Về quan điểm sử học của Nguyễn Trãi

Chủ nhật - 17/02/2019 10:54 - 2442 lượt xem
Nguyễn Trãi. Ảnh minh họa
Nguyễn Trãi. Ảnh minh họa
Trong di sản văn hóa của Nguyễn Trãi, những giá trị về sử học chiếm một vị trí đáng kể, bởi vì sử học là một bộ phận không tách rời của kho tàng văn hóa cá nhân và nhân loại.

Nguyễn Trãi là một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn. Trong di sản văn hóa của ông, những giá trị về sử học chiếm một vị trí đáng kể, bởi vì sử học là một bộ phận không tách rời của kho tàng văn hóa cá nhân và nhân loại. Chúng tôi chưa khẳng định Nguyễn Trãi là nhà sử học. Song, cũng như bao nhiêu nhà yêu nước trước, đồng thời và sau ông, Nguyễn Trãi đã sử dụng sử học như một công cụ đấu tranh cho công cuộc dựng nước và giữ nước.

Lịch sử đã xác nhận rằng, những người yêu nước chân chính đều là người yêu thích nghiên cứu, tự hào về lịch sử dân tộc mình. Nguyễn Trãi là một dẫn chứng, Hồ Chí Minh càng làm sáng tỏ hơn luận cứ này. Do đó, tìm hiểu những quan điểm sử học của Nguyễn Trãi không phải là khiên cưỡng, mà để bổ sung cho việc hiểu biết chưa đầy đủ về ông trong lĩnh vực này.

Nguyễn Trãi đã cùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn làm nên chiến thắng trong việc đấu tranh giành độc lập, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ nhà Minh. Ông chứng kiến những sự kiện lịch sử của thời kỳ ấy, ghi chép lại không chỉ để lại cho đời sau mà chủ yếu dùng làm một vũ khí đánh địch, một phương tiện giáo dục nhân dân có hiệu quả. Ở Nguyễn Trãi, lịch sử chính là cuộc sống - cuộc sống đang diễn ra. Trong một chừng mực nhất định, chúng ta có thể xem Nguyễn Trãi là một người nghiên cứu lịch sử hiện đại.

Ông đã trình bày những sự kiện vừa diễn ra. Đang nhảy múa trước mắt một cách khách quan đúng đắn.

Trong "Bình Ngô đại cáo" (1428), một tác phẩm văn học chính luận của Nguyễn Trãi - viết sau khi cuộc kháng chiến chống Minh vừa kết thúc thắng lợi, nhân danh Lê Thái Tổ, ông tuyên cáo cho cả nước biết chiến công vĩ đại trong việc khôi phục nền độc lập dân tộc. Ngoài ý nghĩa một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai, sau bài đánh Tống của Lý Thường Kiệt, giá trị khoa học của tác phẩm ở chỗ là trình bày đúng, gọn, rõ hiện thực lịch sử về cuộc kháng chiến chống Minh. Hơn thế nữa, đây không phải là một bản biên niên sử đơn thuần, mà còn phân tích trình bày một cách hoàn hảo nhất những tư tưởng dân tộc, dân chủ của nhân dân được thể hiện trong chiến đấu, kế thừa và phát huy những tư tưởng truyền thống của cha ông từ thời xưa, đặc biệt từ Lý - Trần. Với bút pháp sắc bén có sức khơi động lòng người, Nguyễn Trãi đã trình bày một bức tranh liên hoàn về hình ảnh những sự kiện liên tiếp xảy ra, luôn luôn biến hóa, thay đổi rất cụ thể, chân thực của một giai đoạn lịch sử rất đáng tự hào này.

Tập "Quân trung từ mệnh" ngoài giá trị văn học, còn là tập tư liệu lịch sử quý về mối bang giao giữa nghĩa quân Lam Sơn với quân Minh xâm lược, phản ánh thế lực, tính chất của hai bên trong cuộc chiến tranh.

Sau "Bình Ngô đại cáo" là "Lam Sơn thực lục", ra đời khoảng 1431. Đó là một tác phẩm sử học, văn học, ghi chép về gốc tích Lê Lợi và cuộc kháng chiến chống quân Minh (1418-1427).

Nguyễn Trãi để lại cho những người làm công tác sử học ngày nay một bài học vô cùng quý giá: khi dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh yêu nước mới có thể phản ánh trung thực hiện thực lịch sử, mới đạt được sự thống nhất giữa hoạt động yêu nước với hiện thực lịch sử.

Lịch sử bao giờ cũng là lịch sử của quần chúng nhân dân. Ông ý thức về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử được phát triển dần trong quá trình nhận thức lịch sử của con người. Trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Hán của Hai Bà Trưng (năm 40), ý thức về sự đoàn kết của những "Người trong một nước phải thương nhau cùng" mới hình thành. Trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077), Lý Thường Kiệt chỉ khẳng định "Sông núi nước Nam vua Nam ở", mà chưa nói đến vai trò người dân. Trần Hưng Đạo trong "Hịch tướng sĩ" kêu gọi binh sĩ chiến đấu trước hết cho quyền lợi của phong kiến, vì khi mà "Thái ấp của ta không còn (...) bổng lộc của các ngươi cũng về tay kẻ khác". Đến Nguyễn Trãi, sức mạnh của nhân dân mới được khẳng định. "Chở thuyền, lật thuyền cũng là dân" (Trong bài thơ "Đóng cửa biển"). Nếu có trời thì trời cũng không phải tự ý làm mọi việc, vì trời phải qua bàn tay con người mới thực hiện được ý muốn tạo dựng hay phế bỏ một triều đại. Nguyễn Trãi chỉ rõ, "dù lòng trời đã chán ghét" như "chán ghét nhà Trần", "chán ghét nhà Hồ" cũng phải mượn tay con người "lật đổ vương triều". Ông tìm thấy mọi sự suy vong, thành đạt đều bắt đầu từ lòng dân: "... Họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận", nên không chống được xâm lược; còn nghĩa quân Lam Sơn chiến thắng vì nhận thức được "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" và biết "Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân để thay cường bạo".

Nhận thức sức mạnh của dân, Nguyễn Trãi xây dựng được một "quan điểm nhân dân" rất vững chắc: mọi việc phải do dân, của dân và vì dân. Đây là nội dung tư tưởng "thân dân" truyền thống của dân tộc ta, được kế thừa ở thời đại Hồ Chí Minh. Với quan điểm nhân dân, Nguyễn Trãi xét đoán đúng mọi việc. Khi so sánh tương quan lực lượng giữa nghĩa quân Lam Sơn với quân Minh, trong thư gửi Phương Chính, ông đã vạch rõ "sáu điều phải thua" của giặc, trong đó, yếu tố lòng dân là quan trọng nhất. Phía địch thì "luôn động can qua, liên tiếp đánh dẹp, người sống không việc, nhao nhao thất vọng", còn phía nghĩa quân thì "trên dưới một lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng vừa đánh giặc"...

Khi mà các sử gia phong kiến khẳng định lịch sử là lịch sử của vua chúa, quan lại, người dân không có vai trò gì, thì với quan điểm "lấy dân làm gốc", với tư tưởng "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân", Nguyễn Trãi đã làm sống lại những chiến công lẫy lừng của nhân dân trong chiến đấu. Đó là một nội dung của chủ nghĩa nhân văn. Nguyễn Trãi không chỉ nói về sự đau khổ, tủi nhục, mà cả tinh thần quật khởi, chí khí anh hùng của nhân dân. Nói đến kẻ thù, chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Trãi không chỉ tố cáo tội ác của giặc "Thần người đều căm giận, trời đất chẳng dung tha" mà còn nói đến lòng nhân đạo của nghĩa quân "uy thần chẳng giết hại, lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh". Quan niệm "thiện", "ác" của Nguyễn Trãi trong nghiên cứu lịch sử thật rõ ràng, nó làm nổi bật tư cách, phẩm chất của một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn.

Nguyễn Trãi không lấy nghiên cứu lịch sử làm mục đích, càng không phải là nhà sử học theo nghĩa nghề nghiệp, song khi nghiên cứu lịch sử để phục vụ chính trị, khi xem xét "những vấn đề hiện đại - những vấn đề thời sự" - ông đã có những đóng góp lớn về mặt quan điểm sử học, mà ngày nay chúng ta cần tìm hiểu sâu sắc, học tập nghiêm túc. Nổi bật lên là sự vững vàng của nhà nghiên cứu. Khi xác định được lý tưởng vì dân, vì nước, tính khách quan trong xem xét các sự kiện đang diễn ra - đối tượng của nghiên cứu "lịch sử hiện đại".

Nhân cách tỏa sáng của Nguyễn Trãi là lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn cao cả trong sáng, sự trung thực, trình độ uyên bác, nguyện vọng đóng góp cho tiến bộ xã hội, cho độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân. Đó chính là những phẩm chất của một nền sử học tiên tiến.

VÕ XUÂN ĐÀN (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây