Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Đường vào đền Kiếp Bạc: Dự án “rùa bò”

Được khởi công xây dựng từ đầu năm 2013 nhưng đến nay, đường vào khu di tích Kiếp Bạc đoạn từ quốc lộ 37 mới thực hiện được hơn 30% khối lượng công việc.
Trên đoạn đường chưa được đầu tư xây dựng, nhiều ổ gà đọng nước
Dang dở

Dự án đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 3.2012, do Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 715,4 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách trung ương, địa phương, các nguồn vốn khác và được thực hiện từ năm 2012-2015. Theo kế hoạch ban đầu, dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2013 có tổng mức đầu tư 175,11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để xây dựng đoạn từ ngã ba Đầu Rồng đến đền Kiếp Bạc (dài 1,7 km). Giai đoạn 2 được triển khai vào các năm tiếp theo với vốn đầu tư 540,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, để bảo đảm xây dựng đồng bộ, phát huy hiệu quả khai thác công trình, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho triển khai toàn bộ dự án thành một giai đoạn.

Cuối năm 2012, chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu. Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là đơn vị trúng thầu, thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng. Công trình được khởi công xây dựng từ đầu năm 2013. Dự án có tổng chiều dài 5,1 km. Đến nay, theo báo cáo của chủ đầu tư, nhà thầu mới hoàn thành 1,7 km, đoạn từ ngã ba Đầu Rồng vào đền Kiếp Bạc và thi công hoàn thiện bãi xe số 2. Một số đoạn còn lại đã giải phóng mặt bằng được nhà thầu đổ đất nền bên đường khoảng 15%.

Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết để bảo đảm an toàn giao thông phục vụ lễ hội mùa thu năm 2017 và những năm tiếp theo, Ban Quản lý di tích đã báo cáo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải xem xét đối với đoạn đã thi công thì cho phép hoàn thiện dứt điểm các hạng mục còn lại như sơn vạch, kẻ đường, hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh… Sau khi hoàn thiện, đề nghị tỉnh cho phép nghiệm thu đưa vào sử dụng và bàn giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý. Đối với đoạn chưa thi công, đề nghị tỉnh cho phép tạm dừng, giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý, bảo trì. Khi nào có vốn sẽ bàn giao lại cho Ban Quản lý di tích và nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thiện công trình. “Trung bình mỗi năm, khu di tích đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan. Dự án thi công dở dang ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch tới đây”, ông Minh nói.

Chờ vốn
 
Dự án mới cơ bản hoàn thiện 1,7 km từ ngã ba Đầu Rồng vào đền Kiếp Bạc

Do khó khăn về vốn nên nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 10.2015. Hiện nay, một số đoạn đường chưa được thi công có nhiều ổ gà lớn, khó đi lại. Tại những đoạn đã giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công đắp đất vào hai bên đường và đổ cát cao nhưng chưa triển khai xây dựng gây mất mỹ quan.  

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giá trị khối lượng đã hoàn thành của dự án đến nay khoảng 250 tỷ đồng. Tổng số vốn đã phân bổ cho dự án đến hết năm 2015 là 223,4 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 giao cho dự án 19,1 tỷ đồng để thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020 không bố trí cho dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND tỉnh giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét việc thực hiện dự án này.

Ông Nguyễn Hải Châu, Trưởng Phòng Thẩm định đầu tư trong nước Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sau khi xin ý kiến của các đơn vị liên quan, sở đã đề nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, khi có đủ điều kiện về vốn sẽ tiếp tục triển khai. Nghiệm thu, quyết toán đối với phần khối lượng, chi phí đã thực hiện của dự án. Giao Sở Giao thông vận tải quản lý đoạn tuyến từ ngã ba An Lĩnh đến bãi đỗ xe số 2 trong thời gian tạm dừng thực hiện dự án.

Trước khó khăn về vốn, dự án này chưa biết khi nào sẽ tiếp tục được triển khai. Tháng 5.2012, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Việc sớm hoàn thiện dự án này sẽ góp phần phục vụ du khách tốt hơn, gia tăng lượng khách giúp địa phương phát triển kinh tế, dịch vụ. Vì vậy, tỉnh cần cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho dự án quan trọng này trong những năm tới.

PHAN ANH - TRẦN HIỀN (Báo Hari Dương điện tử)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây