Ủy ban Pháp luật Quốc hội cơ bản đồng ý với nội dung đề án thành lập thành phố Chí Linh
- Thứ sáu - 21/12/2018 08:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cùng dự có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp và Hải Dương; đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc…
Theo Tờ trình và Đề án về thành lập thị trấn Thường Thới Tiền (thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), thị trấn được thành lập trên cơ sở nhập một phần xã Thường Phước 2 vào xã Thường Thới Tiến, cũng như nhập một phần diện tích của xã Thường Thới Tiến vào xã Thường Phước 2. Thị trấn được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 15,82km2, dân số có 17.496 người của xã Thường Thới Tiến sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính. Đề án thành lập thị trấn Thường Thới Tiền đã đáp ứng đủ theo quy định, trong đó đã tiến hành lấy ý kiến cử tri, nhận được sự đồng tình cao của cử tri và người dân.
Theo Tờ trình và Đề án sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh, Hải Dương do xã Kênh Giang chưa đạt 50% số tiêu chuẩn về diện tích và dân cư, nên đề xuất sáp nhập vào xã Văn Đức, để tập trung các nguồn lực phát triển. 6 phường thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của các xã Tân Dân, An Lạc, Đồng Lạc, Cổ Thành, Hoàng Tiến. TP Chí Linh được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Chí Linh, do đã có sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. TP Chí Linh sẽ có diện tích 282,03km2, dân số có 220.421 người, với 19 đơn vị cấp xã (gồm 14 phường và 5 xã). Đề án được lấy ý kiến của tri tại các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trự tiếp, với tỷ lệ tán thành trung bình đạt 98%.
Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thị trấn Thường Thới Tiền được nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ, nhằm tạo cơ sở pháp lý và tiền đề cho địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, nếu thực hiện theo phương án được Chính phủ đề ra sẽ có tình trạng chuyển nhiều đất, nhưng ít dân từ xã Thường Thới Tiền sang xã Thường Phước 2. Tuy nhiên, trong phần đánh giá tác động của Đề án chưa nêu ra và làm rõ tác động của tình trạng này.
Đối với việc sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường và TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hồ sơ Đề án và các tài liệu kèm theo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, bảo đảm đầy đủ và hợp lệ. Song, để có cơ sở cho UBTVQH quyết định, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, báo cáo đánh giá tác động cần đề cập đến dự kiến nguồn vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn, cũng như nêu rõ tình hình đáp ứng của ngân sách địa phương và các phương thức cụ thể huy động nguồn khác. Cần khẩn trương rà soát, hướng dẫn đổi tên gọi, con dấu của các cơ quan trên địa bàn.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền (tỉnh Đồng Tháp); nhập hai đơn vị hành chính cấp xã thành lập 6 phường và TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, với Tờ trình và Đề án về việc sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường và TP Chí Linh, một số ý kiến lưu ý, theo Điều 119, Luật Tổ chức QH và quy định liên quan tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì UBTVQH không có thẩm quyền quyết định sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, mà chỉ quyết định với việc nhập lại các đơn vị. Các ý kiến cũng lưu ý, cần rà soát hồ sơ Đề án để bảo đảm đúng với thẩm quyền của HĐND; nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng của TP Chí Linh; rà soát câu chữ để bảo đảm thống nhất giữa Tờ trình và Đề án…
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, xã Thường Thới Tiền có diện tích đất nông nghiệp lớn, dân cư thưa thớt; trong khi đó, xã Thường Phước 2 có diện tích không nhiều, thì mật độ dân cư lại cao, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Việc điều chuyển một phần diện tích của xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 2 để thành lập trung tâm huyện Hồng Ngự là phù hợp với điều kiện thực tế, cơ bản đều đạt và vượt quy định tại Nghị quyết 1211/2016 của UBTVQH.
Phó Chủ tịch QH cũng lưu ý, thành lập trung tâm huyện lỵ của huyện Hồng Ngự dựa trên điều chỉnh địa giới của hai xã nên phải xác định ranh giới rõ ràng, nhằm tránh xảy ra tranh chấp có thể có sau khi thành lập thị trấn Thường Thới Tiền.
Đối với Đề án sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, Chí Linh là một đơn vị hành chính khá đặc biệt, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Tốc độ đô thị hóa ở khu vực này rất nhanh, tỷ lệ phi nông nghiệp ở khu vực đạt mức gần 90% và đạt nhiều điều kiện thành lập chính quyền đô thị khác. “Thị xã hiện hành cơ bản đáp ứng được các điều kiện để được nâng lên cấp TP. Nếu xây dựng và quy hoạch tốt, TP Chí Linh sẽ là một điểm đến hấp dẫn”. Nhấn mạnh ý nghĩa của việc thành lập TP Chí Linh, Phó Chủ tịch QH lưu ý, việc tổ chức bộ máy hành chính cần tính toán đến quy định của một số luật mới được ban hành; có giải pháp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ hiện nay để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của đô thị...
Tại Phiên họp toàn thể lần này, Ủy ban Pháp luật cũng tiến hành thẩm tra Tờ trình của Chính phủ xin ý kiến UBTVQH về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm.
Tin và ảnh: Phương Thủy (Báo Đại biểu nhân dân)
(*) Tiêu đề do Chí Linh quê tôi đặt lại cho phù hợp.