Khó chủ động nguồn giống gà đồi Chí Linh tại chỗ
- Thứ hai - 25/12/2017 19:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặc dù một số hộ dân ở thị xã Chí Linh đã nuôi gà sinh sản, nhưng để chủ động cung cấp con giống cho địa phương thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhu cầu lớn
Theo số liệu tổng hợp của Phòng Kinh tế thị xã Chí Linh, hằng năm, toàn thị xã có tổng đàn gà đồi khoảng 6 triệu con. Trong đó, chăn nuôi gà quy mô lớn tập trung ở 7 xã, phường: Bắc An, Lê Lợi, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm, Hoàng Tân và Hoàng Tiến. Ở các địa phương này hiện có gần 1.000 hộ nuôi với quy mô từ 1.000 con/đàn trở lên. Mặc dù nhu cầu con giống gà đồi của người chăn nuôi rất lớn nhưng hiện nay trên địa bàn thị xã chỉ có vài hộ nuôi gà sinh sản và mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Để có nguồn giống, người dân phải mua từ nhiều nơi như huyện Gia Lộc, các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (TP Hà Nội)...
Để từng bước chủ động nguồn giống tại chỗ, thời gian qua, thị xã Chí Linh và cơ quan chuyên môn của tỉnh đã quan tâm gây dựng, phát triển đàn gà bố mẹ. Trong các năm 2015 - 2017, thị xã Chí Linh thực hiện dự án khoa học, công nghệ của tỉnh sản xuất một số giống gà chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm "Gà đồi Chí Linh". Dự án chọn 3 hộ có kinh nghiệm nuôi gà giống là hộ ông Lê Đình Dũng (phường Cộng Hòa) nuôi giống Đông Tảo lai, hộ ông Bùi Ngọc Oanh (xã Hoàng Hoa Thám) nuôi giống gà mía lai và hộ ông Vũ Văn Trình (xã Lê Lợi) nuôi giống gà chọi lai. Các hộ đều được hỗ trợ toàn bộ 100 con gà trống, 1.000 con gà mái (trị giá 31 triệu đồng), 13 triệu đồng thuốc thú y và 50% giá trị máy ấp trứng có công suất 10.500 quả/mẻ. Các hộ đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, thời gian chăm sóc gà bố mẹ và làm gà giống. Kết thúc dự án, có hai hộ làm gà giống chọi lai và mía lai cho hiệu quả tốt. Riêng hộ làm giống gà Đông Tảo lai do con giống bố mẹ không bảo đảm nên không thành công. Sau khi hoàn thành dự án, các gia đình này tiếp tục duy trì sản xuất gà giống cung cấp cho thị trường.
Do các hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cộng với nguồn gà bố mẹ bảo đảm nên cho nguồn giống tốt, gà thương phẩm sinh trưởng, phát triển ổn định, chất lượng thịt cao. Gà giống sản xuất tại địa phương có khả năng sống và kháng bệnh tốt hơn do quen thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước. Mua con giống tại địa phương, người nuôi không phải vận chuyển đi quãng đường xa nên khi về chăn thả tại các hộ gà khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao. Trong khi đó, nếu người dân dùng con giống trôi nổi, giá rẻ rất dễ lây nhiễm, mang mầm bệnh về địa phương. Chị Nhữ Thị Luyến ở thôn Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám) nuôi gà thương phẩm được 10 năm nay. Mỗi tháng bình quân gia đình chị bán 3.000 con gà thịt. Từ khi gia đình ông Bùi Ngọc Oanh ở cùng xã làm được con giống, chị đã mua hơn 10.000 con. "Mua con giống ở đây gia đình tôi thấy yên tâm vì biết rõ con bố mẹ, quy trình làm giống. Tính ra tôi tiết kiệm được trên dưới 1 triệu đồng/1.000 con so với mua ở ngoài. Gà khỏe, ít bị bệnh, tỷ lệ chết thấp", chị Luyến cho biết. Chị Luyến làm một phép so sánh: trước đây nếu bắt 1.000 con giống ở tỉnh ngoài thì khi xuất bán, đàn gà nhà chị chỉ còn 900 con. Nhiều hộ ở thôn bắt giống ở ngoài có đàn chết mất gần một nửa. Nay chị bắt giống ở địa phương, tỷ lệ chết chỉ 20 - 50 con/ 1.000 con.
Ông Cao Văn Hào, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Chí Linh cho biết: "Hiện nay, ngoài 2 hộ ông Oanh, ông Trình, còn một vài hộ khác cùng làm con giống. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng đã khẳng định việc làm con giống tại chỗ là hướng đi đúng để phát triển thương hiệu "Gà đồi Chí Linh". Gà giống tại chỗ đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội so với con giống mua ở nơi khác".
Còn nhiều khó khăn
Tuy việc làm con giống tại chỗ phát huy hiệu quả tích cực nhưng hiện nay khó nhân rộng. Ông Bùi Ngọc Oanh, chủ hộ nuôi gà sinh sản ở xã Hoàng Hoa Thám cho biết: "Muốn nuôi gà sinh sản phải chọn được con bố mẹ thật tốt. Nếu không biết cách chăm sóc, gà mái không đẻ được hoặc đẻ được nhưng chất lượng trứng không bảo đảm yêu cầu". Do chu kỳ nuôi gà sinh sản kéo dài 2 năm nên thường xuyên phải tiêm vắc-xin phòng bệnh, trung bình 2,5 - 3 tháng/lần. Khi gà mái bị bệnh hoặc đến kỳ sinh sản cũng phải dùng thuốc, thức ăn đặc chủng, nếu không chúng sẽ mất khả năng sinh sản... Làm con giống vừa vất vả, quy trình phức tạp chính là nguyên nhân khiến nhiều người không mấy quan tâm đến việc này. Ngoài ra, vốn đầu tư ban đầu lớn, lại thu hồi vốn chậm hơn so với nuôi gà thương phẩm. Gà sinh sản phải sau 5 tháng nuôi mới bắt đầu đẻ trứng, trong khi gà thương phẩm chỉ nuôi trên dưới 3 tháng là có thể xuất chuồng, hiệu quả kinh tế nhìn thấy ngay. Nếu gặp lúc giá xuống thấp, người nuôi có thể tiếp tục nuôi chờ giá lên hoặc bán hết đàn là thôi. Còn với gà sinh sản, dù giá gà giống thấp, người nuôi vẫn phải duy trì nuôi gà bố mẹ. Nếu bán đi thì giá rất thấp, thiệt hại lớn. Hiện nay, nguồn điện lưới cung cấp chưa ổn định, nhất là vào mùa hè, gây nhiều khó khăn cho các hộ dùng máy ấp trứng.
Ngoài một số hộ được đầu tư, trang bị kiến thức nên có thể sản xuất được con giống bảo đảm chất lượng, ở thị xã Chí Linh hiện vẫn còn một số hộ nuôi gà sinh sản phần lớn dựa vào kinh nghiệm, chưa thực hiện đúng quy trình khoa học, kỹ thuật. Quy mô sản xuất của các hộ này nhỏ lẻ, thủ công nên chất lượng con giống không đồng đều, sinh trưởng, phát triển kém.
Để không ngừng duy trì và phát triển thương hiệu "Gà đồi Chí Linh" ở trong và ngoài nước, một trong những yếu tố hàng đầu là phải chủ động được nguồn cung cấp và kiểm soát giống. Các hộ nuôi gà của thị xã Chí Linh mong muốn tỉnh và địa phương quan tâm đầu tư phát triển các mô hình nuôi gà sinh sản có quy mô lớn, hiện đại để chủ động nguồn cung cấp con giống ổn định, chất lượng cao. Địa phương cần quy hoạch xây dựng khu nuôi gà sinh sản tập trung, đồng thời tiếp tục có cơ chế hỗ trợ những hộ nuôi gà sinh sản...
DANH TRUNG (Báo Hải Dương điện tử)
Theo số liệu tổng hợp của Phòng Kinh tế thị xã Chí Linh, hằng năm, toàn thị xã có tổng đàn gà đồi khoảng 6 triệu con. Trong đó, chăn nuôi gà quy mô lớn tập trung ở 7 xã, phường: Bắc An, Lê Lợi, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm, Hoàng Tân và Hoàng Tiến. Ở các địa phương này hiện có gần 1.000 hộ nuôi với quy mô từ 1.000 con/đàn trở lên. Mặc dù nhu cầu con giống gà đồi của người chăn nuôi rất lớn nhưng hiện nay trên địa bàn thị xã chỉ có vài hộ nuôi gà sinh sản và mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Để có nguồn giống, người dân phải mua từ nhiều nơi như huyện Gia Lộc, các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (TP Hà Nội)...
Để từng bước chủ động nguồn giống tại chỗ, thời gian qua, thị xã Chí Linh và cơ quan chuyên môn của tỉnh đã quan tâm gây dựng, phát triển đàn gà bố mẹ. Trong các năm 2015 - 2017, thị xã Chí Linh thực hiện dự án khoa học, công nghệ của tỉnh sản xuất một số giống gà chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm "Gà đồi Chí Linh". Dự án chọn 3 hộ có kinh nghiệm nuôi gà giống là hộ ông Lê Đình Dũng (phường Cộng Hòa) nuôi giống Đông Tảo lai, hộ ông Bùi Ngọc Oanh (xã Hoàng Hoa Thám) nuôi giống gà mía lai và hộ ông Vũ Văn Trình (xã Lê Lợi) nuôi giống gà chọi lai. Các hộ đều được hỗ trợ toàn bộ 100 con gà trống, 1.000 con gà mái (trị giá 31 triệu đồng), 13 triệu đồng thuốc thú y và 50% giá trị máy ấp trứng có công suất 10.500 quả/mẻ. Các hộ đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, thời gian chăm sóc gà bố mẹ và làm gà giống. Kết thúc dự án, có hai hộ làm gà giống chọi lai và mía lai cho hiệu quả tốt. Riêng hộ làm giống gà Đông Tảo lai do con giống bố mẹ không bảo đảm nên không thành công. Sau khi hoàn thành dự án, các gia đình này tiếp tục duy trì sản xuất gà giống cung cấp cho thị trường.
Do các hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cộng với nguồn gà bố mẹ bảo đảm nên cho nguồn giống tốt, gà thương phẩm sinh trưởng, phát triển ổn định, chất lượng thịt cao. Gà giống sản xuất tại địa phương có khả năng sống và kháng bệnh tốt hơn do quen thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước. Mua con giống tại địa phương, người nuôi không phải vận chuyển đi quãng đường xa nên khi về chăn thả tại các hộ gà khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao. Trong khi đó, nếu người dân dùng con giống trôi nổi, giá rẻ rất dễ lây nhiễm, mang mầm bệnh về địa phương. Chị Nhữ Thị Luyến ở thôn Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám) nuôi gà thương phẩm được 10 năm nay. Mỗi tháng bình quân gia đình chị bán 3.000 con gà thịt. Từ khi gia đình ông Bùi Ngọc Oanh ở cùng xã làm được con giống, chị đã mua hơn 10.000 con. "Mua con giống ở đây gia đình tôi thấy yên tâm vì biết rõ con bố mẹ, quy trình làm giống. Tính ra tôi tiết kiệm được trên dưới 1 triệu đồng/1.000 con so với mua ở ngoài. Gà khỏe, ít bị bệnh, tỷ lệ chết thấp", chị Luyến cho biết. Chị Luyến làm một phép so sánh: trước đây nếu bắt 1.000 con giống ở tỉnh ngoài thì khi xuất bán, đàn gà nhà chị chỉ còn 900 con. Nhiều hộ ở thôn bắt giống ở ngoài có đàn chết mất gần một nửa. Nay chị bắt giống ở địa phương, tỷ lệ chết chỉ 20 - 50 con/ 1.000 con.
Ông Cao Văn Hào, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Chí Linh cho biết: "Hiện nay, ngoài 2 hộ ông Oanh, ông Trình, còn một vài hộ khác cùng làm con giống. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng đã khẳng định việc làm con giống tại chỗ là hướng đi đúng để phát triển thương hiệu "Gà đồi Chí Linh". Gà giống tại chỗ đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội so với con giống mua ở nơi khác".
Còn nhiều khó khăn
Tuy việc làm con giống tại chỗ phát huy hiệu quả tích cực nhưng hiện nay khó nhân rộng. Ông Bùi Ngọc Oanh, chủ hộ nuôi gà sinh sản ở xã Hoàng Hoa Thám cho biết: "Muốn nuôi gà sinh sản phải chọn được con bố mẹ thật tốt. Nếu không biết cách chăm sóc, gà mái không đẻ được hoặc đẻ được nhưng chất lượng trứng không bảo đảm yêu cầu". Do chu kỳ nuôi gà sinh sản kéo dài 2 năm nên thường xuyên phải tiêm vắc-xin phòng bệnh, trung bình 2,5 - 3 tháng/lần. Khi gà mái bị bệnh hoặc đến kỳ sinh sản cũng phải dùng thuốc, thức ăn đặc chủng, nếu không chúng sẽ mất khả năng sinh sản... Làm con giống vừa vất vả, quy trình phức tạp chính là nguyên nhân khiến nhiều người không mấy quan tâm đến việc này. Ngoài ra, vốn đầu tư ban đầu lớn, lại thu hồi vốn chậm hơn so với nuôi gà thương phẩm. Gà sinh sản phải sau 5 tháng nuôi mới bắt đầu đẻ trứng, trong khi gà thương phẩm chỉ nuôi trên dưới 3 tháng là có thể xuất chuồng, hiệu quả kinh tế nhìn thấy ngay. Nếu gặp lúc giá xuống thấp, người nuôi có thể tiếp tục nuôi chờ giá lên hoặc bán hết đàn là thôi. Còn với gà sinh sản, dù giá gà giống thấp, người nuôi vẫn phải duy trì nuôi gà bố mẹ. Nếu bán đi thì giá rất thấp, thiệt hại lớn. Hiện nay, nguồn điện lưới cung cấp chưa ổn định, nhất là vào mùa hè, gây nhiều khó khăn cho các hộ dùng máy ấp trứng.
Ngoài một số hộ được đầu tư, trang bị kiến thức nên có thể sản xuất được con giống bảo đảm chất lượng, ở thị xã Chí Linh hiện vẫn còn một số hộ nuôi gà sinh sản phần lớn dựa vào kinh nghiệm, chưa thực hiện đúng quy trình khoa học, kỹ thuật. Quy mô sản xuất của các hộ này nhỏ lẻ, thủ công nên chất lượng con giống không đồng đều, sinh trưởng, phát triển kém.
Để không ngừng duy trì và phát triển thương hiệu "Gà đồi Chí Linh" ở trong và ngoài nước, một trong những yếu tố hàng đầu là phải chủ động được nguồn cung cấp và kiểm soát giống. Các hộ nuôi gà của thị xã Chí Linh mong muốn tỉnh và địa phương quan tâm đầu tư phát triển các mô hình nuôi gà sinh sản có quy mô lớn, hiện đại để chủ động nguồn cung cấp con giống ổn định, chất lượng cao. Địa phương cần quy hoạch xây dựng khu nuôi gà sinh sản tập trung, đồng thời tiếp tục có cơ chế hỗ trợ những hộ nuôi gà sinh sản...
DANH TRUNG (Báo Hải Dương điện tử)