Phong tục tảo mộ trong tiết Thanh minh

Thứ bảy - 02/04/2016 17:18 - 3311 lượt xem
Phong tục tảo mộ trong tiết Thanh minh
Phong tục tảo mộ trong tiết Thanh minh
Tảo mộ trong tiết Thanh Minh vừa là thể hiện lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông bà, tổ tiên, vừa là một cách để lưu giữ những truyền thống tốt đẹp.

1. Cách sắp lễ và hành lễ trong tiết Thanh minh

Các lễ trong dịp Thanh minh gồm lễ gia thần, gia tiên tại nhà và lễ âm phần long mạch tại nơi đặt phần mộ.

Trong ngày tiết Thanh minh phải cúng lễ tại hai nơi là tại gia đình và tại các ngôi mộ. Khi đến những nơi có đặt mộ phần của gia đình mình, các gia chủ đặt lễ vào chỗ thờ chung để lễ. Nếu nơi đó không phải là nghĩa trang, không có chỗ thờ thì có thể dùng các thứ đôn, kệ để đặt đồ lễ mà cúng vái.

Theo Đại đức Thích Quảng Định trong sách Văn khấn nôm tại nhà – tập văn cúng gia tiên, lễ vật trong ngày thanh minh gồm: hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu, thịt (chân giò, gà luộc hoặc là khoanh giò nạc độ vài lạng).
 
Bắt đầu vào lễ, gia chủ thắp hương, đèn và khấn theo bài cúng lễ Thanh minh. Sau đó, trong lúc chờ hương tàn thì gia chủ đi đến phần mộ của gia tiên thắp hương và khấn gia tiên để xin phép tu sửa, dọn dẹp cho phần mộ. Lưu ý là số nén hương thì thắp số lẻ (1 hoặc 3 nén) vì số lẻ tượng trưng cho cõi âm còn đèn thì mang theo hai đèn hoặc 2 cây nến vì thắp lên, 2 ngọn đèn tượng trưng cho 2 vầng nhật nguyệt.
 
Sau khi hoàn tất các việc, gia chủ chờ cho hương cháy được khoảng 2/3 thì lễ tạ , hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Nếu gia chủ viết bài cúng ra giấy thì đọc xong đem hóa cùng tờ tiền giấy vàng.  
 
Việc cúng gia tiên trong tiết thanh minh cũng tuân theo thể thức cúng gia tiên thông thường. Thể thức này, theo sách Phong tục thờ cúng của người Việt thì có những nguyên tắc chung là: dâng hương lễ gia thần trước, gia tiên sau.
 
Các vật phẩm dâng hương có thể là lễ chay hoặc lễ mặn (các gia đình thờ Phật thì chỉ dâng lễ chay). Các lễ vật gồm: hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ vật đặt trên bàn có thể chung nhưng nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương cả. Số hương trong từng bát cũng là những số lẻ (1 hoặc 3 nén). Sau khi hương cháy gần hết thì gia chủ lại thắp thêm một tuần hương nữa rồi xin phép tổ tiên hóa vàng. Tiền vàng khi đã cháy thành tro thì lấy một chén rượu cúng rẩy vào đám tro đó.
 
Trong khi hành lễ cúng gia thần, gia tiên đều có hai hình thức là vái và lễ. Vái thì các ngón tay đan vào nhau còn lễ thì hai bàn tay áp vào nhau và đều đặt ở ngang trước ngực. Vái hay lễ đều chỉ được thực hiện sau khi lễ vật đã đặt lên bàn thờ và đèn nhang đã thắp. Người làm lễ sau khi đã châm lửa, kính cẩn dùng hai tay dâng các nén hương ở vị trí ngang chán, vái ba vái rồi mới cắm hương vào bát hương. Sau đó người lễ khấn theo bài cúng gia tiên. Khấn xong vái ba vái rồi chờ hương cháy gần hết mới hóa vàng.
 
Về vấn đề lễ chay hay lễ mặn, ngày nay có những quan niệm khuyên nên cúng bằng lễ chay vì như vậy là không sát sinh nên vong hồn tổ tiên dễ siêu thoát. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong.


2. 10 việc nên làm khi đi tảo mộ có khả năng tăng phần phúc đức

Tảo mộ cũng là dịp mà chúng ta có thể cầu xin gia tiên phù hộ độ trì cầu hưng, cầu phúc. Dưới đây là 10 việc nên làm khi tảo mộ để tăng thêm 10 phần phúc đức.

1. Tự mình sửa sang lại mộ phần, nhổ bỏ cỏ dại, lau dọn sạch sẽ từ bia mộ cho tới phần xung quanh mộ. Đây là mộ phần của người thân nên tốt nhất là tự tay mình làm. Nếu sống xa nhà hoặc sống ở nước ngoài thì có thể xem xét tới việc nhờ người khác làm giúp việc này cũng không sao, nhưng là người nhà thì nên tự mình làm để cảm nhận rõ được tình cảm thân thiết.
 
2. Bên cạnh đó, khi đi tảo mộ thì ngoài những lễ vật cúng cho người thân nhà mình thì nên mang theo một ít đồ cúng khác nữa như hương, nến… để công đức cho những linh hồn không có mộ phần. Với những phần mộ rõ ràng và có đầy đủ bia mộ thì không nên tùy tiện dọn dẹp. Lễ vật sau khi cúng bái thì không nên vứt bừa bãi.
 
3. Khi hóa vàng, phải kêu tên của người đã mất. Khi gọi tên ra thì có thể gợi nhớ lại những ký ức tốt đẹp, tự nhiên sẽ cảm thấy ấm lòng.
 
4. Để phần mộ được thoáng đãng thì nên chặt bỏ những cành cây mọc che khuất. Theo 
phong thủy, phần mộ tổ tiên sạch sẽ, rộng lớn và quang đãng thì vận mệnh của con cháu sẽ vượng lên, vạn sự như ý. Tuy nhiên, nếu đó là những cái cây mà mình trồng để cho “mát nhà mát cửa của người đã mất” thì cũng không nên chặt bỏ bừa bãi.

5. Khi đi tảo mộ, tránh ồn ào, đùa giỡn, không làm những điều thất kính với tổ tiên. Bất kể là mộ người nhà hay mộ người khác, nếu không muốn nằm mơ thấy ác mộng thì chớ nên quay phim chụp ảnh, đặc biệt là những ngôi mộ xung quanh gốc cây cổ thụ.
 
6. Trước 3 giờ chiều thì nên hoàn thành việc tảo mộ, vì giờ này là dương khí bắt đầu suy yếu, đặc biệt nếu phải đi tảo mộ xa nhà, mà giờ đó chưa quay về thì sẽ bị hung tinh chiếu mệnh.

7. Trẻ nhỏ hoặc người có sức khỏe yếu, bị bệnh thì chớ nên đi tảo mộ, nếu bắt buộc phải đi thì bắt buộc phải mang theo vật trừ tà phòng thân. Những người này có thân nhiệt khá thấp, rất dễ bị lẫn tà khí, khá là rắc rối và phiền toái. Phụ nữ có thai thì tuyệt đối không nên đi.

8. Khi đi tảo mộ về phải tắm rửa, thay quần áo. Trước khi vào nhà phải rửa sạch bùn đất bám ở chân khi ở nghĩa trang. Như vậy mới có thể loại bỏ những điều xui xẻo.

9. Nếu không thể tới được nghĩa trang thì phải hóa vàng tại đền miếu và vái lạy thật thành tâm, khi hóa mã thì phải đọc tên của người thân cùng quê quán.

10. Hãy chọn nhưng ngày thời tiết nắng ráo để tiến hành tảo mộ. Trời nắng đi tảo mộ thì sẽ đương sự sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái hơn.


3. Những điều cần tránh khi đi tảo mộ trong Tiết Thanh minh

Khi đi tảo mộ trong Tiết Thanh minh, bạn cần tránh làm một số điều cấm kỵ để thể hiện được rõ nhất sự thiêng liêng của dịp này.
Tiết Thanh Minh không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên mà còn là thời gian để điều chỉnh lại phong thủy. Đây là dịp để mọi người có dịp báo hiếu với ơn sinh thành của tổ tiên. Trong dịp Thanh Minh, con cháu dù ở đâu cũng thường về để tảo mộ và sum họp gia đình. Năm nay 2015, tiết Thanh Minh kéo dài từ 5/4 đến 19/4 dương lịch. Ngày Thanh Minh là ngày 5/4 dương lịch. Dưới dây là những điều cần tránh khi đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh.
 
1. Không nên đi cúng tế ở nơi hẻo lánh, tốt nhất nên đi những con đường mà mọi người hay đi để tránh gặp nguy hiểm. Hơn nữa, theo quan niệm phong thủy, đi đến những nơi như vậy sẽ dễ nhiễm tà khí, nếu như thật sự cần đi thì nên đi cùng nhiều người.

2. Khi đi cúng tế và tảo mộ cần phải chân thành, trên đường đi nếu có mộ, dù đi hay đứng lại đều cần phải lễ độ cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm lộn xộn quá nhiều các mảnh đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

3. Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi, đừng quên quét dọn cả phía sau mộ. Khi làm mới lại diện mạo của mộ phần, trong lòng nhất thiết phải thật cung kính.

4. Khi tảo mộ, không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác, nếu không sẽ đem lại điều không may cho bản thân. Đặc biệt là những trẻ vị thành niên lại cần phải chú ý.

5. Nếu như con gái đi tảo mộ, tốt nhất là tránh trong thời kỳ hành kinh. Phụ nữ có thai cũng không nên đi tảo mộ.

6. Những bạn có khí trường yếu, tốt nhất là về nhà bước qua chậu lửa hoặc rắc nước lá bưởi để xóa bỏ năng lượng xấu. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta rất hay thấy có người đi tảo mộ về bị sốt hoặc cảm thấy không khỏe, cũng có thể dùng cách này để tránh.

7. Bởi vì tảo mộ cũng thường là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không được chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ.

8. Khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ. Thứ nhất là để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, thứ hai là để xem xét tình hình của mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước (nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ) sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của của người đời sau.

9. Tiết Thanh Minh có một số cấm kỵ phong thủy thường gặp cần phải đặc biệt tuân thủ. Tiết Thanh Minh không nên mua giày (vì trong tiếng Trung giày và từ tà (tà khí) đọc giống nhau). Thêm vào đó, những ngày này âm khí rất nặng, do vậy không nên đi đêm, nếu như có việc cần đi phải đem theo một số vật tránh tà.

Tác giả bài viết: Phương Thùy

Nguồn tin: lichngaytot.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây