Nét mới ở vùng đất bãi Nhân Huệ
- Thứ tư - 10/10/2018 22:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều cách làm hay
Do nằm giữa sông Thái Bình và sông Kinh Thầy nên hầu hết đất đai của xã Nhân Huệ là phù sa bồi màu mỡ, trong đó có hơn 80 ha đất trong đồng, 50 ha ngoài bãi sông và khoảng 20 ha vườn. Trước đây, nông dân Nhân Huệ chủ yếu chỉ trồng độc canh cây ngô, hiệu quả kinh tế thấp nhưng những năm gần đây, nông dân trong xã đã xây dựng được những mô hình trồng rau kỹ thuật cao, cùng với thay đổi cách thâm canh theo hướng gối vụ, trong đó chủ lực là cây cà rốt, cà chua, ngô lai, cải, măng tây xanh… cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước.
Ông Mai Xuân Cương, Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Chí Linh cho biết: “Bước ngoặt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp ở Nhân Huệ là vào năm 2010-2011 khi địa phương quy hoạch và định hình được 50 ha vùng chuyên canh rau an toàn theo quy trình VietGap. Cùng với đó là những người nông dân đi đầu, dám nghĩ, dám làm xuất hiện”.
Đường liên xã Cổ Thành- Nhân Huệ đang được nâng cấp mở rộng thành 8m
Người nông dân Nhân Huệ dám thử sức với cây trồng mới, theo hướng sản xuất mới điển hình là ông Phan Văn Thanh ở thôn Chí Linh 2. Sau khi tìm hiểu một số mô hình trồng măng tây xanh, năm 2014 ông trồng thử nghiệm 1 ha trên diện tích đất bãi. Năm 2016, ông cùng với 2 hộ khác ở xã Đồng Lạc được chọn tham gia đề tài khoa học “Xây dựng mô hình trồng cây măng tây xanh trên vùng đất bãi” của tỉnh. Kết quả, cây mang tây xanh cho năng suất 10 - 15 tấn/ha, lãi 300 triệu đồng/ha/năm. Ông Thanh còn đi đầu trong trồng cà rốt để đưa vào các siêu thị, bếp ăn công nghiệp.
Ở thôn Chí Linh 2 còn có ông Nguyễn Văn Chua đi đầu thử nghiệm trồng các giống cà chua trái vụ, cho sản lượng và giá trị cao. Để tránh bị tư thương ép giá, ông Chua tập hợp được hơn 30 hộ nông dân đã có kinh nghiệm thâm canh thành lập nhóm "Cà chua VietGap". Ông Chua vừa là người cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vừa bao tiêu sản phẩm cho các hộ trong nhóm. “Sản phẩm của cả nhóm chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị BigC, Vinmart… nên yêu cầu quy trình sản xuất chuẩn VietGap, chất lượng sản phẩm được giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng”, ông Chua cho biết.
Nguồn nước tưới được dẫn tới đầu bờ, ông Phan Văn Huynh sử dụng máy bơm tưới cà rốt mới gieo hạt
Công nghiệp hóa đồng ruộng
Đang phun nước tưới cho hơn 2 mẫu hạt cà rốt mới gieo, ông Phan Văn Huynh ở thôn Chí Linh 2 hồ hởi: “Trước đây, gia đình tôi trồng thuần ngô, năng suất thấp lại bị thương lái ép giá nên mỗi sào ngô chỉ thu được khoảng 2,5 tạ hạt, bán được hơn 2 triệu đồng/năm. Nay tôi chuyển sang trồng cà rốt, vụ đầu tôi thu bình quân 1,5 tấn/sào, trừ chi phí lãi gần 7 triệu đồng/sào”.
Ông Huynh tham gia nhóm "Cà chua VietGap" với ông Chua. Từ tháng 6.2018, ông đầu tư gần 30 triệu đồng để trồng 6 sào cà chua lai giống Sanier, đang cho thu hoạch từ tháng 8.2018 và dự kiến còn tiếp tục cho thu hoạch đến đến hết tháng 2.2019. Sản lượng ước đạt khoảng 8 tấn/sào. Với giá bán khoảng 12.000 đồng/kg cho các siêu thị lớn, ông Huynh sẽ có khoản lãi kha khá.
Hầu hết các hộ làm rau màu ở đồng bãi Nhân Huệ đều sử dụng máy làm luống
“Làm nông giờ không vất vả như trước, máy móc và điện được kéo đến tận ruộng. Cùng lượng công việc như trừ sâu bệnh cho ngô, mấy năm trước tôi cùng 2 nhân công phải vất vả 2 ngày ròng mới xong. Nay tưới cà rốt, mình tôi chỉ mất chưa đầy 3 giờ là xong. Nhiều nhà lắp đặt hệ thống tưới tự động còn nhàn hơn”, ông Huynh nói thêm.
Sát cánh với nông dân, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy móc, ứng dụng công nghệ, tập huấn kỹ thuật chuyển đổi cây trồng. Nhờ đó mà máy làm đất, máy lên luống, hệ thống điện, đường ống tưới tiêu… đã được phủ khắp đồng bãi. Ông Nguyễn Văn Đản, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ cho biết: “Thị xã Chí Linh đang triển khai một số dự án đầu tư để phát triển kinh tế đồng bãi Nhân Huệ với 20 ha nhà màng, nhà lưới để mở rộng vùng trồng cây rau màu, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap. Địa phương đầu tư hơn 7 tỷ đồng để xây dựng hệ thống cấp nước tưới từ sông lên đến đầu bờ; đầu tư khoảng 14 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng đường WB2 liên xã thành 8m để thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ rau màu”.
THÀNH LONG (Báo Hải Dương điện tử)