Nữ tiến sĩ đầu tiên của nước Việt Nam

Thứ năm - 29/10/2015 01:10 - 2460 lượt xem
Ban thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ
Ban thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ
​Suốt mấy trăm năm các chế độ phong kiến Việt Nam đã không cho phụ nữ đi thi, nhưng có một người con gái Chí Linh lại đỗ Trạng nguyên...

Dưới thời phong kiến ở nước ta, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã không cho giới nữ được bình đẳng với nam giới, kể cả việc học hành, thi cử. Vậy mà có một người con gái tài sắc, đức độ, trí tuệ trác việt đã vượt qua luật lệ khắt khe đó, đạt tới học vị tiến sĩ. Đó là Nguyễn Thị Duệ (Theo tài liệu của Văn miếu Mao Điền - Hải Dương) ở làng Kiệt Đoài, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay là xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương) núi non trùng điệp, soi bóng xuống dòng Lục Đầu Giang. Năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm kinh đô Thăng Long, nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Thị Duệ theo gia đình cũng chạy lên Cao Bằng sinh sống. Tại đây, nhà Mạc mở khoa thi kén người tài, sĩ tử rất đông. 


Là một người hiếu học: song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để đi thi. Cô mang tên Nguyễn Du ở khoa thi năm Giáp Ngọ (1594) khi ấy vừa tròn 20 tuổi. Khi công bố người đỗ đại khoa (tiến sĩ), Nguyễn Du đỗ đầu. Triều đình mở yến tiệc gặp gỡ các vị tân khoa. Vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ tuổi này rất khác lạ: dáng mảnh mai, thanh tú, mắt sáng trong màu ngọc, môi đỏ như son, miệng rất duyên dáng, những ngón tay búp măng thon dài trắng muốt, toát lên một vẻ đẹp kiêu sa, kiều diễm. Vua Mạc liền xét hỏi và sự thật được làm rõ. Nguyễn Thị Duệ không bị khép tội mà còn được khen ngợi. Vua Mạc Kính Cung đã xót xa, ân hận về cái luật phi lý này và rất nể phục sự dũng cảm “vượt rào” của người con gái đã dám chứng minh "không hề thua kém giới mày râu?”. Vậy là vào cuối thế kỷ XVI (1594) Nguyễn Thị Duệ đã trở thành vị nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta, Vua Mạc mời tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ vào cung để dạy các phi tần và sau lấy làm vợ, đặt tên cho nàng là “Bà Chúa Sao”. Nàng còn tên nữa là Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền. Tên vua ban là Tình Phi (Sao Sa). 

Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc, bà Duệ bị bắt. Quân lính dẫn bà về kinh tiến Chúa. Vua Lê - chúa Trịnh đã mời bà coi việc dạy học trong vương phủ. Ở đây bà giúp vua và các quan giám khảo chấm thi trong các kỳ thi tuyển chọn người tài. 

Từ trong cung vàng điện ngọc, bà luôn nghĩ đến người dân và dành nhiều tình cảm đặc biệt dành cho quê nhà. Bà tự tay ra đề bài cho các quan và sĩ tử hàng huyện học tập. Bài làm xong được các quan tư văn niêm phong đưa về cung cho bà chấm. Một lần dự cuộc vui trong hoàng cung, bà Duệ được làm quen với hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông). Từ đấy, hai bà trở thành đôi bạn tri kỷ. Hàng tháng bà cùng hoàng hậu đi lễ chùa để gặp các nhà tu hành cũng là những người học nhiều, biết rộng; gặp gỡ các sĩ phu Bắc Hà - những nhà chân nho thực tài như Thám hoa Giang Văn Minh, Thám hoa Phượng Thế Hiền... nên biết được tình hình trong nước và những bất bình trong dân, giúp vua - chúa kịp thời điều chỉnh chính sách cho dân bớt khổ. Bà được phong chức “Chiêu Nghi” hiệu là “Nghi ái Quan”. Bà Nguyễn Thị Duệ để lại cho đời nhiều văn thơ, nhưng đến nay chỉ còn một số trong gia ký: 

Nữ nhi dù đặng có lề 
Ắt là tay thiếp kém gì trạng nguyên.
 

Tháp mộ bà trên đỉnh một quả đồi cạnh núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương). Cuối triều Lê, Tinh Phi cổ tháp được xếp vào hàng Chí Linh bát cổ, trong đó có những câu: 

Lạ thay nhất kính chiếu ba vương 
Kiệt đặc tinh phi vốn cố hương 
Đẹp tuyệt trần gian thêm sắc sảo...
 

Đình làng Kiệt Đoài có một pho tượng đẹp gọi là Vua Bà. (tức Nguyễn Thị Duệ) và một sắc phong thờ phụng: “chánh vương phủ, thị nội cung tần, lế sư Nguyễn Thị Ngọc tôn thần. Người có công giúp nước, che chở cho dân...” 

Năm 2004, có 8 vị đại khoa của Hải Dương là hiền tài của đất nước được đúc tượng đồng và khám thờ, trong đó có nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Bà được thờ cùng Khổng Tử tại hậu cung Văn miếu Mao Điền (Hải Dương).   

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây