Bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" được đề nghị là bảo vật quốc gia

Thứ sáu - 03/11/2017 21:00 - 3940 lượt xem
Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi trong một lần về thăm chùa.Bác Hồ đọc bia
Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi trong một lần về thăm chùa.Bác Hồ đọc bia
3 hiện vật được UBND tỉnh đề nghị là bảo vật quốc gia đợt này gồm: hệ thống bia động Kính Chủ (Kinh Môn), bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” tại chùa Côn Sơn (Chí Linh) và bệ đá hoa sen chùa Hào Xá (Thanh Hà).
Bệ đá hoa sen chùa Hào Xá (Thanh Hà) 

Đây đều là các tác phẩm kiến trúc, điêu khắc giàu giá trị văn hóa, lịch sử.

Ra đời vào những thời điểm khác nhau, các hiện vật như chứng nhân của các giai đoạn lịch sử. Theo văn bia cổ, chùa Hào Xá được xây dựng từ năm 1011, dưới thời vua Lý Thái Tổ, vị vua sáng lập triều nhà Lý. Ban đầu, chùa được dựng bằng tre, gỗ, đến thời vua Trần Nhân Tông mới được xây dựng lại. Bệ đá hoa sen là hiện vật duy nhất của thời nhà Trần mà chùa Hào Xá còn lưu giữ được. Đây là hiện vật vô cùng quý giá, là bằng chứng về niên đại của ngôi chùa cổ này. Phần mặt của bệ đá chùa Hào Xá tạo thành hai tầng cánh sen với các hoa văn trang trí mang đậm dấu ấn kiến trúc Chăm. Phần thân bệ chạm hình rồng trong điêu khắc thời Trần. Bốn góc bệ đá chạm nổi chim thần Garudha, là vật cưỡi của thần Vishnu (theo Ấn Độ giáo), biểu trưng cho sự thông thái của con người.

 
Một số văn bia trên vách đá động Kính Chủ (Kinh Môn)

Hệ thống văn bia trên vách đá động Kính Chủ không chỉ là "kỳ quan độc nhất vô nhị" mà còn giống như bảo tàng văn bia của 6 thế kỷ (từ năm 1368 đến năm 1940). 54 tấm bia của các tác giả thuộc đủ các tầng lớp từ vua chúa, quan lại, nhân sĩ cho đến sư sãi và dân gian. Vì thế, nội dung các tấm bia cũng rất đa dạng, ghi nhận nhiều sự kiện khác nhau. Có những thông tin mang tính lịch sử rất quan trọng, như một số bia thuộc Văn chỉ Kính Chủ cho biết 5 nhân vật lịch sử của địa phương đều là danh thần tiến sĩ đời Trần là: Phạm Quá, Phạm Mại, Trần (Đỗ) Khắc Chung, Phạm Ngộ, Phạm Sư Mạnh. Trong 54 văn bia của hệ thống văn bia động Kính Chủ có 17 bài thơ mà tác giả đều là những nhân vật nổi tiếng như Lê Thánh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trần Quốc Trinh, Trương Quốc Dụng, Đặng Đức Cương... Trong số đó có nhiều bài thơ hay, giàu giá trị văn học. Đó còn là bảo tàng ngôn ngữ, văn hóa, ghi lại dấu ấn của nhiều triều đại.

Bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" được dựng từ năm Hoằng Định thứ 8 (1670, đời Lê Kính Tông, do Nguyễn Đức Minh soạn, Tạ Tuấn viết chữ, Lê Liễu người xã Kính Chủ khắc bia. Đây là tấm bia dạng thức lục giác rất hiếm ở nước ta, được dựng trong đợt đại trùng tu chùa Côn Sơn do nhà sư Mai Trí Bản chủ trì. Tấm bia tiếp tục đi vào lịch sử bởi ngày 15.2.1965, khi Bác Hồ về thăm Côn Sơn, Người đã dừng chân và đọc tấm bia này. Bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" cao 1,2 m; rộng 0,32m, có 6 mặt hình lục lăng rất đẹp và độc đáo. Trên đó, chạm khắc nhiều loại hoa văn như: hoa dây uốn sóng viền quanh 6 mặt bia, ở hai bên mỗi chữ tên bia là những loại hoa lá khác nhau, ở hàng trên mỗi mặt là một đồ án rồng hoặc phượng.

 

 Bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" tại chùa Côn Sơn (Chí Linh)

Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, các hiện vật còn thể hiện nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật quý giá. Bệ đá hoa sen chùa Hào Xá và tấm bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" đều làm bằng đá xanh, được chạm khắc hết sức tinh xảo, thể hiện nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc độc đáo. Hai hiện vật này thực sự là những tác phẩm nghệ thuật kết tinh sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian.

Ngoài việc bảo đảm đủ các tiêu chí theo Luật Di sản thì các hiện vật trên đều là phần quan trọng của các di tích, danh thắng cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn, phát huy giá trị các hiện vật này ít nhiều vẫn còn những khó khăn.

Các hiện vật đều được tạo tác trên chất liệu đá, theo thời gian sẽ bị bào mòn nhưng hiện chưa có kế hoạch bảo tồn dài hơi. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Trường Sơn, Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết các địa phương có bảo vật cần lập phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn đối với từng bảo vật, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích. Vào mùa lễ hội, các khu di tích cần tích cực giới thiệu bảo vật cho khách thập phương nhằm nâng cao giá trị bảo vật; khuyến khích nghiên cứu giá trị của bảo vật gắn với việc tuyên truyền, phát huy di sản trên địa bàn tỉnh.
 
Ông Nguyễn Tiến Quân, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn kiến nghị: "Ngoài việc giữ gìn các hiện vật nguyên vẹn cần có biện pháp phát huy giá trị hiện vật. Có thể đưa nội dung hiện vật vào chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa tại địa phương".

MINH NGUYÊN - Báo Hải Dương điện tử
Tên bài do Chí Linh 24h đặt lại cho phù hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây