Lễ hội đền Sinh, đền Hoá 

Thứ ba - 03/11/2015 11:05 - 3471 lượt xem
Lễ hội đền Sinh, đền Hoá 
Lễ hội đền Sinh, đền Hoá 
Vào đầu thế kỷ 19 do sự thay đổi về địa giới hành chính, khu đền Sinh, đền Hoá thuộc xã Yên Mô, tổng Chi Ngại, huyện Chí linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương.

I. KHÁI QUÁT DI TÍCH VÀ NHÂN VẬT ĐƯỢC THỜ                                                               
Tháng 4- 1947, trong bối cảnh ngày đầu kháng chiến chống Pháp, huyện Chí Linh của tỉnh Hải Dương theo quyết định của chính phủ đã gia nhập liên tỉnh Hồng Quảng. Thời gian này xã An Mô trở thành 14 thôn xóm mới hợp thành xã Lê Lợi. Từ năm 1951, tình hình kháng chiến toàn quốc bước sang giai đoạn mới, có phần ổn định hơn. Xã  Lê Lợi huyện Chí Linh lại trở về tỉnh Hải Dương. Sau ngày sáp nhập hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên (1968), xã Lê Lợi thị xã Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Đến thăm khu di tích đền Sinh, đền Hoá, khách hành hương đi theo tuyến Hải Dương- Hải Phòng, đến ga Tiền Trung gặp đường quốc lộ 183 đi thị trấn Sao Đỏ (Chí Linh).Từ đường quốc lộ 18 (đi Đông Triều Quảng Ninh), đến cuối thị trấn gặp đường 379 đi khu di tích Côn Sơn. Tại khu vực bến xe phục vụ hội Côn Sơn, du khách gặp biển chỉ đường "Đền Sinh 1,5km" là đến địa phận vùng danh thắng. Vào những ngày hội tháng giêng và tháng 8 du khách đi lễ hội Côn Sơn và Kiếp Bạc, du khách thường ngược sông Thái Bình đến sông Thương bằng phương tiện canô một cách dễ dàng.Thưởng ngoạn xong vẻ đẹp hữu tình chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, từ đây khách hành hương đi theo lối mòn qua đỉnh non thiêng ngũ nhạc, qua một dòng suối nhỏ, du khách đã ở trên vùng thắng tích đền Sinh, đền Hoá. Từ giữa những năm 90, bằng phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tuyến đường vào đền Sinh, đền Hoá đã được trải nhựa, thuận tiện hơn cho việc hành hương của du khách.
Là công trình kiến trúc cổ kính, nhưng đến nay việc xây dựng đền Sinh, đền Hoá được xây dựng từ bao giờ hiện tại chưa có tài liệu nào ghi nhận cụ thể. Kết quả qua những cuộc khảo tả di tích, khảo sát lễ hội, theo truyền ngôn của người dân địa phương thì từ thưở xa xưa, đền Sinh, đền Hoá là một ngôi nhà tranh tre nứa dựng mình vào vách núi. Trải qua những biến cố thời gian, đền Sinh, đền Hoá như bao di tích khác trong cả nước đã được tu sửa. Dấu tích kiến trúc điêu khắc mỹ thuật hiện tại của khu đền gồm ba thời kỳ tu sửa lớn:
Khu hậu cung, giữ nguyên kiến trúc của niên đại đầu thời Nguyễn.
Khu vực trung từ được tu sửa và mở rộng vào thời Tự Đức.
Khu tiền tế được mở rộng vào đầu thế kỷ XX. Hai gian hồi nhà tiền tế do viên chánh Đọ, chánh tổng Chi ngại công đức, tu sửa xây dựng.
Về sự kiện- nhân vật lịch sử được thờ tại đền Sinh, đền Hoá hiện tại có hai luận điểm, luận  điểm của nhân dân địa phương An Mô cho rằng, đức thánh làng An Mô là Phi Bồng Hạo thiên tướng quân- là thiên thần; Còn Chu Phúc Uy là con cầu tự, là nhân thần phối thờ tại đền Hoá. Luận điểm thứ  hai dựa  trên cứ liệu sử học cũ như sách "Đại Nam nhất thống chí""Lĩnh Nam chích quái", "Chí Linh phong vật chí", căn cứ theo "Lịch sử di tích, danh thắng khu vực đền Sinh, đền Hoá thôn Yên Mô, xã Lê Lợi, huyện Chí Linh" của Bảo tàng tỉnh Hải Dương và "Thần tích bi ký" hiện còn tại đền Hoá khẳng định  di tích là công trình thờ tự về nơi sinh thành và qua đời của tướng Chu Phúc Uy hiệu là "Phi Bồng tướng quân" do dân làng Yên Mô xây dựng và thờ tự rất sớm. Chu Phúc Uy là nhân thần thời Tiền Lý. Thần tích cho biết: ông là con cầu tự của cặp vợ chồng bần nông, cao tuổi, hiếm con và rất nhân hậu là Chu Danh Thức và Hoàng Thị Ba người trang Yên Mô. Sinh thời, Chu Phúc Uy là cậu bé khôi ngô tuấn tú hơn người. Đến khi trưởng thành, Chu Phúc Uy có công phù giúp vua Lý Nam Đế đánh đuổi quân Lương dựng nước Vạn Xuân (544). Theo tiến sĩ Hoàng Giáp - Viện Hán Nôm thì Chu Phúc Uy sau này đầu thai sinh ra từ hòn đá dáng người tại trang Yên Mô thành “Hạo thiên Phi Bồng tướng quân”, bản dịch bia thần tích thời Nguyễn của Ông được ghi trong sách “Di sản Hán Nôm” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2006 là một cứ liệu lịch sử giá trị:
“Bấy giờ là giờ thân ngày 8 tháng 5. Khi mặt trời đã gác núi, trẻ mục đồng trang Yên Mô lúc này đang tụ tập tại nơi đây chợt nghe có tiếng trẻ nhỏ khóc dưới núi bèn gọi nhau đến đó, thấy một hài nhi dáng vẻ khôi ngô, thiên tư đĩnh ngộ nằm trên chỗ lõm của hòn đá mà khóc vang như tiếng chuông lớn. Bọn trẻ bèn  lấy nón che phía trên, bế bồng mà đón về. Đến vị trí đền Hoá bây giờ, bỗng nhiên gió mưa sấm chớp đùng đùng, cát bay đá cuộn khắp nơi. Đứa trẻ đó hét lên một tiếng rồi vọt thẳng lên trời; Bọn trẻ đều nghe trên không trung có tiếng nói vọng rằng: Ta là Phi Bồng Hạo Thiên Đại tướng quân giáng hạ, nhưng đã lộ trong cõi trần thế nên lại phụng chiếu về chầu thượng đế. Bọn trẻ đều kinh sợ, khi về nói lại cho mọi người, mọi người tụ họp ở nơi đó thấy hòn đá bị mài mòn khoảng hơn một thước, rất lấy làm kinh ngạc, liền lập miếu phụng thờ. Từ đó anh linh hiển ứng, bảo hộ cho dân được khoẻ mạnh, giàu có vậy. Đến triều Trần Nhân Tông, quân Nguyên kéo sang xâm lược. Bấy giờ Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn phụng mệnh cầu đảo bách thần, dấy binh xuất chiến. Một hôm truy đánh giặc Nguyên đến đất huyện Phượng Nhãn thì gặp quân Nguyên theo đường thuỷ tiến đến. Tiết chế liền hội quân đồn trú tại Côn Sơn. Trong khi sĩ tốt nấu ăn, tiết chế bèn vào hành lễ cầu đảo tại đền thờ Yên Mô, ước nguyện được âm phù. Đêm đó nằm ngủ trước án thờ trong đền, đến nửa đêm thì gặp một ông lão râu tóc trắng xoá, đi từ phương Bắc vào trong đền, tự xưng là quan thiên thần tên là Phi Bồng Hạo Thiên giáng xuống hòn đá thời Tiền Lê, nay nghe quốc lão phụng mệnh đánh giặc Nguyên đi qua đất này nên muốn phù giúp, đợi khi bình định giặc xong mong vua ban sắc phong, ngôi  vị linh hiển. Khoảng khắc sau, tiết chế tỉnh dậy, mới biết là mộng gặp thần, liền làm lễ cảm tạ. Bỗng trời đất thay đổi, mây đen bốn bề kéo về, mưa gió ập đến, tiếng ầm ù như sét, thuyền bay lên bờ. Tiết chế vỗ tay nói: Lòng trời thương đến cho được âm phù bèn hô sĩ tốt mấy trăm ngàn cùng đuổi quân giặc đến sông Bạch Đằng quyết chiến một trận, quân Nguyên đại bại, kinh sư khải hoàn, nhà vua mở tiệc khao thưởng, phong Trần Hưng Đạo làm Quốc Lão Đại Vương. Đại vương tấu rằng: Quân Nguyên sớm bình định là nhờ sức phù trợ ngầm của thần linh. Vua nghe được truyện đó liền sai sứ giả sắc phong bách thần, sắc phong nguyên tự thần hiệu: Phi Bồng Hạo Thiên Tối Linh thượng đẳng thần, sắc chỉ ban cho thần tử ở xã Chi Ngại, Yên Mô, huyện Phượng Nhãn cùng các trang ấp nghênh đón mĩ tự của thần về lập đền, điện thờ tự.
II. LỄ HỘI ĐẾN SINH, ĐỀN HOÁ XƯA VÀ NAY
1. Lễ hội xưa:
Trước đây, dưới thời phong kiến, lễ hội đền Sinh, đền Hoá là lễ hội khá nổi tiếng ở Chí Linh. Tương tự như các lễ hội khác, lễ hội thờ Chu Phúc Uy thực chất là hiện tượng “Lịch sử hoá” tục thờ siêu nhiên của người Việt Cổ mang ý nghĩa cầu phồn thịnh, hạnh phúc, no đủ. Nguồn gốc của hệ tư tưởng tín ngưỡng thờ siêu lực tự nhiên chính là tục thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện); mây, mưa, sấm, chớp; đây là nét văn hoá đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng Đông Nam Á; cầu mong mưa thuận, gió hoà để mùa màng bội thu.
Lễ hội đền Sinh, đền Hoá xưa kia do dân của sáu làng trong tổng Chi Ngãi là: An Mô, Đa Cốc, Chi Ngãi, Trung Quê, Thanh Tảo, An Lĩnh  tiến hành tổ chức hàng năm từ 6- 10/tháng giêng và lễ rước tổ chức vào ngày 3/3(âm lịch) hàng năm. Trước đây, vào những năm chính hội, dân tổng Chi Ngại được mùa “Phong đăng hoà cốc” thì tổ chức lễ hội lớn; sắp đến ngày hội, Ban khánh tiết phân công việc cụ thể cho các giáp. Giáp thì sửa chữa đường xá, quét dọn đền thật sạch sẽ, giáp thì lo trang trí, bày biện trong đền; không khí chuẩn bị thật khẩn trương, người ta mua sắm và sửa sang những gì thiếu hoặc hư hỏng, tổ chức tập dượt việc rước xách, phân công việc tập luyện tế lễ, y phục (lễ phục)…          Tối ngày mồng sáu, sau khi đội tế nam quan của làng thực hiện xong lễ cáo yết xin phép thánh cho dân làng được mở hội, sau lễ cáo yết, sang ngày mồng 7 tiến hành lễ mộc dục, tắm rửa, lau chùi thần tượng, thần vị, áo mũ và khí tự. Những người tham gia lễ mộc dục là những thành viên đội tế, có đạo đức được dân làng tin cậy và trong nhà không có tang. Sau khi được giao nhiệm vụ, những  người này áo mũ chỉnh tề cùng nhau lên đền Sinh, đền Hoá làm lễ, thắp hương xin phép Mẫu và đức Thánh cho được hành sự. Nước để tắm rửa thần tượng, thần vị là nước sạch pha trầm hương hoặc ngũ vị cho thơm. Sau hai lần tắm bằng nước sạch, lần thứ ba bằng nước ngũ vị hương, thần tượng thần vị được bao lâu nhẹ nhàng bằng khăn bông, tiếp đến là lễ gia quan (thay áo thánh).                 Khi hành sự, mọi người phải có khăn điều bao hàm để tránh trần khí xông lên thánh cung, không cười nói trong khi làm mà mang tội bất kính. Sau lễ mộc dục, nước ngũ vị hương được để trong quán tẩy, mọi người dùng nước xoa lên mặt gọi là “quan chiêm thần huệ” để trừ bệnh tật; áo thánh thay ra được xé thành mụn nhỏ gọi là khước thánh chia cho dân.
Một tục khá điển hình trong lễ phẩm dâng cúng ở đền Sinh, đền Hoá là xôi trắng- lợn đen. Xôi phải để nguyên cả mâm to; thịt lợn quay nguyên cả con. Lợn để tế thần phải là lợn do làng cử một người nuôi thật cẩn thận từ năm trước gọi là “lợn tuần”. Đến lượt giáp nào đăng cai thì ngày từ khi mới tiếp nhận, giáp đã phải cử một người tử tế đi mua lợn về nuôi. Trước khi tiến hành công việc này thì ông trưởng giáp phải dẫn người được nuôi lợn lên đền thắp hương xin quẻ âm- dương. Nếu được thì tiến hành, nếu không thì phải cử người khác. Những người được thần chấp nhận phải là người có đức độ, chồng vợ song toàn; có con trai, con gái; làm ăn phát đạt, thân thể lành lặn, dân làng tin cậy, trong nhà không có tang. Lợn cúng thần phải có màu đen, là giống lợn thịt ngon có dáng mạo đẹp, thân hình cân đối, không mắc bệnh tật. Có lợn rồi việc nuôi nấng chăm sóc không đơn giản. Chuồng lợn phải đặt chỗ khô ráo, sạch sẽ, không được để gần chuồng trâu, hố xí. Phải thường xuyên làm vệ sinh để trong chuồng không có mùi hôi thối, ẩm ướt. Thức ăn của lợn phải tinh khiết, phải rửa sạch, nấu chín không để ôi thiu.
Ba tháng về cuối cần phải để cho lợn thức ăn tinh khiết, có thêm cháo gạo để lợn béo đẫy, mượt mà, đảm bảo trọng lượng cần thiết. Đây là thời kỳ vất vả nhất, lo lắng nhất đòi hỏi người nuôi phải hết sức cố gắng thận trọng vì sắp đến ngày mở hội mà lợn tuần vẫn chưa đạt tiêu chuẩn thì vạ cả làng. Nếu chẳng may lợn không kịp lớn hoặc ốm chết thì đó là điều xúi quẩy khôn lường cho cả cộng đồng dù họ có xoay được một con khác thay thế vào và mâm cỗ vẫn đầy đủ như thường lệ.
Đến giờ đã định, giáp đăng cai lo mổ lợn, đồ xôi, bày mâm cỗ chu đáo rồi báo cho làng biết để làng cử người xuống tận gia chủ rước mâm cỗ lên để tế thần. Rước cỗ không dùng kiệu gỗ, chỉ cần bốn trai đinh lành lặn, mạnh khoẻ, áo mũ chỉnh tề xếp thành hai hàng thẳng thắn giống như chiếc kiệu rồi cùng nhau khiêng mâm đi theo nhịp bước đều đặn, nhẹ nhàng, chậm rãi.
Lợn tế thần phải để nguyên cả con, lấy hết lòng, quay vừa chín. Xôi biện cỗ phải thật trắng được đồ bằng thứ nếp thơm dẻo, không lẫn tẻ, rất đều hạt. Biện mâm lễ tế thần ở lễ hội đền Sinh- đền Hoá xưa kia được xem là một việc lớn; Nó thể hiện lòng hiếu thảo, tôn kính của dân làng đối với cộng đồng, lại vừa khẳng định tài năng, khéo léo của con người trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Cho nên có thể nói đây là một dịp thi tài giữa các giáp. Ai làm tốt thì sẽ được làng thưởng. Ai làm xấu thì bị phạt tuỳ theo mức độ, có thể lần sau không được làm.
Trong thời gian mở hội tại, tại đền Đền Sinh, đền Hoá có hình thức hát chầu văn; Đây là một nghi thức không thể thiếu trong các nghi lễ chính của tục thờ mẫu, phục vụ cho lễ lên đồng. Hát chầu văn và lên đồng không biết gắn liền với lễ hội đền Sinh, đền Hoá từ bao giờ, chỉ biết ngay từ các đêm mồng 4 (âm lịch) các thanh đồng từ khắp nơi đã về đây, cùng với cung văn làng An Mô và các cung văn vẫn hát tại các đền, phủ tổ chức “múa thiêng”tại đền Sinh, đền Hoá, nhiều khi hát văn và lên đồng được thực hiện thâu đêm thành sinh hoạt tín ngưỡng gắn liền với các nghi lễ thành kính tạo thành nét đặc thù của lễ hội đền Sinh, đền Hoá.
4h sáng ngày 8/5 âm lịch (ngày trọng hội) tại đền Hoá, Hội đồng kỳ mục làng An Mô và các cụ trong đội tế nam quan đền Hoá tổ chức lễ đón bóng (bóng thánh); sau khi quí khách và các thanh đồng đã ngừng hầu bóng ra hết khỏi nội tự đền, nhà đền đóng cửa, tắt đèn, một không khí thiêng liêng bao trùm toàn ngôi đền. 4giờ 5phút sau hiệu lệnh “khởi chinh cổ” nhà đền điểm ba hồi chín tiếng chiêng, trống, bật điện mở cửa đền, một già làng mặc áo tế lên thắp hương; lúc này văn tế đón bóng được đặt trang trọng trong khay lớn phủ vải điều; cụ mạnh bái áo đỏ quì đọc văn đón bóng tại gian công đồng, hai bên có hai trợ tế áo vàng. Khi văn đón bóng đọc xong, được hoá luôn tại đền.
Nghi lễ điển hình trong lễ hội đền Sinh, đền Hoá là lễ rước kiệu thánh từ Đền Hoá lên đền Mẫu Sinh vào sáng mồng 8 tháng 5. Theo các cụ bô lão của làng An Mô kể lại thì sau tuyên bố khai mạc lễ hội của chánh tổng Chi Ngại, các đô tuỳ đều lên kiệu, kiệu quay tại chỗ ba vòng, sau đó sắp xếp vào vị trí trong đội hình rước như sau: Đi đầu là đội múa lân dẹp đường tiếp theo là những chân cờ vác cờ hội to đại uy nghi, các chân cờ đầu đội nón dấu, thắt lưng bó que chân quấn xà cạp; đến phường Đồng Văn: chiêng- trống thể hiện hiệu lệnh thần linh (trống chiêng đều sơn son thiếp vàng) hai thanh niên vác lọng che cho thủ hiệu và trống, chiêng. Trống do hai người khiêng bằng đòn rồng, chiêng do hai người khiêng bằng đòn ống. Chiêng, trống đánh theo nhau trong đám rước, một tiếng trống lại điểm một tiếng chiêng, đến gần cửa đền Mẫu Sinh thì chiêng trống đánh dồn; Tiếp đến là đoàn vác đồ lộ bộ gồm: búa, rìu, long đao, xà mâu, đinh ba, từ nhĩ đi hai bên, ở giữa là quan viên mặc áo thụng xanh có lọng che mang biển đề “thượng đẳng tối linh”. Đến phường bát âm với những nhạc cụ cổ truyền tấu những bản nhạc hành tiến rộn ràng (thường là lưu thuỷ hành vân). Tiếp đến có hai người vác biểu đi ngang nhau sơn son thếp vàng, một biển đề chữ “Tĩnh túc” (nghĩa là yên lặng, cung kính) và biển kia đề chữ “Hồi tỵ” (là tránh xa). Giờ mới đến các cỗ kiệu đi theo thứ tự sau: Kiệu long đình (có mái) đựng lư hương và mũ của đức thánh Phi Bồng; Long đình do 4 chân kiệu rước, 4 chân kiệu khác đi kèm để thay thế (các chân kiệu cổ đeo một tràng hoa để có hương thơm tránh mùi trần khí xông lên) chung quanh long đình có tàn, lọng che và 2 quạt che hai bên diện thánh. Sau kiệu long đình là đội tế nam, nữ làng An Mô. Tiếp đến là long kiệu rước bát hương đức Thánh Trần; long kiệu do 8 chân kiệu rước và 8 chân kiệu đi kèm, hai bên kiệu có tàn lọng che. Sau khi đoàn rước kiệu đến sân đền Mẫu Sinh thì các kiệu vào vị trí qui định, tiếp đó rước mũ đức thánh Phi Bồng và bát hương thờ đức Thánh Trần vào gian công đồng, tiến mâm lễ (xôi trắng, lợn đen) vào công đồng gian tiền tế. Tiếp đến là lễ dâng hương tại đền Mẫu Sinh.
Tuy lễ hội chỉ diễn ra từ mồng 6- 8/5 (âm lịch) nhưng phần hội hè cũng rất nhiều trò chơi và trò diễn dân gian độc đáo được tổ chức trong lễ hội đền Sinh, đền Hoá như: Cờ biển, kéo co, đập niêu, chọi gà tại khuôn viên đền Hoá. Trò diễn ngoài hát văn, lên đồng còn có hát tuồng, hát chèo sân đình. Nhìn chung, do không gian lễ hội đền Mẫu Sinh, đền Thánh hoá còn nhỏ nên các trò chơi, trò diễn cũng không được phong phú.
2. Lễ hội đền Sinh, đền Hoá thời nay
Sau một thời gian dài do chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, hầu hết các hoạt động văn hoá, lễ hội dân gian truyền thống bị lãng quên... cho đến cuối những năm 80, đầu 90, nhờ đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu trong công cuộc đổi mới toàn diện. Nước ta bước vào thời kỳ ổn định và phát triển, các sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống, trong đó có lễ hội xổ truyền được phục hồi rất nhanh chóng. Hoà cùng khí thế sôi động chung, lễ hội đền Sinh, đền Hoá cũng nhanh chóng khôi phục nhất là từ sau năm 1994 năm được công nhận di tích cấp quốc gia. Lễ hội đã được tổ chức rất trọng thể, gần như khôi phục nguyên vẹn các nghi thức tế lễ, rước xách và các trò chơi, trò diễn truyền thống. Đặc biệt năm 2008, cùng với việc thành lập Ban quản lý di tích huyện Chí Linh và việc phê duyệt qui hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2008- 2015, định hướng 2020, ngày 10 tháng 7 năm 2008 của UBND tỉnh, lễ hội đền Sinh, đền Hoá nằm trong tổng thể 50 lễ hội tiêu biểu cần qui hoạch, phục dựng. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, các đơn vị nghiên cứu, quản lý đã tổ chức khảo sát, điền dã, tìm hiểu giá trị lễ hội truyền thống và hiện đại của lễ hội đền Sinh, đền Hoá, đã xây dựng kịch bản lễ hội trên quan điểm phục dựng bảo lưu những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng những hành động hội mới đáp ứng lòng mong đợi bấy lâu nay của nhân dân trong vùng, phù hợp với sự phát triển văn hoá xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tâm linh và lễ hội của mọi tầng lớp nhân dân.
Lễ hội đền Sinh, đền Hoá năm 2008 là dấu ấn quan trọng trong công tác phối kết hợp giữa các đơn vị quản lý của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch với Ban quản lý di tích huyện Chí Linh- đơn vị tổ chức, sự đồng thuận của cấp uỷ, chính quyền xã Lê Lợi và nhân dân trong xã.
Để tổ chức lễ hội thành công, ngay từ những tháng đầu năm 2008, được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp giữa Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch với UBND huyện Chí Linh thành lập Ban tổ chức lễ hội do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực chuẩn bị mọi công việc cho lễ hội rất chu đáo. Từ việc tổ chức tổng kiểm tra, bổ sung thay mới những đồ tự khí, trang thiết bị phục vụ rước xách, tế lễ đến đầu tư xây dựng một đội múa lân mới, đưa diễn viên nhà hát chèo về tập huấn đội múa hát văn, hướng dẫn đọc văn đón bóng, các nghi thức tế lễ đều được tập dượt kỹ lưỡng, mọi công việc đều được triển khai nhịp nhàng. Theo truyền thống, lễ hội đến Sinh- đền Hoá năm 2008 được tổ chức từ ngày 6- 8/5 âm lịch, lịch lễ hội cụ thể như sau:
Từ 16- 18h ngày 6 tháng 5 (âm lịch), tại đền Hoá, các cụ trong đội tế cử hành nghi thức tế cáo yết thần linh, xin phép được mở hội. Ban tế gồm có vị chủ tế là cụ già cao niên, phúc hậu, có uy tín với dân làng. Các cụ trong vai “bồi tế”“Đông xướng”“Tây xướng” và “chấp sự”... đều mặc y phục đại lễ cổ truyền gồm quần trắng, áo... tím, xanh, đỏ (tuỳ theo vai trò) tay thụng, chân đi hia, đầu đội mũ thêu kim tuyến có dải dài phía sau gáy. Cuộc  đại tế của đội tế làng An Mô diễn ra trong bầu không khí linh thiêng và trọng thị, từ lúc khởi đầu với lời xướng của cụ Đông Xướng “cúc cung bái” đến câu xướng khi đọc hết bản văn tế cuối cùng “cẩn cáo”“thượng hưởng” thường kéo dài chừng hơn một giờ đồng hồ. Lễ mộc dục được tiến hành vào sáng ngày 7/5 âm lịch về trình tự nghi thức được phục hồi gần như nguyên vẹn so với lễ thức trước kia, kịch bản lễ hội năm 2008 có thêm nghi thức: trong thời gian bao sái, ở mỗi di tích có bốn thanh niên (chọn trong các chân kiệu) đầu đội nón dấu, áo nẹp, thắt lưng bó que, chân quấn xà cạp cầm gươm đứng túc trực hai bên ban thờ gian hậu cung hộ giá. Nhằm khuyến khích loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, trong các tối mồng 6- 7/5 (âm lịch) tại sân đền Hoá và sân đền Sinh có tổ chức thi hát văn và liên hoan diễn xướng hầu Thánh (hầu đồng). Sau bao năm bị coi là loại hình mê tín, nay lễ thức hầu đồng được sân khấu hoá thành "Múa thiêng", múa hát thờ mang tính chất thể nghiệm được phục dựng tại đền Sinh- đền Hoá. Các nhóm cung văn từ làng quê An Mô và các địa phương khác; cơ cánh hầu bóng được mời đã say mê diễn xướng, có hẳn một Ban giám khảo gồm những nhà nghiên cứu về lề luật hát cung văn, hầu đồng của các cơ quan nghiên cứu Trung ương, địa phương, những nhà quản lý văn hoá làm thành viên Ban giám khảo chấm điểm và trao giải cho những cá nhân, toàn đoàn xuất sắc, đã tạo nên sắc thái mới cho lễ hội đền Sinh.
Các nghi thức như lễ đón bóng, lễ rước được tiến hành vào sáng mồng 8/5 qui trình được giữ hầu như nguyên vẹn biểu thị lòng thành kính của cộng đồng với nhân vật lịch sử được tôn thờ. Tục nuôi lợn thờ do không còn phù hợp nhịp sống thời công nghiệp, đã bị mai một. Tại lễ hội đền Sinh, đền Hoá năm 2008, công tác xã hội hoá đã được chú trọng; từ việc người dân cung tiến “ông lợn đen” đáp ứng tiêu chuẩn lợn cúng thần đến các hình thức cung tiến đồ thờ tự trị giá đến vài chục triệu. Cùng với nghi thức lễ, phần hội cũng được quan tâm phục dựng lại các trò chơi như cờ biển, đập niêu, chọi gà, nay thêm các hoạt động thể dục thể thao như bóng chuyền, cầu lông làm cho hoạt động lễ hội phong phú hơn, người dân thực sự là chủ thể hưởng thụ và sáng tạo văn hoá.
Nhìn chung, lễ hội đền Sinh, đền Hoá năm 2008 đã diễn ra thành công tốt đẹp trước hết là do các nhà quản lý và chính quyền địa phương đã tổ chức điều hành tốt diễn trình của lễ hội. Sau nữa là sự nhiệt tình của các ban ngành và nhân dân cùng với sự đóng góp tích cực sức người và sức của đã góp phần cho lễ hội thành công tốt đẹp. Ban tổ chức lễ hội đã phối hợp tốt với ngành chủ quản và lãnh đạo địa phương đã biết vận dụng sáng tạo xây dựng kịch bản lễ hội phù hợp, trong lễ hội có sự kết hợp giữa những nhân tố truyền thống làm nòng cốt với các yếu tố đương đại làm cho lễ hội diễn ra khá sinh động, giữ được sự cân bằng và hài hoà, về cơ bản hợp với lòng dân và phát huy tác dụng tích cực trong các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh và lễ hội.
III. KIẾN NGHỊ
Lễ hội đền Sinh, đền Hoá năm 2008 được tổ chức khá qui mô, được chuẩn bị khá chu đáo, chặt chẽ. Người về dự hội rất đông và họ rất phấn khởi khi được tham dự lễ rước và các hoạt động hội khác. Song song với việc ổn định về công tác tổ chức sau thành lập Ban quản lý di tích huyện, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã có sự quan tâm nhất định trong việc phục dựng lễ hội về đức thánh Chu Phúc Uy- ấy là sự diễn lại nghi thức lễ hội cổ truyền tuy có thêm bớt đôi chút (chẳng hạn như tế lễ gọn hơn, bỏ đi một số trò chơi cũ và thêm một số trò chơi mới và hoạt động thể dục thể thao). Tuy nhiên từ thực tế qui hoạch lễ hội đền Sinh- đền Hoá năm 2008, chúng tôi thấy cần phải lưu tâm tới một số mặt:
- Về công tác quản lý: Lễ hội đền Sinh, đền Hoá cần được quản lý toàn diện cả nội dung và phương thức tiến hành, Ban quản lý di tích cần sớm có qui chế sử dụng tiền công đức. Thống nhất giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, của cơ quan chức năng và nhân dân sở tại về nhân vật được thờ Chu Phúc Uy. Có những hình thức tuyên truyền thần tích, truyền thuyết của nhân vật lịch sử được thờ phụng, nội dung văn hoá, lịch sử của di tích để khách hành hương hiểu rõ thêm về giá trị nhân văn của các hoạt động lễ hội.
Về một số thiết chế sân chơi thể thao: bóng chuyền, cầu lông được hoạch định trong vòng 1 của di tích đền Thánh hoá nên qui hoạch chuyển sang khu vực Nhà văn hoá thôn An Mô là phù hợp luật Di sản và cũng là để tăng cường thêm các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao cho các thiết chế văn hoá.
- Công tác qui hoạch phục dựng lễ hội: về phiến đá dáng mẹ tại đền Mẫu Sinh hiện tại muốn thắp hương ở trong gian hậu cung khách hành hương phải đi lên trên phiến đá, việc đó làm mất đi vẻ tôn kính; đề nghị mở rộng gian hậu cung, trả hòn đá dáng mẹ về với dáng vẻ tự nhiên ban đầu.
- Cần xây dựng hành động hội mới trên cơ sở mô phỏng thần tích đã ra đời của đức Thánh Phi Bồng “Trẻ mục đồng trang An Mô nghe tiếng trẻ con  khóc bèn đổ đến thì thấy dưới chỗ lõm của hòn đá dáng mẹ một hài nhi đang cất tiếng khóc, tiếng vang như chuông bèn lấy tay làm võng, lấy nón làm ô rước về…”.
Lễ hội đền Sinh, đền Hoá là lễ hội dân gian điển hình, trước mắt, các cấp quản lý cần có những biện pháp khắc phục những hạn chế, tổ chức Hội thảo khoa học về công tác quy hoạch di tích, quy hoạch lễ hội theo hướng bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng những nghi thức mới phù hợp, có vậy mới nâng tầm lễ hội, xứng là địa chỉ du lịch lễ hội của tỉnh Hải Dương.
Tài liệu tham khảo:
- Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm- Trần Quốc Vượng
- Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại- NXB Khoa học xã hội, 1994
- Khảo sát thực trạng lễ hội truyền thống của người việt ở đồng bằng Bắc bộ- Tiến sĩ Nguyễn Quang Lê, nhà xuất bản khoa học xã hội,năm 2001.
- Hồ sơ khảo sát lễ hội đền Sinh, đền Hoá, năm 2007.
- Bản dịch bia thần tích đền Sinh- đền Hoá của Viện Hán Nôm ngày 8/8/2008.

Nguồn tin: Lễ hội dân gian tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây