Sông bị "rút ruột": Dân bức xúc, chính quyền chẳng hay biết!?
- Thứ năm - 05/11/2015 18:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Báo CAND nhận đơn phản ánh của người dân xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương về việc nửa tháng qua trên sông Kinh Thầy, đoạn qua thôn Kênh Mai 1, xã Văn Đức thường xuyên có từ 30-50 tàu công suất từ 500-1.000 tấn khai thác cát suốt ngày đêm, gây sạt lở bờ sông.
Ngày 7/5/2015, UBND tỉnh Hải Dương có Văn bản số 935/UBND-VP cho phép Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn (Công ty Việt Sơn), trụ sở tại số 2, khu 5, thị trấn phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, thu hồi bùn, cát sỏi trong quá trình thực hiện Dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia trên sông Kinh Thầy, tỉnh Hải Dương.
Đối chiếu với nội dung trong văn bản trên, người dân ở đây bức xúc cho biết, việc khai thác của Công ty Việt Sơn đang có những vi phạm như: các tàu khai thác ngoài vị trí được phép; số lượng tàu khai thác quá lớn, khai thác hàng vạn khối cát/ngày, trong khi khối lượng được khai thác theo phương án đã duyệt là 25.292m³; khai thác vượt độ sâu cho phép sẽ gây sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai và hệ thống đê điều.
Mặc dù UBND tỉnh Hải Dương quy định doanh nghiệp chỉ được khai thác cát trong giờ hành chính nhưng trên thực tế, việc khai thác diễn ra cả ban ngày, ban đêm, rạng sáng, gây mất an toàn cho các phương tiện đi lại trên sông và mất an ninh trật tự tại địa phương.
Ngày 29/10, chúng tôi có mặt tại thôn Kênh Mai, xã Văn Đức để tìm hiểu sự việc. Vừa đến đây, chúng tôi đã thấy tiếng động cơ chạy ầm ầm cùng gần 20 chiếc tàu với những vòi dài đang hút cát từ sông Kinh Thầy đưa lên tàu. Nơi chúng tôi đứng là vị trí km thứ 15+211 bờ trái của sông Kinh Thầy thuộc địa phận xã Văn Đức, thị xã Chí Linh (phía bờ phải là thuộc địa phận huyện Kinh Môn).
Được biết, địa phận này đã được Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực I (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho Công ty cổ phần Mạnh Dũng, địa chỉ ở xã Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, với vị trí từ km thứ 14+800 đến km thứ 15+211.
Cảnh khai thác cát rầm rộ, công khai tại km 15 + 211 trên sông Kinh Thầy. Ảnh chụp ngày 29/10. |
Trong Văn bản số 935 của UBND tỉnh Hải Dương cho phép Công ty Việt Sơn thi công nạo vét, duy tu luồng kết hợp thu hồi khoáng sản trên sông Kinh Thầy ở khu vực: đoạn từ km 14+600 đến km 14+850 (cấp trùng vào vị trí được cấp phép của Công ty cổ phần Mạnh Dũng 50m); đoạn từ km 115+350 đến km 16+650 và đoạn từ km18+350 đến km 16+650.
Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực km 15+211 (khu vực không có trong giấy phép được khai thác) từ 4h sáng tàu đã bắt đầu hút cát. Đến 10h thì chúng tôi đếm được 17 chiếc tàu đang hút cát rầm rập, thản nhiên. Tàu nào hút xong di chuyển đi thì tàu khác lại tới.
Thậm chí, có chiếc tàu trọng tải cỡ 1.000 tấn khi quay đầu còn đâm sầm vào bờ nơi chúng tôi đang đứng, sau đó đi ra giữa dòng để hút cát. Có nhiều lao động trên tàu hút cát, họ ròng những chiếc ống to xuống lòng sông, cát tuôn lên tàu xối xả.
Suốt cả trưa, khúc sông náo động, ầm ầm đinh tai nhức óc bởi tiếng động cơ nổ, sặc sụa mùi dầu. Theo người dân thì các tàu cát trên đều là của Công ty Việt Sơn đến khai thác.
Nhìn cảnh bờ sông với những vườn chuối xanh mướt phía bên kia sông thuộc địa phận huyện Kinh Môn bị sạt lở, cây cối dần dần rơi xuống lòng sông người dân không khỏi xót xa, lo lắng. Với tình trạng khai thác cát liên tục như hiện nay thì nguy cơ xóa sổ bờ bên này là rất có thể trong nay mai.
Chính quyền không hay biết?
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND chiều 29/10, ông Nguyễn Phúc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết, thị xã không hay biết Công ty Việt Sơn được khai thác cát trên vì họ đến đây khai thác không thông báo. Trách nhiệm báo cáo là của xã nhưng cũng chưa thấy xã báo cáo.
“Sáng nay tôi nghe báo chí nói thì mới biết. Chiều nay, chúng tôi đã cử cán bộ của Phòng Tài nguyên Môi trường đi kiểm tra rồi” – ông Thịnh cho biết.
Cũng theo ông Thịnh thì vào tháng 4/2015, đoàn kiểm tra của thị xã Chí Linh đã xử lý 1 tàu khai thác cát trái phép của Công ty Việt Sơn trên địa bàn xã Kênh Giang. Ở xã Kênh Giang, người dân sinh sống sát phía bờ sông, tàu khai thác cát hoạt động đã gây nguy hiểm rất lớn đến cuộc sống của họ nên người dân kịch liệt phản đối.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết: “9h sáng nay xã mới nhận được công văn và hồ sơ về điều kiện cơ sở pháp lý để khai thác cát của Công ty Việt Sơn”. Qua buổi làm việc với chúng tôi, ông Tuấn khẳng định, không biết Công ty Việt Sơn khai thác cát và qua kiểm tra chưa có việc khai thác cát, lở bờ sông ở địa phận xã Văn Đức. Ông Tuấn cũng hứa sẽ chỉ đạo Trưởng Công an xã và cán bộ địa chính đi kiểm tra.
Lãnh đạo xã Văn Đức và UBND thị xã Chí Linh đều cho biết, nếu kiểm tra phát hiện việc khai thác cát ngoài phạm vi được cấp phép, với chức năng của mình sẽ đình chỉ việc khai thác, báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết. “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ giám sát ở trên bờ, nhìn bằng mắt thấy sạt thì biết chứ tàu đỗ một nơi mà dòng ống hút cát cách đó 100m thì chúng tôi làm sao mà biết được. Ngay cả họ có nạo vét luồng lạch sâu quá mức cho phép chúng tôi cũng không biết, cái này phải do cơ quan chuyên môn thẩm định. Khi báo cáo có sạt lở thì chuyện đã xong rồi”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ngày 2/11, người dân ở Văn Đức tiếp tục phản ánh, tại đoạn sông Kinh Thầy qua thôn Kênh Mai khu vực km 15+ 211 các tàu hút cát vẫn liên tục hoạt động từ 4h sáng đến hơn 19h, cao điểm là ngày 1 và 2/11 mỗi ngày có khoảng 30 tàu hút cát hoạt động. Còn tại xã Kênh Giang, thị xã Chí Linh, người dân vẫn cử người trực để ngăn chặn việc khai thác cát ảnh hưởng tới bờ sông.
Chiều 2/11, ông Nguyễn Phúc Thịnh cho biết, sau khi kiểm tra thực tế theo các phóng viên phản ánh, đoàn kiểm tra thấy rằng, các tàu hút cát đã dạt sang phía bờ sông của huyện Kinh Môn, Hải Dương, thị xã cũng đã chỉ đạo UBND xã Văn Đức, xã Kênh Giang nắm tình hình để báo cáo, nếu vi phạm sẽ xử lý. Thị xã cũng đã báo việc này lên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này.
Trần Hằng – Việt Hà