Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Dặm trường săn lùng những kẻ mang lệnh truy nã

"Từ việc tập trung xác minh, truy bắt các đối tượng đang lẩn trốn tại tỉnh ngoài, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên... Số đối tượng truy nã của Hải Dương đã giảm rõ rệt", Đại tá Đỗ Long Vân, Trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Hải Dương mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một giọng hào sảng.

Chúng tôi gặp Đại tá Đỗ Long Vân, Trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52) Công an tỉnh Hải Dương, khi anh cùng đồng đội vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh miền Nam. Một năm vài bận, người chỉ huy ấy lại đồng hành cùng cán bộ trinh sát rong ruổi ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, khi ở các tỉnh phía Nam, có lúc lại vào miền Trung rồi Tây Nguyên phối hợp với Cục C52 B, Bộ Công an các tỉnh lần theo hành trình trốn chạy của những kẻ mang lệnh truy nã. Sự đồng hành của người chỉ huy đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho các cán bộ trong dặm trường săn đuổi tội phạm.

1. "Hành trang chúng tôi mang về lần này là 14 đối tượng truy nã bắt giữ và vận động thành công. Từ việc tập trung xác minh, truy bắt các đối tượng đang lẩn trốn tại tỉnh ngoài, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên... Số đối tượng truy nã của Hải Dương đã giảm rõ rệt", Đại tá Đỗ Long Vân, mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một giọng hào sảng, trên gương mặt sạm đen vì rám nắng, ánh lên nụ cười rạng rỡ.

Trong giây phút ấy, tôi chợt nhận ra rằng, hạnh phúc của anh và các cán bộ Phòng PC 52 Công an tỉnh Hải Dương giản đơn và bình dị như chính con người họ, hồn hậu và thật đáng mến. Đó là khi những con người từng một thời lầm lỡ, sau khi được vận động đã nhận ra những sai phạm của bản thân, trở về đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật hay khi một đối tượng truy nã bị bắt giữ, mang lại sự bình yên cho xã hội....

Rồi trong một tâm trạng đầy phấn khích, anh kể cho chúng tôi về hành trình ly kỳ nhưng cũng không kém phần gian nan, vất vả, bắt giữ kẻ phạm tội lẩn trốn cách đây 30 năm, đối tượng Phạm Văn Hưng (SN 1968, trú tại Phao Sơn, Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương), bị truy nã về tội hiếp dâm từ năm 1987.

Thời gian có một sức mạnh vô hình để bào mòn mọi thứ, quá khứ, tuổi tác và cả gương mặt... Phạm Văn Hưng cũng vậy, 30 năm lẩn trốn, những tất bật của cuộc sống mưu sinh đã khiến vẻ ngoài của chàng trai năm nao thay đổi rất nhiều. Rồi bao nhiêu năm lẩn trốn cũng là ngần ấy thời gian đối tượng này cắt toàn bộ liên lạc với gia đình.

Một buổi họp trước giờ phá án của Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Hải Dương.

Một buổi họp trước giờ phá án của Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Hải Dương.

Từ khi Phòng PC 52 Công an tỉnh Hải Dương thành lập, nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã dày công theo đuổi nhưng tung tích của đối tượng luôn là một ẩn số. Sau khi được điều động từ Phòng tham mưu về làm trưởng Phòng PC 52 Công an tỉnh Hải Dương, Đại tá Đỗ Long Vân và đồng đội đã ấp ủ ý tưởng bắt giữ đối tượng này bằng mọi giá.

Ngoài việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, anh cùng đồng đội đã tỷ mỷ dựng lại các mối quan hệ của Hưng. Và sự vất vả của anh em trinh sát đã được đền đáp một cách xứng đáng. Tháng 5-2016 những thông tin về Hưng dần hé mở... Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của anh và đồng đội khi đó, vừa vui mừng pha chút lo âu.

Trải lòng với chúng tôi, anh tâm sự: Mỗi chuyến công tác ở các tỉnh miền Nam, cán bộ đơn vị đều chuẩn bị rất nhiều địa chỉ. Làm sao để chuyển đi đạt được kết quả, đó là những điều họ luôn canh cánh bên lòng. Có nhiều trường hợp, anh em vào đến nơi thì đối tượng lại vừa di chuyển. Bên cạnh đó, đối tượng truy nã cũng có đủ mánh khóe khác nhau để đối phó với cơ quan Công an.

Có kẻ sau khi lẩn trốn đã cắt bỏ toàn bộ liên lạc với những người thân trong gia đình; một số trốn lên vùng sâu, vùng xa; có kẻ thì bố mẹ đã mất từ lúc còn nhỏ, nếu khai lý lịch chỉ biết là Hải Dương vì đã phiêu bạt khắp nơi. Cá biệt, có một số đối tượng đã thay tên, đổi họ. Trường hợp của Phạm Văn Hưng cũng là một đối tượng như vậy. Nhưng sau 30 năm lẩn trốn khỏi vòng pháp luật, kẻ gây án những tưởng hành vi tàn ác của anh ta đã bị trôn vùi trong quá khứ anh ta đã bị bắt.

2. Những năm trở lại đây, cùng với thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Hải Dương cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Những con số tổng kết thay lời muốn nói đã phần nào minh chứng cho những điều đó.

Hằng năm, số vụ phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn khoảng 1500 vụ. Chỉ tính riêng năm 2015, cơ quan điều tra đã thụ lý hơn 1400 vụ. Các đối tượng hoạt động liên huyện, liên tỉnh, giữa các đối tượng hình sự có sự móc nối, câu kết với nhau, dùng nhiều thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện của Công an.

Chính vì lẽ đó, Hải Dương luôn nằm trong tốp 10 tỉnh có số đối tượng truy nã cao của toàn quốc. Chỉ con số đó cũng phần nào nói lên được những khó khăn của cán bộ Phòng PC 52 Công an tỉnh Hải Dương.

Trung tá Nguyễn Văn Từ, Đội trưởng Đội bắt đối tượng hệ trật tự xã hội, một trong những người có mặt từ những ngày đầu Phòng PC 52 Công an tỉnh Hải Dương mới thành lập, là một "kho" chuyện về quá trình bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú. Những câu chuyện qua giọng kể của anh, phần nào nói lên những vất vả, gian khó của lực lượng cảnh sát truy nã Công an tỉnh Hải Dương.

Đó là trường hợp của đối tượng Phạm Văn Sáu (SN 1960, HKTT tại Cựu Thành, TP Hải Dương) cùng đồng bọn phạm tội giết người từ năm 1980. Trước đó, Sáu cùng với Nguyễn Đức Dũng (SN 1960, cũng ở TP Hải Dương) bị khởi tố về tội giết người.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt Dũng. Đối tượng này sau đó đã bị Tòa án Quân sự Quân đoàn 2 xử phạt 18 năm tù giam về tội danh trên còn Sáu thì bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương sau đó đã phát lệnh truy nã đối tượng này trên toàn quốc.

Hơn 34 năm đối tượng bỏ trốn, các thế hệ cán bộ làm công tác truy nã đã tốn không ít công sức xác minh nhưng không có kết quả. Đối tượng Sáu sau đó đã vào các tỉnh phía Nam. Để tránh bị phát hiện, tên này cũng thường xuyên thay đổi chỗ ở tại nhiều địa phương và có lúc sang Campuchia làm thuê đủ nghề để kiếm sống.

Trong quá trình trốn chạy, anh ta đổi họ thành Bùi Văn Bình rồi lấy vợ, sinh con... Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng PC 52 Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ đối tượng gây án.

Nhiều đối tượng sau đó đã tạo một vỏ bọc rất vững chắc như trường hợp của Nguyễn Văn Thanh (SN 1955 HKTT tại xã Văn Đức, huyện Chí Linh, Hải Dương) bị truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội cướp tài sản và hiếp dâm, án phạt 10 năm tù và trốn trại năm 1981. Đối tượng Thanh sau đó đổi tên thành Nguyễn Hữu Thẩm rồi vào xã Phú Xuân, Tân Phú, Đồng Nai sinh sống và trở thành Hội phó Hội cựu chiến binh xã Phú Xuân... Rồi còn nhiều và rất nhiều đối tượng khác nữa.

3. Trong quá trình bắt truy nã, xác định được đối tượng đã khó, bắt được chúng quy án còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Trong hành trình dặm trường lần theo dấu vết của những kẻ mang lệnh truy nã, cũng không ít lần cán bộ Phòng PC 52 Công an tỉnh Hải Dương phải đối mặt với hiểm nguy.

Bởi địa giới của các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam rộng, dân cư thưa thớt. Trong khi đó, để đảm bảo tính bí mật, việc bắt giữ đều phải tiến hành vào ban đêm; có những lúc, anh em phải nhịn đói cả ngày; cũng không ít lần phải ăn bánh mỳ cầm hơi cả tuần vì đối tượng lên nương rẫy, phải mật phục cho đến khi anh ta trở về. Đó còn chưa kể những lúc đi vào ban đêm, xác minh hành vi của đối tượng.

Ở vùng cao, chỉ cần thấy người lạ là chó sủa ran từ đầu làng đến cuối làng... Và chỉ chờ có thể, những kẻ mang trong mình bản án của pháp luật sẽ nhanh chóng cắt rừng bỏ trốn. Vượt qua khó khăn, bằng sự mưu trí, sáng tạo, kết quả mà tập thể, cán bộ, chiến sỹ Phòng PC 52 Công an tỉnh Hải Dương đạt được thật đáng ghi nhận.

Kể từ năm 2011 đến nay, đơn vị đã xác minh, truy bắt và vận động được 236 đối tượng truy nã. Tính đến thời điểm này đã giảm được gần 50 đối tượng truy nã....

Với những thành tích đã đạt được, tập thể, cán bộ, chiến sỹ Phòng PC 52 Công an tỉnh Hải Dương đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.

Song phần thưởng lớn nhất đối với những người lính truy nã có lẽ chính là sự tin yêu, ủng hộ của nhân dân. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần vào thành tích chung của tập thể. Những nguồn tin do quần chúng cung cấp, là kênh thông tin quan trọng, giúp cơ quan Công an phá án thành công

Tác giả bài viết: Xuân Mai

Nguồn tin: Cảnh sát toàn cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây