Trảy hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc

Thứ hai - 22/02/2016 21:02 - 2749 lượt xem
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành sự kiện văn hóa đặc biệt, được đông đảo du khách gần xa tìm về.
Đông vui, lành mạnh
 
Những ngày đầu xuân Bính Thân, trên các tuyến đường trung tâm thị xã Chí Linh, đường dẫn về di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được trang hoàng bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, phướn chữ bắt mắt giới thiệu về nội dung của Lễ hội mùa xuân 2016. 

Tại chùa Côn Sơn, đền thờ Trần Nguyên Đán, đền Nguyễn Trãi, Bàn Cờ Tiên, núi Ngũ Nhạc, suối Côn Sơn từ Tết đến nay nườm nượp người du xuân, đi lễ đầu năm. Ở Côn Sơn, ngoài hệ thống tượng phật trong tam bảo, du khách còn được chiêm bái 18 pho La Hán uy nghi tạo hình đẹp mắt tại hai dãy hành lang chùa. Công trình Cửu phẩm Liên hoa mang đậm nét kiến trúc truyền thống đang hoàn thiện cũng là điểm để nhiều du khách dừng chân ngắm nhìn. Cùng gia đình về Côn Sơn du xuân, bà Bùi Thị Nguyện ở TP Hải Dương cho biết: "Mỗi năm về Côn Sơn tôi lại thấy cảnh quan di tích được tu bổ khang trang hơn. Công tác tổ chức và chương trình lễ hội cũng bài bản, hấp dẫn, có nhiều điểm mới”. 

Ở đền Kiếp Bạc những ngày đầu xuân du khách đi lễ trong sự thanh bình. Tình trạng chèo kéo sắm lễ, khấn thuê, đổi tiền lẻ, bói toán không còn công khai. Dù xa xôi, cứ vào mùng 10 tháng giêng, rất đông du khách từ các tỉnh xa vẫn tìm về tham dự lễ dâng hương khai hội xuân 2016. 
Từ Tết Nguyên đán, tại Côn Sơn và Kiếp Bạc đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tại tam quan chùa Côn Sơn, bàn cho chữ do các bậc cao niên đảm nhiệm luôn đông người xếp hàng chờ xin chữ. Khu vực bán sách, quà lưu niệm cũng đông du khách dừng chân. Các điểm hát quan họ, hát dân ca, hát chèo làm cho không gian lễ hội thêm vui tươi, đậm chất dân gian. Những làn điệu ngọt ngào, câu hát chứa chan tình cảm như chất men say níu chân du khách.  
Theo ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, năm nay thời tiết đẹp, lượng du khách về đông. Trong thời gian nghỉ Tết Bính Thân, mỗi ngày di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc đón từ 1-2 vạn lượt khách về hành lễ. Những ngày còn lại, lượng khách có giảm, song vẫn có khoảng 5.000 lượt người/ngày trảy hội. Để lễ hội vui tươi, lành mạnh, trước Tết, Ban tổ chức đã thành lập các tiểu ban, phân công công việc tới từng thành viên. Công an thị xã Chí Linh, lực lượng bảo vệ khu di tích tăng cường tuần tra bảo vệ cổ vật, đồ thờ, phòng chống cháy rừng, ngăn chặn các hành vi trộm cắp... Đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ không hành nghề bói toán, đổi tiền lẻ, bắt chẹt khách. Do đó từ Tết đến nay, tại di tích không xảy ra tình trạng lộn xộn, trộm cắp. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai hội. 

Hoành tráng, hấp dẫn


Dòng người trảy hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay tưởng niệm 682 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 - 2016); công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Thanh Hư Động là bảo vật quốc gia; hướng tới đề nghị quần thể di tích Yên Tử, Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Vĩnh Nghiêm là di sản văn hóa thế giới. Với ý nghĩa đặc biệt đó, lễ hội được tổ chức quy mô, mang bản sắc riêng với hàng loạt các nghi lễ, trò hội từ ngày 21-2 đến 1-3 (tức từ ngày 14 - 23 tháng giêng). 

Về đây, du khách sẽ được tham dự lễ dâng hương, lễ tế tại chùa Côn Sơn, các đền Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Kiếp Bạc, Nam Tào, Bắc Đẩu. Ngày trọng hội có lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc và công bố bia Thanh Hư Động là bảo vật quốc gia. Về với Côn Sơn - Kiếp Bạc, du khách còn được đắm mình vào không khí linh thiêng của nghi lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc cầu cho quốc thái, dân an và phát ngũ cốc cầu mùa màng no đủ. Vào buổi tối, dưới ánh sáng của nến, đèn, trong không gian huyền ảo của chốn quốc tự sẽ diễn ra những nghi thức mang đậm màu sắc Phật giáo của lễ đàn Mông Sơn thí thực… Ngoài ra, khách trảy hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc còn được tham dự các trò chơi dân gian như đấu vật, biểu diễn nghệ thuật, hát quan họ, viết thư pháp…

Đặc biệt đến với Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, du khách sẽ được thưởng thức các đặc sản văn hóa của tỉnh Đông. Ngày 14 tháng giêng, tại Côn Sơn diễn ra hội thi bánh chưng, bánh dầy. Thông qua hội thi, con cháu tỉnh Đông đã nhiều lần vinh dự được dâng các sản vật bánh chưng, bánh dầy làm từ hạt gạo, hạt đỗ quê nhà lên các vua Hùng vào dịp giỗ tổ 10-3 âm lịch tại đền Hùng (Phú Thọ). Ngày 16 tháng giêng, "đặc sản" liên hoan pháo đất sẽ làm hài lòng du khách. 

Điểm mới của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay là khôi phục lễ rước nước, lễ mộc dục đã bị gián đoạn từ năm 2008. Rước nước là một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Côn Sơn với mục đích lấy nước làm lễ mộc dục (tắm tượng), biểu hiện ước muốn cầu mùa, cầu nước...  Theo Ban tổ chức lễ hội, năm nay sẽ có hàng nghìn người tham gia nghi lễ đặc biệt này và tạo thành đoàn rước kéo dài 1,5 km với các đội lân, rồng, chiêng, trống, cờ, bát bửu, long đình, kiệu hoa, cỗ lễ… Đây sẽ là sự kiện văn hóa đáng nhớ của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016... 

Nổi danh với hàng loạt các nghi lễ, trò hội đặc sắc, lại được tích hợp nhiều sản vật văn hóa đặc sản của xứ Đông, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc ngày càng phong phú, hấp dẫn, là bữa tiệc văn hóa đặc biệt không chỉ của Hải Dương mà còn của cả nước.

NGỌC HÙNG
 
Hoàn thành các hạng mục chính tòa Cửu phẩm Liên hoa  
Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, đến nay, tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn đã hoàn thành các hạng mục chính (trên 70% tổng khối lượng công việc) gồm phần kiến trúc bằng gỗ, cây phẩm, nền móng... Dự kiến công trình sẽ được khánh thành vào dịp Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay. 
Theo văn bia, chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ X với nhiều công trình kiến trúc, trong đó nổi bật là tòa Cửu phẩm Liên hoa. Trải qua thời gian, chiến tranh, tòa cửu phẩm đã bị tàn phá. Ngày 6-3-2015, Ban Tổ chức Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc tiến hành lễ động thổ xây dựng tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn với kinh phí gần 76 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và các nguồn công đức. Trong Phật giáo, Cửu phẩm Liên hoa là biểu tượng tối cao của thế giới cực lạc, nơi Phật A Di Đà ngự chiếu giải thoát cho chúng sinh.

 

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây