Đền Sinh - Đền Hóa: Di tích và lễ hội
Thứ hai - 06/06/2016 11:00 - 5420 lượt xem
Di tích Đền Sinh – đền Hóa tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc thôn An Mô xã Lê Lợi huyện Chí Linh. Đền là một công trình kiến trúc cổ, tựa lưng vào núi Ngũ Nhạc nhìn ra hướng Đông Bắc giữa bạt ngàn cây rừng xen lẫn những đồi vải thiều xum xuê. Đền Sinh thờ nơi sinh, đền Hóa thờ nơi hóa của tướng quân Chu Phúc Uy – thiên thần thời tiền Lý (544)
1. Huyền thoại
Đền Sinh - đền Hóa (đền Mẫu Sinh – Thánh Hóa) ngày nay còn có tên là đền Thánh Phi Bồng, đền Thánh An Mô nay thuộc xã Lê Lợi – huyện Chí Linh cách chùa Côn Sơn chừng 1 km về phĩa bắc. Đền ở trên sườn núi Ngũ Nhạc, giữa rừng cây bát ngát. Đó đây có những khối đá kỳ dị bên suối nước ngầm chảy rì rầm trong lòng đất hòa cùng tiếng thông reo vi vu. Trên mặt suối những viên cuội lớn được thời gian và nước suối mài nhẵn chồng xếp lên nhau. Xa xa trên đỉnh núi, thấp thoáng vài miếu cổ trong làn mây trắng nhẹ bay. Cảnh tượng này khiến người ta nghĩ đến những sự tích thần bí. Sách Lĩnh Nam chích quái, Đại Nam nhất thống chí đã ghi:
Ở xã An Mô huyện Chí Linh, địa đầu xã này có một quả núi hình như bình phong. Ở đó có một khối đá rộng bằng hai cái chiếu, ở giữa nứt ra một hố rộng chừng một thước. Khối đá kết nổi này phần nào có dáng vẻ người mẹ trong tư thế sinh nở. Tương truyền ngày trước trẻ chăn trâu tụ hội ở chân núi nghe có tiếng trẻ khóc, đến nơi thấy một em bé ngồi ở chỗ đá nứt, tiếng như chuông đồng. Trẻ mục đồng lấy tay làm kiệu, lấy nón làm lọng, lấy khăn làm cờ, rước về làng. Trên đường đi, bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, em bé ấy bay thảng lên không, nghe có tiếng nói vọng lại: “Ta là thần Phi Bồng hạo Thiên giáng hạ, nay bị lộ hóa về trời”. Người địa phương lấy làm kinh dị lập đền thờ. Chỗ Mẫu Mẹ Thạch Linh sinh ra em bé lập Đền Sinh, chỗ em bé hóa về trời lập đền Hóa.
2. Thần tích
Theo thần tích trên một tấm bia khắc vào cuối thời Nguyễn tại đền Sinh, thì Phi Bồng lại là một tướng quân, sống vào thế kỷ thứ 6, người bản trang An Mô, có công chống giặc cứu nước, đươc dựng miếu thờ. Trải qua nhiều thế kỷ, tiểu sử của Phi Bồng tướng quân đã được thần thánh hóa nhiều chi tiết để thêm sự huyền ảo, thiêng liêng phù hợp với tín ngưỡng của người Việt:
Ngày xưa ở trang An Mô, có một người họ Chu, Tên Thức, vợ là Hoàng Thị Ba, hiệu là Diệu La, gia đình phong lưu phú quý. Vợ chồng vốn là người lương thiện, chuyên tâm làm phúc, tận lực hành nhân, lấy nghề nông làm chính. Ông bà tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi tông đường, nên hàng ngày vợ chồng làm phúc, cầu sinh, mong có con kế tự. Một hôm đến chùa Trường Liêu bày lễ nghi cầu phật, cầu tiên rồi ngủ lại chùa. Sáng hôm sau trở về, vừa ra đến cửa chùa thấy một dấu chân. Hoàng Nương dậm lên, dấu chân tự biến. Từ đó Hoàng Nương thấy trong người khoan khoái lạ thường. Chim chóc cũng đến hót mừng vợ chồng đã hợp dấu chân thần. Ngày tròn tháng đủ đến giờ ngọ ngày 05 tháng 5 năm Ngọ, bỗng nhiên trời đất tối sầm, mưa gió dữ dội, hương thơm đầy nhà, thụy khí huy hoàng. Đến giờ Thân, thai nhi chuyển động, một cậu bé ra đời, mặt như mặt trời mùa hạ. Cậu bé cất tiếng khóc, tự nhiên trời đất xoay vần, cây cối chuyển động rồi trời quang, mây tạnh khiến mọi người lấy làm lạ.
Sinh được trăm ngày diện mạo cậu bé khôi kỳ tưởng như trong mộng, cha mẹ đặt tên là Hạo, tự Phúc Uy. Ngày tháng trôi qua, cậu bé thường ngồi trong phòng yên lặng nghiền ngẫm văn chương, ban đêm luyện võ, thảo binh thư. Rồi mọi kinh sách đều thông hiểu. Năm 15 tuổi, cha mẹ qua đời, Uy Công phục tang vô cùng hiếu kính. Dân làng cho là thần thánh nên ai cũng nghe theo.
Năm 19 tuổi. Uy Công nổi tiếng anh hùng cái thế. Bấy giờ Lý Nam Đế (TK6) khởi nghĩa ở An Thảo chống quân Lương đô hộ, Phúc Uy liền gia nhập nghĩa quân, được Nam Đế phong là Phi Tướng, sau lại gia phong Uy Vũ đại tướng quân, trấn thủ xứ Hải Dương. Khi giặc phương bắc xâm lược nước ta, Lý nam Đế cử ông trấn giữ Bắc đạo, ông mang đại binh đến cự chiến. Quân giặc qua giáp như nêm, cờ bay rợp trời, chống cự quyết liệt với quân ta tại sông Thiên Đức. Quân ta phải rút về trấn giữ Việt Yên. Ông hy sinh tại đây ngày 11 tháng 8.
Đến triều hậu Lý, Lý Thái Tông (1028 – 1054) đi chơi ở chùa Cổ Pháp, bên sông Thiên Đức, hỏi người già mới biết sự tích Phi Bồng liền cho đắp tượng, dựng đền, cho người trông nom, thờ phụng, lại ban sắc “ Thượng đẳng thần” sau lại gia phong cho danh hiệu: “Hạo Thiên Phi Bồng”. Khi đánh dẹp giặc Chiêm Thành, Thái Tông liên tiếp chiến thắng, người cho rằng do Phi Bồng ngầm giúp.
Thời Trần khi giặc Nguyên xâm lấn (thế kỷ 13) Trần Hưng Đạo cũng từng cầu đảo trước miếu Phi Bồng và ông cảm thấy linh thiêng hiển ứng.
Đền Sinh ở An Mô ngày nay tương truyền là nơi sinh ra Chu Phúc Uy, cách đền chừng 700 m về phía Tây Bắc là đền Hóa, tương truyền là nơi ông qua đời sau những năm tháng trận mạc. Gần đền Sinh là những miếu thờ theo tín ngưỡng truyền thống, tạo cho không gian di tích được rộng mở.
3. Đền thờ:
Trải qua trên một ngàn năm lịch sử, biết bao cuộc chiến tranh và biến động xã hội, sự tích và huyền thoại Phi Bồng tướng quân vẫn được bảo tồn trong ký ức nhân dân ta từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các di tích cũng được giữ gìn và không ngừng tôn tạo. Đền Sinh thờ Đức Quốc Mẫu Thạch Linh – Hoàng Thị Ba, đền Hóa thờ Hạo Thiên Phi Bồng đại tướng quân – Chu Phúc Uy là nơi ban phúc lộc cho dân lành.
Căn cứ lịch sử và thần tích thì đền Sinh – đền Hóa ra đời từ thế kỷ 11. Nhưng di tích hiện còn được tái tạo vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Đền Sinh xây dựng theo hình chữ Tam gồm 3 tòa liền nhau, phần hậu cung xây trùm lên khối đá kỳ dị được mô tả trong huyền thoại. Ở đây có tượng Mẫu – tượng bà Hoàng Thị Ba. Tại đền còn nhiều cổ vật và hai tấm bia nói về thần tích và quá trình trùng tu đền.
Đền Hóa có hình thức và kiến trúc tương tự đền Sinh nhưng quy mô lớn hơn trên một khu đất tương đối bằng phẳng. Trung từ tái tạo năm Tự Đức Kỷ Mão (1879). Hậu cung có tượng tướng quân Chu Phúc Uy và nhiều đồ tế tự có giá trị.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đền Sinh – đền Hóa trở thành nơi họp kín của cơ sở cách mạng ( 1943- 1944). Năm 1947, đền Sinh – đền Hóa thành nơi hội họp của các tổ chức cách mạng tại địa phương. Cuối năm 1947, đầu năm 1948, xưởng quân khí của huyện Chí Linh – Nam Sách – Kinh Môn đã chọn đền Hóa làm nơi sản xuất vũ khí. Trong kháng chiến chống Mỹ (1969 – 1972) đền Sinh – đền Hóa là nơi tạm trú để giảng dạy và học tập của cán bộ, sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp.
Xét về cảnh quan, kiến trúc, ý nghĩa lịch sử văn hóa và những sự kiện trong thời kỳ cách mạng kháng chiến, Bộ Văn hóa – thông tin đã ra quyết định số 295/ QĐ – BT ngày 12 tháng 12 năm 1994 xếp hạng khu di tích đền Sinh – đền Hóa nhằm bảo tồn một di sản văn hóa, một cảnh đẹp tự nhiên, mở rộng không gian du lịch và nội dung tham quan cho du khách khi đến với mảnh đất Chí Linh.
Đền Sinh vốn xuất phát từ một sự tích lịch sử, nhưng quá trình tồn tại người xưa đã đưa vào nhiều yếu tố thần thoại để thích nghi với tín ngưỡng của dân tộc. Du khách đến đền Sinh, đền Hóa sẽ được đắm mình vào một không gian kỳ diệu, lắng nghe tiếng đàn tranh dìu dặt hòa quyện với âm thanh êm ái của gió ngàn và tiếng hát chầu văn say sưa, ngọt ngào, sôi nổi.
Hãy đến với đền Sinh, đền Hóa để thưởng thức những tinh hoa văn hóa dân gian.
3. Phong tục, lễ hội
Ngày nay tại đền Sinh, đền Hoá, hàng năm cứ đến tháng Năm và tháng Tám âm lịch. Vùng đất An Mô lại náo nhiệt, tưng bừng cho không khí vào hội.
Lễ hội tháng năm là lễ hội chính tại đền Sinh, đền Hoá. Từ khắp các mọi miền đất nước khách hành hương về với lễ hội đền Sinh, đền Hoá, mang theo những tâm tư, những ước nguyện của mình để về với chốn tâm linh. Tại lễ hội đền Sinh, đền Hoá ngoài những nghi lễ bắt buộc, thường niên còn có nhiều hình thức nghi lễ thiêng liêng mang tính đặc trưng, tiêu biểu mà không một di tích nào có được. Đó là lễ đón bóng Thánh, lễ ban khước, hội thi hát văn diễn xướng hầu Thánh...
Về phần lễ:
- Ngày 6/5 là lễ Cáo Yết: với ý nghĩa xin phép đức Thánh được mở hội ngày
- Ngày 7/5 là lễ Mộc Dục (tắm tượng) sau đó là lễ An Vị tượng.
- Tối ngày 7/5 khai mạc hội thi hát văn diễn xướng hầu Thánh.
- Vào giờ Dần, ngày 8/5 là lễ đón bóng Thánh
Lễ đón bóng được diễn ra ở cả tại hai đền, để tưởng nhớ ngày Sinh và Hoá về trời của đức Thánh . Chuẩn bị đến giờ đón bóng, không khí trang nghiêm hồi hộp mong chờ giờ khắc đức thánh giáng sinh. Sau ba hồi trống chiêng điểm, một già làng đại diện lên thắp nhang và đọc văn đón bóng Đức Thánh. Biểu hiện lúc này đức thánh đã giáng sinh. Sau khi đọc văn đón bóng thì nghi lễ thả đèn trời để tiễn chân Đức Thánh cũng được diễn ra. Đây là một nét đẹp đặc trưng của lễ hội đền Sinh, đền Hoá. Thả đèn trời với ý nghĩa tượng trưng cho hình ảnh đức Thánh giáng Sinh và Hoá vế trời.
Ngoài nghi lễ đón bóng và thả đèn trời trong lễ hội tháng Năm tại Đền Sinh, Đền Hoá là lễ ban khước áo Thánh áo Mẫu cho c¸c quý vị đại biểu, cho dân thôn bản hạt, cùng đông đảo quý khách thập phương, những người nhất tâm với Thánh với Mẫu. Theo quan niệm thì những ai có mặt trong giây phút linh thiêng của lễ đón bóng Thánh ngày 8/5 đó là một may mắn nhưng nếu nhận được lộc khước Thánh, khước Mẫu thì đó còn là một điều quý giá và thiêng liêng hiếm có sẽ được ban lộc, ban tài, cầu được ước thấy trong cả một năm. Khước của Thánh của Mẫu như một chiếc bùa hộ mệnh luôn phù hộ và che chở cho mỗi người, đó là lá bùa tâm linh mang đầy niềm tin mà không phải ai cũng may mắn có được.
Sau lễ đón bóng, lễ ban khước là lễ rước truyền thống, lễ dâng hương thể hiện lòng ngưỡng mộ, thành kính của toàn thể nhân dân đối với công lao của đức thánh An Mô đã linh ứng giúp đỡ và che chở cho dân làng ngàn đời nay được ấm no,hạnh phúc. Điều này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi con người Việt Nam.
Hoà chung không khí của phần lễ, thì các hoạt động của phần hội cũng diễn ra rất sôi động. Với các trò chơi dân gian truyền thống như: Đấu vật, kéo co, cờ ngưòi, chọi gà…Biểu diễn các làn điệu cổ như: Hát chầu văn, hát chèo, quan họ Bắc Ninh. Các giải giao hữu thể thao như: cầu lông, bóng bàn, bóng đá...Tất cả các hoạt động vui chơi giải trí đó đã thu hút hàng ngàn người tham gia.
Trải qua hàng ngàn năm, hầu hết các phong tục lễ hội đặc sắc và quan trọng vẫn được nhân dân nhiệt tâm gìn giữ và truyền lại như: Tục hát chầu văn dâng Mẫu, dâng Thánh, cúng lễ bằng lợn đen xôi trắng, phụ nữ không được vào trong cung cấm, dâng lễ vào cung cấm chỉ có lễ chay; những người ăn thịt chó, đi viếng đám ma không vào lễ đền; kiêng dùng tên huý hai chữ “Phi Bồng”...
4. Hội thi hát văn diễn xướng hầu Thánh tại lễ hội đền Sinh, đền Hoá:
Hát văn diễn xướng hầu Thánh thực sự là một họat động văn hóa tâm linh. Những năm gần đây, hoạt động văn hóa tâm linh này đang dần được quan tâm nghiên cứu. Được sự nhất trí của Sở văn hóa thông tin thể thao và du lịch Hải Dương, UBND huyện Chí Linh, Ban tổ chức lễ hội đền Sinh – đền Hóa đã tổ chức hội thi “ Hát văn diễn xướng truyền thống” với ý nghĩa góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này. Cuộc thi còn là sân chơi để các thanh đồng thể hiện tài năng và hướng cho hoạt động văn hóa này đạt tới những giá trị chân – thiện – mĩ lành mạnh, loại trừ màu sắc mê tín, dị đoan, góp phần bảo tồn, làm trong sạch đạo Mẫu vốn rất đỗi thiêng liêng trong tâm thức của người Việt từ ngàn đời nay.
Xuất phát từ những ý nghĩa sâu sắc ấy, những năm gần đây, nhiều cơ quan, tổ chức đã đi sâu nghiên cứu về hoạt động “ Hát văn diễn xướng truyền thống” nhằm chắt lọc, bảo tồn những giá trị của nét văn hóa dân gian mang đậm màu sắc tâm linh này.
Được phép của Sở văn hóa thông tin thể thao và du lịch Hải Dương, UBND huyện Chí Linh, Ban tổ chức lễ hội đền Sinh – đền Hóa phối hợp với trung tâm UNESCO văn hóa Đông Bắc tổ chức hội thi “ Hát văn diễn xướng truyền thống”.
Hội thi diễn xướng hầu thánh ở đền Sinh, đến Hoá được diễn ra từ đêm ngày mùng 7 tháng 5 đến đêm ngày 12 tháng 5 âm lịch, hoặc từ đêm ngày mùng 10 tháng tám đến đêm ngày 15 tháng tám dưới sự thẩm định của ban tổ chức lễ hội, ban giám khảo, ban nghiên cứu giám sát . Nội quy của cuộc thi được quy định rất cụ thể và nghiêm ngặt: không được tung tiền trong khi hầu, không được mượn bóng Thánh để truyền phán nhảm nhí hay yểm tà bắt ma, xiên lềnh lên đai, thắt cổ…. Mỗi canh hầu thi không quá hai tiếng, thanh đồng tự chọn 5 đến 7 giá đồng để diễn xướng. trong không gian, màu sắc lung linh, huyền ảo các thanh đồng hoá thân vào bóng các vị thánh trong điện thờ mẫu để sát quỷ trừ tà ban tài tiếp lộc cho con nhang đệ tử và du khách thập phương. Giây phút thăng hoa nhất là lúc các vị Thánh đã nhập vào thanh đồng trong những điệu múa quay cuồng, trong những lời ca tiếng hát ngọt ngào của các cung văn, thanh đồng và cả người xem như chìm đắm trong cảnh bồng lai, những lo âu, vất vả trăn trở nghĩ suy của cuộc sống đời thường bỗng nhiên tan biến. Một không khí thần tiên, kỳ diệu lan toả khắp đền Sinh đền Hoá.
Hội thi hát văn diễn xướng hầu Thánh tại đền Sinh, đền Hoá được đánh giá là một hội thi thành công, mang lại nhiều giá trị: giá trị tâm linh, giá trị tinh thần, giá trị văn hoá, giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn. Thi Hát văn diễn xướng hầu Thánh góp phần vào việc bảo tồn và nghiên cứu một loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian truyền thống, một loại hình văn hoá phi vật thể của dân tộc.
4. Hiện trạng di tích ,quá trình trùng tu tôn tạo, xây dựng giai đoạn tiếp theo.
Di tích đền Sinh đền Hoá có từ rất sớm, trải qua thăng trầm của lịch sử đến nay di tích đã bị xuống cấp nặng nề. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp các nghành, đặc biệt là ngành Văn Hoá đã chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời nên nhiều hạng mục của di tích đã được tiến hành sửa chữa và tôn tạo:
- Năm 1985 sửa chữa tiền tế đền Hoá
- Năm 1987 xây cổng đền Hoá
- Năm 1990 xây dựng cột xi măng đỡ mái sau đền Hoá
- Năm 1992 lát gạch men toàn bộ nội tự đền Hoá. Thành công nhất là ban quản lý di tích đã xây dựng và mở con đường bê tông 1,5 km vào di tích và nhiều công trình khác.
- Từ năm 2004 đến năm 2007 xây dựng môt số công trình như: hậu cung , miếu quan Sơn Thần trên đền Sinh, xây dựng bình phong đá, rồng đá đền Sinh, đường lên Lầu Cô, bể nước. Tổng chi phí xây dựng trong ba năm là hơn hai trăm triệu đồng.
- Ngoài ra BQLDT còn tiêp nhận hàng trăm hiện vật khác như: Câu đối, bát hương, hoành phi, cửa võng, lư hương, hạc thờ, lộc bình, chuông đồng, cột cờ trị giá hơn 300 triệu đồng và nhiều đồ thờ có giá trị khác.
- Bên cạnh những thành quả đã đạt được BQLDT đã tiến hành quy hoạch tổng thể và tiến hành tu sửa, xây dựng các công trình thiết yếu để vừa bảo tồn và phát huy tác dụng di tích, vừa đáp ứng được các nhu cầu của khách tham quan. Vào tháng 7 năm 2009 Ban Quản Lý di tích Chí Linh đã tiến hành tu sửa cung cấm đền Hoá, lát lại toàn bộ gạch cổ trong nội tự đền, lát gach sân trong cổng nghi môn trị giá công trình lên tới 600 đến 700 triệu đồng.
- Trong năm 2010 - 2011 sẽ tiến hành mở rộng cung cấm đền Sinh, tu sửa mở rộng lầu Cô Bé Thạch Bàn với quy mô lớn, mở rộng nhà tiền tế đền Sinh xuống tận sân trước cửa đền.
Khu di tích Đền Sinh – Đền Hóa mong được sự giúp đỡ thiện tâm của những tấm lòng Vàng trên khắp mọi miền đất nước để di tích ngày một khang trang, tố hảo hơn, mãi là địa chỉ tâm linh cho các thế hệ con người.
Nguồn tin: Ban Quản lý Di tích Thị xã Chí Linh.