Về Hải Dương “chơi pháo đất”
- Thứ hai - 22/02/2016 21:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tương truyền Pháo đất ở Hải Dương có từ thời Hai Bà Trưng, quân dân đã dùng chính tiếng nổ của pháo để nghi binh và áp đảo tinh thần của giặc...Lại có thuyết truyền rằng: Voi chiến của Trần Hưng Đạo Đại Vương đi đánh trận bị sa lầy ở sông Hóa. Nhân dân đã ném đất xuống để cứu voi...
Pháo đất là trò chơi dân gian có lịch sử lâu đời, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của một dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử. Thông qua đó, để trai tráng rèn luyện sức khỏe và ý chí hoặc để kỷ niệm lịch sử hào hùng của dân tộc... Có nơi tổ chức thi pháo đất trong lễ hội cầu mùa... Hội pháo đất ở Hải Dương cho dù được tổ chức ở cấp nào vẫn luôn thu hút và gây hứng thú đặc biệt đối với người xem ở mọi lứa tuổi.
Kỹ năng làm pháo
Chọn đất làm pháo rất công phu, phải là đất triều củ, không lẫn tạp chất. Sau khi lấy về phải dùng liềm để thái, sau đó nhào nện kỹ. Trước mỗi mùa lễ hội, các đội pháo phải thăm đất, chọn chỗ, làm lễ xin phép thổ địa, thổ thần. Sau khi lấy về, đất được lọc, nhồi, nặn theo bí quyết riêng của từng nơi để được loại đất vừa dẻo vừa mịn, không dính tay khi làm pháo. Sau mỗi lần thi đấu, đất được thu lại, gói kín và chôn xuống đất để mùa sau đào lên, vì công làm đất rất vất vả, khó khăn.
Từ trò chơi con trẻ đến lễ hội làng
Pháo đất là trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ của trẻ em nông thôn Ở Hải Dương. Những ngày nông nhàn, các em nặn pháo đất bằng khoảng bàn tay để chơi và đấu với nhau. Vừa chơi các em cùng ca vang câu hát đồng dao: “Pháo nổ nồi rang. Cả làng nghe thấy”.
Nếu như trò chơi pháo đất của trẻ em đơn giản, dễ làm vì kích cỡ nhỏ, thì pháo đất dùng thi đấu được tạo ra khá kỳ công. Theo nghệ nhân các làng pháo ở Hải Dương, khi vào cuộc chơi, các pháo thủ giẫm lên miếng đất cho thành hình bầu dục rồi sau đó dùng tay nặn. Khâu làm manh hay (viền mép pháo) cũng rất công phu. Pháo thủ dùng khăn vải thấm nước, rồi vắt khô để lau mép pháo, dùng hai tay bấm manh pháo cho đều. Tiếp đó dùng dao bằng cật tre khía sâu vào rãnh của manh cho đứt hẳn rồi lại dùng đất phủ kín vết cắt đó. Ở phần mõm pháo, pháo thủ rạch một đường ngắt manh, nơi để manh pháo bung ra...Trung bình pháo đất nặng khoảng 70kg đến 80kg.
Khi gieo, pháo thủ phải chân mở bằng vai, dồn lực vào hai gối, hai nách khép, sau đó dùng lực của hai cánh tay để tán pháo, rồi mới gieo xuống. Để gieo pháo tốt, pháo thủ phải rèn luyện rất công phu cả về sức khỏe và kinh nghiệm.
Thể lệ thi, thường mỗi chạ (tức đội) tham gia sẽ chọn 20 pháo thủ chính thức và 6 dự bị, thi đấu 4 dây pháo. Mỗi dây được gieo 20 pháo/20 pháo thủ, có khoán giờ. Thành tích được tính bằng tổng chiều dài của manh pháo (đo theo đường thẳng từ đầu này đến đầu kia) của cả 4 dây (tức 4 lượt thi). Pháo đánh xuống, manh văng ra nhưng bị đứt đoạn gọi là pháo bị bổ, pháo đánh xuống nằm im gọi là pháo xịt đều không được tính điểm.
Pháo đất không chỉ là một trò chơi, mà chứa đựng trong đó những nét văn hóa dân gian đặc sắc, hình thành trong quá trình người Việt chống chọi với thiên tai, địch họa…Mọi người đều tin rằng: Tiếng pháo càng to, sẽ có thêm một mùa mưa nắng thuận hòa, cây cối tốt tươi…
Trò chơi cố kết cộng đồng
Pháo đất là trò chơi dân gian của những người nông dân ở tỉnh Hải Dương thường được diễn ra từ đầu năm đến hết tháng tư (Âl). Những trận đấu pháo giữa các làng thường được tổ chức ở sân kho, sân đình vào các ngày rằm và mùng 1 hằng tháng. Hiện ở Hải Dương, nhiều làng bảo tồn được di sản văn hóa đặc sắc này như: xã Minh Đức, Quang Khải (huyện Tứ Kỳ); Nghĩa An, Ứng Hòe, Kiến Quốc (huyện Ninh Giang); Đức Xương (huyện Gia Lộc)...
Những năm gần đây, ngoài việc duy trì hội thi giữa các chạ, cấp huyện hoặc liên vùng...tỉnh Hải Dương đã đưa Hội thi pháo đất toàn tỉnh vào chương trình Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đó cũng là cách để Hải Dương bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian truyền thống đang có nguy cơ bị lấn át trong thời hiện đại.
Hãy về với Hải Dương, Hội thi pháo đất mùa xuân đang chờ bạn! Về để được đắm mình trong không gian văn hóa linh thiêng Côn Sơn-Kiếp Bạc và để được “chơi pháo đất” !