Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Sản phẩm lưu niệm du lịch: Cần có một chiến lược để “níu chân và gợi nhớ”

Sản phẩm lưu niệm là một trong những nhân tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng… khách sạn trên địa bàn Hải Dương vẫn còn thiếu và yếu, chưa mang được bản sắc đặc trưng của vùng miền.
Ý nghĩa hàm chứa của sản phẩm lưu niệm du lịch

Xét về mặt lý luận, sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch được hiểu là một dạng hàng hóa được tạo ra nhằm thu hút sự chú ý và tiêu dùng của khách du lịch. Sản phẩm này thường được cụ thể hóa bằng các sản phẩm vật chất mang đặc tính văn hóa của địa phương, khu vực hoặc quốc gia.

Theo ông Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội: “Đặc điểm của quà lưu niệm là sản phẩm chứa đựng sự kết tinh sức lao động của người dân địa phương, nghệ nhân truyền thống; phải mang tính đặc trưng của khu vực đó, có tính truyền thống, phản ánh được phần nào hình ảnh của khu vực và con người sinh sống nơi đó; nguồn nguyên liệu làm ra quà lưu niệm cũng phải xuất phát từ địa phương; quà lưu niệm là một sản phẩm du lịch có thể dịch chuyển và lưu giữ được. Quà lưu niệm hàm chứa một ý nghĩa hết sức đặc biệt, không chỉ làm người nhận nhớ người tặng  mà còn là sự ghi lại một kỷ niệm và mang thông điệp đặc trưng văn hóa của nơi sản xuất ra nó. Giá trị của quà lưu niệm có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế và văn hóa tinh thần, vừa tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương; ổn định cuộc sống và kinh tế của địa phương, làm tăng doanh thu cho ngành du lịch và nền kinh tế, vừa thông qua các mặt hàng lưu niệm du khách phần nào thấy được hình ảnh con người vùng đất và bản sắc văn hóa của nơi đó”.

Các chủng loại sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch được du khách quan tâm chủ yếu là các mặt hàng mang đặc thù riêng, có nguồn gốc địa phương và mang dấu ấn du lịch. Các mặt hàng lưu niệm được đánh giá cao ở tỉnh ta như: sản phẩm thuộc nhóm tranh ảnh và thủ công mỹ nghệ, nổi bật nhất là các sản phẩm gốm Chu Đậu và tranh thêu tay Xuân Nẻo - Tứ Kỳ, giày da - Hoàng Diệu, mũ, nón…; quà tặng du lịch đặc trưng có nhóm bánh mứt và nhóm trái cây như: bánh Đậu xanh, bánh Khảo, bánh Gai Ninh Giang, vải thiều Thanh Hà… những loại quà tặng nhóm này thì du khách thích thưởng thức trực tiếp hơn là mua để làm quà, bởi tính chất của sản phẩm ngắn về thời gian sử dụng.

 
Sẽ rất khó để tìm thấy sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Hải Dương ở cả một quầy hàng lưu niệm rộng lớn của điểm dừng chân du lịch Việt Tiên Sơn, thị xã Chí Linh, Hải Dương.


Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 18 đơn vị kinh doanh điểm dừng chân du lịch, đây là nơi tập trung nhiều nhất các mặt hàng lưu niệm và quà tặng du lịch. Theo quan sát của chúng tôi thì, các mặt hàng được bày bán khá phong phú, nhưng để tìm sản phẩm du lịch đặc trưng của Hải Dương thì rất hiếm.

Điểm qua các quà lưu niệm trên thế giới chúng ta có thể thấy: đến nước Pháp có quà tặng là tháp Eiffel; Malaysia có tháp đôi; Thái Lan có voi, Trung Quốc có sân vận động tổ chim hay Vạn Lý Trường Thành, Campuchia có Angkor Wat, Ý có tháp nghiêng Pisa, Nga có lật đật Petrushka… vậy đến Việt Nam hay Hải Dương chúng ta có gì?.

Ta có nhiều sản phẩm nhưng chưa xác định đâu là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho hình ảnh Hải Dương. Hãy bắt đầu từ di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, nơi tập trung đông khách nhất cả năm. Sau khi thăm quan, tìm hiểu du khách cũng háo hức muốn tìm những món quà nhỏ về tặng người thân nên các quầy hàng lưu niệm cũng rất đông người ghé thăm. Tuy nhiên, dạo quanh đến gần chục cửa hàng thì tất cả đều na ná như nhau, các món hàng cũng giống nhau. Trên các kệ hàng bắt mắt nhất vẫn chỉ là những khung ảnh, tranh có hình tam quan chùa Côn Sơn, hay một vài danh nhân, còn lại thì hàng hóa trưng bày chủ yếu là quần áo, ấm chén, túi, ví, thú bông, đồ chơi trẻ em, thậm chí hầu hết các món quà nhỏ có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ chiếc mũ tránh nắng đến dây đeo tay, móc chìa khóa. Vậy nên người ngắm thì nhiều, người mua thì ít. Chị Nguyễn Kim Nhung – Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi về Côn Sơn khá nhiều lần, cũng muốn mua một món quà lưu niệm về trưng ở nhà nhưng chẳng biết chọn cái nào, mấy món quà không hấp dẫn. Thế nên chúng tôi chỉ ngắm chứ chẳng mua. Những người trẻ ưa thích du lịch như bọn tôi lại thích mua về những đặc sản của vùng miền, tuy nhiên nếu nhìn vào đây thì chỉ có ấm chén, búp bê, túi, áo… song những thứ này giống hệt từ chất liệu, đến kiểu dáng hàng bán ở các địa điểm du lịch khác như Mai Châu, Sa Pa, Hòa Bình, thậm chí còn bán đầy ở Hà Nội với giá khá rẻ. Hỏi làm sao chúng tôi sẵn lòng bỏ tiền ra mua được”.

 Một chủ cửa hàng bán quà lưu niệm ở di tích Côn Sơn chia sẻ: “Ngày nào chúng tôi cũng dọn hàng bày bán đúng giờ, nhưng hầu như chẳng có khách mua, chủ yếu là bán được vài cái mũ, mấy thứ đồ chơi cho học sinh hay vài chiếc áo phông có in chữ Côn Sơn – Kiếp Bạc, chúng tôi cũng quen bán những mặt hàng này rồi, không biết thay đổi thế nào để mặt hàng thu hút vì nó chỉ có vậy, cũng thành quen”.

Hơn nữa, du lịch làng nghề ở Hải Dương chưa phát triển, người dân tại các làng nghề chưa chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm, chưa có thói quen tạo sản phẩm lưu niệm để bán cho khách du lịch.

Quà lưu niệm là vật phẩm kỷ niệm sau chuyến đi, hình thức rất nhỏ gọn để dễ dàng phù hợp với hành trang du lịch song phải thể hiện được lịch sử, văn hóa đặc trưng của vùng đất ấy. Nếu nhìn vào “thị trường” quà du lịch tại Hải Dương thì quả thật còn nghèo nàn, thiếu bản sắc; có thể vì chúng ta mới chỉ đủ sức “quy tập” những sản phẩm dễ kiếm dễ làm, song như vậy thì chẳng có gì đủ để quyến rũ bất cứ du khách nào.

Cần có sản phẩm lưu niệm du lịch đặc trưng

Sản phẩm lưu niệm không chỉ làm gia tăng giá trị thặng dư cho ngành du lịch mà còn là một trong những giải pháp quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Vậy nên việc chậm trễ xác định quà lưu niệm đặc trưng tại các điểm đến ở địa phương cũng như tầm quốc gia không chỉ làm cho ngành du lịch mất đi nguồn ngoại tệ không nhỏ mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước.

Ông Dương Văn Sáu – Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết thêm: “Tôi nghĩ chúng ta nên cần sự kết hợp của bốn nhà: nhà nghiên cứu – nhà quản lý – doanh nghiệp – nhà sản xuất, đó chính là bản chất của vấn đề. Đặc biệt, chúng ta cần nghiên cứu và sáng tạo ra sản phẩm lưu niệm du lịch dựa trên lịch sử văn hóa và con người Hải Dương, từ đó tìm ra những điểm nhấn và đặc trưng riêng. Từng  bước thực hiện, sáng tạo ra sản phẩm lưu niệm và nâng nó lên thành hàng Việt Nam chất lượng cao để có thể cạnh tranh với các sản phẩm quà lưu niệm của các nước trong khu vực và tỉnh lân cận. Đặc biệt hạn chế nhập hàng từ Trung Quốc, Thái Lan…mà chúng ta phải tự sản xuất ra sản phẩm mang nét đặc trưng văn hóa con người của Hải Dương, của Việt Nam để gây ấn tượng tốt tới du khách trong và ngoài nước. Đồng thời quy định giá bán cho từng sản phẩm để người sản xuất và người bán, người tiêu dùng đều có lợi. Tăng cường phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là sản phẩm tranh thêu tay, đồ gốm sứ… vì đây là những mặt hàng mà du khách yêu thích”.

Khi các đoàn ngoại giao tới, lãnh đạo tỉnh đi công tác đối ngoại rất cần quà tặng mang biểu tượng của địa phương mình. Có thể có những quà tặng truyền thống rồi nhưng để có một quà tặng ai cũng dùng đến nó, ai cũng biết đến nó trong tất cả sự kiện quan trọng là cực kỳ cần thiết và quan trọng.

Xây dựng các khu sản xuất quà lưu niệm ngay tại trung tâm thành phố hay tại các di tích lớn, như vậy du khách vừa có thể thăm quan và mua sắm, làm tăng nhu cầu mua sắm cho du khách. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác quà lưu niệm với nhiều chủ đề khác nhau nhằm chọn ra những sản phẩm tốt có ý nghĩa bổ sung vào bộ sưu tập quà lưu niệm của Hải Dương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè năm châu.

Chúng ta cần sản xuất các mặt hàng lưu niệm như móc khóa, bưu thiếp...có in các biểu tượng Thành Đông, Côn Sơn – Kiếp Bạc, các danh nhân như anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, thầy giáo Chu Văn An, hay tượng Bác Hồ đọc bia Côn Sơn bằng Gốm …phát triển mạnh các mặt hàng Gốm sứ Chu Đậu tinh xảo mà nhỏ gọn, giá cả hợp lý để thu hút du khách.

Thiết kế các chương trình thăm quan kết hợp mua sắm đặc biệt là khách công vụ. Thiết kế một website chung để du khách có thể tìm thấy những món quà lưu niệm hay địa chỉ để mua quà du lịch, thưởng thức các món ẩm thực riêng có của Hải Dương.

Đội ngũ nhân viên bán hàng lưu niệm cần trang phục chỉnh tề, gọn gàng, có đồng phục đặc trưng để tạo điểm nhấn gây ấn tượng đến du khách, bên cạnh đó cần có kiến thức sâu rộng về văn hóa và con người Hải Dương để hướng dẫn làm du khách thích thú hơn.

Như ở Đảo cò, người dân có thể sử dụng chính những nguyên liệu từ nông nghiệp như rơm,… để bện thành những con cò, con vạc, con chim…, cắt tỉa, phun màu, tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ là những món quà hết sức tinh tế và đặc trưng của Đảo cò; có thể mua áo phun hình quang cảnh Đảo cò lên trên đó. Ông Nguyễn Văn Trạm - Cán bộ Văn hóa xã Chi Lăng Nam cho biết: “ Tôi nghĩ, không chỉ Đảo cò mà tất cả các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh cần học hỏi, sáng tạo cho riêng mình một sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Gần đây lượng khách đến Đảo cò ngày một tăng cao, cả khu du lịch Đảo cò có khoảng 5 hàng quán dịch vụ bán hàng lưu niệm, do bà con chủ yếu làm nông nghiệp tư duy làm du lịch vẫn còn hạn chế và chưa hiểu hết bản chất của quà lưu niệm du lịch, hầu hết mặt hàng lưu niệm còn nghèo nàn, chủ yếu là mấy con cò bằng nhựa nhập từ Trung Quốc, thú bông… không có gì đặc sắc, nên gần như du khách đến thăm quan Đảo cò rồi ra về chứ hầu như không tăng thêm được dịch vụ nào khác”.

Ở Đền cao - An phụ thì sản phẩm cũng như các điểm khác, loanh quanh cũng chỉ mời chào mua hương làm lễ, mấy thứ đồ chơi chưa thể hiện được bản sắc. Tại sao các cửa hàng không nhập tượng Trần Hưng Đạo bằng Gốm Chu Đậu -Nam Sách về bán, có kích thước nhỏ gọn, giá cả phải chăng để phù hợp với nhiều đối tượng du khách.
Cần tập trung đào tạo, tập huấn hướng dẫn cho nhân lực bán hàng lưu niệm trên địa bàn toàn tỉnh hiểu đúng bản chất của quà lưu niệm du lịch, từ đó định hướng những bước đi đúng, họ có thể tự sáng tạo nên những sản phẩm lưu niệm đặc trưng của địa phương mình.

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã phát động cuộc thi sáng tạo và thiết kế quà lưu niệm của Hải Dương năm 2016, nhằm tìm ra những thiết kế và sự sáng tạo đặc trưng nhất về những sản phẩm lưu niệm đặc sắc và mang đậm bản sắc của đất và người Hải Dương. Đây được đánh giá là những bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển sản phẩm lưu niệm của tỉnh nhà.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thế Anh

Nguồn tin: vhttdlhd.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây