Sống chậm ở Côn Sơn

Thứ hai - 31/12/2018 21:50 - 2493 lượt xem
Anh 1(1)
Anh 1(1)
Phong cảnh hữu tình, có núi sông, rừng thông vi vút tạo nên một bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp vừa kín đáo vừa thơ mộng… khiến Côn Sơn trở thành không gian sống chậm, chốn nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách.

Những hành trình bình an

Nếu như người Chí Linh (Hải Dương) vẫn nói “ông trồng thông, bà cấy rễ” như một truyền thống từ lâu đời thì với du khách, những đồi thông vi vu gió và cánh đồng hoa rễ trổ bông đầu Đông lại trở thành thiên đường để tận hưởng những phút giây thư thái. Nhiều du khách thưởng ngoạn Côn Sơn đã tổng kết bằng một câu ngắn gọn: “Phong cảnh hữu tình, hành trình bình an”.

Toàn bộ di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc rộng 8.340ha, riêng khu Côn Sơn rộng hơn 3.000ha. Ngoài các hạng mục di tích, tâm linh thì ở đây đều là không gian xanh mát của thiên nhiên, sông suối. Những con đường hai bên là hàng cây xanh mát, trước mặt là núi Côn Sơn xanh thẳm, những vạt “nắng tháng Tám rám trái bòng” không thể lọt xuống dưới những tán thông xanh, làm ảnh hưởng đến vài người đang tập tu thiền. Bà Nguyễn Thị Kiều (Phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương) chia sẻ, CLB dưỡng sinh của bà thường xuyên tới đây tập luyện, sau đó là ngồi thiền. Lựa chọn nơi này để rèn luyện sức khỏe, theo bà Kiều, mảnh đất Côn Sơn là đất thiêng hội tụ tứ linh bởi từ núi Côn Sơn xoay theo bốn phương tám hướng là các đỉnh núi long, ly, quy, phượng. Bao đời nay, dân gian vẫn truyền miệng linh khí của vùng đất này tốt cho tinh thần. Bên cạnh đó, không gian khoáng đạt, có núi có sông, cây xanh khiến cho mỗi người không chỉ tĩnh tâm mà còn được hít thở bầu không khí trong lành khiến bản thân thư giãn.

Đầu năm 2018, một trung tâm yoga lớn của Hà Nội đã tổ chức chương trình tập yoga ngoài trời cho học viên ngay tại Côn Sơn. Những chuyến tập yoga ngoài trời mang lại một không khí hoàn toàn mới, để đưa yoga về đúng giá trị vốn có của nó, nơi con người được hòa mình vào thiên nhiên, được tận hưởng một cuộc sống an lành và thư thái kết hợp với sự tĩnh lặng. Là một trong những người gắn bó với bộ môn yoga lâu năm, khi đặt chân tới vùng núi Côn Sơn, chị Hoàng Thị Thanh Hà (trú tại phường Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, điều thích nhất là được tập luyện trong bầu không khí ngập tràn ánh nắng, không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên. Chị chia sẻ: “Với những người lớn tuổi, dân văn phòng, người dân sống ở những đô thị lớn, được tập luyện trong không gian thiên nhiên tươi xanh này rõ ràng lý tưởng hơn nhiều so với bốn bức tường. Tuy nhiên, đã đi một chặng đường tới đây tập luyện, chúng tôi muốn có thêm nhiều hoạt động để có thể ở đây lâu và muốn quay lại nhiều lần hơn”.

Phát triển các sản phẩm trải nghiệm

Thời điểm nào trong năm khám phá Côn Sơn cũng đều có thể tìm được những vẻ đẹp của mảnh đất này. Lễ hội Côn Sơn tổ chức vào mùa Xuân và mùa Thu. Ở mỗi mùa thì phần lễ và phần hội đều có sự khác biệt nhưng đây được coi là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc. Sau những ngày hội, Côn Sơn lại trở về với sự tĩnh lặng vốn có, dành trọn không gian cho hương sắc thiên nhiên, phảng phất khói hương cùng với mùi gỗ thông, hoa dại thoang thoảng.

Với những bạn trẻ ham xê dịch, những ngày nghỉ cuối tuần muốn có một nơi để khám phá và trải nghiệm thì những vạt rừng thông, con suối trong lành hay cánh đồng cây rễ dưới chân núi Côn Sơn đều trở thành nơi cắm trại lý tưởng. Nhất là khi địa danh này chỉ cách Hà Nội có 80km, rất phù hợp với chương trình của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, vào khoảng tháng 11 hằng năm, cánh đồng hoa rễ dưới chân núi Côn Sơn trổ hoa, trở thành nơi thu hút rất đông du khách tìm tới chụp ảnh lưu niệm. Cánh đồng bạt ngàn với màu xanh của cây rễ, kết hợp với những bông hoa trắng li ti, phía xa là núi Côn Sơn xanh thắm hòa quyện làm thành một bức tranh thanh bình.

BQL di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, trong dịp Hè vừa qua nhất là trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, bình quân khu di tích đón 700 - 800 lượt khách. Trong đó, du khách là học sinh, sinh viên chiếm 50 - 60%. Sau khi tham quan, các đoàn học sinh, sinh viên thường tổ chức cắm trại tại sân đá trước cổng chùa Côn Sơn và tổ chức các hoạt động tập thể như liên hoan văn nghệ, thi tìm hiểu lịch sử, các trò chơi dân gian... Để phục vụ cho những hoạt động của du khách, BQL di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc hỗ trợ tổ chức cắm trại qua đêm về điện chiếu sáng, nước uống, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự...

So với các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh vốn là thế mạnh của Côn Sơn thì việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe, khám phá trải nghiệm ở Côn Sơn vẫn còn thiếu các dịch vụ bổ trợ hoặc có nhưng chưa chuyên nghiệp. Với những lợi thế sẵn có, chỉ cần tạo những không gian luyện tập phù hợp, Côn Sơn có thể trở thành không gian luyện tập ngoài trời thường xuyên cho các trung tâm yoga. Với những sản phẩm du lịch dành cho giới trẻ, du lịch học đường hiện nay, ngoài những nội dung tìm hiểu văn hóa, lịch sử, các em học sinh có thể tham gia các chương trình khám phá thiên nhiên, tham gia các lớp học về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn trong thiên nhiên dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp. Cùng với việc phát triển các liệu pháp trị liệu chăm sóc sức khỏe, người dân địa phương có thể phát triển các dịch vụ ẩm thực, ẩm thực chay… với những thực phẩm sẵn có phục vụ du khách.

Thảo Minh (Báo Du lịch)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây