Triều Bái Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự Đạo Tràng Của Tổ Huyền Quang Tôn Giả

Thứ sáu - 25/03/2016 11:07 - 4344 lượt xem
​Thấp thoáng trong rừng thông già, rặng núi Côn Sơn đang hỏi thăm mây trôi về nơi nào vậy? Xa xa trông xuống dưới đồi, từng lớp mái chùa phủ trên mình dấu vết của thời gian. Chùa côn sơn hiện về theo vết chân của những người thiện nam tín nữ đến triều bái, suốt gần một thiên niên kỷ chưa lúc nào ngơi kẻ học Thiền.

Nguyễn Trãi người anh hùng dân tộc của Đại Việt con dân của Côn Sơn đã từng trong “Quốc Âm Thi Tập” đứng trước cảnh thiền của đất trời cảnh vật Côn Sơn có lời tán thán rằng:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

Núi Côn Sơn có chùa tên chữ là Thiên Phúc Tự, do vị trí của chùa nằm ở chân núi Côn Sơn nên thường gọi là chùa Côn Sơn, núi Côn Sơn người xưa thường gọi là núi Hun, nên chùa còn được dân gian gọi là chùa Hun. Chùa Côn Sơn nay thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, núi và chùa nằm trong di tích Côn Sơn Kiếp Bạc.

Chùa Thiên Phúc do Thiền sư Pháp Loa, đệ nhị Tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử khai sơn, vào niên hiệu Long Hưng thứ 12 đời nhà Trần (1304), lúc đầu chỉ là một thảo am nhỏ, dùng làm nơi tu thiền tọa định có tên gọi là Kỳ Lân Am. Đến niên hiệu Khai Hựu thứ nhất (1329) chùa được Tổ đại trùng tu, trở thành đại Tùng lâm Bảo sát, đặt tên là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, cử Ngài Huyền Quang Tôn Giả đệ Tam Tổ về trụ trì hoằng giáo tại đây. Từ đó Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự trở thành một trong ba đạo tràng lớn của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Triều Trần với chiến công hiển hách ba lần đại phá Nguyên Mông, Trần Nhân Tông vị Hoàng Đế anh hùng dân tộc xuất gia làm Tăng, khai sáng đạo Thiền thành lập Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, Thiền phái của dân tộc Việt, Thiền phái của Phật Giáo Việt Nam. Thiền Phái Trúc Lâm nhanh chóng phát triển rộng lớn trên toàn cõi Đại Việt và những đạo tràng thuộc thiền phái này liên tiếp được chư Tổ khai sơn, trong các đạo tràng của Thiền phái Trúc Lâm nổi bật nhất gồm có ba trung tâm Thiền học, đó là Yên Tử Sơn, Quỳnh Lâm Tự hai chùa này nằm ở Quảng Ninh và trung tâm thứ ba đó là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự ở Hải Dương vậy.

Tổ Huyền Quang (1254-1334) thế danh là Lý Đạo Tái, người làng Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Nay là làng Thái Bảo, huyện Gia Bình Tỉnh Bắc Ninh. Tổ là Trạng Nguyên của triều Trần, làm quan trong Viện Nội Hàm chuyên trách tiếp sứ thần Trung Quốc, sau đó từ quan theo Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia lên Trúc Lâm học Thiền. được Phật Hoàng cho Pháp hiệu là Huyền Quang.

Niên hiệu Đại Khánh thứ 4 (1317), Tổ được Đệ nhị Tổ Pháp Loa truyền y bát của Tổ Trúc Lâm và kệ phú pháp. Sau khi Tổ Pháp Loa viên tịch (1330), Ngài lên kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm, nhưng vì tuổi đã cao nên Sư giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm. Sau đó Tổ về trụ trì Thanh Mai Sơn sáu năm, rồi về thoái cư tịnh dưỡng hoằng pháp tại Côn Sơn. Đến ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), Tổ viên tịch tại chùa Thiên Tư Phúc Côn Sơn, trụ thế 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông sắc phong thụy hiệu là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Tổ, truy phong Đạo Hiệu là Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả, Bảo Tháp hiệu là Đăng Minh Bảo Tháp, nay bảo tháp còn ở trong vườn tháp phía sau chùa. Ngày mất của Tổ nay trở thành ngày hội xuân của chùa Côn Sơn.

Vào triều Lê, có Thiền sư Mai Trí Bản hiệu Pháp Nhãn trụ trì, chùa được trùng tu và mở rộng. Khi đó chùa có đến 83 gian, bao gồm các công trình như : Tam quan, Thượng hạ điện, Tả hữu vu, Lầu chuông, Gác trống. Nhưng do bị chiến tranh tàn phá, ngày nay kiến trúc ngày xưa của chùa Côn Sơn chỉ còn một ngôi chánh điện, còn các kiến trúc như Tam quan, nhà bia v.v... đều là những công trình mới trùng tu sau này.

Chánh Điện chùa Côn Sơn phong sương cổ kính, thấp thoáng bóng mình dưới tàng lá xanh của những cây cổ thụ gần cả ngàn năm, những cây Đại già cỗi trơ gan cùng tuế nguyệt, nghe nói những cây Đại này đứng ở đây từ khi chùa mới được kiến tạo, hình dung kỳ dị, cổ nhã, oai phong, có thể nói đây là những tuyệt tác về tạo hình của thiên nhiên.

Nghe nói Chùa Côn Sơn xưa là một công trình kiến trúc hoàn thiện, có 385 pho tượng, ngày nay chỉ còn lại chánh điện còn tất cả kiến trúc khác đều được mới phục dựng. Bộ Tượng Phật được tôn trí trong chánh điện chùa có thể nói là những bộ tượng Phật đẹp của nghệ thuật điêu khắc thời trung cổ của Phật Giáo Việt Nam.

Điều đặc biệt hơn nữa chúng ta thường thấy ở các ngôi cổ tự tại miền Bắc, tượng Phật đa số đều mặc áo lục thù, hoặc đắp y phủ kín vai, nhưng bộ tượng chính ở chánh điện chùa Côn Sơn, đều đắp y hở vai theo lối của tượng Phật thường thấy của Phật Giáo Nam Truyền, và điều nầy cũng cho ta thấy một vấn đề nữa, rằng ngôi chùa này có nguồn gốc từ Thiền Phái Trúc Lâm, vì ngay cả tương Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tháp ở Yên Tử cũng đắp y theo lối này, nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này về hình thể mỹ thuật đã đạt đến trình độ cao siêu, trông vào phần thân thể của tượng Phật lộ ra ngoài không có sự che đậy của ca sa nhưng vẫn rất chuẩn và thật là đẹp, một đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc.

Nguyễn Trãi danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc của Việt Nam, là một trong những danh nhân nước Việt có nhiều kỷ niệm cũng như liên quan về cuộc đời của ông với chùa Côn Sơn, lắm khi nhắc đến chùa người ta liền liên tưởng đến Ông, Chùa Côn Sơn đã chứng kiến một chặng đường đời và bi kịch của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Sau những năm tham gia triều chính, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn và sống cuộc dời ẩn dật. Về thờ tự tượng của Ông ở chùa cũng có nhiều truyền thuyết hết sức ly kỳ.

Tương truyền ở ban thờ đầu hồi phía Đông nhà Tổ có 2 pho tượng nhỏ ngồi xếp bằng, một ông, một bà cả hai hướng về bàn thờ của Đức Phật. Chư Tăng ni cũng như Phật tử ở chùa Côn sơn đều không rõ hai pho tượng đó là tượng của ai và được thờ từ bao giờ. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, sợ giặc đến chùa tàn phá, chư Tăng ni Phật tử đã đem đồ tự khí và các pho tượng nhỏ cất giấu ở trong núi. Vào một đêm mưa gió sấm sét to, sư ông trụ trì chùa ngủ không yên, đợi sáng hôm sau trời tạnh vào thăm lại bức tượng. Sư ông vào xem và thấy hai pho tượng trên đắp bằng đất bị mưa làm vỡ, lộ hai dải yểm tâm mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Chùa Côn Sơn ngoài phần kiến trúc ra còn có các di tích danh thắng khác như phía sau chùa là khu mộ tháp. Trong đó Đăng Minh bảo tháp được dựng bằng đá xanh, cao 3 tầng, trong đặt xá lợi và tượng Thiền sư Huyền Quang.

Nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, dưới chân Đăng Minh bảo tháp là Giếng Ngọc. Người xưa cho rằng Giếng Ngọc chính là mắt của con Kỳ Lân. Giếng Ngọc cũng có thời gian bị cỏ cây che lấp, gần đây mơi được tu tạo, du khách thập phương về lễ Phật, viếng cảnh, tham quan Côn Sơn lại được tận hưởng nước giếng thiêng ngọt ngào như cam lộ.

Trên đỉnh núi Côn Sơn có Bàn Cờ Tiên, nơi đây ngày xưa có một am nhỏ, Am này có tên là Am Bạch Vân, am có hình chữ Công chồng diêm tám mái , có lan can xung quanh, trang nhã tịch tịnh, thật đúng là cảnh thiền.

Tại sân trước chánh điện chùa Côn Sơn, có tấm bia lớn viết ba chữ “Thanh Hư động”, là bút tích của vua Trần Duệ Tông khi vua về thăm Côn Sơn năm 1373. Ba chữ này được viết theo kiểu chữ Lệ, đây là một di vật quý của chùa. Bia đặt trên lưng một con rùa, vì quá nhiều người sờ tay vào mai rùa nên mai rùa nhẵn bóng, hiện nay bia được để trong một bia đình làm bằng gỗ rất đẹp. Bên trái là một bia đá sáu mặt, tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, cũng là một di vật quý chép về lịch sử của chùa.

Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam, một trong những danh thắng, đại tòng lâm, trung tâm Phật Giáo cả nước của Thiền Phái Trúc Lâm thời kỳ nhà Trần, đây là một trong ba Tổ Đình có sự ảnh hưởng lớn trong Thiền Tông Việt Nam, là dấu vết của bao anh hùng danh nhân đất Việt, là nơi cất giữ tôn thờ Xá Lợi của Đệ Tam Tổ Huyền Quang Tôn Giả, về đây tham bái và chiêm ngưỡng, chúng ta càng thắm thía, hiểu rõ hơn tinh thần dân tộc, lối sống của cha ông, tòng lâm của Phật Giáo, tịch tĩnh của chốn thiền và hơn nữa học hỏi, tham vấn, thấm nhuần chí khí, nguyện lực đem đạo vào đời của lịch đại Tổ Sư Tiên Giác ngày xưa.

Dưới đây là hình ảnh chùa Côn Sơn. Ban biên tập kính giới thiệu quí độc giả:

Côn Sơn Tự

Cổng Tam Quan chùa Côn Sơn

Ngự bút "Thanh Hư Động" của vua Trần Duệ Tông

Chánh Điện Chùa Côn Sơn

Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự

Tượng Ca Diếp Tôn Giả

Tượng A Nan Tôn Giả

Tổ Đường

Tác giả bài viết: Thích Tâm Mãn

Nguồn tin: chuaminhthanh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây