Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Sáp nhập thôn, khu dân cư. Bài cuối: Giải quyết tốt những vấn đề phát sinh

Các địa phương cần giải quyết thỏa đáng, toàn diện và thận trọng​ những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập các thôn, khu dân cư.
Phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) dự kiến phải xác định lại địa giới các khu dân cư khi sáp nhập, thành lập mới để bảo đảm quy mô số hộ theo quy định. Trong ảnh: Phố Lê Hồng Phong dài  khoảng 500 m nhưng thuộc sự quản lý của 3 khu dân cư
Trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập các thôn, khu dân cư (KDC) sẽ nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, đòi hỏi các địa phương cần giải quyết thỏa đáng, toàn diện và thận trọng.

Lường trước khó khăn

Hiện nay, quá nửa trong tổng số 15 KDC của phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) không đủ 50% quy mô số hộ gia đình theo quy định, cần phải sáp nhập. Tuy nhiên, những KDC đủ điều kiện, có thể sáp nhập lại không nằm liền kề nên việc thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Đình Hồng, Chủ tịch UBND phường, để thực hiện chủ trương trên, phường dự định sẽ không sáp nhập cơ học các KDC mà sẽ xác định lại địa giới để sắp xếp các KDC bảo đảm tiêu chí số hộ. Cách làm này đòi hỏi nhiều thời gian, phức tạp hơn nhưng là giải pháp tối ưu và phù hợp với thực tế tại địa phương.

Một trong những khó khăn lớn ở phường Nguyễn Trãi là vấn đề nhân sự tại các KDC khi tiến hành sáp nhập. Theo kế hoạch, cuối tháng 11 này, các KDC sẽ tiến hành bầu trưởng khu nhiệm kỳ mới và đến tháng 2.2019 sẽ diễn ra các đại hội chi bộ thôn, KDC để bầu bí thư chi bộ. Đến nay, phương án nhân sự tại các KDC đã được thông qua. "Nếu việc bầu trưởng khu, bí thư chi bộ thực hiện theo đúng kế hoạch thì khi sáp nhập KDC sẽ xảy ra dôi dư, không ít người vừa được bầu trong thời gian ngắn sẽ phải nghỉ công tác. Còn nếu để chờ sáp nhập KDC xong mới bầu thì sẽ không có người làm. Hiện tỉnh, thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết nên phường cũng đang rất khó giải quyết. Chưa kể khi sáp nhập KDC, khối lượng công việc của trưởng khu sẽ tăng lên nên tìm được người có uy tín, năng lực, trách nhiệm đủ đảm đương công việc cũng sẽ khó khăn", ông Nguyễn Đình Hồng nói.

Theo Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi, một trong những khó khăn khác khi sáp nhập KDC là bảo đảm cơ sở vật chất, cụ thể là nhà văn hóa của các KDC. Theo phương án của phường thực hiện nay, khi sáp nhập có thể sẽ có KDC sở hữu 2 nhà văn hóa nhưng cũng có KDC không có nhà văn hóa. Cũng giống như nhiều phường khác trên địa bàn TP Hải Dương, việc bố trí đất để xây dựng nhà văn hóa tại đây chắc chắn cũng sẽ rất khó khăn. 

Một bước quan trọng khi tổ chức sáp nhập các KDC đó là phải lấy ý kiến của cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn, KDC mới. Tại những thôn, KDC cần sáp nhập, nhất là khu vực nông thôn sẽ không tránh khỏi sự tác động, ảnh hưởng của tâm lý làng xã, dòng họ. Xã Hồng Khê (Bình Giang) hiện có 4 thôn không đủ quy mô số hộ gia đình. Hiện nay, chính quyền xã đã xây dựng phương án sáp nhập. Tuy nhiên, để thực hiện thành công đòi hỏi phải có thời gian tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận. Ông Nguyễn Hữu Tám, Chủ tịch UBND xã Hồng Khê cho biết: "Sáp nhập không tránh khỏi việc người dân muốn người ở thôn cũ của mình làm trưởng thôn. Nếu phương án nhân sự không chặt chẽ, thuyết phục thì khó tìm được sự đồng thuận của toàn bộ nhân dân. Ngay cả việc đặt tên thôn mới cũng sẽ phải lấy ý kiến của đa số người dân. Vì vậy, chính quyền và các đoàn thể sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được, ủng hộ chủ trương, vì lợi ích chung".

Dù không phổ biến nhưng có những KDC phải sáp nhập có đặc thù, đòi hỏi các địa phương cần thực hiện chặt chẽ, kỹ càng. Ví dụ như tại KDC số 20, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) có trên 30 hộ là cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Khi sáp nhập với thôn Tiền, nơi đa số người dân làm nông nghiệp, người dân sẽ mất nhiều thời gian để hòa hợp cũng như tìm tiếng nói chung về những vấn đề tại cơ sở.

Làm chắc chắn

Thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, KDC sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của nhân dân cũng như đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, KDC, nhất là tâm lý của cán bộ thuộc diện dôi dư do sắp xếp. Việc thay đổi về con người, trụ sở các công trình sinh hoạt văn hóa, thể thao sẽ gây nên những xáo trộn, trở ngại cho người dân địa phương. Chính vì vậy, trong quá trình sáp nhập thôn, KDC, các địa phương cần làm thận trọng, chuẩn bị tốt các bước tuyên truyền, vận động. Chuẩn bị nhân sự, phân tích rõ những mặt tích cực, hạn chế, xem xét đầy đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng có thể không được đồng thuận...

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và nhân dân ở địa phương. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp các thôn, KDC. Thực hiện hiệu quả việc bố trí người hoạt động không chuyên trách ở thôn, KDC khi thực hiện việc sắp xếp. Bảo đảm bộ máy tinh gọn, lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực, uy tín để đảm nhận những vị trí lãnh đạo, quản lý tại những thôn, KDC mới.

Khi sáp nhập các thôn, KDC, khối lượng công việc phải giải quyết của những người hoạt động không chuyên trách sẽ lớn hơn, thậm chí phức tạp hơn. Vì vậy các địa phương cần quan tâm, thực hiện tốt công tác đào tạo lại, hỗ trợ thích hợp và có chế độ chính sách thỏa đáng để họ yên tâm làm việc. Đồng thời quan tâm chế độ với những người dôi dư do sắp xếp, sáp nhập.

Để các thôn, KDC mới sớm đi vào ổn định, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội ở các địa phương cũng cần quan tâm, tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, xây dựng sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.

HOÀNG BIÊN (Báo Hải Dương điện tử)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây