Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Hướng dẫn viên du lịch thiếu chuyên nghiệp

Hướng dẫn viên du lịch được xem là những “đại sứ văn hóa” giúp cho du khách hiểu rõ hơn về điểm di tích, khu du lịch. Trên thực tế, chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Cần không ngừng nâng cao kiến thức đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm
Chỉ biết một...

Đầu tháng 10 vừa qua, thị xã Chí Linh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đoàn famtrip (du lịch tìm hiểu) gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch và phóng viên để khảo sát, trải nghiệm, khám phá các điểm di tích của thị xã Chí Linh. Để du khách hiểu rõ hơn về các điểm di tích và các sản phẩm du lịch, Ban Quản lý di tích Chí Linh đã cử hướng dẫn viên (HDV) du lịch của ban theo đoàn hướng dẫn, thuyết minh tại các điểm. HDV đã giới thiệu tới du khách thông tin tại các điểm di tích khá bài bản, đầy đủ. Nhưng trên đường di chuyển qua các điểm di tích, nhiều du khách đặt câu hỏi thêm về những truyền thuyết hoặc sự tích liên quan thì HDV còn lúng túng. Điều này cho thấy các HDV du lịch tại điểm mới chỉ nắm được phần nổi của kiến thức liên quan tới các điểm di tích mà chưa thể gây sự tò mò và tạo ấn tượng cho khách về khu, điểm di tích. Ngoài ra, những vấn đề liên quan tới địa điểm ăn uống, nơi vui chơi trên địa bàn, các HDV cũng không nắm được để giới thiệu thêm cho du khách. Một đại diện công ty lữ hành tại Hà Nội tham gia đoàn famtrip chia sẻ: "Chúng tôi là công ty lữ hành ở tỉnh ngoài, rất muốn xây dựng tour du lịch ở Chí Linh. Nhưng HDV du lịch tại điểm của Chí Linh vẫn còn lúng túng trong xử lý tình huống phát sinh cho khách hoặc chỉ đơn giản là giải đáp thắc mắc cho du khách về các vấn đề chuyên sâu hay ngoài lề của di tích. Điều này không chỉ khiến cho HDV du lịch mất điểm trong mắt du khách mà còn không gây ấn tượng để du khách nhớ về điểm du lịch của mình".

Trong một lần khác được theo đoàn du lịch tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chúng tôi cũng được mời vào phòng khách của đền Kiếp Bạc để nghe HDV du lịch tại điểm giới thiệu về công trạng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và ngôi đền thờ ông. Vì không có nhiều thời gian lưu lại khu di tích trong khi bài thuyết minh của HDV du lịch tại điểm thì khá dài, một du khách trong đoàn đề nghị HDV có thể nói ngắn gọn, khái quát để đoàn có thể hiểu những nét đặc trưng nhất về danh nhân và đền thờ. Đáp lại yêu cầu đó là sự lúng túng của HDV du lịch và HDV này vẫn trình bày hết sức dài dòng...

Có thể thấy phần lớn HDV du lịch tại điểm của tỉnh ta mới chỉ chú trọng đến phần kiến thức cơ bản nhất về điểm di tích, các bài thuyết minh vẫn được trình bày theo kiểu học thuộc lòng. Còn nhiều vấn đề khác liên quan tới điểm di tích, tới đất và con người ở nơi đó thì nhiều HDV du lịch tại điểm chưa nắm được. Một số kỹ năng như thuyết minh, khả năng sử dụng ngoại ngữ; kỹ năng tổ chức hoạt động vui chơi cho du khách tại điểm di tích cũng hạn chế. HDV chưa quan tâm thăm dò và nắm bắt tâm lý của du khách.

Cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp

Những năm gần đây, các địa phương phát triển du lịch đã quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ HDV du lịch tại điểm, song chất lượng chưa được như mong đợi. Một trong những nguyên nhân chính là bản thân các HDV du lịch tại điểm chưa quan tâm nâng cao kiến thức cũng như nghiệp vụ du lịch, ít kinh nghiệm trong xử lý các tình huống phát sinh. Điều này khiến nhiều người liên tưởng tới việc các HDV du lịch thuyết minh về điểm di tích như một cái máy, không có sự nhấn nhá, cũng không trả lời được câu hỏi ngoài lề của du khách. Hơn nữa, việc sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin trong thuyết minh tại các điểm di tích còn yếu nên không tạo được điểm nhấn.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Gấm, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong những năm qua, sở đã rất quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ HDV du lịch tại điểm. Sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ du lịch; tổ chức hội thi nghiệp vụ cho HDV du lịch tại điểm để mọi người có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. "Theo Luật Du lịch mới có hiệu lực từ tháng1.2018 thì các HDV du lịch muốn được cấp thẻ phải trải qua kỳ kiểm tra, sát hạch của sở. Điều này sẽ giúp cho việc quản lý đội ngũ HDV du lịch dễ dàng hơn và nâng cao chất lượng hơn ", bà Gấm cho biết.

Hải Dương được đánh giá là địa phương giàu tài nguyên du lịch nhưng còn nghèo sản phẩm du lịch, mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sáng tạo và đội ngũ làm du lịch chưa chuyên nghiệp. Để khắc phục được điều này, trước hết mỗi HDV du lịch tại điểm phải tự ý thức được công việc của mình. Họ không chỉ đơn thuần là người thuyết minh tại điểm du lịch. Mỗi HDV du lịch tại điểm cần thường xuyên trau dồi kiến thức, không chỉ là kiến thức về điểm di tích mình phụ trách mà phải là kiến thức chung về các điểm di tích trên địa bàn. Ngoài ra, cũng cần phải nắm chắc kiến thức về chính trị, lịch sử, địa lý, văn hóa, kiến trúc... Phải "năng nhặt chặt bị" để không ngừng nâng cao nghiệp vụ du lịch, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong quá trình đưa đoàn đi tham quan. Bên cạnh đó, các HDV du lịch tại điểm cũng nên áp dụng công nghệ thông tin trong việc thuyết minh của mình để giúp bài thuyết minh thêm sinh động. Ví dụ thuyết minh cho khách về trận đánh trên sông Lục Đầu Giang, thay vì sử dụng bản đồ giấy, khu di tích có thể thực hiện bản đồ 3D kết hợp âm thanh sẽ giúp bài thuyết minh thêm sinh động...

TÂM PHÚC (Báo Hải Dương điện tử)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây