Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Thị xã Chí Linh - Hải Dương: “Dự án “có tên” vẫn “treo” vùng nguyên liệu

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về khai thác phải gắn liền với chế biến sâu và phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường. UBND tỉnh Hải Dương đã cấp phép chứng nhận đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Nghiền lọc phơi sấy đất sét và làm men cao cấp Đại Dương cho Công ty Cổ phần Thương Mại Đại Dương (Công ty Đại Dương). Mặc dù vậy, sau hơn 10 năm nhà máy vẫn chưa được triển khai.
Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng vùng nguyên liệu 10 năm nay vẫn bị "treo"
Ủng hộ từ các cấp chính quyền
Năm 2007, Công ty Đại Dương, nhận thấy các doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng khai thác và chế biến sâu đất sét, do đó Công ty đã nghiên cứu công nghệ lọc đất sét của một số nước tiên tiến và hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài để lập dự án trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hải Dương để xây dựng Nhà máy Nghiền lọc phơi sấy đất sét và làm men cao cấp Đại Dương ở vùng đất sét phường Cộng Hòa, Tx. Chí Linh.
Theo đó, ngày 17/7/2008 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đã có Tờ trình số 1152 lên UBND tỉnh đề nghị cấp giấy phép đầu tư cho Công ty Đại Dương. Ngày 28/7/2008, UBND tỉnh Hải Dương đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 04121000120 cho Công ty để thực hiện dự án tại tờ bản đồ số 60+61+73 thôn Bích Động, xã Cộng hòa, huyện Chí Linh (nay là phường Cộng Hòa, Tx. Chí Linh), thời hạn thực hiện dự án 50 năm.
1
Giấy chứng nhận đầu tư UBND tỉnh Hải Dương cấp cho Dự án Nhà máy nghiền lọc, phơi sấy đất sét và làm men cao cấp của Công ty Đại Dương tại khu vực phường Công Hòa, Tx. Chí Linh 

Đến ngày 19/3/2009, UBND tỉnh Hải Dương có Văn bản số 375 đề nghị Bộ TN&MT cho phép Công ty Đại Dương được khai thác khoáng sản đất sét tại thôn Bích Động trước khi triển khai xây dựng dự án. Tổng diện tích hơn 10 ha, khu vực xin khai thác được xác định bởi các góc khép kín từ 1 đến 12, kèm theo bản đồ tỷ lệ 1/1000.
1
Công văn trả lời Công ty Đại Dương của Thanh tra Bộ TN&MT

Sau đó, ngày 28/3/2013, Bộ TN&MT đã có Công văn số 1150 về việc khai thác nguyên liệu sứ, gốm tại khu vực Trúc Thôn và Công văn số 4372 ngày 15/10/2015 về việc giải quyết dứt điểm để khai thác đất sét Kaolin tại khu I Trúc Thôn, trong đó đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương “giải quyết vùng nguyên liệu cho dự án Nhà máy nghiền lọc, phơi sấy đất sét và làm men cao cấp của Công ty Đại Dương tại khu vực phường Công Hòa, Tx. Chí Linh đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư”.
10 năm “treo” vùng nguyên liệu
Được biết, vùng nguyên liệu trên đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản số 2714 ngày 22/12/2005 cho Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến Khoáng sản Hải Dương (Công ty Khoáng sản Hải Dương). Tuy nhiên, Giấy phép đã hết hiệu lực từ ngày 23/6/2006 và đương nhiên hết quyền ưu tiên cấp phép khai thác kể từ ngày 23/12/2006.
Nhưng ngày 19/12/2009, tức sau 3 năm giấy phép thăm dò hết hiệu lực, Công ty Khoáng sản Hải Dương lại chuyển nhượng thông tin thăm dò của mình cho Công ty Sản xuất Vật liệu Xây dựng Chí Linh (Công ty Chí Linh) thông qua hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá số 95.
Dù đã chuyển nhượng cho Công ty Chí Linh, nhưng ngày 27/9/2010, Công ty Khoáng sản Hải Dương lại có Công văn số 15 gửi Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam đề nghị trình duyệt: “Báo cáo thăm dò sét làm nguyên liệu sản xuất gốm và gạch ceramic tại Khu I mỏ sét Trúc Thôn” để đánh giá trữ lượng cho Công ty. Và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản đã ra Quyết định số 765 ngày 14/12/2010, phê duyệt trữ lượng sét làm nguyên liệu sản xuất cho Công ty Khoáng sản Hải Dương. Như vậy, đơn vị được hội đồng đánh giá trữ lượng cho Công ty Khoáng sản Hải Dương chứ không phải Công ty Chí Linh.
Đến ngày 15/5/2018, Thanh tra Bộ TN&MT có Văn bản số  2429 gửi công ty Đại Dương giải đáp vướng mắc về khoáng sản cho công ty Đại Dương khẳng định: “Giấy phép thăm dò số 2714 cấp cho Công ty Khoáng sản Hải Dương hết hiệu lực kể từ ngày 22/6/2006, vì vậy mọi giao dịch, chuyển nhượng có liên quan đến Giấy phép thăm dò số 2714 là vi phạm pháp luật về khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Chưa hết, tại Công văn số 306, ngày 28/5/2018 của Thanh tra Bộ TN&MT cũng khẳng định “trường hợp Công ty Khoáng sản Hải Dương khi thực hiện đề án thăm dò khoáng sản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì việc chuyển nhượng những thông tin về kết quả thăm dò khoáng sản là không đúng quy định tại khoản 2 điều 31 Nghị định 160 ngày 27/12/2015 của Chính phủ, hướng dẫn Luật Khoáng sản năm 1996, Luật khoáng sản sửa đổi bổ sung năm 2005. Theo đó các thông tin về kết quả thăm dò khoảng sản trong hợp đồng chuyển nhượng được hiểu là không có giá trị pháp lý, thiếu căn cứ để lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản tại khu mỏ Trúc Thôn cho đối tượng nhận chuyển nhượng”.
Công văn này cũng nêu rõ trường hợp Công ty Khoáng sản Hải Dương thực hiện đề án bằng vốn của Công ty thì được quyền chuyển nhượng thông tin kết quả thăm dò theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 160 năm 2015. Tuy nhiên, quyền chuyển nhượng về kết quả thông tin thăm dò khoáng sản của Công ty Khoáng sản Hải Dương đã bị chấm dứt vì giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực trước đó theo Luật Khoáng sản.
Do đó, Giấy phép khai thác khoáng sản số 2714 của Bộ TN&MT cấp cho Công ty Khoáng sản Hải Dương đã hết hạn theo quy định tại khoản 3 điều 25 Luật Khoáng sản 1996 và khoản 2 điều 41 Luật khoáng sản 2010; Công ty Khoáng sản Hải Dương đã hết quyền ưu tiên được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại Khu I mỏ sét Trúc Thôn nên không được quyền chuyển nhượng thông tin về kết quả thăm dò của giấy phép đã chấm dứt hiệu lực.
Việc Công ty Chí Linh nhận chuyển nhượng và sử dựng thông tin thăm dò của Công ty Khoáng sản Hải Dương sai quy định pháp luật để làm cơ sở lập hồ sơ xin khai thác khoáng sản chồng lấn vào diện tích quy hoạch làm dự án và xin cấp vùng nguyên liệu của Công ty Đại Dương. Chính vì việc này đã khiến cho dự án rơi vào tình trạng có tên mà vẫn “treo” vùng nguyên liệu 10 năm nay.
 
4
Việc cấp mỏ chồng lấn đang khiến dự án có nguy cơ "chết yểu"

Ông Đồng Thế Triệu, Giám đốc Công ty Đại Dương chỉa sẻ, đã hơn 10 năm kể từ ngày được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng đến nay Công ty vẫn chưa được triển khai thực hiện dự án. Công ty đã nhiều lần gửi đơn để cầu cứu các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương xem xét giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Công ty, nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Như vậy, dù đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 7/2008, đã 10 năm trôi qua, Công ty Đại Dương vẫn chưa được cấp vùng nguyên liệu để triển khai thực dự án theo quy định. Được biết, tỉnh Hải Dương đã tổ chức nhiều cuộc họp, Bộ TN&MT cũng đã ban hành nhiều Văn bản đề nghị tỉnh Hải Dương giải quyết vùng nguyên liệu cho Công ty  Đại Dương tại khu vực quy hoạch, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hải Dương, Sở TN&MT Hải Dương cần vào cuộc xử lý việc chồng lấn trên thấu tình đạt lý, hoặc tổ chức để hai doanh nghiệp ngồi với nhau bàn bạc đi đến thống nhất quyền lợi đôi bên.

Doãn Xuân - Trường Giang (Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây