Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Nhọc nhằn nghề khai thác nhựa thông

Băng rừng, vượt suối hàng chục km; ăn, nghỉ ngay tại rừng là việc hằng ngày của những người thợ khai thác nhựa thông.
 

Mỗi ngày người thợ phải di chuyển hơn chục km, cạo nhựa cho hàng nghìn cây thông

Vất vả, nhọc nhằn nhưng những người thợ khai thác nhựa thông vẫn cố bám nghề.

Chạy đua với thời gian

Mặc cho trời đã dần đứng bóng, vừa nắng, vừa nóng, tốp thợ khai thác nhựa thông trên núi Phượng Hoàng, phường Văn An (Chí Linh) vẫn nhanh nhẹn di chuyển giữa các gốc cây. Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, bước chân có phần uể oải, nhưng bàn tay anh Nguyễn Văn Hồng, quê ở Bắc Giang vẫn thoăn thoắt dùng con dao chuyên dụng cạo những đường chéo nhỏ hình chữ V trên thân cây. Từ vết cạo, những dòng nhựa trắng đục theo rãnh nhỏ chảy xuống chiếc túi ni lông hứng sẵn bên dưới. Anh Hồng cho biết: "Khoảng 6 giờ tôi và anh em đã lên rừng. Vào mùa nóng, chúng tôi lên rừng sớm hơn để tránh nắng. Tôi nhận khoán lấy nhựa cho 2.000 cây thông. Để hoàn thành công việc, nhiều hôm tôi phải làm từ sáng sớm đến tối mịt mới xong". Thông trồng không theo hàng lối nào cả. Hơn 20 năm mọc trên rừng, những gốc thông đã bị cây dại, dây leo bịt kín. Vì vậy, để lấy được nhựa, người thợ chấp nhận bị gai cào, dây quấn vạch từng gốc cây để cạo vỏ. Cái giống thông cũng lạ, ngày nào không cạo vỏ là mạch bị vít chặt, nhựa không thể chảy ra được. Hằng ngày, để cạo vỏ cho đủ 2.000 cây, anh Hồng phải di chuyển quãng đường trên 10 km. 

Cũng như anh Hồng, anh Toàn ở phường Cộng Hòa nhận lấy nhựa cho gần 2 ha thông ở xã Hoàng Hoa Thám. Do nhà xa, hằng ngày anh phải dậy từ rất sớm, chuẩn bị đồ nghề, cơm nước cho cả ngày làm việc. Xe máy leo lên đến đỉnh đồi, anh cất xe rồi bắt đầu cạo nhựa thông. Một buổi sáng anh cố gắng cạo xong 1.000 cây rồi nghỉ trưa. Việc đi lại bất tiện nên buổi trưa anh nghỉ lại ngay trên đỉnh đồi. Cơm nước đã được chuẩn bị từ sáng, chỉ việc giở ra ăn rồi tranh thủ nghỉ ngơi để đầu giờ chiều bắt tay vào việc. "Mỗi ngày tôi phải cạo xong 2.000 cây, nếu không cạo, cây sẽ không cho nhựa. Công việc của bọn tôi ăn theo lượng nhựa thu được", anh Toàn cho biết. Mỗi ngày anh Toàn cũng phải vượt hàng chục km đường rừng, đến từng gốc cây để cạo vỏ. Đi rừng sợ nhất là muỗi. Vì vậy, dù trời nắng như đổ lửa, nhưng lúc nào anh cũng phải mặc quần áo kín mít. Chỉ cần hở ra một chút là muỗi tấn công ngay. Muỗi trong rừng nhiều vô kể mà toàn muỗi đói nên chỉ cần ngửi thấy hơi người là chúng lao đến tấn công. Theo anh Toàn, người thợ lấy nhựa thông còn sợ lúc trời chuyển mưa. Mưa rừng đến rất nhanh và thường kèm theo sấm sét. Càng trên núi cao lại càng sợ vì sét cứ chọn chỗ cao mà giáng xuống. Vì vậy, trời sắp mưa là phải chạy ngay xuống chân núi. Nhớ lại một lần thoát chết, anh Toàn kể: "Có lần tôi vừa chạy khỏi gốc cây một đoạn thì nghe tiếng sét nổ đinh tai, quay lại nhìn đã thấy cây thông trên đỉnh núi bị sét đánh chẻ làm đôi".

Thu nhập "bèo"

Nhọc nhằn, vất vả là vậy nhưng thu nhập từ nghề này cũng chỉ đủ cho người thợ trang trải cuộc sống gia đình một cách tằn tiện. Anh Hồng cho biết mấy anh em từ Bắc Giang xuống nhận khoán cho một chủ hộ ở phường Cộng Hòa. Mỗi người được giao khoảng 2.000 cây. Ngày nào cũng phải đi hơn chục km để cạo vỏ, nhưng phải hơn chục ngày mới được thu nhựa một lần. Mỗi tháng lấy 2 lần, mỗi lần thu được khoảng 250 - 300kg. Với mức khoán 13.000 đồng/kg, thu nhập của mỗi người chỉ được từ 3 - 4 triệu đồng/ tháng. Nếu mưa nhiều, lượng nhựa lấy được ít hơn, thu nhập cũng thấp hơn. Nhiều người không may nhận khoán phải những cánh rừng thông ít nhựa, thì thu nhập thấp hơn nhiều, chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Theo anh Hồng, mức thu nhập như vậy không tương xứng với công sức người thợ đã bỏ ra. Do ở xa nên anh Hồng cùng nhóm thợ phải ở trọ và thuê người nấu ăn. Vì vậy, số tiền tiết kiệm mỗi tháng không nhiều, chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình một cách tằn tiện.

Mặc dù nhận khoán với chủ rừng, nhưng không phải cây thông nào người thợ cũng được khai thác. Chỉ những cây có tuổi trên 20 năm, đường kính từ 20 cm trở lên mới được lấy nhựa. Tuy nhiên, cũng có cây đủ tuổi, đủ kích thước nhưng lại không cho nhiều nhựa do mọc trên núi đá khô cằn hoặc bị sâu bệnh phá hoại. Anh Toàn cho biết: "Mặc dù tôi nhận khoán 2.000 cây, nhưng lượng nhựa khai thác được lúc nhiều, lúc ít và phụ thuộc rất lớn vào thời tiết hoặc vị trí trồng cây. Trời mưa nhiều là chúng tôi dừng khai thác vì nước mưa làm mạch nhựa bị vít lại, nhựa không chảy ra được. Chỉ những cánh rừng nào có lớp thực bì dầy, cây thông mọc ở đó sẽ cho nhiều nhựa".

Theo ông Hoàng Đức Lưu, Giám đốc Ban Quản lý rừng, thị xã Chí Linh có gần 2.000 ha thông trồng xen lẫn một số loại cây khác như bạch đàn, keo... Ở đây có cả cây thông cổ thụ, thông non mới trồng và thông vài chục tuổi, tập trung chủ yếu ở các phường Văn An, Cộng Hòa và các xã Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi. Khi lấy nhựa, người thợ phải tuân theo một quy trình và kỹ thuật khai thác chặt chẽ, bảo đảm sự sinh trưởng và phát triển của cây thông. Mặc dù diện tích rừng đã giao khoán cho các hộ nhưng hoạt động khai thác nhựa phải được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vì đã nhận khoán của chủ rừng, thu nhập dựa vào lượng nhựa thu được nên nhiều người thợ cố tình khai thác cả những cây chưa đủ tuổi hoặc chưa đủ kích thước theo quy định. Bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng thực hiện đúng quy định khi khai thác nhựa thông, việc kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm cần được thực hiện nghiêm túc, góp phần bảo vệ diện tích rừng quý giá của tỉnh.

Tác giả bài viết: VỊ THỦY

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây