Người dân vẫn chặt vải để trồng cây khác. Từ năm 2010-2015, diện tích vải giảm liên tục. Theo Cục Thống kê, năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 10.675 ha vải, giảm 247 ha so với năm 2013 và giảm 2.315 ha so với năm 2010. Nhìn xa hơn nữa, trong giai đoạn 2005-2015, diện tích vải cũng giảm rất mạnh và liên tục. Trong 10 năm này, tỉnh ta đã mất đi 3.570 ha vải, tức là người dân đã phá bỏ diện tích vải gần bằng diện tích vải của cả huyện Thanh Hà hiện nay (3.930 ha). Vài năm trở lại đây, giá bán vải đã cải thiện. Tuy nhiên, những bài học "được mùa, mất giá" từ quá khứ, cùng với giá bán vải tuy có tăng nhưng chưa đủ hấp dẫn để bà con nông dân tập trung thâm canh và giữ vải.
Năng suất vải cũng đáng lo ngại. Việc không đầu tư chăm sóc hoặc chăm sóc không chu đáo dẫn tới năng suất thấp. So sánh năng suất vải Thanh Hà và Chí Linh ở vụ vải 2015-2016 sẽ thấy rõ điều này. Tại huyện Thanh Hà, chỉ với 3.930 ha vải nhưng cho sản lượng khoảng 25.000 tấn, năng suất đạt gần 6,3 tấn/ha. Ở huyện Chí Linh, dù diện tích lớn hơn với 4.175 ha nhưng chỉ cho sản lượng khoảng 5.545 tấn, năng suất đạt 1,3 tấn/ha. Cùng gặp những thời tiết bất lợi ở đầu vụ làm giảm năng suất, song người dân Thanh Hà chăm sóc chu đáo hơn giúp năng suất vải gấp 4,8 lần ở Chí Linh. Ngoại trừ huyện Thanh Hà có năng suất vải đạt khá thì các địa phương còn lại đều có năng suất thấp.
Người dân không chăm sóc dẫn tới quả vải nhỏ, mẫu mã xấu, vị ngọt giảm đi, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, thương hiệu. Vụ vải vừa qua, nhiều người cho rằng mẫu mã vải xấu hơn một số năm trước. Theo tôi có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, vải năm nay có giá bán khá nên người dân đã tích cực thu hoạch vải để bán. Nhiều diện tích những năm trước không được thu hái thì năm nay đã cho thu hoạch. Những diện tích này thường không được chăm sóc nên mẫu mã xấu. Thứ hai, thời điểm vải sắp được thu hoạch bị ảnh hưởng thời tiết. Tuy nhiên, việc dùng các biện pháp kỹ thuật để khắc phục chưa được chú ý nên mã vải kém. Được biết ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiều hộ biết cách dùng biện pháp kỹ thuật để khắc phục bất lợi của thời tiết, bảo vệ mã quả.
Cây vải đã từng là thế mạnh của Hải Dương. Thị xã Chí Linh hiện có diện tích vải lớn nhất tỉnh, song năng suất rất thấp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Chí Linh cần nhìn rõ hạn chế kéo dài này để đề ra giải pháp giúp người dân tích cực chăm sóc vải. Những năm gần đây, người dân Thanh Hà đã quan tâm chăm sóc vải hơn song cần tiếp tục thâm canh để tăng năng suất hơn nữa. Ngoài ra, những địa phương khác trong tỉnh cần khuyến khích, vận động người dân chăm sóc tốt cho những diện tích vải hiện có. Ngành nông nghiệp hướng dẫn người trồng thực hiện quy trình VietGAP, tiến tới áp dụng GlobalGAP để vải có chất lượng tốt, khả năng xuất khẩu cao.
Nhiều người dân vẫn chưa biết kỹ thuật chăm sóc vải. Họ thường để cây vải rất to, cao nên việc thu hoạch, chăm sóc vất vả, tốn kém. Ở nhiều xã của huyện Thanh Hà và huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có những cây vải nhỏ, thấp, rất tiện cho chăm sóc, thu hái nhưng vẫn cho quả to, mã đẹp. Lý do là họ nắm vững kỹ thuật canh tác. Sau mỗi vụ vải, họ thường xuyên đốn tỉa cành, tạo tán, khống chế chiều cao, độ rộng của tán cây và sau một thời gian có thể đốn cây để "trẻ hóa"...
Nếu chăm sóc thật tốt diện tích vải hiện có, Hải Dương không cần diện tích vải lớn như Bắc Giang nhưng vẫn có thể cho sản lượng cao.