Chương trình Lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai năm 2019

Thứ tư - 03/04/2019 10:07 - 3085 lượt xem
Chương trình Lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai năm 2019
Chương trình Lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai năm 2019
Chùa Thanh Mai vẫn được biết đến là ngôi chùa linh thiêng của thiền phái Trúc Lâm tọa lạc trên núi Tam Ban. Ngôi chùa cổ kính không chỉ trang nghiêm, tĩnh mịch mà còn đặc biệt nổi tiếng với không gian ngập tràn của những cây phong đang mùa đổ lá đỏ xung quanh chùa vào mùa đông.

Ngày 5/4/2019 tức 1 tháng 3 Kỷ Hợi sẽ diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai năm 2019. Trân trọng kính mời nhân dân và du khách thập phương về tham dự Lễ hội mà trải mình trong không gian của rừng phong lá đỏ cuối mùa.

CHÙA THANH MAI

1. Tên di tích: Chùa Thanh Mai

2. Loại công trình: Chùa

3. Loại di tích: Lịch sử

4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 97-QĐ ngày 21 tháng 01 năm 1992.

5. Địa chỉ: thôn Thanh Mai - xã Hoàng Hoa Thám - thành phố Chí Linh – tỉnh Hải Dương

6. Thông tin về di tích:
Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa xây dựng trên sườn núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo. Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.

Chùa xây dựng từ thế kỷ 13. Đây là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả - vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trải qua năm tháng mưa nắng, chiến tranh, chùa cổ đã sụp đổ. Các cổ vật bị mất và hư hại gần hết, chỉ còn lại Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334 và 7 ngôi tháp mộ nhà sư, trong đó có tháp Phổ Quang xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702), tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703).

Hiện nay chùa đang được khôi phục từng phần trên nền móng của một số công trình lớn gồm: Tiền đường 7 gian, tam bảo 5 gian, 2 dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng.

Căn cứ theo tấm bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” chúng ta được biết: Pháp Loa tên là Đồng Kim Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hoà, hương Cửu La, Nam Sách Giang, nay thuộc xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm Hưng Long 13 (1304) nhân chuyến thăm hương Cửu La của Trần Nhân Tông, Đồng Kiên Cương đã ra bái yết. Nhân Tôn nhận ra Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo. Ông cho Pháp Loa đi theo học đạo và đặt cho một cái tên mới: Hỷ Lai, nghĩa là người mang lại niềm vui. Hỷ Lai thông minh hiếu học, có nhiệt tâm với đạo phật, nên chỉ một năm sau, tại tăng viện Kỳ Lân (Chí Linh), ông được Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tông trao cho các bảo bối; Ngày 01 tháng giêng, năm Hưng Long 16 (1307), trao quyền thừa kế sự nghiệp của thiền phái Trúc Lâm. Từ đó, ông trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái này.Ngày mùng 5 tháng 2 năm Khai Hựu thứ 2 (1330) Pháp Loa đang giảng kinh tại thiền viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13, sư về thiền viện Quỳnh Lâm (Đông Triều) tĩnh dưỡng. Ngày 19, bệnh của ngài trở nên trầm trọng; thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho gọi Huyền Quang đến, trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Trần Nhân Tôn trao cho ông như áo cà sa, kệ tả tâm… và dặn lại: “ Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế”. Đêm mùng 3 tháng 3 Pháp Loa viên tịch tại Thiền viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của nhà sư, xá lỵ của Người được đặt trong Viên Thông Bảo Tháp sau chùa Thanh Mai.

Cuộc đời Pháp Loa không dài, nhưng đã làm nên sư nghiệp lớn. Ngài đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15000 tăng ni, đúc trên 1300 pho tượng lớn nhỏ; Xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm. Những công tình này đều trở thành di sản văn hoá quý báu của dân tộc. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Đại Tạng và giành nhiều thì giờ thuyết pháp, giảng kinh. Ông là người thừa kế, phát triển thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao.

Ngày mất của Pháp Loa trở thành hội chùa Thanh Mai. Hội bắt đầu từ mồng một đến mồng ba tháng ba (âm lịch ). Lễ hội hàng năm được nhân dân tổ chức trọng thể với nhiều nghi lễ như giảng kinh, chay đàn, mộc dục... Chùa Thanh Mai cùng với Côn Sơn, Yên Tử là những trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm phát triển rực rỡ của dòng phật giáo thời Trần. Chùa hiện còn giữ được một hệ thống các công trình kiến trúc độc đáo như hệ thống tháp, bia ký có giá trị.

Nguồn: ditichlichsuvanhoa.com
 

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây