“Tam tế” ở đền Nguyễn Trãi

Thứ tư - 11/10/2017 05:55 - 2776 lượt xem
Đội tế khu dân cư Trúc Thôn, phường Cộng Hòa (Chí Linh) thực hiện lễ tế  tại đền thờ Nguyễn Trãi . Ảnh: Mai Anh
Đội tế khu dân cư Trúc Thôn, phường Cộng Hòa (Chí Linh) thực hiện lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi . Ảnh: Mai Anh
Việc tế lễ ở đền thờ Nguyễn Trãi được thực hiện 3lần. Đây là một trong những điểm mới của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay.
Lần đầu tế 3 lần

Tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, lễ dâng hương tưởng niệm 575 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được xác định là một trong những nghi lễ quan trọng và nâng tầm…

“Theo thông lệ mọi năm, việc tế lễ ở đền thờ Nguyễn Trãi chỉ diễn ra một lần duy nhất vào ngày mất của cụ 16.8 âm lịch. Nhưng từ năm nay sẽ có thêm tế cáo yết vào ngày 15.8 âm lịch và tế tạ ngày 17.8 âm lịch. Ngày 16.8 âm lịch là lễ tế chính”, ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết. 

Nhiều năm nay, Đội nghi lễ khu dân cư Trúc Thôn, phường Cộng Hòa (Chí Linh) được mời tham gia lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi. Từ mùng 10.8 âm lịch, các thành viên trong đội nghi lễ khu dân cư này gồm đội tế nam (18người), đội tế nữ (16người) tuổi đời từ 45 - 70 và đội cờ, đội nhạc (28 người) đã tập luyện tại sân đình Trúc Thôn để phục vụ lễ hội. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Đội nghi lễ khu dân cư Trúc Thôn cho rằng việc tổ chức thêm tế cáo yết trước khi lễ dâng hương tưởng niệm cụ diễn ra là phù hợp với đạo lý, thuần phong mỹ tục. Tế cáo yết được hiểu là việc dâng hương báo cáo, mời các quan thần khu đất, anh linh tiên tổ, danh nhân Nguyễn Trãi và các hậu duệ về chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật của con cháu, phù trì quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, bội thu… Trong khi tế tạ được hiểu là việc tế kết thúc ngày giỗ của cụ. “Hôm trước tế cáo yết mời cụ về để hôm sau Ban tổ chức làm lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân công lao của cụ là phù hợp. Mọi năm chúng ta tổ chức lễ tưởng niệm rồi mới làm lễ tế, việc này tuy không sai nhưng cũng chưa được phù hợp theo tín ngưỡng thờ cúng cho lắm. Việc tổ chức tam tế tại đền thờ cụ theo tôi là hay hơn cả”, ông Đạt nói.

Các dòng họ cùng tham gia

“Tam tế” tại đền thờ Nguyễn Trãi sẽ được Đội nghi lễ khu dân cư Trúc Thôn đảm nhiệm thực hiện từ 9 giờ đến khoảng 10 giờ 30 các ngày 15, 16 và 17.8 âm lịch. Trong đó, ngày 16.8 âm lịch, việc tế lễ sẽ được thực hiện ngay sau khi Ban tổ chức lễ hội làm lễ dâng hương tưởng niệm 575 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. 

Theo ông Đạt, có nhiều vật phẩm dùng để tế lễ nhưng sẽ không thể thiếu được mâm ngũ quả, rượu, một mâm xôi và một thủ lợn luộc chín. Về cơ bản, quy trình 3 buổi tế tại đền thờ Nguyễn Trãi giống nhau, gồm 4tuần. Tuần 1: dâng hương (đội tế dâng hương ngoài sân đền thờ, đội cờ đứng hai bên); tuần2: dẫn rượu (đội tế dâng đài rượu từ ngoài sân vào bên trong đền); tuần 3 và tuần 4 tương tự như tuần 2. Điểm khác biệt duy nhất ở 3 lần tế đó là phần nội dung. Các bài văn tế cáo yết, tế chính kỵ, tế tạ đều đã được Đội nghi lễ rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng theo phong tục cổ truyền. Việc tế lễ sẽ diễn ra trên nền nhạc lưu thủy (nhạc nước) phối hòa với nhịp trống, chiêng.

Ông Lê Duy Mạnh cho biết Ban tổ chức đã gửi giấy mời tới 23 dòng họ con cháu của danh nhân Nguyễn Trãi ở khắp các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa… về tham dự lễ dâng hương tưởng niệm 575 năm ngày mất của cụ. Trong thư mời có thông báo về nội dung lễ tưởng niệm và 3 buổi tế tại đền thờ Nguyễn Trãi. Việc làm này có ý nghĩa rất thiết thực, như một sợi dây vô hình kết nối các dòng họ con cháu Nguyễn Trãi cùng hướng về chốn tổ nhân ngày mất của ngài.

Trao đổi qua điện thoại, đại diện một số dòng họ của danh nhân Nguyễn Trãi ở Hà Nội, Bắc Ninh bày tỏ niềm phấn khởi trước thông tin Ban tổ chức đã nâng tầm cho các nghi lễ tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, đặc biệt là lễ tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng dòng họ Nguyễn (một trong những dòng họ con cháu cụ Nguyễn Trãi) ở thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết mọi năm chỉ đến sáng 16.8 âm lịch dòng họ mới tổ chức đoàn về khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc để tham dự lễ dâng hương tưởng niệm Nguyễn Trãi. Nhưng năm nay do Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thực hiện "tam tế" ở đền thờ cụ nên đoàn đại biểu của dòng họ sẽ về từ sáng 15.8 âm lịch để tham gia cả lễ tế cáo yết. 

"Tam tế" ở đền Nguyễn Trãi  góp phần làm cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc thêm nhiều sắc màu linh thiêng. Việc làm ý nghĩa này càng thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc của lớp lớp con cháu với vị Anh hùng dân tộc kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. 

TIẾN MẠNH - Báo Hải Dương

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây