linh thiêng và các hoạt động trở nên  ý nghĩa hơn khi tổ chức tại đình làng.

Ca dao xưa có câu "Cây đa bến nước sân đình/Thành nơi hò hẹn chúng mình yêu nhau". Sân đình xưa kia không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động của làng mà còn là nơi gặp gỡ, minh chứng cho tình yêu đôi lứa. Ngày nay, đình làng Bích Thủy cũng vậy. Theo những người dân ở đây kể lại, nhiều đôi trai gái quen và nên duyên vợ chồng từ những lần gặp gỡ, hẹn hò tại sân đình. Đã thành thông lệ, sau ngày cưới, các đôi vợ chồng trong làng đều đưa nhau ra đình thắp hương bày tỏ sự biết ơn và cầu một cuộc sống viên mãn. Họ còn mua một xe cát sỏi để đổ vào những đoạn đường đang bị xuống cấp như một minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Văn Đức khẳng định: "Thôn Bích Thủy là thôn duy nhất của xã còn giữ được nét văn hóa sân đình trước đây. Hiện nay, người dân trong thôn còn duy trì được nhiều phong tục đẹp mà hiếm nơi có được. Đây là điều đáng trân trọng, cần được bảo tồn và phát triển hơn nữa".

 
LAN NGUYỄN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây