Ba vị thành hoàng đặc biệt ở một ngôi đình

Thứ hai - 18/12/2017 21:14 - 5138 lượt xem
Đình Chúc Thôn ở khu dân cư Trúc Thôn, phường Cộng Hòa (Chí Linh)
Đình Chúc Thôn ở khu dân cư Trúc Thôn, phường Cộng Hòa (Chí Linh)
Đình Chúc Thôn ở khu dân cư Trúc Thôn, phường Cộng Hòa (Chí Linh) khá đặc biệt khi cùng thờ 5 vị thành hoàng, trong đó có 3 vị là thành viên trong một gia đình.
Nhiều công trạng

Ông Nguyễn Văn Bột, thành viên ban khánh tiết đình Chúc Thôn cho biết đình được xây dựng vào khoảng năm 1734. Năm 1951, đình bị thực dân Pháp phá hỏng hoàn toàn. 7 năm sau, dân làng đã dựng lại ngôi đình và đến năm 1997 thì trùng tu, tôn tạo. Đình Chúc Thôn được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh năm 2009. Ngôi đình gồm 2 gian vọng cung, 5 gian tiền bái, được xây dựng theo lối kiến trúc khá hiện đại với vật liệu chính là gạch và vữa. Nếu những ngôi đình khác thường chỉ thờ 1 vị thành hoàng thì đình Chúc Thôn lại đặc biệt ở chỗ thờ tới 5 vị thành hoàng, trong đó có 3 vị là thành viên trong một gia đình.

Trong 5 vị thành hoàng đang được thờ tại ngôi đình này có 2 vị từ thời Vua Hùng là Nguyễn Sùng hiệu Cao Sơn, Nguyễn Hiển hiệu Quý Minh. 3 vị thành hoàng còn lại là Nguyễn Công Tự Phúc Nghiêm cùng vợ Nguyễn Môn Chính Thất hiệu Từ Cẩn và con trai của 2 người là Nguyễn Đình Viên.

Theo tư liệu ban khánh tiết đình Chúc Thôn sưu tầm, thành hoàng Nguyễn Công Tự Phúc Nghiêm (1603 - ?) sinh ra tại Thanh Hóa nhưng mang dòng dõi của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Cụ làm quan trong khoảng 30 năm từ thời vua Lê Hy Tông đến thời vua Lê Dụ Tông và trải qua nhiều chức vụ như Thị hữu cung trung, Tuyên lực công thần, Phó Thủ hầu nghiêm, Nhất nghiêm, Tả trạch ưu hữu, Đẳng đội cai quan, Phó chi thị nội, Thư tả hộ phiên, Đô đốc, Phủ đô đốc, Đồng chi khuê quận công. Vào khoảng năm 1676 niên hiệu Chính Hòa, cụ đưa con cháu về Chi Ngại (nay là thôn Chi Ngãi, phường Cộng Hòa, Chí Linh) phục hồi xây dựng cơ nghiệp tổ tiên, mở mang đồng ruộng, đắp đập, khai mương dẫn thủy, nhập điền từ Chi Ngại đến chùa Côn Sơn để con cháu và nhân dân làm ăn sinh sống. Cụ Nguyễn Công Tự Phúc Nghiêm được coi là thủy tổ của dòng họ Nguyễn tại đây. Cụ là người đề xuất với vua miễn sưu thuế cho dân địa phương, bỏ 300 quan tiền ra để tu bổ chùa Côn Sơn (hiện văn bia ở chùa Côn Sơn vẫn còn ghi).

Mặc dù cho đến nay vẫn chưa tìm được tư liệu ghi lại thân thế, sự nghiệp của thành hoàng Nguyễn Môn Chính Thất nhưng theo các bậc cao niên ở khu dân cư Trúc Thôn thì cụ cũng có vai trò rất lớn cùng với chồng hướng dẫn, chỉ dạy nhân dân mở mang đất đai, thủy lợi, truyền thụ kinh nghiệm sản xuất… Cụ được triều Lê sắc phong là “Ấn an nhân tặng phong đẳng phu nhân” và triều vua Khải Định sắc phong “Nghi giám thánh mẫu, rực bảo trung hưng tôn thần”.

Thành hoàng Nguyễn Đình Viên (1657 - 1742) là con trai thứ hai của vợ chồng cụ Nguyễn Công Tự Phúc Nghiêm và Nguyễn Môn Chính Thất. Theo tư liệu điền dã và các cụ cao tuổi ở khu dân cư Trúc Thôn thì thành hoàng Nguyễn Đình Viên làm quan từ cuối thời vua Lê Hy Tông đến đời vua Lê Ý Tông. Trong 21 năm làm quan, giống như cha, ông đã trải qua nhiều chức vụ trong triều: Nam cung tiến thượng cơ, Thủ hiệu, Phó Cai quản tri giáo phường tư tri Thị Nội, Thư tả Bình Phiên, Thị Cận, Thị Nội giám, Tỷ Lễ giám, Tổng Thái giám, Quận công. Năm Giáp Thìn 1724, ông xuất gia, được vua giao trông nom, hương khói chùa Côn Sơn. Ông là một trong những người có công lao trùng tu chùa Côn Sơn, xin vua miễn trừ các việc phu dịch cho nhân dân địa phương… nên dân làng rất tôn sùng, kính trọng.

Nhân dân thờ phụng

Các vị thành hoàng có công với nước, với dân được nhân dân hương khói, thờ phụng

Do có nhiều công trạng với triều đình và nhân dân, cả 3 vị đã được các triều vua ban tổng cộng 5 sắc phong và cùng được người dân địa phương tôn là thành hoàng. Trải qua thời gian, hiện đình Chúc Thôn chỉ còn lưu giữ được 1 sắc phong “Nghi giám thánh mẫu, rực bảo trung hưng tôn thần” do vua Khải Định đồng ban cho cụ Nguyễn Môn Chính Thất và con trai Nguyễn Đình Viên.

Theo lệ cổ trước kia, vào ngày 14 và 15.10 âm lịch hằng năm, dân làng Trúc Thôn lại tổ chức lễ hội để dâng hương, chiêm bái, tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng. Sau này vua Khải Định ấn định ngày giỗ chung cho cả 5 vị thành hoàng ở đình Chúc Thôn là ngày 5.11 âm lịch. Kể từ đó, cứ vào ngày 4 và 5.11 âm lịch hằng năm, khu dân cư Trúc Thôn lại tổ chức lễ hội truyền thống.

Khu dân cư Trúc Thôn có 5 nghè thờ 2 thành hoàng thời Hùng Vương, 3 nghè còn lại thờ cụ Tổ Sâu, hậu thần, thiên thần. Chiều 4.11, nhân dân trong khu tổ chức lễ rước các vị thần ở 5 nghè này về đình Chúc Thôn để làm lễ tế cùng với các vị thành hoàng. Sáng 5.11, cán bộ và nhân dân địa phương dâng hương, tế lễ tưởng niệm, tri ân công đức các vị thành hoàng. Lễ phẩm gồm 1 mâm xôi, 1 thủ lợn, rượu, hoa tươi, quả, bánh kẹo… Tham gia lễ tế có 80 người gồm đội tế nam, đội tế nữ, đội nhạc lễ và đội lính tốt. Đội tế thực hiện 4 tuần tế (1 tuần hương, 3 tuần rượu) trong khoảng thời gian 1 giờ 20.

Xung quanh lễ hội đình Chúc Thôn có nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, hấp dẫn như giao lưu văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, kéo co… giữa nhân dân khu dân cư Trúc Thôn với các thôn, khu dân cư, doanh nghiệp, đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn.

TIẾN MẠNH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây