Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Sai sót hồ sơ mời thầu Dự án Khu dân cư Hưng Đạo: Có hủy thầu?

Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu có sự sai sót khi để xảy ra sự không thống nhất giữa các căn cứ thực hiện (có 3 số liệu khác nhau) và tính thiếu diện tích đất ở, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Khu đất triển khai Dự án xây dựng khu dân cư mới khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh.
Cục Quản lý đấu thầu vạch sai sót “khủng” hồ sơ mời thầu Dự án KDC Hưng Đạo

Liên quan việc sai sót số liệu đất ở trong hồ sơ mời thầu dự án Khu dân cư mới Hưng Đạo (phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), mới đây, Cục Quản lý đấu thầu – Bộ KH&ĐT đã có công văn số 135 gửi UBND TP Chí Linh và Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương.

Theo đó, Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, ngày 10/1/2020, Cục nhận được văn bản số 12/UBND – BQLDA của UBND TP Chí Linh về việc đề nghị hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án Xây dựng khu dân cư Hưng Đạo, phường Sao Đỏ. Đồng thời nhà đầu tư cũng gửi 3 văn bản số 18, số 31 và số 32 tới Cục Quản lý Đầu thầu.

Cục Quản lý Đấu thầu khi cho ý kiến về sự khác nhau trong xác định loại đất, diện tích đất ở và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đất ở tương ứng cho biết, theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 57 và khoản 2 điều 60, Nghị định 30/2015/NĐ-CP, quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 là một trong các căn cứ để lập, phát hành hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu.

Tuy nhiên, theo hồ sơ mời thầu và các văn bản pháp lý kèm theo, thông tin về diện tích đất ở và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án KDC Hưng Đạo lại chưa căn cứ vào quy hoạch 1/500 cũng như có sự chênh lệch thiếu rất lớn (hơn 11 lần).

Cụ thể, số liệu diện tích, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMP - PV) trong hồ sơ mời thầu chỉ căn cứ theo quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư (diện tích đất ở phải bồi thường là 200 m2, chi phí bồi thường đất ở được xác định 2 tỷ đồng) mà không căn cứ theo bản đồ đánh giá hiện trạng sử dụng đất của quy hoạch chi tiết điều chỉnh (diện tích đất thổ cư là 1687 m2).

Trong khi đó, số liệu được UBND TP Chí Linh phản ánh tại văn bản số 12 ngày 8/1 chỉ căn cứ theo mảng trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12-2018 (diện tích đất ở là 2398 m2), từ đó, chi phí bồi thường cho đất ở dự kiến tăng lên 23,9 tỷ đồng.

Như vậy, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu có sự sai sót khi để xảy ra sự không thống nhất giữa các căn cứ thực hiện (có 3 số liệu khác nhau) và tính thiếu diện tích đất ở, chi phí bồi thường, GPMB.

Trách nhiệm thuộc về các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu. Đồng thời, phần diện tích tính thiếu có được coi là diện tích đất ở không và diện tích, chi phí bồi thường, GPMB chính xác là bao nhiêu cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án (trường hợp này là UBND tỉnh Hải Dương) xác định trên cơ sở ý kiến tham mưu của cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng.

Có hủy thầu?

Cục Quản lý đấu thầu nêu rõ, theo quy định tại khoản 4, điều 67, Nghị định 30/2015/NĐ-CP, một trong những nguyên tắc xét duyệt trúng thầu là nhà đầu tư đề xuất tổng giá trị M2 (chi phí bồi thường, GPMB nhà đầu tư đề xuất) và M3 (số tiền nhà đầu tư phải nộp không điều kiện) lớn nhất.

Do vậy, việc sai lệch về diện tích nêu trên dẫn đến giá trị M2 trong HSMT có chênh lệch lớn nên việc xét duyệt trên cơ sở giá trị M2 mà các nhà đầu tư đã chào không phản ánh được yêu cầu của cuộc thầu.

Trường hợp việc xử lý tình huống không làm thay đổi giá trị M3 và các nội dung đề xuất về thực hiện dự án mà các nhà đầu tư đã chào thì việc xem xét hướng dẫn đối với trường hợp này có thể căn cứ vào thông số liên quan đến tiêu chí chi phí bồi thường, GPMB được xác định lại.

Bên cạnh đó, hiện trạng của dự án không thay đổi nên trường hợp mời thầu lại có thể dẫn đến lãng phí về thời gian, chi phí. Việc đề xuất hủy thầu theo quy định tại khoản 3, điều 17 Luật Đấu thầu của UBND TP Chí Linh tại văn bản số 12 cần được xem xét một cách tổng thể theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát sinh tình huống trong đấu thầu, căn cứ quy định tại điều 87 Nghị định 30, các bên liên quan có thể nghiên cứu, xử lý theo hướng tiếp tục quá trình đấu thầu, nhà đầu tư nào đề xuất giá trị M3 lớn nhất thì được xem xét trúng thầu, mời vào đàm phán hợp đồng để xác định giá trị M2 trên cơ sở thông số chi phí bồi thường, GPMB đã được chuẩn xác.

Tuy nhiên, điều kiện để thực hiện phương án này là: Chi phí thực hiện dự án (M1) và đề xuất nộp ngân sách nhà nước (M3) mà các nhà đầu tư đã chào trong hồ sơ dự thầu không thay đổi; thông số liên quan đến chi phí M2 được xác định lại trên cơ sở diện tích đất ở, chi phí bồi thường, GPMB đã được chuẩn xác; nhà đầu tư đề xuất chi phí bồi thường, GPMB không vượt quá tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư dự kiến phải nộp, đảm bảo cơ chế bù trừ nằm trong khả năng cân đối nguồn lực địa phương, tránh thất thu ngân sách nhà nước; nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng đối với cả yêu cầu về năng lực tài chính tương ứng với phần chi phí bồi thường, GPMB tăng thêm; Việc xử lý tình huống phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, thỏa mãn các yêu cầu tại điều 86 Luật Đấu thầu.

Cục Quản lý đấu thầu nêu rõ, trường hợp một trong các điều kiện trên không đáp ứng thì việc tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư sẽ không còn ý nghĩa, không đạt được mục tiêu của đấu thầu thì người có thẩm quyền xem xét hủy thầu theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm thế nào?

Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, nếu việc thực hiện phương án được hướng dẫn tại mục 2 là khả thi đối với dự án thì cần lưu ý về trách nhiệm của các bên.

Cụ thể, đối với UBND TP Chí Linh, báo cáo cấp có thẩm quyền đầy đủ, trung thực toàn bộ thông tin về quá trình chuẩn bị, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư của dự án bao gồm nguyên nhân để xảy ra sai sót cũng như đề xuất phương án xử lý.
Trong mọi trường hợp, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu hoặc quyết định hủy thầu theo quy định tại khoản 4, 8, điều 73 Luật Đấu thầu và chịu hoàn toàn về quyết định của mình.

Đối với Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương, với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương, đề nghị phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm rõ, tham mưu cấp có thẩm quyền các nội dung như xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan dẫn đến sai sót, làm rõ phương án xử lý. Đồng thời giao các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, giao cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương chịu trách nhiệm giám sát quá trình triển khai nếu lựa chọn thực hiện phương án nêu tại mục 2, không để lặp lại sai sót như đã diễn ra.

Dự án xây dựng khu dân cư mới khu phố Hưng Đạo (phường Sao Đỏ, TP Chí Linh) hiện đã được UBND TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) tiến hành xong công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và đang trong quá trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo UBND TP Chí Linh, đã lập xong hồ sơ mời thầu trình Sở KH& ĐT tỉnh Hải Dương thẩm định, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt, hồ sơ mời thầu đã phát hành cho các nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Thời điểm đóng thầu đã có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, tư vấn đã đánh giá xong hồ sơ đề xuất kỹ thuật và trình Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương thẩm định, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu mặt kỹ thuật và tổ chức mở túi hồ sơ đề xuất tài chính theo đúng quy định.

Tuy nhiên, mới đây, doanh nghiệp tham gia dự thầu đã phát hiện và có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đề nghị làm rõ sự bất thường trong đề xuất tài chính tại hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án trên do UBND TP Chí Linh với vai trò chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu là Công ty Cổ phần Sơn Thành.

Cụ thể, theo hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư do UBND TP Chí Linh phát hành ngày 6/5/2019, về diện tích đất ở phải giải phóng mặt bằng là 200 m2 tương đương kinh phí bồi thường cho đất ở khoảng 2 tỷ đồng. Thực tế, diện thích bồi thường đất ở của dự án này không phải là 200m2 mà gấp gần 12 lần con số trong hồ sơ mời thầu.

Theo trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính của Văn phòng đăng ký QSDĐ TP Chí Linh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương phê duyệt thì phần đất ở đô thị (ODT) phải bồi thường, GPMB của dự án là 2.398,3 m2, liên quan tới trên 70 hộ dân, gấp gần 12 lần so với số liệu hồ sơ mời thầu và tổng số tiền phải đền bù chênh lệch khoảng 22 tỷ đồng so với hạng mục này trong hồ sơ mời thầu. Như vậy, từ số liệu trên cho thấy, hồ sơ mời thầu đã mời thiếu 2.198.3 m2 đất ở so với thực tế.

Ngay khi nhận được thông tin phản ánh trên, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản 4418/UBND-VP về việc Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chuyển đơn đến Chủ tịch UBND TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) yêu cầu xem xét, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền; trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/1/2020 về nội dung đơn thư của doanh nghiệp và công dân phản ánh, tố cáo cơ quan chức năng có một số biểu hiện khuất tất trong quá trình triển khai đấu thầu Dự án xây dựng khu dân cư mới khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh.

Ngày 8/1, UBND TP Chí Linh đã có công văn gửi Cục Quản lý Đầu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về việc xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư.

Theo nội dung công văn, UBND TP Chí Linh thừa nhận, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu đã phát hiện trong công tác lập phương án giải phóng mặt bằng sơ bộ để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án, do sai sót về số liệu diện tích đất ở (ODT) phải đền bù dẫn đến sai giá trị đền bù đất ở.

Theo đó, diện tích đất ở phải bồi thường theo mảng trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12 – 2018 ngày 8/10/2018 đã được Sở TN&MT xác nhận là 2.398,3m2 nhưng trong phương án sơ bộ phê duyệt là 200m2.

Cụ thể, tổng giá trị phương án giải phóng mặt bằng sơ bộ phê duyệt là 18.329.425.000 đồng, trong đó chỉ tiêu bồi thường đất ở là 200m2 x 10.000.000 = 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị phương án giải phóng mặt bằng sau khi kiểm tra phát hiện sai sót và tính lại theo mảng trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12 ngày 8/10/2018 được Sở TN&MT xác nhận là 40.312.425.000 đồng, trong đó, chỉ tiêu bồi thường đất ở là 23.983.000.000 đồng. Như vậy, giá trị đền bù sau kiểm tra tính lại còn thiếu 21.983.000.000 đồng.

Từ đó UBND TP Chí Linh cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có thể nhà đầu tư được lựa chọn sẽ không đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án (không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm và năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đấu thầu). Do vậy, UBND TP Chí Linh hỏi trường hợp của dự án trên có hủy thầu theo quy định tại khoản 3, điều 17 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Việc sai sót số liệu bồi thường đất ở trong hồ sơ mời thầu dự án khu dân cư mới khu phố Hưng Đạo dẫn đến giá sàn chào thầu thấp hơn nhiều so với quy mô phạm vi dự án, dẫn đến các yêu cầu về năng lực tài chính, thương mại, khả năng thu xếp vốn, năng lực triển khai thực hiện dự án, yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự không còn phù hợp nên việc đánh giá hiệu quả thực hiện dự án, đánh giá lợi ích của xã hội, lợi ích của Nhà nước của các nhà đầu tư tại các hồ sơ dự thầu không chính xác. Đồng thời, nguồn thu ngân sách nhà nước bị giảm rất nhiều. Do vậy, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Hải Dương cần xử lý tình huống đấu thầu này, đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến sai sót trên, xử lý cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng trên.

* PV Kiến Thức tiếp tục thông tin về vụ việc trên...
Hải Ninh (Báo điện tử Kiến thức)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây