Huyền bí Thanh Mai cổ tự

Chủ nhật - 10/07/2016 17:29 - 4520 lượt xem
Nằm trên địa bàn xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chùa Thanh Mai tọa trên sườn núi Phật tích được xây dựng từ thế kỷ 13, ngôi chùa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992. Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh-thân phụ của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Đây là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả-vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.
Huyền bí Thanh Mai cổ tự - Ảnh 1

Toàn cảnh chùa Thanh Mai

1. Cách Hà Nội khoảng 100km theo hướng quốc lộ 1 Hà Nội-Lạng Sơn, đường vào chùa trải qua nhiều cung đường quanh co bên sườn núi nhưng rất dễ đi vì đều được trải nhựa, thảm bê tông. Điều ngạc nhiên thú vị đối khi trên cung đường lên chùa có rất nhiều cây lá phong, một loại cây vốn thường chỉ mọc ở các nước xứ lạnh. Vào dịp cuối thu, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh tượng khi lá phong chuyển màu đỏ và trút xuống.

Điểm khác biệt, lá phong ở đây không cùng lúc chuyển màu đỏ rực như ở xứ lạnh, mà chỉ lác đác biến sắc rồi rụng dần, nhưng cũng đủ để vẽ lên một bức tranh đầy màu sắc. Theo những người dâm sinh sống gần chùa, năm nào mùa đông càng lạnh thì  lá phong càng khoe sắc rộ. Đặt chân đến chùa, khách hành hương sẽ không khỏi choáng ngợp bởi cảnh tượng trầm  mặc u tịch bởi nét kiến trúc cổ của ngôi chùa bao quanh là những dãy núi trùng điệp.

Theo Đại đức Thích Trí Trung, trải qua biến động thời gian, chiến tranh ngôi chùa cổ xây dựng từ thế kỷ 13 đã sụp đổ. Các cổ vật bị mất và hư hại gần hết, chỉ còn lại Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334 và 7 ngôi tháp sư, trong đó có tháp Phổ Quang xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702), tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703).

2.Được sự quan tâm của Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, sự cúng tiến công đức từ các Phật tử hiện nay chùa đang được khôi phục từng phần trên nền móng của một số công trình lớn gồm: Tiền đường 7 gian, tam bảo 5 gian, 2 dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng. Trong những công trình, di tích lịch sử của chùa Thanh Mai, đáng chú ý có tấm bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” Những dòng chứ khắc trên bia cho biết: Pháp Loa tự là Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hoà, hương Cửu La, Nam Sách Giang, nay thuộc xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Huyền bí Thanh Mai cổ tự - Ảnh 3

Năm Hưng Long 13 (1304) nhân chuyến thăm hương Cửu La của đức vua Trần Nhân Tông, Đồng Kiên Cương đã ra bái yết. Nhà vua nhận ra Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo. Ông cho Pháp Loa đi theo học đạo và đặt cho một cái tên mới: Hỷ Lai-nghĩa là người mang lại niềm vui. Hỷ Lai thông minh hiếu học, có nhiệt tâm với đạo Phật, nên chỉ một năm sau tại tăng viện Kỳ Lân, ông được Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tông-Vị Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm, tin tưởng trao cho các bảo bối nhà Phật.

Huyền bí Thanh Mai cổ tự - Ảnh 4

Tháng giêng năm Hưng Long 16 (1307), ông được nhà vua trao quyền thừa kế sự nghiệp Thiền phái Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái này. Nhằm năm Khai Hựu thứ 2 (1330), Pháp Loa đang giảng kinh tại thiền viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh về thiền viện Quỳnh Lâm (Đông Triều-Quảng Ninh) tĩnh dưỡng. Tuy nhiên bệnh càng trở nên trầm trọng, thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho gọi Huyền Quang-một môn đệ thân cận trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao cho ông như áo cà sa, kệ tả tâm… và dặn lại: “ Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế”. Đêm mùng 3 tháng 3 ngài viên tịch tại Thiền viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của nhà sư, xá lỵ của người được đặt trong Viên Thông Bảo Tháp phía sau chùa Thanh Mai.

Huyền bí Thanh Mai cổ tự - Ảnh 5

Viên Thông Bảo Tháp nơi đặt xá lỵ của vị tổ thứ 2 thiền phái Trúc Lâm

  3. Cuộc đời Pháp Loa không dài, nhưng đã làm nên sự nghiệp lớn trong giáo phái Trúc Lâm. Ngài đã đào tạo được một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15.000 tăng  ni, đúc trên 1.300 pho tượng lớn nhỏ. Xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện nghiên cứu Phật giáo Quỳnh  Lâm. Những công tình này đều trở thành di sản văn hoá quý báu của dân tộc. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Địa tạng và giành nhiều thì giờ thuyết pháp, giảng kinh.

Huyền bí Thanh Mai cổ tự - Ảnh 6

Quang cảnh từ chùa Thanh Mai nhìn xuống

Ông là người thừa kế Phật hoàng Trần Nhân Tông, đưa Thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao. Hiện, ngày mất của Pháp Loa trở thành hội chùa Thanh Mai, bắt đầu từ mồng một đến mồng ba tháng ba (âm lịch). Lê hàng năm được nhân dân tổ chức trọng thể với nhiều nghi lễ như giảng kinh, chay đàn, mộc dục... Chùa Thanh Mai cùng với Côn Sơn, Yên Tử là những trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm phát triển rực rỡ thời Trần. 

Tác giả bài viết: Quang Dương

Nguồn tin: baodansinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây