I. TÌNH HÌNH CHUNG
1. Địa hình:
Xã Tân Dân nằm ở phía Nam huyện Chí Linh, diện tích 8,4 km2, xã có chiều dài 7000m, độ cao soải dần theo hướng Đông nam; chiều ngang theo hướng Bắc nam rộng 2000m. Phía Bắc giáp 3 xã An Lạc, Thái Học, Chí Minh (nay là phường Thái Học, Chí Minh), phía Đông giáp xã Phúc Thành (huyện Kinh Môn) ngăn cách với con sông Kinh Thầy, phía Nam giáp xã Đồng Lạc.
Thôn Giang Hạ nằm ở phía Nam xã Tân Dân, phía Bắc là con đường giao thông của xã đi từ ngã tư Giang về Bến Vạn qua sông Kinh Môn, phía Đông bắc giáp thôn Mạc Động, có núi cao 53m; phía Tây bắc giáp thôn Giang Thượng; phía Đông giáp sông Kinh Thầy; phía Nam giáp thôn Mạc Ngạn, Thủ Chính, Tế Sơn thuộc xã Đồng Lạc; phía Tây giáp quốc lộ 183. Thôn Giang Hạ là thôn lớn nhất xã Tân Dân, dân số gần một ngàn người, là thôn trung tâm của xã, có cơ sở kháng chiến vững mạnh, đủ các yếu tố để bộ đội và du kích của ta chống càn thắng lợi.
2. Tình hình địch:
Địch có 1 tiểu đoàn cơ động từ Bốt Thiên đi theo đường quốc lộ 183 đến ngã tư Giang rẽ vào thôn Giang Hạ. Chúng có lực lượng chi viện mạnh khoảng 1 tiểu đoàn từ Đông Triều vào Bến Vạn (Tân Dân), có ca nô, tàu chiến, chuyển quân về khu núi Mạc Động cao 53m để phối hợp với tiểu đoàn cơ động của chúng và có 3 cụm pháo binh ở Phả Lại, Đông Triều và Lai Khê. Có máy bay chỉ điểm bám sát mục tiêu, số lượng lính Pháp có khoảng 2 tiểu đoàn với khoảng 300 - 400 tên, trang bị súng đại liên, trung liên, súng trường, lựu đạn…
3. Tình hình ta:
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân huyện Chí Linh nói chung và nhân dân thôn Giang Hạ, xã Tân Dân nói riêng đã đứng lên cùng toàn dân chiến đấu.
Lực lượng du kích xã Tân Dân là một đơn vị mạnh của địa phương, được trang bị vũ khí khá tốt, đã tham gia phối hợp tác chiến nhiều trận, có kinh nghiệm vận động chiến đấu tốt, thông thuộc địa hình. Lực lượng ta chiến đấu với địch được sự đùm bọc che trở của nhân dân, được nhân dân hết lòng giúp đỡ. Ta có công sự vững chắc, hệ thống giao thông, hầm hào liên hoàn, xung quanh là lũy tre làng đã được nhân dân rào dậu kín đáo trở thành pháo đài vững chắc chống thực dân Pháp xâm lược.
II. TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU
1. Ý định chiến đấu:
Ban chỉ huy xã đội cử 3 tổ, gồm 15 đồng chí thường xuyên theo dõi qui luật hoạt động của địch, từ bốt Đông Triều, lên Bến Vạn, núi Mạc Động. Qua theo dõi hoạt động của địch, du kích xã phối hợp với đại đội 902 phục kích trên đoạn đường địch đổ bộ lên Bến Vạn, độ dài 300m, tuy chống trải nhưng gần làng nên dễ tiếp cận địch, khi hoàn thành nhiệm vụ rút lui thuận lợi bảo vệ được lực lượng của ta.
Bằng cách đánh bí mật phục kích, tập kích bố trí lực lượng ở rìa đường thôn Giang Hạ, tận dụng địa hình ngụy trang chu đáo chờ địch lọt vào đoạn đường phục kích bất ngờ nổ mìn chặn đầu, khóa đuôi, đồng loạt xông lên chống càn tiêu diệt địch, phối hợp kìm chế địch đổ bộ lên Bến Vạn, lực lượng từ núi Mạc Động ra ứng cứu, nhanh chóng kết thúc trận đánh rời khỏi trận địa.
2. Tổ chức sử dụng lực lượng và nhiệm vụ cụ thể:
* Đội hình chiến đấu được tổ chức thành 3 trung đội:
- Trung đội 1: quân số 18 đồng chí, do đồng chí Đào Văn Kinh, trung đội trưởng chỉ huy; bố trí ở phía Tây bắc làng, có 06 du kích phối hợp được trang bị 01 súng cối 81 ly, 01 súng 12,7 ly, 12 khẩu K44, 22 quả mìn do xưởng Quân khí Chí - Nam - Kinh sản xuất. Bố trí hố mìn trên mặt đường vào thôn Giang Hạ có nhiệm vụ chống địch vào làng càn quét.
- Trung đội 2: quân số 16 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Thông, trung đội trưởng chỉ huy; bố trí ở phía Đông bắc thôn, có 06 du kích phối hợp được trang bị 01 súng cối 81 ly, 01 súng cối 60 ly, 12 súng trường, 20 quả mìn do xưởng quân khí Chí – Nam - Kinh sản xuất. Phía Đông nam và Tây nam là đồng bãi lầy chỉ để một tổ cảnh giới cùng với 03 du kích phối hợp. Lực lượng đặt mìn bố trí ở rìa thôn Giang Hạ.
- Trung đội 3: quân số 21 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Tăng, trung đội trưởng chỉ huy; bố trí đội hình phục kích ở hàng rào thôn lợi dụng nhà dân sơ tán tổ chức đào 10 hầm, mỗi hầm 02 đồng chí; vũ khí gồm: 21 khẩu súng trường K44, mìn, lựu đạn; có nhiệm vụ bí mật ngụy trang chờ thời cơ lật nắp hầm xông lên chống càn tiêu diệt địch.
3. Công tác bảo đảm, hiệp đồng:
Bảo đảm bí mật quan sát nắm địch, có 12 đồng chí du kích, phối hợp thường xuyên cử 01 tổ gồm 03 đồng chí tổ chức quan sát theo dõi hoạt động của địch từ Bến Vạn, núi Mạc Động vào thôn Giang Hạ.
Bảo đảm bí mật lực lượng, bố trí mìn và giật mìn, ném lựu đạn phía rìa thôn Giang Hạ, được ngụy trang chu đáo; đặc biệt, lực lượng bố trí phục kích tập kích ngụy trang được kiểm tra chu đáo.
Lực lượng kìm chế địch lợi dụng địa hình, địa vật bảo đảm bí mật không để dân hoặc địch phát hiện trước khi nổ súng, tất cả các bộ phận đều hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trước giờ nổ súng.
Tín hiệu hiệp đồng, lấy tiếng mìn ở tổ đầu trung đội 1 làm hiệu lệnh bắt đầu trận đánh, tiếng mìn thứ hai là khóa đuôi làm hiệu lệnh cho lực lượng chủ lực và lực lượng du kích xông lên tiêu diệt địch.
III. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ, Ý NGHĨA TRẬN ĐÁNH
1. Diễn biến:
09 giờ 30 phút, ngày 25/11/1952, địch từ Bốt Thiên đi Bến Bình theo đường 183, đến ngã tư Tân Dân, chúng rẽ trái qua Giang Thượng đến đầu làng Giang Hạ, bị hỏa lực của Đại đội 902 bắn mãnh liệt. Địch tập trung hỏa lực bắn vào tuyến chiến đấu của ta, sau các đợt đại bác từ Phả Lại, Đông Triều, Lai Khê bắn tới, chúng điên cuồng tiến công vào trong làng, bị hỏa lực của ta bắn mạnh, địch thương vong nhiều không tiếp cận được vào làng. Chúng cho ca nô chở quân đổ bộ lên Bến Vạn, núi Mạc Động dùng hỏa lực bắn vào sau trận địa của ta. Địch tiếp tục tiến công vào làng, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, ta phải thay xạ thủ trung liên vì bị hy sinh, nhiều lần địch tấn công vào làng nhưng đều bị ta đánh bật ra. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, địch tổ chức tiến công phía tây thôn Giang Hạ nhằm đánh vào khu vực chỉ huy của Đại đội 902, cũng là nơi hỏa lực cối 81 ly và súng máy 12,7 ly. Địch bị ta bắn mạnh phải dừng tấn công, rút về Giang Thượng, đại bác địch bắn chuyển về phía bắc và phía đông thôn Giang Hạ. Ta phát hiện địch thay đổi tiến công, nên tập trung lực lượng dùng tiểu liên, súng trường, lựu đạn đánh trả rất quyết liệt. Đồng chí Nguyễn Văn Tặng - Chính trị viên đại đội hạ lệnh cho đồng chí Nguyễn Văn Thông - Trung đội trưởng trung đội 2, từ hướng Đông bắc chỉ huy phân đội có hỏa lực mạnh vận động sang phía Bắc phản công địch. Ta và địch giành giật nhau từng nóc nhà, từng bức tường, hàng rào. Đồng chí Đào Đình Biên - Đại đội trưởng cùng đồng chí Bí thư chi bộ xã bàn cách chiến đấu và cử 03 đồng chí du kích đi trinh sát và dẫn đường đánh vào Sở chỉ huy Tiểu đoàn địch. Lực lượng ta bắn chết tên quan tư và quan ba Pháp. Sau khi chỉ huy địch bị ta bắn chết, lực lượng địch như rắn mất đầu, chạy tán loạn ra cánh đồng Giang Thượng, Mạc Động. Đại đội 902 cùng du kích tiếp tục truy kích địch, hỏa lực địch ở núi Mạc Động bắn mạnh vào đội hình của ta buộc ta phải dùng hỏa lực truy kích diệt toàn bộ quân địch.
2. Kết quả:
- Về địch: Bị tiêu diệt 162 tên, trong đó có 01 quan tư, 01 quan ba, 13 lính ngụy ra đầu hàng.
- Về ta: Hy sinh 12 đồng chí, bị thương 21 đồng chí, giải thoát được 84 người bị địch bắt làm tù binh. Thu 180 khẩu súng các loại, trong đó có 01 cối 81 ly và 02 radio, khoảng 2,5 tấn đạn dược và quân trang, quân dụng các loại của địch.
3. Ý nghĩa:
- Thắng lợi của trận đánh chống càn tại thôn Giang Hạ có sức cổ vũ mạnh mẽ phong trào tác chiến phối hợp với đơn vị 902 trong toàn huyện Chí Linh, trận chống càn này mặc dù lực lượng mỏng, trang bị vũ khí thô sơ, nhưng với quyết tâm cao, du kích xã và Đại đội 902 đã giành thắng lợi với hiệu xuất chiến đấu cao.
- Trận đánh thể hiện cách đánh phục kích, tập kích, độn thổ, đánh gần và trà trộn phù hợp, hạn chế hỏa lực địch, cách đánh có hiệu quả của trận đánh chống càn thôn Giang Hạ, một lần nữa khẳng định thành công của du kích xã Tân Dân phối hợp chiến đấu với Đại đội 902 trong thời kỳ đó.
- Chiến thắng của du kích xã Tân Dân và Đại đội 902 đã làm cho địch lo sợ hoang mang về tinh thần, đồng thời cũng mở đầu cho phong trào chiến đấu của du kích thị xã Chí Linh trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Chiến thắng thực sự kích thích được tinh thần quyết tâm lập công của du kích xã, Đại đội 902 và Đại đội 911 bộ đội địa phương trong toàn huyện, được cấp trên khen ngợi và được phổ biến kinh nghiệm học tập trong LLVT toàn tỉnh.
- Trận chống càn ở Giang Hạ đã mở đầu cho cách đánh liên hoàn tại khu vực đồng bằng Chí - Nam - Kinh (Chí Linh – Nam Sách – Kinh Môn), tiêu biểu về sự linh hoạt, táo bạo trong chỉ huy tác chiến chống càn, với cách đánh độn thổ đánh gần hạn chế hỏa lực địch; đánh nhanh, rút nhanh, tiêu diệt sinh lực địch.
IV. ƯU, KHUYẾT ĐIỂM VÀ KINH NGHIỆM
1. Ưu điểm:
- Nắm chắc tình hình địch, có cách đánh táo bạo, sáng tạo, linh hoạt, dũng cảm tổ chức thực hành chiến đấu trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả cao.
- Làm công tác chuẩn bị, triển khai bố trí lực lượng, mìn, hợp lý và giữ vững được yếu tố bí mật, bất ngờ; quá trình chiến đấu hạn chế được hỏa lực địch bằng cách đánh gần.
- Trong giai đoạn chuẩn bị và thực hành chiến đấu công tác chỉ huy, hiệp đồng bảo đảm chặt chẽ.
2. Khuyết điểm:
Khi lui quân, việc quan sát địch còn sơ hở, để địch phát hiện bắn làm 12 đồng chi hy sinh, 21 đồng chí bị thương
3. Kinh nghiệm:
- Chọn đoạn phục kích, tập kích là yếu tố quan trọng, du kích xã Tân Dân và Đại đội 902, 911 chọn địa điểm thời cơ ở ngã tư Giang, Bến Vạn đoạn đường tiểu đoàn địch tập trung đông vào các thôn đi càn, tiện lợi cho ta bố trí lực lượng giật mìn và lực lượng độn thổ. Đây là nơi địch chủ quan và là đoạn đường xa bốt, khi địch chi viện phải mất thời gian 20 - 30 phút.
- Do vũ khí trang bị của ta còn hạn chế, du kích xã Tân Dân sử dụng mìn để chặn đầu, khóa đuôi, trà trộn đánh gần với địch, do đó địch có vũ khí trong tay mà không phát huy được, cũng không dám bắn thẳng vào trận địa, tạo thuận lợi cho ta tiêu diệt địch.
- Công tác chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất, thực hiện đúng kế hoạch, việc nổ mìn, ký tín hiệu chính xác, đúng thời cơ trong trận đánh. Du kích xã Tân Dân và đơn vị 902, 911, lấy tiếng nổ ở tổ khóa đuôi (tiếng nổ thứ 2) là hiệu lệnh lực lượng chủ lực đội hầm xông lên diệt địch đúng lúc nên việc rút lui thuận lợi, bảo tồn lực lượng trước khi địch chi viện ứng cứu.
- Ta chưa dự kiến hết tình huống khi lui quân, địch vượt ra khu vực phục kích, tập kích của ta nên thương vong của ta còn cao.