Những bí ẩn ở chùa Thanh Mai

Thứ sáu - 03/06/2022 21:20 - 2019 lượt xem
Những bí ẩn ở chùa Thanh Mai
Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Theo các văn bia để lại, chùa được tôn tạo và mở rộng vào năm Khai Hựu (1329). Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo, một trong ba chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, nơi tu hành của Đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam tổ Huyền Quang.

Bảo vật của quốc gia

Chùa Thanh Mai hiện tại còn nhiều hiện vật có giá trị, đang được lưu giữ bảo vệ như Viên Thông bảo tháp xây dựng năm 1330, tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702), tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703), cùng 7 tấm bia thời Trần và thời Lê. Trong số 7 tấm bia này thì Thanh Mai Viên thông Tháp bi là tấm bia quý giá nhất.

Du khách đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu Thanh Mai Viên thông Tháp bi
Tháp Phổ Quang tại chùa Thanh Mai
Viên Thông bảo tháp

Thanh Mai Viên thông tháp bi được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362). Văn bia cho biết năm, tháng xây dựng những công trình tôn giáo lớn đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Đặc biệt, văn bia phản ánh đầy đủ nội dung về thân thế, sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa.

Căn cứ theo Thanh Mai Viên thông tháp bi, Pháp Loa tên là Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hoà, hương Cửu La, Nam Sách giang, nay thuộc phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Năm Hưng Long 13 (1304), nhân chuyến thăm hương Cửu La của Trần Nhân Tông, Đồng Kiên Cương đã ra bái yết. Nhân Tông nhận ra Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo. Ông cho Đồng Kiên Cương đi theo học đạo và đặt cho tên mới: Hỷ Lai, nghĩa là người mang lại niềm vui.

Hỷ Lai thông minh hiếu học, có nhiệt tâm với đạo Phật nên chỉ một năm sau, tại tăng viện Kỳ Lân (Chí Linh), ông được Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông trao cho các bảo bối. Mùng 1 tháng giêng năm Hưng Long 16 (1307), ông được trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó, ông trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái này. Mùng 5.2 năm Khai Hựu thứ 2 (1330), Pháp Loa đang giảng kinh tại thiền viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13, sư về thiền viện Quỳnh Lâm (Đông Triều) tĩnh dưỡng. Ngày 19, bệnh của ngài trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho gọi Huyền Quang đến, trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Trần Nhân Tông trao cho ông như áo cà sa, kệ tả tâm… và dặn lại: Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế. Đêm mùng 3.3, Pháp Loa viên tịch tại thiền viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của nhà sư, xá lỵ của ông được đặt trong Viên Thông Bảo Tháp sau chùa Thanh Mai.

Hơn hai mươi năm chủ trì thiền phái Trúc Lâm, ngài đã đúc trên 1.300 pho tượng lớn nhỏ, tạo đại già lam được 2 ngôi, xây được 5 ngọn tháp, lập hơn 200 sở tăng đường, độ tăng và ni hơn 15.000 người, in được 1 bộ kinh đại tạng, đệ tử đắc pháp hơn 3000 người, thành đại pháp sư có 6 vị. Đương thời Pháp Loa biên soạn nhiều sách Phật học như , Tham thiền chỉ yếu, Pháp nguyện văn, Đoạn sách lục… Ngoài ra, Ngài cũng chú giải một số bộ kinh như Kim cương đại trường đà na ni kinh, Tán Pháp hoa kinh khoa sớ, bát nhã đa tâm kinh… Pháp Loa là người thừa kế, phát triển Thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao.

Sau này, ngày mất của Đệ nhị tổ Pháp Loa trở thành nguồn gốc lễ hội chùa Thanh Mai. Hội bắt đầu từ mùng 1-3.3 âm lịch với nhiều nghi lễ như giảng kinh, chay đàn, mộc dục...

Tượng thờ Pháp Loa (ngoài cùng bên phải) cùng 2 vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm tại chùa

Bia Thanh Mai Viên thông tháp còn có các giá trị về mỹ thuật, hoa văn, lối trang trí, kiến trúc, thư pháp… mang đậm dấu ấn thời Trần. Hai mặt bia khắc khoảng 5000 chữ Nho do Trung Minh biên tập, Tam tổ Huyền Quang hiệu đính, Thiệu Tuệ viết chữ.

Với giá trị đặc biệt đó, ngày 22.12.2016, Thanh Mai Viên thông tháp bi được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

Phát hiện ngôi chùa cổ Thanh Mai 2

Đầu tháng 7.2021, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thực hiện chuyến nghiên cứu, khảo sát và phát hiện 3 khu vực di tích cách chùa Thanh Mai hiện nay theo hướng lên đỉnh dãy Yên Tử, được đặt tên lần lượt là Thanh Mai 2 (cách chùa Thanh Mai hiện nay 400m), Thanh Mai 3 (cách chùa Thanh Mai hiện nay 1.600m) và Thanh Mai 4 (trên đỉnh núi Tam Ban).

TS Lê Duy Mạnh - Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn sơn - Kiếp Bạc cho biết, qua quá trình nghiên cứu hệ thống các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm ở vùng Đông Bắc, các công trình kiến trúc thường được xây dựng từ chân núi lên đến đỉnh núi và nằm cạnh các con suối. Ở khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), hệ thống chùa được xây dựng từ chân núi lên tới đỉnh núi gồm: chùa Lân, chùa Hoa Yên, chùa Đồng. Ở khu di tích Côn Sơn là chùa Côn Sơn, Am Bạch Vân. Ở khu vực Am Ngọa Vân, Hồ Thiên (Quảng Ninh) cũng có cấu trúc mặt bằng tương tự... "Như vậy, từ chùa Thanh Mai hiện nay lên đến đỉnh núi Tam Ban, rất có thể trước đây còn có nhiều ngôi chùa hoặc tịnh thất khác”, TS Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn sơn - Kiếp Bạc khẳng định.

Nhằm củng cố tư liệu về Thiền phái Trúc Lâm, phục vụ xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể khu di tích và danh thắng Yên Tử (trong đó có chùa Thanh Mai) là Di sản văn hóa thế giới, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai quật tại vị trí ngôi chùa Thanh Mai 2. Diện tích khai quật 400m2.

Tổng quan hố khai quật khảo cổ Thanh Mai 2, tháng 7.2021
Dấu tích nền móng kè đá chùa Thanh Mai 2, niên đại thời Trần (thế kỷ XIV)
Dấu tích kè đá xanh chùa Thanh Mai 2, niên đại thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII)
Hệ thống bậc đá lên chùa Thanh Mai 2, niên đại thời Lê (thế kỷ XVIII)

Kết quả khai quật, phát hiện nền móng kiến trúc ngôi chùa cổ, quy mô tổng thể mặt bằng cấu trúc dựa theo sườn núi, các cấp nền kè đá cao dần từ dưới lên trên, tổng diện tích trên 1.200m2. Các dấu tích còn lại cho thấy có 3 lớp kiến trúc của thời Trần (thế kỷ XIV), Lê trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) chồng xếp lên nhau. Những dấu tích này phản ánh chùa Thanh Mai 2 tồn tại lâu dài và liên tục suốt 700 năm lịch sử. Điều này hiếm thấy và có ý nghĩa rất quan trọng trong tổng thể các di tích thuộc Quần thể khu di tích và danh thắng Yên Tử của cả 3 tỉnh (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang). Cuộc khai quật cũng đã tìm thấy gần 1.000 di vật có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn gồm: gạch, ngói, vật liệu trang trí, gốm men, gốm sành minh chứng kỹ thuật, hình thái kiến trúc và diễn trình sinh hoạt tâm linh tại khu di tích.

TS Phạm Văn Triệu (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết: “Tổng thể các dấu tích kiến trúc ở địa điểm chùa Thanh Mai 2 vừa được khai quật đã cung cấp nguồn tư liệu quan trọng mang tính xác thực cao, cho phép xác định rõ hơn giá trị tổng thể của khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc – Thanh Mai và mang lại nhiều nhận thức mới, có giá trị rất lớn trong việc bổ sung tư liệu cho hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới”.

Ngoài ra, tiến hành mở rộng khảo sát lên khu vực chùa Thanh Mai 3, Thanh Mai 4, một con đường hành hương được nhận diện (từ chùa Cổ Châu, Sùng Nghiêm, Huyền Thiên, Côn Sơn, Thời Lời, Thanh Mai 1, Thanh Mai 2, Thanh Mai 3, lên đỉnh Yên Tử). Đây là một phát hiện mới, được các nhà khoa học ủng hộ.

Bài: TS LÊ DUY MẠNH - LÊ HƯƠNG - THÀNH CHUNG
Đồ họa: TUẤN ANH

Tác giả bài viết: BÁO HẢI DƯƠNG

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây