Đừng huy động quá sức dân

Thứ bảy - 21/11/2015 21:42 - 3113 lượt xem
Nhân dân góp sức làm đường xây dựng nông thôn mới
Nhân dân góp sức làm đường xây dựng nông thôn mới
Công văn của UBND tỉnh nêu rõ tuyệt đối không được yêu cầu người dân đóng góp bắt buộc, vượt quá khả năng; không được huy động đối với người nghèo, người già...
Vừa qua, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo giải quyết về một số vấn đề "mặt trái" trong xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay như nợ đọng xây dựng cơ bản, chạy theo thành tích, xuê xoa trong bình xét tiêu chí, huy động đóng góp quá sức người dân... Công văn nêu rõ: "Khi tổ chức huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đóng góp thực hiện chương trình phải căn cứ vào khả năng nguồn lực, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương. Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ, phải được sự đồng tình, nhất trí của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu người dân đóng góp bắt buộc, vượt quá khả năng; không được huy động đối với người nghèo, người già, người khuyết tật không nơi nương tựa, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội". 

Từ giữa năm 2014 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có 1 chỉ thị, 2 công văn chỉ đạo các địa phương trong cả nước cần khắc phục tình trạng trên.

Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Đây là chương trình "của dân, do dân, vì dân". Việc huy động nguồn lực của người dân để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có vai trò rất quan trọng, thể hiện trách nhiệm của người dân trong điều kiện các nguồn vốn khác, nhất là nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Trong 5 năm qua, phần lớn các địa phương ở tỉnh ta huy động sức dân bảo đảm tính dân chủ, công khai, đồng thuận, phù hợp với điều kiện thực tế, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Sự đóng góp của người dân đã tạo ra nguồn lực quan trọng để xây dựng thành công nhiều tiêu chí NTM. 

Tuy nhiên, một số ít địa phương vẫn để xảy ra tình trạng huy động đóng góp ở mức cao, trở thành gánh nặng cho người dân. Việc huy động đóng góp bằng nhiều hình thức như: góp trực tiếp bằng tiền, góp công sức lao động, hiến đất để làm đường. Nhiều gia đình phải đóng góp hàng triệu đồng để làm đường, chưa kể đóng góp bằng đất, công sức lao động. Người dân không chỉ đóng góp một năm là xong, có nơi phải đóng góp nhiều năm liền mới hoàn thành nghĩa vụ. Cuối năm 2014, Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của 18 xã đăng ký hoàn thành trong 2 năm 2014-2015. Kết quả cho thấy một số xã huy động sức dân chiếm 30-40% nguồn vốn thực hiện chương trình. Qua giám sát cũng chỉ ra hạn chế: "Một số vấn đề tiềm ẩn sự bức xúc của người dân cần chú ý như huy động sức dân quá cao, nợ xây dựng còn nhiều; một số nơi thực hiện Quy chế dân chủ chưa đầy đủ...". 

Cái gốc khi xây dựng NTM là nâng cao thu nhập, cải thiện mọi mặt đời sống, giúp người dân sống khá giả, hạnh phúc. Để đạt xã chuẩn NTM mà huy động quá sức dân, khiến đông đảo người dân cảm thấy băn khoăn, bức xúc thì đã làm sai lệch mục đích cao cả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nếu thế dù có "cái mác" chuẩn NTM nhưng thành tích đạt được cũng không bền vững, không có ý nghĩa. 

Một số địa phương huy động quá sức dân có nguyên nhân do nguồn lực thực hiện chương trình này còn hạn chế. Khi những địa phương này đặt mục tiêu, cam kết đạt chuẩn NTM theo tiến độ, vì chạy theo thành tích, nóng vội nên buộc phải huy động nguồn lực quá mức từ người dân. Trong cái guồng quay ấy, những ý kiến góp ý, phản biện sẽ rất dễ bị bỏ qua hoặc bị coi là không vì phong trào chung. 

Sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh phải được cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt, thực hiện tốt để xây dựng NTM thực sự hiệu quả, bền vững, không chạy theo phong trào, không "tham bát" mà "bỏ mâm". 

Tác giả bài viết: TUẤN NGUYÊN

Nguồn tin: www.baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây