Thăm đền Vua trên núi Bàn Cung

Thứ bảy - 24/10/2015 14:34 - 1510 lượt xem
Đền thờ vua Lê Đại Hành (còn gọi đền Vua) là di tích lịch sử thờ vua Lê Hoàn. Tọa lạc ở vị trí đắc địa, nơi đây còn lưu dấu tích nhiều địa danh cổ. Tuy vậy giá trị danh thắng chưa được phát huy xứng tầm. 
 
 
 
 

Vùng thắng tích

Đền Vua tọa lạc ở núi Bàn Cung ngay di tích Cao thờ 5 anh em họ Vương và rừng lim cổ trên núi Thiên Bồng đã được ghi danh vào sách cây cổ thụ Việt Nam ở thôn Đại, xã An Lạc (Chí Linh).
Lên đền Vua, du khách có thể đi theo lối cổng đền Cao, cũng có thể đi theo lối mở từ chân núi Bàn Cung chạy thẳng lên đỉnh. Dù qua lối nào, du khách cũng cảm nhận được sự kỳ thú của thiên nhiên với sông, núi bao la, làng mạc trù phú. 

Giữa khoảng sân rộng với vườn cây, ghế đá, rừng keo phía sau làm điểm tựa, đền Vua uy nghi hiện ra với kiến trúc kiểu chữ Nhị 3 gian tiền tế, 1 gian hậu cung. Trong đền có nhiều đồ thờ tự cùng hoành phi, câu đối, thể hiện tài năng, đức độ và công lao to lớn của vua Lê Đại Hành. Nổi bật là pho tượng đức vua uy nghi ngự trên cỗ ngai lớn. Ngoài cửa điểm nhấn là đôi ngựa đá, đôi thiên trụ chầu về lư hương đá.

Theo một số tài liệu lịch sử và ngọc phả đền Cao, khi giặc Tống sang xâm lược nước ta năm 981, Thập Đại Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua cầm quân nghênh địch. Tại Dược Đậu Trang (An Lạc ngày nay), ông đã lập ra các khu như: Lò Văn (nơi đào tạo quan văn), Nội Xưởng (xưởng sản xuất vũ khí)... Núi Bàn Cung và cánh đồng Dinh với 3 phía có núi sông che chở, tiến có thể đánh, lui có thể giữ là khu vực họp bàn kế sách chống giặc và đóng đại bản doanh của Lê Hoàn. Cũng tại đây, Lê Hoàn đã chiêu mộ 5 vị tướng họ Vương cầm quân đánh giặc, lập chiến công hiển hách. Sau khi 5 vị tướng hóa, triều đình sắc phong thành hoàng và nhân dân lập đền thờ cúng. 
 
Với ý nghĩa lịch sử đó, công trình đền Vua đã được Nhà nước đầu tư cùng sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân để xây dựng uy nghi như ngày nay. 

Nhiều địa danh lịch sử

Theo ông Nguyễn Quang Chiếu, 85 tuổi, ở thôn Đại, xã An Lạc, những thửa ruộng ở thung lũng trước đền Vua là cánh đồng Dinh nơi ngày xưa vua Lê Đại Hành đóng đại bản doanh. Trước đây, cánh đồng Dinh rộng khoảng 24 mẫu, được giao cho địa phương làm ruộng công điền lấy hoa lợi cúng tế các vị thánh đền Cao. Vì là ruộng công nên những gia đình nghèo không có đất, khi có người thân qua đời thường lén mang chôn cất ở đây. Ngày nay, diện tích cấy lúa chỉ còn khoảng hơn 1 mẫu, còn lại thôn xây dựng nhà văn hóa, sân vận động, nhà mẫu giáo và người dân làm nhà ở hết. Dấu tích duy nhất còn lại trên cánh đồng Dinh xưa là đống Dinh, được cho là nơi có trại lính gác. Theo người dân, đống Dinh có diện tích khoảng 200 m2, nay đã bị người dân lấn chiếm. Ở giữa đống Dinh có cây đa lớn cùng một ngôi miếu thờ thổ thần do người dân lập nên.

Ông Dương Mạnh Chiêu, 75 tuổi, nhớ lại: "Năm 1961, khi tôi đang cày ruộng HTX ở cánh đồng Dinh thì bật lên một ống đồng dài khoảng 1 m, hai đầu có gân nổi, đường kính ngoài to bằng cái phích, phần lỗ khoảng 5 cm, trọng lượng trên 30 kg. Thấy lạ, tôi mang về định cắt ra bán sắt vụn nhưng xã biết và đề nghị tôi đem nộp. Tôi đã được tặng giấy khen về thành tích đã tìm được và giao nộp khẩu súng thần công. Vài năm trước, có người làng ra thăm Bảo tàng tỉnh về bảo có thấy khẩu súng thần công ngày trước tôi giao nộp trưng bày tại đó".  

Cách cánh đồng Dinh con đường trục thôn là địa danh Nội Xưởng, tương truyền là nơi đặt xưởng sản xuất vũ khí xưa. Giờ khu vực Nội Xưởng người dân cũng đã ở kín. Không xa đó là đống Tử Tù, nơi nhà vua xử và hành quyết tù nhân. Ngoài ra theo người dân, trên địa bàn xã An Lạc còn có núi Nền Bột. Chân núi có khu bằng phẳng vốn là nền dinh các cung phi, hoàng hậu. Còn núi Cao Hiệu, ngọn núi cao nhất trong vùng ngày trước đặt vọng gác là núi Cầu Quan (xã Tân Dân) bây giờ. Chuyện kể có một bầy chim đại bàng 99 con bay đến đậu xuống vùng đất An Lạc biến thành 99 ngọn núi thiêng. Duy nhất chim mẹ là đậu bên kia sông Nguyệt Giang biến thành núi Cao Hiệu. 

Một trong những địa danh còn tồn tại cùng nhiều chứng cứ là đống "Cứt Sắt". Đống "Cứt Sắt" nằm gần bờ sông Nguyệt Giang và cách địa danh cánh đồng Dinh vài trăm mét. Ông Chiếu kể: "Hồi chúng tôi còn nhỏ đã thấy các cụ gọi tên như thế. Ở đó có những miếng sỉ sắt bằng ngón tay màu đen". Đống "Cứt Sắt" nay có ba gia đình ra ở. 

Chưa phát huy xứng tầm

Nằm trong vùng thắng tích đặc biệt, còn nhiều dấu tích, địa danh lịch sử song tiềm năng giá trị của di tích đền Vua chưa được phát huy xứng tầm. Bà Nguyễn Thị Bích, thủ nhang đền Vua từ năm 2003 cho biết, hằng năm, lượng du khách thập phương tìm đến cụm di tích đền Cao thắp hương, chiêm bái rất đông song khách đến với đền Vua không nhiều cho dù chỉ cách nhau hơn trăm mét. Nhiều du khách không có ý niệm về sự tồn tại của di tích đền Vua trong quần thể. Trong cuốn sổ công đức, chúng tôi thấy trung bình mỗi tháng đền chỉ có vài chục khách tới tham quan, công đức. Khách đến đây cũng chỉ được giới thiệu về cảnh đền chứ chưa có tài liệu nào giới thiệu về các địa danh lịch sử liên quan.
Mặc dù ngôi đền đã được xây dựng khang trang, cảnh trí thiên nhiên đẹp đẽ song đến nay di tích chưa có cổng. Bên cạnh đó, trên 300 m trong tổng số 500 m đường lên đền là đường đất, lầy lội vào mùa mưa, dốc và trơn trượt. 

Để đền Vua cùng với cụm di tích đền Cao trở thành điểm hấp dẫn du khách, cơ quan quản lý văn hóa cần đẩy mạnh các biện pháp quảng bá, tuyên truyền, có kế hoạch nghiên cứu, in ấn tài liệu giới thiệu di tích cùng các địa danh lịch sử. Trên cơ sở các dấu tích phát lộ, tiến hành khai quật khảo cổ, dựng biển địa danh để tạo thành vùng du lịch độc đáo, hấp dẫn. Ngoài sự quan tâm của Nhà nước, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để các hạng mục của di tích tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân. 

NGỌC HÙNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây