Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Đổi thay ở vùng trồng rau chuyên canh Nhân Huệ

Nhờ có phù sa bồi đắp cùng với sự cần cù của người dân, xã Nhân Huệ (TP Chí Linh) đã hình thành nên vùng rau chuyên canh, đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.
Người dân chăm sóc dưa hấu trái vụ

Tìm đầu ra ổn định

Ngày 22.8 vừa qua, lãnh đạo xã Nhân Huệ có cuộc làm việc với đại diện Công ty TNHH Japanese Farm (Bình Định) để liên kết nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho toàn bộ 120 ha chuyên canh rau của xã. Tới đây, doanh nghiệp này sẽ ứng trước giống cây trồng, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu.

Giá rau được cập nhật tại thời điểm thu mua. Khi trả tiền rau cho người dân, doanh nghiệp sẽ khấu trừ tiền ứng vật tư, cây giống đầu vụ. Về giống cây trồng, doanh nghiệp hướng đến các loại cây theo truyền thống thâm canh của nông dân, phù hợp với thổ nhưỡng của xã Nhân Huệ.

"Ngay trong tháng 8 này, xã sẽ báo cáo lãnh đạo thành phố. Khi có chủ trương liên kết nông dân với doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, vận động và lấy ý kiến của người dân. Nếu người dân đồng thuận cao, chúng tôi sẽ cho triển khai", ông Bùi Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Nhân Huệ cho biết.

Nhóm "Cà chua VietGap" hướng dẫn các thành viên kỹ thuật chăm sóc cà chua ghép gốc cà tím

Lãnh đạo xã Nhân Huệ kỳ vọng việc liên kết này sẽ tạo ra quy mô, quy trình sản xuất mới, hướng tới chuyên nghiệp hóa giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế việc được mùa, mất giá.

Là một trong những hộ đi đầu trong thử nghiệm trồng cà chua trái vụ, cho sản lượng và giá trị cao, bà Bùi Thị Dung ở thôn Chí Linh cho biết để tránh bị tư thương ép giá, từ năm 2016 nhóm "Cà chua VietGap" được thành lập, tập hợp được 30 hộ nông dân có kinh nghiệm thâm canh. Gia đình bà Dung cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây và bao tiêu sản phẩm cho cả nhóm. Vì thế, nhiều ruộng cà chua ở Nhân Huệ đã thực hiện tốt quy trình sản xuất VietGap, bảo đảm chất lượng để bán ở các siêu thị, giá thường cao hơn bán chợ truyền thống khoảng 10%. 

Tiếp thu ''cái mới''

Bao quanh bởi sông Kinh Thầy và sông Thái Bình, xã Nhân Huệ thuận lợi phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Xã đã tạo điều kiện để người dân xây dựng các nhà màng, nhà lưới, tiếp nhận sự chuyển giao kỹ thuật, hướng tới sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Người dân ươm cây giống trong nhà lưới

Trên cánh đồng Ba Thôn, xã vừa kéo xong đường ống dẫn nước từ sông để lắp đặt hệ thống tưới hiện đại. "Trước mắt, hệ thống ống dẫn nước tưới sẽ phục vụ cho 20 ha thí điểm của vùng VietGap trong vụ đông này. Năm 2020, xã sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để bảo đảm nước tưới cho 50 ha còn lại", ông Tuấn cho biết thêm.

Cùng với sự quan tâm của xã, các hộ dân chủ động đầu tư, nâng cao hiệu quả thâm canh cũng như chất lượng cây trồng và sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Chua ở thôn Chí Linh đầu tư hơn 400 m2 nhà lưới để sản xuất 50 vạn cây giống các loại/năm, chủ yếu là cải bắp, cà chua ghép gốc cà tím... cho thu lãi hơn 300 triệu đồng. Theo ông Phan Văn Trọng ở thôn Chí Linh: "Gần 4 sào vườn tôi trồng được 3.000 gốc cà chua ghép gốc cà tím. Tới đây dự kiến thu gần 8 tấn quả cà chua, lãi khoảng 100 triệu đồng".

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Huệ đang được kiện toàn lại để cùng các nhóm "Cà chua VietGap" và "Cà rốt sơ chế" hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thành viên nhóm "Cà rốt sơ chế" khôi phục lại nhà và các dây chuyền sơ chế cà rốt

Nhóm "Cà rốt sơ chế" vừa tiếp quản nhà sơ chế đã bỏ không gần 4 năm nay để sửa chữa và vận hành lại 3 dây chuyền sơ chế cà rốt. Nhóm hiện có hơn 20 thành viên, trồng khoảng 25 ha cà rốt. Ông Phan Văn Huynh, một thành viên của Nhóm "Cà rốt sơ chế" cho biết: "Sản lượng của nhóm vụ này khoảng 600-700 tấn. Chúng tôi phấn đấu tất cả đều được sơ chế kịp thời, bảo đảm chất lượng theo hợp đồng đã ký. Dự kiến giá bán bình quân đạt 15.000đ/ kg". 

Các lớp tập huấn đã giúp người dân vừa làm, vừa học hỏi, nâng cao nhận thức về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ruộng đồng được thâm canh 4-5 vụ. Nhiều giống cây trồng mới, trái vụ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha đã xuất hiện trên cánh đồng Nhân Huệ. Cùng với đó, tuyến đường WB2 liên xã đã được mở rộng gấp đôi, thành 8-10 m để xe tải lớn đến tận ruộng thu mua rau màu của bà con. Tất cả đang tạo cho vùng rau Nhân Huệ sức sống mới.

THÀNH LONG (Báo Hải Dương điện tử)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây