Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Thành phố Chí Linh phát triển du lịch tâm linh

Chí Linh (tỉnh Hải Dương) là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi di dưỡng tinh thần của bao danh nhân lịch sử kiệt xuất của dân tộc. Nơi thờ các danh nhân đều là những vùng danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách về chiêm bái, thưởng ngoạn. Với những lợi thế đó, thành phố Chí Linh tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, trong đó lấy phát triển du lịch tâm linh làm cốt lõi.
Thành phố Chí Linh phát triển du lịch tâm linh
Trải qua các giai đoạn lịch sử, vùng đất Chí Linh đã trở thành nơi hội tụ của những anh tài, tuấn kiệt, bao bậc danh nho, danh tướng của lịch sử. Chưa có nơi nào, ở một địa phương (cấp huyện) lại hội tụ nhiều những nhân vật kiệt xuất hàng đầu của lịch sử Việt Nam như ở thành phố Chí Linh. Điều đáng nói, các danh nhân này lại trải đều trên nhiều lĩnh vực quân sự, văn hóa, giáo dục, tôn giáo.

Trước hết, đến với khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, là nơi gắn với tên tuổi của Danh tướng tầm cỡ thế giới Hưng Đạo Đại Vương, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi và Đệ tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Vùng đất Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo) gắn với cuộc đời Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Thời đó, vùng Vạn Kiếp là thái ấp của ông và ông đã chọn nơi này làm đại bản doanh của quân dân nhà Trần trong kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII. Với chiến công rạng rỡ, hiển hách ông đã được thế giới công nhận là một trong 10 danh tướng kiệt xuất của lịch sử quân sự thế giới. Để tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Vương, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ ngay khi ông còn sống và khi mất được nhân dân tôn là Đức Thánh Trần. Trong tâm thức tâm linh của người Việt bao đời qua, Đức Thánh Trần biểu tượng linh thiêng hộ quốc an dân, phù hộ sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh. Hằng năm, lễ hội mùa thu nơi đây có nhiều hoạt động, nghi thức độc đáo, hấp dẫn như: lễ hội quân trên sông Lục Đầu, liên hoan diễn xướng hầu thánh đã thu hút đông đảo du khách thập phương về trảy hội. Từ đền Kiếp Bạc đi ngược trở lại khoảng 7 km, đến phường Cộng Hòa du khách lại được tham quan di tích Côn Sơn. Nơi có chùa Hun thờ Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quảng tôn giả, đền Nguyễn Trãi thờ Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn nằm giữa bạt ngàn rừng thông với cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Đến đây, ngoài chiêm bái, vãn cảnh, du khách có dịp tìm hiểu thân thế cuộc đời, sự nghiệp đầy vinh quang những cũng đầy đau thương của Nguyễn Trãi, một bậc khai quốc công thần nhà hậu Lê. Lễ hội mùa xuân hàng năm cũng có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn du khách.

Ở khu di tích Phượng Hoàng, phường Văn An lại là một nơi tôn vinh đạo học. Đền thờ thầy giáo Chu Văn An, người thầy của muôn đời. Ông đã góp phần đào tạo ra nhiều người tài cho đất nước như Phạm Sư Mệnh. Ông còn là người cương trực, thắng thắn, ghét sự nhũng nhiều của gian thần. Ông đã dâng  « Thất trảm sớ » lên vua Trần đề nghị xử tội 7 tên quan nịnh thần nhưng vua không nghe. Chán cảnh nhiễu nhương, ông từ quan về núi Phượng Hoàng, dựng nhà dạy học, sống những năm tháng cuối đời và mất tại đây. Ở quần thể di tích Phường Hoàng, ngoài đền Chu Văn An còn có đền thờ Nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ cách đó không xa. Bà là nữ tiến sĩ nho học khoa bảng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, bà được đánh giá là bậc kỳ tài trong lịch sử. Bà cũng có nhiều công lao trong sự phát triển nền giáo dục đương thời. Di tích đền Nguyễn Thị Duệ còn gắn với Tinh Phi Cổ Tháp (tháp mộ của bà) được lịch sử suy tôn là một trong « Chí Linh bát cổ » nổi tiếng trong lịch sử. Hằng năm vào dịp đầu xuân, tại đền Chu Văn An chính quyền nhân dân địa phương tổ chức lễ khai bút đầu xuân đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương, học sinh, sinh viên, thầy cô giáo đến chiêm bái Đức Vạn thế Sư biểu Chu Văn An và dâng hương anh linh Nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ như một sự tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh đạo học, tôn vinh những bậc thầy của lịch sử giáo dục Việt Nam.

Từ khu di tích Phượng Hoàng xuôi về hướng đông nam của Chí Linh là khu di tích đền Cao (phường An Lạc). Khu di tích này gắn với truyền thuyết về sự tích 5 vị tướng họ Vương giúp vua Lê Đại Hành đánh đuổi giặc ngoại xâm ở thế kỷ thứ X. Khi đó, trước họa ngoại xâm của giặc phương Bắc, vua Lê Đại Hành khi lãnh đạo quân và dân ta thực hiện cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống năm 981. Khi hành quân đến đây, vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất Dược Đậu trang (phường  An Lạc ngày nay) làm đại bản doanh để luyện quân và tuyển chọn người tài giúp nước. Lúc ấy, năm anh em họ Vương, người bản trang đã đến xin đầu quân và được nhà vua tuyển chọn, phong chức tướng quân và cử đi đánh giặc. Khi chiến thắng khải hoàn, 5 vị tướng họ Vương đã hóa. Nơi các vị tướng hóa sau này được nhân dân lập đền thờ, phụng thờ trong suốt hơn một nghìn năm qua. Năm anh em họ Vương được nhân dân nơi đây tôn thành Thánh. Nơi đây còn có rừng lim cổ thụ, hàng trăm năm tuổi, cùng với đó là nhiều sự lệ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc và độc đáo của vùng đất linh thiêng này.

Ngược lên vùng đông bắc của thành phố Chí Linh, chúng ta đến với xã Hoàng Hoa Thám, nơi có chùa Thanh Mai, một ngôi cổ tự và là trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm tam tổ, một thiền phái Phật giáo lớn nhất nước ta thời nhà Trần. Đây cũng là nơi gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa. Ông là học trò được Phật Hoàng Trần Nhân Tông phát hiện, dạy dỗ, lựa chọn là người đứng đầu kế tục sự nghiệp phát triển Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Phật Hoàng, Đệ nhất tổ Trúc Lâm qua đời, Pháp Loa đã kế tục và phát triển Thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao rực rỡ. Ông đã đào tạo được hàng chục học trò xuất sắc, nuôi hàng chục nghìn tăng sư, xây hàng trăm ngôi chùa. Khi mất, xá nị xương cốt của ông được an táng tại Viên thông Bảo tháp nằm phía sau chùa Thanh Mai. Ở Thanh Mai còn nhiều di chỉ của những ngôi chùa cổ, đánh dấu sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm nói chung và vùng đất tổ Thanh Mai nói riêng. Du khách đến với Thanh Mai còn được khám phá thiên nhiên kỳ vĩ nơi đây. Rừng Thanh Mai nằm trong dải cánh cung Đông Triều và Tổ sơn Yên Tử và đây cũng là rừng nguyên sinh duy nhất của tỉnh Hải Dương với hệ thực vật rừng phong phú đa dạng. Trong đó, đáng chú ý bởi nơi đây có rừng lá phong cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là rừng phong được đánh giá đẹp nhất trong 7 nơi trên đất nước ta có rừng phong.

Còn du khách muốn tìm hiểu tín ngưỡng thờ mẫu và mong muốn cầu con (cầu tự) có thể đến với đền Sinh - đền Hóa. Đền Sinh - đền Hóa năm dưới chân núi ngũ nhạc thuộc dãy núi kỳ lần. Nơi đây thờ Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên hạ sinh trong hình hài một hài nhi ở bên khe đá. Từ khi sinh đến khi hóa trong một giờ. Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên đã nhiều lần hiển linh giúp vua Lý Nam Đến và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ngoài ra, đền còn thờ Đức Mẫu Thạch Bàn. Tín ngưỡng thờ mẫu ở đền Sinh - đền Hóa đã có từ lâu và được duy trì đến nay. Thờ mẫu còn mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở, chính vì thế hàng năm lượng du khách đến đây để cầu tự khá đông và nhiều du khách đã nguyện sở cầu.

Với hệ thống di tích dày đặc với nhiều cấp hạng di tích, từ di tích cấp quốc gia đặc biệt, đến di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh, với những nhân vật được thờ, tín ngưỡng tâm linh phong phú và thuần Việt, có thể nói Chí Linh đang có nguồn "tài nguyên" du lịch tâm linh vô giá, sẽ trở thành một nguồn lực to lớn trong phát triển kinh tế của thành phố.


Một số hình ảnh các điểm, Khu du lịch tâm linh tiêu biểu trên địa bàn thành phố Chí Linh.
 
16
 
15
 
36176031 1900278633361961 3344561792981401600 n
 
22289712 1429982887122197 4182873828242912974 o

 
22137094 1426593304127822 2430227222572318243 o

Ban Quản lý Di tích Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây