Tìm hiểu phong tục tế lễ tại Văn miếu Mao Điền dưới thời phong kiến
- Chủ nhật - 10/09/2017 21:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Văn Miếu Mao Điền là Văn Miếu trấn Hải Dương xưa, thuộc địa phận xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn Miếu đã có lịch sử hơn 500 năm và được biết đến là Văn Miếu lớn thứ hai của cả nước (chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội). Văn Miếu và trường thi Hương tại Mao Điền là biểu tượng đẹp về truyền thống hiếu học của người xứ Đông xưa và Hải Dương nay.
Ngược dòng lịch sử, gần một nghìn năm Bắc thuộc, chữ Hán đã được phổ biến ở nước ta, ban đầu trong phạm vi hẹp là hệ thống quan lại. Sau khi đất nước giành được độc lập, việc giáo dục dần dần phát triển theo tinh thần Nho giáo. Khổng Tử là người sáng lập trường phái Nho gia của Trung Quốc, một triết gia vĩ đại của nhân loại thời cổ đại và có ảnh hưởng sâu sắc đến nền giáo dục và đời sống tinh thần của các tầng lớp trí thức nhiều nước trong đó có Việt Nam. Từ năm 1070, khi Văn Miếu được lập tại Thăng Long, Khổng Tử được tôn thờ ở vị trí trung tâm, tức là tôn thờ một danh nhân văn hóa thời cổ đại, từ đó nơi nào có văn miếu, văn chỉ, thì nơi đó có tượng hoặc linh vị thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền. Văn Miếu Mao Điền của trấn Hải Dương là một nơi như thế.
Dưới thời phong kiến, hàng năm việc tế lễ tại Văn Miếu Mao Điền được thực hiện chu đáo, trang trọng, thể hiện sự tôn sư trong đạo của người xứ Đông. Theo điển lễ, Văn Miếu là nơi tổ chức đại lễ của triều đình, nếu ở Kinh đô, nhà vua đích thân đến làm chủ lễ Khổng Tử và Tứ phối, thì ở các trấn, lộ, phủ giao cho các quan trấn thủ. Tổng đốc tiến hành lễ thập triết theo nghi thức trang trọng nhất. Tham gia hành lễ có các quan chức, cử nhân, tiến sĩ và nho sinh từ các phủ, huyện về với y phục cổ truyền tươm tất. Hàng năm chọn hai ngày “ Đinh” đầu tháng trọng xuân và trọng thu (tháng 2 và tháng 8 Âm lịch) làm lễ chính. Ngày Đinh trong tháng gồm: Đinh Sửu, Đinh Mão, Đinh Mùi, Đinh Tỵ, Đinh Dậu và Đinh Hợi, chọn một ngày Đinh trong đó để tổ chức tế lễ. Ngày Đinh theo Kinh Dịch: Đinh thuộc Hỏa, mà Hỏa là tượng trưng cho văn chương. Văn Miếu là cơ quan giáo dục nên thường chọn ngày tế lễ như vậy.
Theo lệ cổ truyền thì người ít học và phụ nữ không được dự vào việc tế lễ tại Văn Miếu. Đặc biệt dưới triều Nguyễn (1802 – 1945) Nhà nước quan tâm tới việc tế lễ tại các di tích Nho học. Năm Minh Mệnh thứ 18 (1839) Vua chuẩn lời nghị: “Văn Miếu và đền Khải Thánh tại các địa phương xuân thu nhị kỳ tế lễ. Lễ vật dùng trâu, dê, lợn, xôi đều một, quả phẩm 3 mâm. Vị phối hưởng dùng 2 con lợn, 4 mâm xôi, quả phẩm 8 mâm. Vị tiên triết lễ dùng 1 con lợn, xôi đều một, quả phẩm 3 mâm. Đến kỳ tế chọn ty Bố Chánh (Hành chính), Án sát (Xử án), Đề học (Giáo dục), mỗi ty sung một vị quan làm Chính hiển (Chủ lễ) ở Khải Thánh”. Qua đó có thể thấy rõ việc tế lễ tại Văn Miếu Mao Điền được thực hiện một năm hai kỳ vào mùa xuân và mùa thu (tháng 2 và tháng 8). Thực chất hoạt động tế lễ tại các di tích (Kể cả Văn Miếu, đền, đình, chùa, miếu) luôn là một phần rất quan trọng trong lễ hội dân gian của người Việt. Và có thời kỳ có quy định cụ thể của triều đình.
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ (quyển 8), được biết, vào năm Gia Long thứ 1 (1802) Văn Miếu bản trấn (Văn Miếu Mao Điền) có hơn 40 mẫu tự điền, hoa lợi thu hoạch được chi dùng vào việc hương đăng thường nhật và sửa chữa nhỏ tại Văn Miếu. Các ngày tế Đinh mùa xuân, mùa thu, quan Tổng Đốc Hải Dương sức cho các tổng chuẩn bị lễ tam sinh chu đáo (Lễ tam sinh gồm dê, trâu, và lợn). Để chuẩn bị vào ngày lễ chính, Văn Miếu được quét dọn sạch sẽ, đường làng ngõ xóm được các gia đình dọn dẹp phong quang. Dọc đường cái quan (Quốc lộ 5) từ cống Văn Miếu tới làng Ghẽ (nay thuộc xã Tân Trường) dài gần 3km được cắm cờ thần để chào đón quan Tổng Đốc Hải Dương và đoàn tùy tùng về chủ lễ tại Văn Miếu. Nhân dân địa phương (chủ yếu là nam), các nho sinh, thày đồ và các đoàn Tư văn của khắp trấn đã tề tựu đông đủ tại Văn Miếu. Ngày lễ chính (18/2 âm lịch), quan Tổng Đốc đi ngựa (có thời kỳ đi ô tô) từ Hải Dương về Văn Miếu, tới cổng Văn Miếu xuống ngựa (hạ mã) đi bộ vào trong với tư thế uy nghi cân đai, bối tử, có 4 lọng che và hai bên có lính lệ bồng súng tháp tùng. Tiếp theo sau là các quan thủ huyện, chánh tổng, hào lý, trương tuần đi hộ tống. Hai bên đường dẫn vào Văn Miếu các nho sinh, kỳ mục, tư văn, hương đảng đội ngũ chỉnh tề, tàn lọng nghi trượng trang nghiêm rực rỡ. Các ban thờ tại Văn Miếu được bày lễ vật trang trọng, lộng lẫy, đèn nến rực sáng, hương thơm ngào ngạt... Trong không khí thành kính và tâm linh đó, chủ tế là quan Tổng Đốc Hải Dương bước vào nhà đông vu thay đồ lễ phục và tiến hành tế lễ. Thời gian tế lễ khoảng 1 giờ đến 1 giờ rưỡi. Các tuần tế được tuân thủ nghiêm ngặt, ban đầu là dâng hương, rồi lần lượt đến dâng rượu, dâng nước, dâng vật phẩm đều rất chu đáo, thành kính. Đọc văn tế dõng dạc, hào sảng... Sau khi quan Tổng Đốc tế lễ xong thì các quan viên huyện thừa, chánh tổng, hào lý, nho sinh, tư văn... lần lượt vào dâng hương lễ thánh, sau cùng là các cụ ông cao tuổi của địa phương vào làm lễ... Kết thúc buổi tế lễ, cỗ lễ được chia cho các quan và mọi người dự lễ theo thứ bậc, tuổi tác...
Ngoài hai ngày tế Đinh quan trọng vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch, hàng năm, ngày thường Văn Miếu đều mở cửa cho nhân dân địa phương và khách thập phương đến lễ Thánh. Các học trò trong làng, ngoài tổng thường có lệ cứ trước mỗi kỳ thi đều đến Văn Miếu làm lễ Thánh xin cho đầu óc sáng suốt để thi đạt kết quả tốt. Đến khi công thành danh toại các nho sinh đều trở lại Văn Miếu làm lễ tạ ơn đức Thánh chu đáo. Đây là một sinh hoạt văn hóa cao đẹp thể hiện đạo lý của người Việt là hiếu học và tôn sư trọng đạo, rất cần được trân trọng và phát huy.
Từ sau cách mạng tháng 8/1945, đặc biệt từ khi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp bùng nổ (1946 – 1954), do ảnh hưởng của chiến tranh và những định kiến về văn hóa Nho giáo, hoạt động tế lễ ở Văn Miếu Mao Điền cũng như các Văn Chỉ tại nhiều làng xã bị xem nhẹ. Theo đó hệ thống di tích này dần bị xuống cấp nghiêm trọng, hầu như các công trình đều bị hủy hoại, đồ thờ tự bị thất lạc, nghi lễ tế lễ Khổng Tử bị thất truyền.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Văn Miếu Mao Điền bị Pháp sử dụng vào mục đích chiến tranh, thời kỳ chống Mỹ cứu nước thì lại làm nơi chứa lương thực, vật tư của Nhà nước. Đến năm 1991 nhân dân địa phương mới đứng ra vận động công đức tu sửa để giữ gìn. Năm 1992, Văn Miếu được xếp hạng cấp Quốc gia, tạo điều kiện về khoa học và pháp lý để phát huy tác dụng của di tích. Năm 2002 tỉnh Hải Dương thực hiện dự án lớn trùng tu Văn Miếu đã trả lại tương đối đầy đủ các hạng mục đã bị hủy hoại. Ngoài thờ Khổng Tử, Văn Miếu còn phối thờ 8 vị Đại Khoa của trấn Hải Dương xưa. Năm 2011 Văn Miếu được giao cho huyện Cẩm Giàng quản lý trực tiếp.
Hoạt động tế lễ truyền thống tại Văn Miếu được khôi phục và nâng tầm thành phục dựng lễ hội truyền thống tại Văn Miếu Mao Điền đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân trong tỉnh nhất là học sinh. Việc phục dựng lễ hội truyền thống Văn Miếu Mao Điền là một bước sáng tạo của ngành Văn hóa tỉnh Hải Dương, nhằm phát huy giá trị của một di tích biểu tượng cho truyền thống hiếu học của người xứ Đông. Trong lễ hội, việc tế lễ Khổng Tử và các bậc Đại Nho được thực hiện trang trọng, kết hợp với những hoạt động của một lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt đã thực sự thu hút sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo nhân dân, học sinh trong tỉnh cũng như nhiều tỉnh khác.
Văn Miếu Mao Điền vừa hoàn thành việc lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xét để xếp hạng là Di tích đặc biệt Quốc gia, hy vọng với danh hiệu đó Văn Miếu Mao Điền sẽ ngày càng trở thành một địa chỉ văn hóa giáo dục tiêu biểu của tỉnh Hải Dương, cũng như của cả nước.
Theo lệ cổ truyền thì người ít học và phụ nữ không được dự vào việc tế lễ tại Văn Miếu. Đặc biệt dưới triều Nguyễn (1802 – 1945) Nhà nước quan tâm tới việc tế lễ tại các di tích Nho học. Năm Minh Mệnh thứ 18 (1839) Vua chuẩn lời nghị: “Văn Miếu và đền Khải Thánh tại các địa phương xuân thu nhị kỳ tế lễ. Lễ vật dùng trâu, dê, lợn, xôi đều một, quả phẩm 3 mâm. Vị phối hưởng dùng 2 con lợn, 4 mâm xôi, quả phẩm 8 mâm. Vị tiên triết lễ dùng 1 con lợn, xôi đều một, quả phẩm 3 mâm. Đến kỳ tế chọn ty Bố Chánh (Hành chính), Án sát (Xử án), Đề học (Giáo dục), mỗi ty sung một vị quan làm Chính hiển (Chủ lễ) ở Khải Thánh”. Qua đó có thể thấy rõ việc tế lễ tại Văn Miếu Mao Điền được thực hiện một năm hai kỳ vào mùa xuân và mùa thu (tháng 2 và tháng 8). Thực chất hoạt động tế lễ tại các di tích (Kể cả Văn Miếu, đền, đình, chùa, miếu) luôn là một phần rất quan trọng trong lễ hội dân gian của người Việt. Và có thời kỳ có quy định cụ thể của triều đình.
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ (quyển 8), được biết, vào năm Gia Long thứ 1 (1802) Văn Miếu bản trấn (Văn Miếu Mao Điền) có hơn 40 mẫu tự điền, hoa lợi thu hoạch được chi dùng vào việc hương đăng thường nhật và sửa chữa nhỏ tại Văn Miếu. Các ngày tế Đinh mùa xuân, mùa thu, quan Tổng Đốc Hải Dương sức cho các tổng chuẩn bị lễ tam sinh chu đáo (Lễ tam sinh gồm dê, trâu, và lợn). Để chuẩn bị vào ngày lễ chính, Văn Miếu được quét dọn sạch sẽ, đường làng ngõ xóm được các gia đình dọn dẹp phong quang. Dọc đường cái quan (Quốc lộ 5) từ cống Văn Miếu tới làng Ghẽ (nay thuộc xã Tân Trường) dài gần 3km được cắm cờ thần để chào đón quan Tổng Đốc Hải Dương và đoàn tùy tùng về chủ lễ tại Văn Miếu. Nhân dân địa phương (chủ yếu là nam), các nho sinh, thày đồ và các đoàn Tư văn của khắp trấn đã tề tựu đông đủ tại Văn Miếu. Ngày lễ chính (18/2 âm lịch), quan Tổng Đốc đi ngựa (có thời kỳ đi ô tô) từ Hải Dương về Văn Miếu, tới cổng Văn Miếu xuống ngựa (hạ mã) đi bộ vào trong với tư thế uy nghi cân đai, bối tử, có 4 lọng che và hai bên có lính lệ bồng súng tháp tùng. Tiếp theo sau là các quan thủ huyện, chánh tổng, hào lý, trương tuần đi hộ tống. Hai bên đường dẫn vào Văn Miếu các nho sinh, kỳ mục, tư văn, hương đảng đội ngũ chỉnh tề, tàn lọng nghi trượng trang nghiêm rực rỡ. Các ban thờ tại Văn Miếu được bày lễ vật trang trọng, lộng lẫy, đèn nến rực sáng, hương thơm ngào ngạt... Trong không khí thành kính và tâm linh đó, chủ tế là quan Tổng Đốc Hải Dương bước vào nhà đông vu thay đồ lễ phục và tiến hành tế lễ. Thời gian tế lễ khoảng 1 giờ đến 1 giờ rưỡi. Các tuần tế được tuân thủ nghiêm ngặt, ban đầu là dâng hương, rồi lần lượt đến dâng rượu, dâng nước, dâng vật phẩm đều rất chu đáo, thành kính. Đọc văn tế dõng dạc, hào sảng... Sau khi quan Tổng Đốc tế lễ xong thì các quan viên huyện thừa, chánh tổng, hào lý, nho sinh, tư văn... lần lượt vào dâng hương lễ thánh, sau cùng là các cụ ông cao tuổi của địa phương vào làm lễ... Kết thúc buổi tế lễ, cỗ lễ được chia cho các quan và mọi người dự lễ theo thứ bậc, tuổi tác...
Ngoài hai ngày tế Đinh quan trọng vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch, hàng năm, ngày thường Văn Miếu đều mở cửa cho nhân dân địa phương và khách thập phương đến lễ Thánh. Các học trò trong làng, ngoài tổng thường có lệ cứ trước mỗi kỳ thi đều đến Văn Miếu làm lễ Thánh xin cho đầu óc sáng suốt để thi đạt kết quả tốt. Đến khi công thành danh toại các nho sinh đều trở lại Văn Miếu làm lễ tạ ơn đức Thánh chu đáo. Đây là một sinh hoạt văn hóa cao đẹp thể hiện đạo lý của người Việt là hiếu học và tôn sư trọng đạo, rất cần được trân trọng và phát huy.
Từ sau cách mạng tháng 8/1945, đặc biệt từ khi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp bùng nổ (1946 – 1954), do ảnh hưởng của chiến tranh và những định kiến về văn hóa Nho giáo, hoạt động tế lễ ở Văn Miếu Mao Điền cũng như các Văn Chỉ tại nhiều làng xã bị xem nhẹ. Theo đó hệ thống di tích này dần bị xuống cấp nghiêm trọng, hầu như các công trình đều bị hủy hoại, đồ thờ tự bị thất lạc, nghi lễ tế lễ Khổng Tử bị thất truyền.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Văn Miếu Mao Điền bị Pháp sử dụng vào mục đích chiến tranh, thời kỳ chống Mỹ cứu nước thì lại làm nơi chứa lương thực, vật tư của Nhà nước. Đến năm 1991 nhân dân địa phương mới đứng ra vận động công đức tu sửa để giữ gìn. Năm 1992, Văn Miếu được xếp hạng cấp Quốc gia, tạo điều kiện về khoa học và pháp lý để phát huy tác dụng của di tích. Năm 2002 tỉnh Hải Dương thực hiện dự án lớn trùng tu Văn Miếu đã trả lại tương đối đầy đủ các hạng mục đã bị hủy hoại. Ngoài thờ Khổng Tử, Văn Miếu còn phối thờ 8 vị Đại Khoa của trấn Hải Dương xưa. Năm 2011 Văn Miếu được giao cho huyện Cẩm Giàng quản lý trực tiếp.
Hoạt động tế lễ truyền thống tại Văn Miếu được khôi phục và nâng tầm thành phục dựng lễ hội truyền thống tại Văn Miếu Mao Điền đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân trong tỉnh nhất là học sinh. Việc phục dựng lễ hội truyền thống Văn Miếu Mao Điền là một bước sáng tạo của ngành Văn hóa tỉnh Hải Dương, nhằm phát huy giá trị của một di tích biểu tượng cho truyền thống hiếu học của người xứ Đông. Trong lễ hội, việc tế lễ Khổng Tử và các bậc Đại Nho được thực hiện trang trọng, kết hợp với những hoạt động của một lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt đã thực sự thu hút sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo nhân dân, học sinh trong tỉnh cũng như nhiều tỉnh khác.
Văn Miếu Mao Điền vừa hoàn thành việc lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xét để xếp hạng là Di tích đặc biệt Quốc gia, hy vọng với danh hiệu đó Văn Miếu Mao Điền sẽ ngày càng trở thành một địa chỉ văn hóa giáo dục tiêu biểu của tỉnh Hải Dương, cũng như của cả nước.
Lê Thị Dự